NSND Doãn Hoàng Giang: Tôi là người cả nể

Chủ Nhật, 26/08/2007, 17:10
NSND Doãn Hoàng Giang tâm sự: "Nhiều đoàn kịch họ biết “phỏm” của mình, họ bảo nhau, cứ nói nhiều vào là Doãn Hoàng Giang sẽ vì “cả nể” mà làm. Bởi vậy, nhiều khi cũng muốn nghỉ ngơi rồi nhưng vẫn chưa có được một ngày để thong thả. Chừng nào biết nói chữ Không thì đời tôi mới sướng được".

Tôi là người hấp dẫn

- Thưa NSND Doãn Hoàng Giang, trên mạng Internet chỉ cần gõ tên ông là lập tức có được hàng trăm bài viết về ông. Hỏi thật, ông có lưu giữ và tổng kết xem có bao nhiêu bài báo viết về mình, trong suốt cuộc đời làm nghề sân khấu không?

+ Phải nói thật rằng khoảng 10-15 năm trở lại đây tôi mới có ý thức lưu giữ những bài viết liên quan tới mình, tới vở diễn của mình. Bao nhiêu tư liệu từ thời xa xưa, khi mình còn trẻ đều đã mất hết. Nhiều vở diễn đánh dấu những giai đoạn quan trọng trong cuộc đời tôi hiện nay chỉ còn lưu được vài tấm ảnh. Tôi tiếc nhất là vở “Bài ca Điện Biên” dàn dựng công phu với 300 diễn viên, rất “hoành tráng”. Rất nhiều bài báo viết về vở diễn này nhưng tôi đã không giữ được tới hôm nay. Tôi không thống kê số lượng các bài báo viết về mình, chỉ biết từ khi có ý thức lưu giữ đến nay, những tờ báo có bài viết về tôi, xếp chồng lên, cũng có thể cao đến vài thước.

- Cánh nhà báo thường nói vui về NSND Trọng Bằng, rằng nhìn phía nào cũng thấy Trọng Bằng “ra” một vị giáo sư hơn là “ra” một nhạc sĩ. Còn Doãn Hoàng Giang, nhìn phía nào cũng “ra” đạo diễn cả. Ông có cho rằng, ngoài tài năng, hình ảnh rất “hippi” của ông cũng là một lý do để “hút” sự quan tâm của báo chí không?

+ Điều này thì chắc chắn rồi. Đi đến đâu nói chuyện tôi cũng phải đảm bảo tôi là một người hấp dẫn đã. Bởi vì không hấp dẫn thì ai nghe mình chứ? Tôi hấp dẫn bởi cái gì? Trước tiên là cách ăn mặc của mình. Người ta để tóc thế này thì mình để tóc thế kia, cho nó khác đi. Mình mặc những trang phục có thể “giúp mình” nói lên phần nào cá tính, thẩm mỹ, nghề nghiệp của mình. Kế đến là cách nói chuyện. Nhà viết kịch Lưu Quang Thuận từng nhận xét rằng: “Giang là người nói chuyện hấp dẫn nhất nước này”. Đó là một lời khen đối với tôi. Trong lúc làm việc với các diễn viên tôi bao giờ cũng chú ý “phả” cái hồn, cái cảm xúc, cái đau đớn, day dứt của mình vào từng nhân vật. Nhiều đạo diễn dựng vở xong người xem cảm thấy khô lạnh, không thấy ông ta yêu, ghét nhân vật nào một cách rõ ràng. Nhưng tôi khác, tôi yêu, tôi ghét nhân vật nào, nó lồ lộ ở trên sân khấu, trong cái cách mà tôi “truyền hồn” cho diễn viên. Đối với tôi, khoa học là thứ làm cho con người yên lòng, còn nghệ thuật phải là thứ làm cho con người biết dằn vặt, suy nghĩ, bất yên. Nghệ thuật là con đường rất mong manh, chứa đầy bất trắc và lúc nào cũng có thể làm ta trượt ngã.

Sân khấu trở lại thời hoàng kim? Vẫn phải chờ đợi thôi...

- Kỷ niệm 50 năm thành lập Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, cũng là dịp để NSND Doãn Hoàng Giang nhìn lại hơn nửa thế kỷ gắn bó với sân khấu của mình. Không thể nhớ số lượng các bài báo viết về mình, vậy còn số lượng vở diễn ông đã dàn dựng thì chắc hẳn ông phải nhớ chứ?

+ Tôi chưa bao giờ làm một cuộc tổng kết. Vì tổng kết nó giống như mình đã dừng lại. Nhưng nếu “áng áng” thì có thể nói tôi đã dàn dựng khoảng chừng 300 vở diễn, đấy là chưa kể những vở ngắn, những trích đoạn, những thứ làm cho truyền hình. Đời sân khấu của tôi gắn liền với nhiều sự kiện quan trọng. Những vở diễn để sân khấu Việt Nam giao lưu với sân khấu các nước trên thế giới đều một tay tôi đảm nhiệm. Tôi cũng là đạo diễn làm nhiều vở diễn về Bác Hồ nhất, có thể kể ra một số vở nổi tiếng như “Bài ca Điện Biên”, “Đêm trắng”, “Lịch sử và nhân chứng”...

- Để nói mà không cần phải suy nghĩ về một vở diễn mà ông ấn tượng nhất trong đời mình, ông sẽ nói...

+ Đó là vở “Hà My của tôi”. Vở này tôi vừa viết kịch bản vừa đạo diễn. Nhìn lại, tôi cho rằng, đó là vở bộc lộ được những tinh hoa của chính mình trong cách viết, ý tưởng, thủ pháp nghệ thuật. Một vở mà diễn viên không ăn mặc đẹp, sân khấu không trang trí đẹp, không có diễn viên ngôi sao mà toàn vở là một ngôi sao - đấy là những gì báo chí đã viết. “Hà My của tôi” đề cập đến một vấn đề nóng bỏng của những năm đầu thời kỳ đổi mới. Nó cũng là một sự kiện của sân khấu thời kỳ đổi mới. Tất nhiên, vở diễn cũng làm tôi điêu đứng vì nhiều luồng dư luận khen chê khác nhau

- Là Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật của Hội, ông có thể nói ngắn gọn về thành tựu của sân khấu nửa thế kỷ qua?

+ Trong suốt chặng đường nửa thế kỷ đã qua, sân khấu Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu huy hoàng. Nó làm tốt vai trò, sứ mệnh của mình trong việc làm giàu có tinh thần, tư tưởng của nhân dân thời chiến tranh và là “cỗ xe tăng” mở đầu cho cuộc chiến chống tiêu cực thời kỳ chúng ta bắt đầu đổi mới. Nhiều vở diễn đã xuất hiện kịp thời, tiến thẳng vào những vấn đề nóng bỏng đang được dư luận quan tâm như nạn quan liêu, tham nhũng... Nhưng từ những năm 1995 trở lại đây thì sân khấu rơi vào tình trạng hiu hắt.

- Đã có một thời hoàng kim với nhiều vở diễn làm nức lòng khán giả như vậy, sân khấu bỗng chốc rơi vào “hiu hắt” một thời kỳ dài, theo ông nguyên nhân vì sao?

+ Sân khấu đang gặp khó khăn (chứ không “xuống cấp” như nhiều người vẫn nói). Nhiều vở diễn được đầu tư tài năng, tiền của, kỹ thuật tốt hơn trước nhưng vẫn không có khán giả. Gốc rễ của vấn đề ở đây cần phải hiểu, là hoàn cảnh xã hội đã khác đi rồi. Sân khấu đang bị những “người khổng lồ” có sức hấp dẫn mạnh mẽ hơn cạnh tranh khốc liệt như phim ảnh, truyền hình, âm nhạc, trò chơi... Trong cuộc chạy đua ấy, sân khấu đang ngày một mòn mỏi đi. Các rạp hát được xây dựng từ thời nảo thời nào đến nay đã cũ nát, hư hỏng nhiều, không còn phù hợp với công chúng… Những khách sạn sang trọng, những tòa nhà đẹp mọc lên như nấm, nhưng những công trình văn hóa như nhà hát thì bao năm rồi không thấy ai đầu tư, nâng cấp, hay xây mới...

- Trong cuộc chạy đua ấy, sân khấu đành “ngậm ngùi” chịu thua sao, thưa ông?

+ Tôi cũng đang lúng túng. Ngày trước, dựng xong một vở tôi có thể đảm bảo “Vở này khán giả sẽ xếp hàng dài cả cây số để chờ mua vé”, nhưng bây giờ thì chịu, tôi không “ba hoa” như vậy được nữa. Chúng ta đành phải chờ thôi. Chờ những nhà hát đủ sang trọng để đón chào những khán giả sang trọng của chúng ta ngày hôm nay. Chờ đời sống văn hóa được nâng cao hơn. Nhìn sang lĩnh vực thể thao, thấy các nhà tài trợ cứ tơi tới mà thương cho sân khấu. Ai sẽ là “nhà tài trợ” của sân khấu đây? Và chúng ta chờ những gương mặt diễn viên xứng đáng với sự trông đợi của khán giả...

- Chờ đến bao giờ, thưa ông?

+ Tôi thực lòng cũng không biết phải chờ bao lâu nữa. Cá nhân tôi vẫn cứ làm việc và lúc nào cũng bộn bề công việc. Và cứ làm xong một vở lại tự nhủ, thôi thì mình đã làm xong thêm một việc.

Không biết nói lời từ chối

- Doãn Hoàng Giang nổi tiếng là người chiều bạn. Ngoài sân khấu, bạn có ý nghĩa như thế nào trong cuộc đời ông?

 + Trong cuộc đời, tìm được một người bạn là rất khó. Xã giao thì có hàng nghìn. Tôi có thể chơi với rất nhiều kiểu người trong đời sống. Nhưng người bạn tâm huyết với mình, luôn yêu thương, khích lệ, động viên mình, người để mình có thể tiến lên phía trước mà không sợ ngọn giáo đâm phía sau lưng mình là hiếm hoi lắm. Bạn là tài sản rất quý giá trong cuộc đời. Vậy thì cớ gì ta lại không chiều bạn chứ?

- Nghe nói có người bạn đi xem vở diễn của ông thì khen tới tấp. Nhưng về nhà thì viết bài “đánh” vở diễn đó túi bụi...

+ Vâng, cũng có chuyện đó. Nhưng sau họ gặp mình và bảo: “Tôi phải “đánh” vào vở nổi tiếng thì tôi mới nổi tiếng được chứ”.

- Sau lưng ông, không có nhiều đạo diễn trẻ kế cận đủ sức để làm “phân tán” sự quan tâm của khán giả, dư luận dành cho ông. Giữ ngôi vị “quán quân” trong nhiều năm như vậy, cảm xúc của ông thế nào?

+ Phải nói thật rằng, tôi không lấy làm tự hào về điều này. Tôi rất thèm có một “thằng” đồng nghiệp trẻ, nó rất mạnh mẽ, rất giỏi, nó chạy “huỳnh huỵch” bên cạnh mình, làm cho “xương sườn” của mình nóng ran lên. Nó giỏi đến mức có lúc mình cũng nảy ra ý định là phải “chơi xấu” nó một cái, túm áo cho nó ngã, hay làm nó chạy chậm lại một chút (cười).

- Trong đời ông, nếu được phép làm lại hay thay đổi một điều gì, đó sẽ là...

+ Nếu được làm lại, tôi nghĩ tôi phải bớt chữ Dại đi. Tôi là người không biết nói lời từ chối, không thể nói Không. Nhiều vở diễn tôi không muốn dựng một chút nào vì chất lượng kém, mình không hứng thú. Nhưng anh em, bạn bè cứ nói mãi, có đứa còn bảo: “Anh không dựng cho em vở này, em sẽ mất chức đấy”. Thế thì tôi không từ chối được. Nhiều đoàn kịch họ biết “phỏm” của mình, họ cứ bảo nhau, cứ nói nhiều vào là Doãn Hoàng Giang sẽ vì “cả nể” mà làm. Bởi vậy, nhiều khi cũng muốn nghỉ ngơi rồi nhưng tôi vẫn chưa có được một ngày để thong thả. Tôi cứ làm việc như con trâu, con bò vậy. Chừng nào tôi biết nói chữ Không thì đời tôi mới sướng được.

- Xin cảm ơn NSND Doãn Hoàng Giang

.
.