NSND Lê Ngọc Cường: Sợ nhất là phải đóng bộ complê, cà vạt

Thứ Ba, 23/04/2013, 08:00
Là Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn trong suốt thời gian gần 10 năm, phải dự, chủ trì biết bao cuộc họp, nhưng hễ có cuộc nào "trốn" được việc mặc complê là NSND Lê Ngọc Cường phấn khởi lắm. Ông chia sẻ rằng, bao nhiêu năm làm quản lý, nhưng hễ cứ phải đóng bộ complê vào người là ông có cảm giác ngượng nghịu như mình không còn là chính mình nữa...

NSND Lê Ngọc Cường nguyên là Cục trưởng Cục nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch) và hiện là Phó Chủ tịch thường trực Hội nghệ sĩ Múa Việt Nam. Nửa thế kỷ gắn bó với nghệ thuật múa ở nhiều cương vị khác nhau nhưng cho tới khi về hưu, ông vẫn chưa thôi nhớ thương cái nghề mình đã trót đa mang từ khi còn là cậu bé 11 tuổi. Là nhà quản lý văn hóa trong nhiều năm, song NSND Lê Ngọc Cường luôn là một người giản dị, gần gũi. Ông chia sẻ rằng, trong đời, điều khiến ông sợ nhất lại chính là khi phải đóng bộ complê, cà vạt để xuất hiện và nói chuyện trước đông người.

Là Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn trong suốt thời gian gần 10 năm, phải dự, chủ trì biết bao cuộc họp, nhưng hễ có cuộc nào "trốn" được việc mặc complê là NSND Lê Ngọc Cường phấn khởi lắm. Ông chia sẻ rằng, bao nhiêu năm làm quản lý, nhưng hễ cứ phải đóng bộ complê vào người là ông có cảm giác ngượng nghịu như mình không còn là chính mình nữa. Ông cũng không lý giải được việc tại sao chỉ là một bộ trang phục khác ngày thường thôi mà chân tay ông bỗng trở nên quýnh quáng, thừa thãi và bối rối khi phát biểu, nói chuyện trước đồng nghiệp, bạn bè. Thế nên, chỉ trừ những cuộc họp không thể "trốn" mặc complê như tiếp kiến Bộ trưởng hoặc trong các nghi lễ ngoại giao, còn lại, NSND Lê Ngọc Cường luôn chỉ thích mặc một chiếc áo sơ mi, sơvin giản dị và ông thấy mình tự tin nhất trong trang phục đơn giản ấy. Việc này cũng khiến không ít anh em, đồng nghiệp tỏ ra ái ngại, bởi chính họ muốn người lãnh đạo của mình xuất hiện là phải oai, phải ra dáng… sếp một tí. Cũng chính sự đơn giản trong cách ăn mặc ấy khiến Cục trưởng Lê Ngọc Cường nhiều khi lẫn vào trong đám đông của các cuộc hội họp ồn ào làm cho nhiều người muốn gặp phải tìm mãi mới thấy. Không hiếm lần ông đi công tác các tỉnh, do chủ nhà chưa biết mặt ông nên khi ra đón, họ toàn bắt tay anh… lái xe trước vì nhầm. Không bao giờ Lê Ngọc Cường lấy đó làm phiền lòng. Ông bảo: "Cứ ăn mặc như thế nào mình cảm thấy thoải mái nhất là được, chứ đâu cần phải lúc nào cũng "đóng hộp" làm gì. Vả lại, "áo đẹp chẳng làm nên người sang" cơ mà, sao cứ phải cố làm cái điều mà mình không thích, điều khiến mình cảm thấy "khó ở", phải không?".

Xuất thân trong một gia đình nông dân nghèo ở Thanh Hóa, một ngày nọ, cậu bé Lê Ngọc Cường đã trúng tuyển vào trường Múa Việt Nam trong sự ngỡ ngàng của bà con cô bác, dân làng. Ngày ấy, nghe tin có đoàn cán bộ từ Hà Nội vào thị xã Thanh Hóa tuyển học viên múa, Cường cùng một đám bạn lâu nhâu kéo nhau đi… thi tuyển. Qua các bài kiểm tra năng khiếu cảm thụ âm nhạc, tiết tấu, độ mềm dẻo, sức bật, hình thể, khả năng mô phỏng…, Cường được thông báo trúng tuyển ngay mà không cần chờ "giấy báo trúng tuyển" sau một vài tháng như nhiều người khác. Vậy là, từ giã ruộng đồng, từ giã công việc chăn trâu cắt cỏ, làm phân xanh, phơi thóc, bắt cua… quen thuộc ở quê nhà, cậu bé Cường khăn gói ra Hà Nội học múa. Ông tâm sự: "Ngày ấy, được ra Hà Nội học là cả làng mừng thay. Gia đình tôi nghèo, bố lại mất sớm, nên việc tôi bỗng dưng được "nhà nước nuôi", không chỉ gia đình tôi mà làng xóm cũng rất tự hào nên cả làng đến tiễn chân khi tôi đi...".

Chắc hẳn người mẹ tảo tần của NSND Lê Ngọc Cường cũng như anh em chòm xóm trong buổi tiễn chân cậu bé 11 tuổi lên đường ra Hà Nội ngày ấy cũng không thể ngờ một ngày kia cậu bé ấy trở thành một Nhà giáo Ưu tú đã rèn rũa nhiều thế hệ học trò thành danh từ trường múa; một NSND với nhiều tác phẩm múa xuất sắc... Là con nhà nghèo, nhớ lời mẹ dặn dò, gửi gắm nên ra đến Thủ đô, cậu bé Ngọc Cường chăm chỉ học hành để luôn có được thành tích tốt nhất trong các năm học. Đến năm học thứ 7 của khóa đào tạo, Lê Ngọc Cường được giữ lại làm "trợ giáo" phụ giúp cho các giảng viên chính của trường. Bởi vậy, sau khi tốt nghiệp, mặc dù được nhiều đoàn nghệ thuật "xin", song ông đã ở lại trường làm giảng viên vì lúc ấy đã cảm thấy thực sự yêu thích công việc dạy học và ông đã gắn bó với công việc ấy trong suốt 30 năm để rồi trở thành một Nhà giáo ưu tú như hôm nay.

Đam mê sáng tạo nên ngay từ khi còn là sinh viên, Lê Ngọc Cường đã có tác phẩm múa được biểu diễn trên nhiều sân khấu lớn như "Hứng dừa", "Vãn cảnh chùa", "Xuân về trên bản Mèo", "Những chàng trai vui tính"... Học chuyên ngành múa dân gian dân tộc nên Lê Ngọc Cường mê mải với các chuyến đi đến các vùng miền của đất nước tìm chất liệu sáng tác, đồng thời là chất liệu sau này ông đưa vào giảng dạy. Đi đến đâu, ông cũng tìm thấy nguồn cảm hứng mới mẻ và để lại dấu ấn trong các sáng tác của mình. Với cuốn sổ nhỏ trên tay, Lê Ngọc Cường luôn sẵn sàng thu nạp mọi kiến thức ông bắt gặp trên đường, ghi lại những cảm xúc hay một "tứ thơ" mà thiên nhiên, con người bất chợt đem đến. Sự ghi chép bài bản, cặn kẽ cùng với cách tư duy bay bổng, lãng mạn và biết phát hiện vấn đề đã khiến cho Lê Ngọc Cường có được nhiều đề tài múa hay mà nhiều người không phát hiện ra. Ông tâm sự: "Đi thực tế ở Tây Nguyên, nhìn những hình nộm bà con làm để đuổi chim chóc muông thú khỏi phá rẫy rất ngộ nghĩnh, tôi nảy ra ý tưởng viết bài múa "Những chàng trai vui tính" lấy cảm hứng từ những hình nộm trên nương. Lên đến Tây Bắc, bắt gặp những chiếc ô của các cô gái Mông, kết hợp với hình ảnh những chiếc ô ở miền đồng bằng, thành phố hay làm quán giải khát tôi viết "Đường về bản" và "Một chiều xóm núi". Khi đó chiếc ô không còn là chiếc ô nữa mà biến hóa: khi thì là tán cây, khi là bầu trời, khi là vầng trăng để đôi trai gái tự tình…".

Ba mươi năm làm thầy giáo, nhưng dường như chưa bao giờ NSND Lê Ngọc Cường rời xa sân khấu biểu diễn, bởi những tác phẩm múa của ông thường xuyên thay ông xuất hiện trên sân khấu lớn. Sở dĩ những tác phẩm múa dân gian, dân tộc do NSND Lê Ngọc Cường biên đạo lâu nay được nhiều đoàn lựa chọn để dàn dựng, biểu diễn hay tham gia các cuộc thi, các kỳ liên hoan nghệ thuật được lý giải đó là những bài múa chất chứa nhiều xúc cảm tự nhiên, giản dị trong kết cấu, xử lý sân khấu dung dị, gần gũi với quần chúng. Phải thừa nhận rằng, có những năm tháng, tác phẩm múa của NSND Lê Ngọc Cường dường như "làm mưa làm gió" trong các kỳ Hội diễn nghệ thuật Múa toàn quốc. Kỷ lục trong một kỳ Liên hoan, có tới 18 tiết mục được dàn dựng từ các tác phẩm của ông. NSND Lê Ngọc Cường cũng là người xác lập "kỷ lục Huy chương" trong lĩnh vực múa của nước nhà mà đến nay khó có người vượt qua được. Trong "gia tài" các tác phẩm múa độc lập của ông, đã 37 lần ông đoạt Huy chương Vàng, 48 lần đoạt Huy chương Bạc và 28 Giải thưởng của các Hội Văn học nghệ thuật. Nếu như năm 2006, ông vinh dự được Nhà nước trao tặng danh hiệu NSND và Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật thì 10 năm trước đó, khi được trao danh hiệu NSƯT ông cũng đồng thời được trao tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú.

Có lẽ luôn giữ trong mình cái "gốc gác" nhà quê giản dị nên NSND Lê Ngọc Cường luôn dị ứng với những cái phù phiếm, hào nhoáng bên ngoài. Ở nơi nào có quá nhiều người nói là ông chịu chết không diễn thuyết được, mọi ngôn ngữ cứ biến đi đâu cả. Nhưng nếu trong một không gian cụ thể như lớp học, khán phòng với những gương mặt và ánh mắt điềm tĩnh của học viên, nghệ sĩ thì ông lại có thể đem phơi bày mọi điều gan ruột, có thể thăng hoa lập tức, nói say sưa như… lên đồng, vừa giảng bài vừa đọc thơ, lồng các ý thơ vào khiến người nghe say mê. Trong nhiều năm làm Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, đã có vài trăm đêm ông phải đi xem các vở diễn của bộ môn sân khấu để nhận xét, góp ý, duyệt vở diễn của các đoàn trước khi đưa ra công diễn. Ông tâm sự: "Công việc này chẳng phải chuyện "dễ xơi", nhưng mỗi vở tôi đều cố gắng tìm ra cho được cái "chìa khóa" để góp ý với họ trên cái nền kiến thức về sân khấu mà mình đã có. Góp ý thế nào để họ nghe ra được để mà sửa mới là vấn đề, chứ toàn nhận xét vở của các đạo diễn Doãn Hoàng Giang, Lê Hùng, Xuân Huyền… mà không biết cách, các ông ấy nhảy vào… đấm mình liền đấy chứ chẳng chơi đâu!".

Năm tháng qua đi, những nỗ lực của NSND Lê Ngọc Cường đã được đền đáp. Ông trở thành một người "có danh", được nhiều người yêu mến, nể trọng. Song trong sâu thẳm tâm hồn, NSND Lê Ngọc Cường luôn mang niềm tiếc nuối bởi thương người mẹ già nơi quê nghèo bao năm tần tảo sớm hôm nuôi đàn con thơ khôn lớn trưởng thành mà ông chưa kịp báo đáp ơn nghĩa đã vội đi xa…

Nguyệt Hà
.
.