Mười năm vẫn… một cô gái đẹp

Thứ Hai, 15/01/2007, 14:30

Những diễn viên, dù không còn trẻ nữa, nhưng vẫn phải diễn những vai phơi phới xuân tươi. Những diễn viên mười năm diễn một vai cô gái đẹp, dù rất lâu rồi họ trở thành một bà mẹ với những nếp lo toan lộ diện trên khóe mắt...  Đó là một thực tế ảm đạm mà không ít nhà hát, dù đóng quân giữa một cái nôi oanh liệt của sân khấu Việt Nam, phải chấp nhận.

Hay đó còn là một góc khác của sân khấu, một góc sân khấu buồn bã khi không có được sự tiếp sức của khán giả, khi tư duy của người làm nghề chưa đủ tươi mới...

Phải mất không dưới 10 năm, Ngân Hoa mới có được một vai diễn để lại chút ấn tượng cho mình ở Nhà hát Kịch Việt Nam. Người ta nhớ đến cô với vai chính của một phim truyền hình thời mới có Văn nghệ chủ nhật: "Tiếng chim thổ đồng". Mười năm ấy, cô miệt mài chờ đợi và vào những vai rất phụ ở Nhà hát của mình. Những vai chính trong kịch mục hàng năm của Nhà hát (vốn không nhiều nhặn gì, thường một vở đầu năm, một vở cuối năm), thường vẫn được giao cho NSƯT Lan Hương (Hương bông). Diễn kèm với Lan Hương sẽ là Trung Anh, Trần Thạch, Quốc Khánh..., những diễn viên gần ba chục năm gắn bó với nghề, gắn bó với nhà hát của mình. Lan Hương vẫn giữ vị trí số một.

Ngay cả vừa rồi, Nhà hát Kịch Việt Nam phối hợp với Viện Goethe Hà Nội dựng vở "Bà tỉ phú về thăm quê" thì vai quan trọng nhất vẫn được giao cho chị. Nhưng sau một tháng làm việc, đạo diễn và chị không tìm được tiếng nói chung, nên vai bà tỉ phú đã được giao cho nghệ sỹ Thu Hà, người có ba chục năm gắn bó với Nhà hát Kịch Việt Nam!

Thế hệ các nghệ sỹ như Lan Hương đã có không ít vai diễn ấn tượng và để lại ấn tượng đẹp trong lòng công chúng. Nhưng, năm trước, khi đi xem "Hedda Gabler" của Ibsen, thấy rõ chị không còn đủ độ trẻ để vào một vai như thế nữa. Nhưng không chỉ riêng chị, mà cả kíp diễn viên ấy, những Trần Thạch, Quốc Khánh, Trung Anh, Quế Hằng... đều tràn đầy kinh nghiệm và họ không mắc bất cứ lỗi diễn xuất nào, chỉ có điều đã thực sự thiếu vắng sự tươi mới trên sàn gỗ. Sân khấu hay bất cứ loại hình nghệ thuật trình diễn nào cũng vậy, nếu thiếu đi sự tươi mới thì đã giảm đi hơn một nửa của sự cuốn hút. Trong trường hợp này, câu "thầy già, con hát trẻ" vẫn không bao giờ sai.

Trở lại với Ngân Hoa, sau 10 năm lăn lộn với sàn diễn cùng những vai nhỏ, khi gặp lại chị, khán giả đã bất ngờ ngậm ngùi, thời xuân sắc nhất của đời diễn viên đã không còn ở lại cùng chị nữa. Chị giờ đã là mẹ của một cô con gái, là người phụ nữ ngoài ba mươi với những nếp nhăn bắt đầu xuất hiện. Đặt ra một trường hợp, giả sử như 10 năm cho Ngân Hoa vật lộn để tìm đến sự trưởng thành với nhiều kinh nghiệm diễn xuất, thì chị cũng đã không còn đủ tự tin để xuất hiện trong vai một nhân vật 18 tuổi. Và nếu chị tiếp tục được giao những vai trẻ trung trong những năm tiếp theo của Nhà hát Kịch, chị sẽ lại rơi vào vòng xoáy chung của không ít nghệ sỹ kịch Hà Nội, phải chờ đợi nhiều năm, phải đợi đến khi không còn trẻ nữa mới được vào vai những cô gái trẻ.

Một nhà phê bình sân khấu khi đi xem vở diễn của đoàn kịch Thanh Hóa (diễn tại rạp Công nhân, Hà Nội) về đã phải thốt lên rằng, vào những ngày tháng năm này, người ta vẫn còn dựng một vở diễn với một kíp diễn viên như thế thì làm sao hy vọng khán giả sẽ đi xem. Đề tài là những bất cập trong việc sản xuất mía đường. Các nhân vật đều không còn trẻ nữa, hoặc chính diễn viên không đủ trẻ để làm cho vai diễn của mình mới mẻ hơn. Và vở diễn đã trôi qua trong sự kiên nhẫn đặc biệt của khán giả, bởi người ta biết trước kết cục và người ta không còn mong chờ điều gì có thể xảy ra với một câu chuyện như thế, một kíp nhân vật như thế.

Tình trạng của đoàn kịch Thanh Hóa là vấn đề chung của các đoàn hát địa phương. Hầu như các vở diễn được dựng đi dựng lại, những vấn đề cũ mòn, những diễn viên trẻ thì đã già nhưng chưa đến tuổi về hưu, lâu năm kinh nghiệm nhiều nên cứ vào vai chính. Điểm mặt các kỳ hội diễn, thật hiếm hoi mới có một diễn viên trẻ xuất hiện trong vai chính và tạo thành công. Họ xuất hiện mờ nhạt. Và các đoàn hát vẫn sẵn sàng đưa những diễn viên đầu đã bắt đầu hói và bụng phệ để đóng vai anh giải phóng quân. Chính những sự tuềnh toàng ấy đã dần mòn biến sân khấu thành nơi vắng lặng.

NSƯT Lan Hương (Nhà hát Tuổi trẻ) tâm sự, thời gian sau này, chị cố gắng từ chối những vai diễn chính là những cô gái trẻ. Một là tạo điều kiện cho các diễn viên trẻ, bởi nhiều người trong số họ cũng có tài năng, nhưng không phải ai cũng có cơ hội. Hai là, để khán giả đỡ nhàm chán cái mặt mình.

Lan Hương hì hụi đi học đạo diễn, đi dựng đoàn kịch hình thể của Nhà hát Tuổi trẻ. Thực ra không khán giả nào nói rằng, họ chán chị diễn. Nhưng "phải tiết kiệm cái mặt mình". Phải tiết kiệm cái mặt là bởi không thể cứ hồn nhiên đóng vai cô gái trẻ trong khi thực tế mình đã là bà ngoại. Lan Hương đóng vai trẻ không dưới 20 năm, vai nào cũng để lại ấn tượng. Chị được trời phú cho một vẻ đẹp lâu tàn, nét mặt tròn, đôi mắt to sáng và vóc dáng "mi nhon" nên có lẽ là người... trẻ nhất trong lứa những diễn viên tạo nên thương hiệu Nhà hát Tuổi trẻ như Chí Trung, Anh Tú, Ngọc Huyền, Minh Hằng, Lê Khanh... Thế nhưng, không ai trẻ mãi, không ai có thể ngây thơ, hồn nhiên mãi.

Lan Hương bảo, khán giả có thể quý mến mình quá mà họ thể tất cho những dấu vết thời gian trên mặt mình thôi. Hoặc họ đã có thói quen là đi xem Nhà hát Tuổi trẻ sẽ có Lê Khanh, Lan Hương, Minh Hằng... mà quên đi rằng, những diễn viên lứa chúng tôi không còn trẻ nữa.

Ông Trương Nhuận, Phó Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ cho rằng, sở dĩ có tình trạng các nghệ sỹ cứng tuổi vào vai non tơ là bởi hầu hết các đoàn hát thuộc biên chế Nhà nước đang trong buổi quá độ, chế độ về hưu rất cứng nhắc, phải đủ tuổi, đủ năm thâm niên mới được giải quyết. Thành thử các diễn viên cũng phải sống một đời sống công chức. Họ là công chức diễn! Và khi họ chưa về hưu, họ sẽ phải làm việc và họ là diễn viên chính của nhà hát và họ sẽ được nhận vai. Nhà hát phải có trách nhiệm về điều đó, dù biết rằng, còn rất nhiều nghệ sỹ trẻ đang đợi chờ.

Ngay như Nhà hát Tuổi trẻ, dù đã có cơ chế mở, đã tự trả lương cho hơn 50 diễn viên không thuộc biên chế của Nhà hát, thì vẫn phải chấp nhận bố trí công việc cho những diễn viên lớn tuổi mà chưa đến ngày nhận sổ hưu. "Nhưng chắc chắn họ không có tên trong những vai chính" - ông Nhuận khẳng định. Bởi quan điểm của Nhà hát Tuổi trẻ là luôn cần có những diễn viên có sức hút khán giả để bán được vé, chứ không phải là sự cào bằng.

Nhìn từ một nguyên nhân khác, ông Nhuận còn cho rằng, tình trạng "đào già đóng vai trẻ" là bởi các nhà hát bị hẫng nhịp sau nhiều năm không tuyển người. Dàn diễn viên trẻ có thực tài không nhiều, thêm vào đó phần đài từ sân khấu lại quá yếu. Họ chưa có kinh nghiệm biểu diễn và thường phải mất vài năm để nhà hát đào tạo lại, theo cái cách mà các nhà hát mong muốn.

Chia sẻ điều này với ông Nhuận, nghệ sỹ Hữu Châu tâm sự, mỗi thời sẽ sinh ra những diễn viên ngôi sao. Nhưng với kịch TP Hồ Chí Minh, để có thêm một Hồng Vân, Thành Lộc, Hữu Châu, Thanh Thủy... thì không bao giờ có. Khi đã có tuổi mà vẫn phải đứng trên sân khấu diễn lại những vai diễn của mình, Hữu Châu thực sự ngậm ngùi. Bởi phía sau những người thành công đang ngày một thêm tuổi và gánh trên vai đôi phần mệt mỏi, vẫn là một khoảng trống không có lớp người tài năng kế cận. Được khán giả nhớ đến và đón chờ từng vai diễn là niềm hạnh phúc lớn của diễn viên. Nhưng nghĩ về cái chung, với Hữu Châu, thì đó là một tín hiệu buồn của cả nền sân khấu.

Một điều mà ai cũng nhìn thấy, rằng thời vàng son của kịch nghệ đã qua đi. Lý giải đến tận cùng của những điều ấy, Hữu Châu cho rằng, thời của anh, để khán giả công nhận, các nghệ sỹ đã phải vật lộn không ngừng với từng vai diễn, phải bồi đắp tâm hồn mình mỗi ngày. Thời của anh, các nghệ sỹ coi sách là bầu bạn. Còn bây giờ, các diễn viên trẻ chỉ muốn mau lẹ cho danh tiếng, xa lạ với văn hóa đọc và thường không nghĩ đến một con đường dài.

Tất nhiên, lứa trẻ nhiều tài năng. Nhưng những người quản lý sân khấu chưa có được những động thái tích cực để giúp họ thực sự chín với nghề. Thế nên, các sân khấu đã phải lấp đầy những hàng ghế bằng việc ồ ạt đưa các ca sỹ, người mẫu lên sàn diễn. Giống như một giải pháp ăn đong trong buổi khó khăn. Còn làm sao có thể trông chờ vào những diễn viên không chuyên ấy. "Họ chỉ là người mang đến chút vị lạ, chứ ngàn đời không thể là diễn viên kịch được. Bởi nếu được thì thực sự tôi thấy đau xót lắm, vì hóa ra làm sân khấu dễ dàng quá, ai cũng làm được. Còn tôi, đến tuổi này rồi, nhưng mỗi khi vào một vai xong là tôi phải thở dốc, vì mình đã phải trăn trở cho nó trong từng chi tiết" - Hữu Châu bộc bạch.

Đã có rất nhiều cuộc hội thảo, đã qua nhiều kỳ liên hoan, người ta nói nhiều đến sân khấu xã hội hóa, nói nhiều đến những cách tân. Có điểm chung của những kỳ cuộc ấy là mong muốn tìm lại những khán giả đã mất, những khán giả mà vài chục năm trước luôn xếp hàng chờ mua vé để được xem các vở kịch mới dựng. Nhưng mọi sự đã diễn ra theo một con đường khác. Sân khấu vẫn chưa tìm được một lối đi. Và khi các nhà hát vẫn trong tình trạng cầm chừng dựng vở cho đủ kế hoạch hàng năm, khi các đạo diễn nhắm mắt vẫn chọn được diễn viên, thì tất yếu còn gặp những "nghịch cảnh éo le" cho nhân vật.

Các đạo diễn luôn chê trách các diễn viên trẻ thiếu kinh nghiệm và không tập trung làm nghề. Điều này có thể đúng. Nhưng ngay cả khi họ tâm huyết và có tài thì cơ hội chưa hẳn đã đến với họ. Bởi đạo diễn không đủ tâm huyết để gây dựng một gương mặt mới, không đủ thời gian để đẽo gọt vai diễn cho một diễn viên trẻ. Đạo diễn còn bận chạy show. Và nếu trước đây, người ta nhắc đến diễn viên nào thì sẽ nhớ ngay vở diễn của đạo diễn ấy thì nay người ta chỉ nhớ tên diễn viên mà thôi.

Thế nên, có thể, những diễn viên không còn trẻ đều ý thức rõ về tuổi tác của mình. Nhưng họ là công chức diễn, họ phải làm việc vì họ cũng đã có một chỉ tiêu đăng ký trong kế hoạch đầu năm. Họ cần hoàn thành nhiệm vụ! Và họ chỉ còn cách diễn thật tốt từng vai. Như thế họ không phải là người đáng trách. Người đáng trách là người chỉ nhắm mắt chọn họ, dù biết họ đã không còn phù hợp nữa...

Ân Nam
.
.