NSND Phạm Quang Vinh: Người ẩn mình sau những thước phim

Thứ Tư, 17/08/2011, 08:10
Khi chúng tôi gọi điện cho NSND Phạm Quang Vĩnh, nghe đầu dây, giọng ông ngập ngừng: "Gần đây, chú chẳng làm phim gì!". Nhưng, những ai quan tâm tới dự án phim lịch sử "Thái sư Trần Thủ Độ" đều biết ông vừa hoàn thành với vai trò tổng họa sĩ thiết kế mỹ thuật cách đây không lâu. Gần 70 tuổi, với một người như NSND Phạm Quang Vĩnh, trăn trở "không làm phim" là khoảng thời gian... vài tháng khiến những người trẻ cũng thấy nể phục...

Một cánh đồng bạt ngàn hoa cải nơi núi rừng Tây Bắc nên thơ trong "Chuyện của Pao", một bến nước hắt hiu, ám ảnh trong "Bến không chồng", một khung cảnh chiến tranh khốc liệt trong "Tiếng cồng định mệnh", những cung vua phủ chúa sơn son thếp vàng trong "Thái sư Trần Thủ Độ"... là những bối cảnh góp phần không nhỏ tạo nên thành công cho bộ phim. Tác giả của những bối cảnh phim chân thực và biểu cảm ấy là họa sĩ thiết kế mỹ thuật, NSND Phạm Quang Vĩnh. Hơn 40 năm trong nghề, ông vẫn thầm lặng, miệt mài sáng tạo sau ống kính máy quay, góp phần làm nên thành công của nhiều bộ phim truyện nhựa của điện ảnh Việt Nam...

1. Khi chúng tôi gọi điện cho NSND Phạm Quang Vĩnh, nghe đầu dây, giọng ông ngập ngừng: "Gần đây, chú chẳng làm phim gì!". Nhưng, những ai quan tâm tới dự án phim lịch sử "Thái sư Trần Thủ Độ" đều biết ông vừa hoàn thành với vai trò tổng họa sĩ thiết kế mỹ thuật cách đây không lâu. Gần 70 tuổi, với một người như NSND Phạm Quang Vĩnh, trăn trở "không làm phim" là khoảng thời gian... vài tháng khiến những người trẻ cũng thấy nể phục. Sở dĩ dịp này ông ở nhà vì ông vẫn đang trong thời kỳ dưỡng bệnh. Sau khi dồn sức cho bộ phim về đề tài lịch sử này, ông bị đổ bệnh mấy tháng. Đã có lúc tưởng chân không đi được. Lúc này, ông đã đi lại nhúc nhắc nhưng đôi khi vẫn cần tới sự trợ giúp của cái nạng gỗ. Gần nửa thế kỷ theo nghề, năm nào cũng rong ruổi đi làm 1- 2 phim, giờ đây ở nhà mấy tháng cũng khiến ông có lúc thấy bứt rứt nhớ nghề. Nên nói chuyện gì, cuối cùng ông vẫn quay lại lĩnh vực thiết kế mỹ thuật cho phim mà ông tâm huyết gần nửa thế kỷ qua.

Với NSND Phạm Quang Vĩnh, bộ phim gần đây ông đảm nhiệm với vai trò thiết kế mỹ thuật là "Thái sư Trần Thủ Độ". Ông tâm sự, đây là bộ phim lấy của ông nhiều công sức nhất nhưng bù lại, cũng mang đến cho ông những hứng thú khôn cùng. Trong quan niệm của NSND Phạm Quang Vĩnh, bối cảnh không chỉ là chỗ để diễn viên diễn xuất mà còn là một "nhân vật đặc biệt". "Nhân vật" này không nói nhưng có khả năng phản ánh sâu sắc ý tưởng bộ phim. "Thái sư Trần Thủ Độ" cũng là bộ phim lịch sử đầu tiên được thực hiện ở trường quay Cổ Loa. Từ một khoảng đất trống, NSND Phạm Quang Vĩnh đã phải vẽ hàng nghìn cảnh từ mô hình chung, toàn cảnh cho tới chi tiết.

Ba năm làm phim "Thái sư Trần Thủ Độ", ông dành hơn một năm để đọc sách, tham khảo trường quay cổ trang nước ngoài, hỏi ý kiến của các nhà Sử học đầu ngành... Không có bối cảnh sẵn nên mọi cảnh quay đều phải thiết kế từ đầu. Ông bảo, phải tự tay thiết kế từ kiểu dáng, hoa văn trên chén uống nước đến cấu trúc hàng trăm ngôi nhà. Phim dài tập, bối cảnh diễn ra ở nhiều nơi nên ông cùng các cộng sự vẽ hàng trăm kiểu dáng nhà khác nhau. Cung vua phải khác cung hoàng hậu, càng khác nhà quan, nhà dân... Từ việc chọn rèm cửa màu gì, chất liệu gì cũng là điều không dễ dàng. Công việc đỏi hỏi sự công phu, tỉ mỉ và khả năng sáng tạo của mỗi nghệ sĩ.

NSND Phạm Quang Vĩnh chia sẻ, bắt tay vào làm phim lịch sử mỗi họa sĩ phải có một cách cảm nhận và thể hiện khác nhau. Làm đẹp, phù hợp không sao nhưng xấu, phản cảm thì họa sĩ sẽ bị phản ứng ngay. Ông cũng quả quyết, sáng tạo thế nào thì sáng tạo nhưng phải ra hồn Việt. Nói rồi ông chỉ cho chúng tôi xem ví dụ một bối cảnh ở trường quay cổ trang nước ngoài. Nếu để nguyên, sẽ mang đậm màu sắc dân tộc đó nhưng để phục vụ cho một cảnh quay phim Việt, ông cùng các cộng sự kỳ công lắp thêm đầu rồng, thay cửa bằng hoa văn truyền thống là ra ngay bản sắc Việt Nam.

NSND Phạm Quang Vĩnh là người giữ vai trò họa sĩ chính của nhiều phim Việt Nam nhất cho đến thời điểm này. Ông sinh  năm 1944 tại Hà Nội, trong một gia đình có truyền thống về hội họa. Cha ông là họa sĩ Phạm Hậu, cựu sinh viên Trường Mỹ thuật Đông Dương (cùng thời với những họa sĩ nổi tiếng như Trần Văn Cẩn, Nguyễn Gia Trí)... Sau này, họa sĩ Phạm Hậu còn là một trong những giảng viên tiền bối của Trường Mỹ thuật Công nghiệp. Phạm Quang Vĩnh cũng tốt nghiệp Trường Mỹ thuật công nghiệp, sau đó tham gia lớp học thiết kế Mỹ thuật đầu tiên của Trường Điện ảnh do các chuyên gia Liên Xô (cũ) giảng dạy. Năm 1964, họa sĩ Phạm Quang Vĩnh về công tác tại Hãng phim truyện Việt Nam. Sau 3 năm về Hãng, năm 1967, họa sĩ Phạm Quang Vĩnh đã đánh dấu tài năng của mình với vai trò họa sĩ chính trong phim "Biển gọi". Từ đó đến nay, hầu như năm nào ông cũng đảm nhiệm vai trò họa sĩ thiết kế từ 1 tới 2 phim truyện nhựa và chưa bao giờ ngừng nghỉ.

2. Khi cuộc sống ngày càng công nghiệp hóa, cảnh vật bị "bê tông hóa" và trường quay chuyên nghiệp vẫn là mơ ước xa vời của những nhà làm phim thì công việc của những họa sĩ thiết kế mỹ thuật càng vất vả, nhất là những phim có bối cảnh xưa cũ. Cho đến giờ, những ngày đi tìm cảnh quay cho phim "Bến không chồng" (đạo diễn Lưu Trọng Ninh) vẫn hằn sâu trong ký ức NSND Phạm Quang Vĩnh. Ròng rã mấy tháng trời ở khắp các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ vẫn không thể tìm được một bến nước mang không khí xa vắng, quạnh hiu như trong kịch bản. Cuối cùng, đoàn làm phim đành phải quay ở 3 nơi: Làng gốm Phù Lãng, Chùa Thầy và Đình Sơ. Trong đó, bến nước dưới gốc cây gạo trong phim chính là bến nước ở Chùa Thầy.

Để mang dấu tích cổ xưa, ông quyết định thiết kế lại bậc bằng gỗ rồi dán gạch lên trên, sau đó cho mài nhẵn. Sau này xem phim, không ít khán giả ám ảnh bởi bối cảnh mà họa sĩ tạo nên trong phim này. Đó là một bến nước cô đơn như tâm trạng của những người đàn bà nơi đây với gốc cây gạo xù xì, đơn độc, một mái nhà thủy đình với cây cầu lẻ loi... Để làm "nổi" sự khô cằn, khắc nghiệt của cuộc sống nơi đây, ông quyết định mua 20 xe đá ong để làm căn nhà của bà Hơn. Còn căn nhà ông Vạn - nhân vật chính của phim, NSND Phạm Quang Vĩnh thiết kế đó là căn nhà chắp vá bằng những bức tường chum lọ, phên nứa và những cái tiểu sành lát nền như cuộc đời chắp vá, số phận trớ trêu của người đàn ông này.

Là một họa sĩ thiết kế có tiếng nhưng - như NSND Phạm Quang Vĩnh chia sẻ - ông đặc biệt có sự hứng thú với những đạo diễn trẻ. Sự thành công của "Chuyện của Pao" (bộ phim đầu tay của đạo diễn Ngô Quang Hải) có sự góp sức rất lớn của phần thiết kế mỹ thuật. Xem "Chuyện của Pao", khán giả thật khó quên một vườn hoa cải vàng rực trước nhà Pao, mái ngói xanh xám, hàng rào đá, cổng ngõ rêu phong... một phong cảnh không chỉ đậm chất Tây Bắc mà còn ẩn chứa trong đó rất nhiều tâm trạng của Pao.

NSND Phạm Quang Vĩnh chia sẻ, khi bắt tay vào làm phim "Chuyện của Pao", ông cùng đoàn làm phim dành nhiều tháng trời lang thang khắp tỉnh Hà Giang. Nhưng khó là chỗ được nhà thì không được cảnh và ngược lại. Cuối cùng, khi chọn được vị trí phù hợp, ông đã phải dựng lại hoàn toàn nhà của Pao. Để có bức tường rào đá, đoàn làm phim phải mua 20 xe ben đá xếp thành tường, sau đó phun rêu. Cánh đồng hoa cải nhìn như thật trong phim thực ra được làm từ 4.000 bông hoa bằng lụa. Căn nhà sàn của Pao cũng được dựng bằng gỗ kéo từ... Hà Nội lên. Bởi vì, nếu mua gỗ ở Hà Giang, phần lớn là gỗ tươi, chưa qua giai đoạn cưa, xẻ, phơi nên không đảm bảo chất lượng. NSND Phạm Quang Vĩnh sáng tạo thêm chi tiết căn phòng nhỏ của Pao có cửa sổ nhìn ra cổng, góp phần diễn tả tâm trạng Pao rất hiệu quả. Sau này, nhiều đoàn du lịch lên Đồng Văn cứ hỏi địa chỉ để đến thăm nhà Pao, nhưng căn nhà ấy đã được dỡ, trả mặt bằng cho địa phương. Riêng bức tường đá được ông trưởng bản tặng cho các gia đình ở nơi đó làm kỷ niệm.

Tình yêu nghề và sức sáng tạo không ngừng nghỉ đã mang đến cho NSND Phạm Quang Vĩnh nhiều giải thưởng về thiết kế mỹ thuật. Ngay từ năm 1988, tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 8, Phạm Quang Vĩnh đã được trao giải Họa sĩ xuất sắc cho phim "Thủ lĩnh áo nâu" (đạo diễn Trần Phương). Năm 2004, tại giải thưởng Cánh diều vàng, Phạm Quang Vĩnh vinh dự được nhận 3 giải cá nhân cho các phim "Tiếng cồng định mệnh", "Hàng xóm" và "Hà Nội, Hà Nội". Khả năng thiết kế mỹ thuật của ông không chỉ ở mảng phim lịch sử, chiến tranh, nông thôn mà còn ở mảng đề tài thành thị. Ở phim nào, ông cũng khẳng định dấu ấn sáng tạo riêng. Mỗi bộ phim là một cuộc hành trình, là một lần khả năng sáng tạo được phép phát huy với mong muốn mang đến cho khán giả những gì chân thực, sống động và biểu cảm nhất. Nhưng mỗi bộ phim qua, ông lại thấy tiếc vì giá như có thể "được làm lại"!

30 năm qua, bên cạnh NSND Phạm Quang Vĩnh luôn có sự chăm sóc của vợ ông - NSƯT Diệu Thuần. Ông bảo, trong sự thành công của ông ngày hôm nay, có công lao rất lớn của người vợ hiền. Là một trong những nghệ sĩ tốt nghiệp khóa 2 của Trường Đại học Sân khấu điện ảnh, vai o Thùy trong phim "Ngày ấy bên sông Lam" không chỉ mang về cho NSƯT Diệu Thuần giải Diễn viên xuất sắc nhất mà còn là mối lương duyên đưa họ đến với nhau. Vẻ đẹp dịu dàng nền nã và diễn xuất tự nhiên, chân thực, NSƯT Diệu Thuần hoàn toàn có thể tiến xa hơn nữa trong con đường nghệ thuật. Nhưng, nghệ sĩ Diệu Thuần đã tình nguyện trở thành hậu phương vững chắc, chăm sóc con cái để ông yên tâm với những chuyến đi đằng đẵng trong sự nghiệp của mình.

Gần 30 năm bên nhau, gia đình ấy chưa bao giờ vơi tiếng cười hạnh phúc. Tài năng hội họa của cha, niềm đam mê điện ảnh của cả cha và mẹ đã kết tinh ở những người con. Hai người con của vợ chồng NSND Phạm Quang Vĩnh và NSƯT Diệu Thuần đều tốt nghiệp Trường ĐH Mỹ thuật Công nghiệp và Trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh, tiếp bước mẹ cha phục vụ trong ngành Điện ảnh

Thảo Duyên
.
.