NSND Bạch Diệp: Hai mươi năm một mình một bóng

Thứ Năm, 10/12/2009, 13:00
Bạch Diệp - người đàn bà từng được đồng nghiệp yêu mến, nể phục gọi với những biệt danh như "nữ tướng trường quay", "con hổ của trường quay", "người đàn bà đanh thép" và từng làm mưa làm gió trên phim trường với những bộ phim truyện như "Ngày lễ Thánh", "Trừng phạt", "Huyền thoại người mẹ", "Ai giận ai thương", "Hoa ban đỏ"... Tất cả những biệt danh trên đối với Bạch Diệp đều không... ngoa chút nào.

Một ngày đông giá, tôi đến thăm NSND Bạch Diệp. Áo len, áo khoác lụ xụ, bà ôm một con mèo trên tay ra mở cửa cho tôi. Một ngày mùa xuân ấm áp, tôi lại có việc ghé thăm ngôi nhà rộng nhiều tầng của bà. Lần này thật khó khăn lắm bà mới ra mở cửa được vì đôi chân bị bệnh viêm khớp sưng vù, đau nhức. Bà buồn rầu thông báo rằng chú mèo yêu quý tên là Jim, "người bạn thân thiết" bao năm của bà đã bị người ta... đánh chết! Nhìn ánh mắt của bà, tôi biết đó là nỗi đau giống như nỗi đau mất đi một người thân ruột thịt...

NSND Bạch Diệp rất yêu chó mèo. Ngày trước, mỗi lần đi làm phim xa về, thấy những con vật mình cưng chiều gầy xác xơ vì thiếu bàn tay chăm sóc, bà thường ôm chúng ngồi khóc. Những lúc rảnh rỗi, bà thường ôm chú mèo cưng vào lòng trò chuyện, hỏi han nó. Bà cứ tự hỏi, rồi tự trả lời, một mình sắm cả hai vai. Những đoạn đối thoại kiểu như thế này ta rất dễ gặp khi bất chợt ghé thăm Bạch Diệp:

- Em ăn cơm chưa?

- Ăn rồi ạ?

- Thế em ăn cơm với gì?

- Em ăn cơm với cá!

- Em ăn được nhiều không? Em ở nhà có ngoan không?

Bà kể rằng, nhiều lần hàng xóm định ghé chơi nhưng cứ nghe tiếng trò chuyện sau cánh cổng lại tưởng bà có khách nên không vào nữa. Hỏi ra mới hay, Bạch Diệp nói chuyện với... chú mèo thân thiết của mình. Câu chuyện được kể bằng giọng điệu không thể chân thật hơn của bà khiến tôi rơm rớm nước mắt. Trong lòng tôi chợt dâng lên niềm thương cảm xen lẫn nỗi xót xa chân thành. Đôi khi tôi tự hỏi, người đàn bà nghệ sĩ ấy hôm nay còn lại gì ngoài những bộ phim đã góp phần làm nên lịch sử điện ảnh Việt Nam?

Bởi vậy, thỉnh thoảng tôi lại gọi điện hỏi thăm sức khỏe của bà. Điều này khiến bà vừa ngạc nhiên vừa cảm động. Qua điện thoại, giọng bà vẫn rất... hào sảng như bản tính vốn có, nhưng tôi biết bà phải gắng gượng rất nhiều. Bệnh viêm khớp không ngừng hành hạ bà, nhất là khi trái gió giở giời. Nó khiến bà gặp nhiều khó khăn khi vận động, lại thêm tiền thuốc thang, châm cứu rất tốn kém mỗi khi bệnh tình trở nặng.

NSND Bạch Diệp sống chỉ có một mình một bóng đã 20 năm nay, sau khi chồng bà là ông Nguyễn Đức Tường - một cựu sĩ quan Công an - qua đời. Bà ngậm ngùi nói: "Năm nay đã là lần giỗ thứ 20 của ông nhà tôi rồi đấy! Buồn lắm. Nhớ lắm. Vì ngày còn sống, ông ấy rất chiều tôi. Tôi còn nhớ, có lần đến ngày lễ Nôen, tự dưng thấy tôi buồn, ông ấy liền dắt xe đạp ra rủ tôi đi chơi, rồi đưa tôi đến nhà thờ. Đó là người hiểu và thương tôi nhiều nhất!".

Nhà vắng vẻ nên thảng hoặc có người cháu đến ở cùng ít bữa rồi lại về. Với Bạch Diệp, có lẽ thiệt thòi lớn nhất trong đời là ông Trời đã không cho bà có được một đứa con để nương tựa khi tuổi già sức yếu. Nhưng ngay cả với chuyện này, bà cũng chấp nhận nó như cách an bài của số phận, bởi bà cho rằng: "Ông trời không cho ai tất cả bao giờ. Trời đã cho tôi chút khả năng làm việc thì lại lấy đi của tôi hạnh phúc được làm mẹ...".

Đến nay, khi có bệnh, bà phải có người giúp việc giúp đỡ bà trong sinh hoạt. Đã có hàng chục cô giúp việc đến ở cùng bà rồi lại lần lượt ra về vì vướng bận chuyện gia đình. Lúc ấy, những người thân quen lại nháo nhác tìm hộ bà người giúp việc, vì giờ đây thật bất ổn nếu Bạch Diệp chỉ có một mình. Căn nhà 3 tầng của Bạch Diệp trở nên quá rộng bởi vắng người và vắng tiếng cười.

Mỗi lần đến đó, tôi đều mang về cảm giác thiếu vắng u buồn. Cái cảm giác thật khó diễn tả thành lời. Có lẽ, ánh hào quang của quá khứ nay cũng chỉ còn là những kỷ niệm đẹp của một đời người đã sống hết mình, tận tâm tận lực với nghệ thuật. Chỉ còn nỗi cô đơn hiện hữu sớm tối và chắc hẳn người đàn bà ấy phải vô cùng nghị lực mới có thể giữ được nét hào sảng, lạc quan như thế cho đến tận hôm nay.

Có lần, tôi đánh bạo hỏi bà về mối duyên của bà với "ông hoàng thơ tình" Xuân Diệu. Bà cười buồn ngần ngại: "Chuyện qua đã lâu, nửa thế kỷ rồi, tôi cũng không muốn nói lại nữa đâu. Khi chia tay, tôi chuyển về ở cùng với bố mẹ rồi từ đó chúng tôi không một lần chạm mặt nhau, đến một tấm ảnh cũng không còn. Đến khi ông ấy mất, tôi lặng lẽ đến viếng và đưa tiễn ông ấy một quãng đường dài...".

Trong một lần trò chuyện với đạo diễn Long Vân, khi nhắc đến đạo diễn, NSND Bạch Diệp, ông không giấu nổi sự nể phục: "Đáng lẽ bà ấy nên sinh ra là một người đàn ông mới phải. Ngay cả khi đó, đàn ông chúng tôi còn chạy thua xa ấy chứ!". Đấy là cách đạo diễn Long Vân nói về sự mạnh mẽ, quyết đoán, khả năng làm việc, khả năng làm... "bá chủ" trường quay của người bạn nghề mà ông yêu quý.

Bạch Diệp - người đàn bà từng được đồng nghiệp yêu mến, nể phục gọi với những biệt danh như "nữ tướng trường quay", "con hổ của trường quay", "người đàn bà đanh thép" và từng làm mưa làm gió trên phim trường với những bộ phim truyện như "Ngày lễ Thánh", "Trừng phạt", "Huyền thoại người mẹ", "Ai giận ai thương", "Hoa ban đỏ"... Tất cả những biệt danh trên đối với Bạch Diệp đều không... ngoa chút nào.

Chính nhờ những phẩm chất ấy mới cho ra đời được những bộ phim mang đậm dấu ấn cá tính sáng tạo của Bạch Diệp không thể lẫn vào đâu được. Đó là nữ đạo diễn đầu tiên của điện ảnh Việt Nam, là người có thể bắt cả đoàn làm phim hàng trăm người thức trắng đêm làm việc và cũng là người đã nhiều lần gục ngã vì kiệt sức khi một ngày quay phim hoặc đi tìm bối cảnh làm phim kết thúc.

Cũng bởi trong mắt mọi người, Bạch Diệp là một người đàn bà nhiều "nam tính" nên rất ít người biết rằng, bà lại là người rất mau nước mắt. Mạnh mẽ đấy, mà cũng vô cùng yếu đuối. Bạch Diệp rất hay khóc một mình. Luôn có những câu chuyện trong cuộc sống làm bà rơi nước mắt, dù giờ đây "tuổi già hạt lệ như sương".

Trước đây, bà có thể mắng một diễn viên nào đó vì quay mấy chục đúp mà vẫn không thực hiện đúng ý đồ của mình nhưng quay xong cảnh là chị em lại ôm nhau khóc; có khi hướng dẫn diễn viên diễn một cảnh xúc động, có khi diễn viên chưa khóc thì đã thấy đạo diễn nước mắt chan hòa. Thì nay, đi đâu về khuya, nhìn thấy mâm cơm nguội lạnh, bà cũng tủi thân ngồi khóc rồi lên phòng ngủ nằm quay mặt vào tường... Nhiều khi xem một bộ phim cảm động, bà cũng ngồi khóc thương cho nhân vật. Rồi con chó, con mèo chết đi hay bị người ta đánh què chân, Bạch Diệp cũng khóc thương mấy ngày, quên cả ăn, quên chăm sóc bản thân.

Trong nhiều lần trò chuyện với tôi, người đàn bà đầy nghị lực ấy vẫn tâm niệm rằng bà là người hạnh phúc vì đã được sinh ra để làm công việc mình yêu thích và công việc ấy cũng mang đến cho bà nhiều vinh quang. Người ta chưa bao giờ nghe thấy Bạch Diệp thở than, oán trách số phận bao giờ mà luôn giữ một thái độ bình thản: "Cứ được làm việc là tôi quên hết và luôn cảm thấy hạnh phúc rồi. Mấy năm gần đây, sức khỏe yếu không làm được việc tôi mới thấy buồn thôi...".

Quả thực, không buồn sao được khi ở độ tuổi này người ta có con cháu sum vầy, có người chăm sóc khi ốm khi đau, còn bà lại phải trông cậy cả vào người giúp việc, lấy tình bạn với chú mèo làm vui. Trước đây, sức lực vẫn còn, bà thường bị công việc và niềm đam mê với điện ảnh cuốn đi. Để rồi đêm về, chỉ còn lại mình bà trong căn nhà rộng thênh thang treo đầy ảnh người thân trong gia đình, nỗi cô đơn lại ùa về bủa vây. Hình như nhờ những bức ảnh đen trắng được phóng to, Bạch Diệp cảm thấy luôn có người thân bên cạnh mình và căn phòng trở nên ấm áp hơn.

Bà tâm sự rằng, trong số các diễn viên nữ từng làm việc với mình, đến nay bà vẫn giữ mối liên hệ sớm tối với NSND Trà Giang. Hai người coi nhau như chị em gái, có gì buồn vui đều chia sẻ, động viên nhau, dẫu chỉ là qua điện thoại vì hiện nay NSND Trà Giang sống ở tận TP. Hồ Chí Minh.

Bạch Diệp có phẩm chất là luôn giữ được thái độ lạc quan, nhân ái. Điều này càng khiến tôi kính trọng, càng cảm thương hơn cho một nghệ sĩ tuổi đã xế chiều khi bà nói: "Chị hỏi tôi mong ước gì ư? Tôi vẫn chờ mong một phép nhiệm màu cho tôi có một sức khỏe và một kịch bản tâm đắc để tôi lại được tiếp tục làm việc. Và qua đó, người xem phim sẽ suy ngẫm nhiều hơn về bản thân và thấy mình phải sống đẹp hơn, thiện hơn, trong cuộc đời đầy biến động này". Nói rồi, bà lật đật đi lấy cho tôi xem tập kịch bản mà bà đang viết dở, có khi viết từ mấy năm nay, có kịch bản viết xong từ cách đây... 20 năm.

Giờ đây, hễ lúc nào sức khỏe cho phép là bà lại ngồi vào bàn viết, lại đắm đuối với những ý tưởng làm phim, dẫu biết rằng những bộ phim ấy có lẽ chẳng bao giờ được đưa vào sản xuất. Người đàn bà mạnh mẽ và cô đơn ấy cho đến tận hôm nay vẫn giữ được cho mình tình yêu sâu nặng với nghệ thuật điện ảnh. NSND Bạch Diệp như tôi biết là người đàn bà lấy điện ảnh làm lẽ sống, làm lá chắn che chở cuộc đời mình

Việt Hà
.
.