Một tổ nghệ sĩ

Thứ Hai, 11/08/2008, 15:00
Một ngày gần đây, tôi đột nhiên nghe cáo phó về cái chết của một người bạn thời niên thiếu với những chức danh, huân chương kèm theo, và quan trọng hơn, là những lời thương tiếc của bao người đối với một nhà khoa học vẫn còn đầy hứa hẹn trước "Cánh đồng mơ ước". Thế là, trước mắt tôi, vụt xuất hiện một ngôi làng vùng sơn cước man mác mùi hoa dẻ, thứ hoàng lan dại nay không còn ai biết.

Năm 1947. Nhiều gia đình văn  nghệ sĩ tản cư vào khu IV đã rời xa đồng bằng, một số đi bằng thuyền về làng Quần Tín - may mắn sẽ trở thành "một tổ nghệ sĩ" mà không phải là "một tổ quý tộc" (như tên một cuốn sách của nhà văn Nga Tourguéniev). Ngẫu nhiên, gia đình của Vũ Ngọc Phan (có tới bảy người con mà hầu hết lại là con trai!) ngồi chung một thuyền với gia đình Đặng Thai Mai - lúc này chỉ mang theo có năm người con vì cô cả đã ở lại Việt Bắc.

Cũng dễ hiểu, nếu tôi nhớ nhiều tới con cái của các văn nghệ sĩ hơn là tới những tên tuổi lừng lẫy của họ. Ngay sau lúc trẻ con được tập hợp lại trong một lớp học vẽ, tôi đã làm em trai sát nút của Vũ Tuyên Hoàng ngượng ngùng. Vì trên tờ báo tường của lớp (thầy dạy là họa sĩ Nguyễn Văn Tỵ và Sỹ Ngọc), tôi đã viết câu chuyện về đêm đầu tiên đi thuyền trên dòng Nông Giang tới Quần Tín, mọi người giật mình vì tiếng "bõm", tiếng bôm bốp và những tiếng la lối om xòm, rồi cậu "nghịch tử" này bị lôi dưới sông lên, ướt như chuột lột.

Hẳn là trong sinh hoạt của chúng tôi lúc này phải có ảnh hưởng của việc tập trung nhiều văn nhân tài tử như vậy, giữa một ngôi làng rất đẹp và hoang sơ. Trước hết phải kể đến ảnh hưởng của các họa sĩ hãy còn rất trẻ.

Thời ấy, điều sướng nhất khi đi tản cư đối với trẻ con là được bỏ học. Các họa sĩ là thầy, nhưng chúng tôi lại có cảm giác không phải học. Họ dẫn chúng tôi đi lang thang vẽ phong cảnh, rồi ra bờ sông chặt cành dâu bánh tẻ về bóc hết lớp vỏ xanh, chỉ lấy nõn trắng, bọc đất sét nướng lên thành fusain để vẽ thay bút than, họ dạy cách pha bột màu, đo kích thước môđen để vẽ.

Chúng tôi gọi Sỹ Ngọc là anh, vì họa sĩ lúc ấy còn rất trẻ. Anh là một tính cách đặc biệt, và gương mặt đặc biệt: da sạm, mắt sáng, mái tóc đen như cánh quạ trước trán, lúc chăm chú nhìn mẫu để vẽ (có lúc anh đã vẽ chân dung tôi), không  hiểu sao mũi, miệng đều nhăn nhó, lệch sang một bên, nhiều lần tôi định hỏi rồi lại quên mất.

Lớp học vẽ bấy giờ chỉ có tôi là con gái. Nghịch nhất là Việt Hùng, con trai nhà văn Việt Thường và là anh của Việt Hải. Việt Hùng thuộc loại "trẻ không tha, già không thương". Thấy mẹ tôi thích ăn trầu và rất hiền, cậu ta hái mấy lá xương sông mang sang, mẹ tôi bị lừa nhưng cũng chỉ nguýt yêu.

Một lần, tôi soi gương và khóc cả một buổi vì mẹ thuê một ông thợ cạo nhà quê có sáng kiến kỳ cục: thấy tóc tôi quá dày, ông luồn tôngđơ vào lớp trong mái tóc cắt "bôm bê" của tôi, cạo nhẵn, sau đó phủ lớp ngoài xuống, để cho mát! Hỡi ôi, cứ gió thổi tốc lớp ngoài lên thì hiện nguyên hình cái đầu trọc!

Đặng Thai Hoàng, em trai tôi đã lộ hết bí mật cho lớp vẽ. Khi đi học, tôi đội chiếc mũ nan để khỏi bị gió hất tóc. Nào ngờ, dọc đường, tôi thấy hai anh em Việt Hùng, Việt Hải cứ chạy đằng trước, cười hi hi. Việt Hùng còn giơ một bàn tay trước mặt giả bộ soi gương, sau đó lại úp tay vào mặt khóc! Vũ Tuyên Hoàng tính người lớn và rất hiền. Anh ta hỏi tôi giọng thông cảm: "Mới gội đầu hả?". Hai thầy họa sĩ cũng khen Hoàng vẽ đẹp, tuy không phóng túng như Việt Hải.

Tôi đặc biệt thích vẽ và nhớ nhiều về các họa sĩ thời kỳ này, còn do một ngẫu nhiên khác: ở Quần Tín, láng giềng của ba mẹ tôi (nhà văn Đặng Thai Mai) luôn là họa sĩ. Thoạt đầu, chúng tôi ở nhà ông Cựu (một chức vụ hào lý thời Tây).

Vợ chồng anh Sỹ Ngọc ở ngay liền kề, một lều tranh vườn sau, chủ nhà là một bà cụ nghèo xơ xác. Chính ở túp lều tranh ấy, anh đã vẽ bức tranh "Cái bát" và người mẫu là bà cụ nơi đây. Ba tôi rất thích Sỹ Ngọc, và tôi đã nghĩ sau này anh phải là một danh họa…

Rồi ba tôi chuyển đến một ngôi nhà giống như "biệt thự", lợp bằng lá gồi, có hành lang, lan can bằng tre rất đẹp kiểu Tây thuộc địa ở chân đồi Ngọc, giữa một "bái" (rừng nhỏ) ngát mùi hoa dẻ. Đó là một trong ba ngôi nhà do lính của Tướng Nguyễn Sơn dựng nên. Vị tướng có tướng mạo hơi cổ quái nhưng tâm hồn đón mọi luồng gió văn nghệ Đông - Tây ấy đang là Quân khu trưởng.

Sau này, ông cưới Hằng Huân, em gái của Hằng Phương (vợ bác Vũ Ngọc Phan) nên nhà riêng của ông cũng là nơi hội ngộ, không chỉ với văn nghệ sĩ. Ngôi nhà thứ ba, nhỏ nhất, sát cạnh nhà tôi, lần này lại vẫn là nhà của họa sĩ: Phạm Văn Đôn và Nguyễn Thị Kim.

Tôi nhớ mãi một bức tranh vẽ phi lao và biển - hình ảnh mà tôi chỉ có thể mơ tới trong chín năm kháng chiến chống Pháp. Sau này, nhìn thấy nó ở Bảo tàng Mỹ thuật, tôi mới biết rằng đó là tranh vẽ rất nổi tiếng của Phạm Văn Đôn khi đi thực tế ở Cảnh Dương, nơi vừa chống lại một trận càn của Pháp.

Văn nghệ sĩ dẫu "quần chúng hóa", vẫn độc đáo trong cách ăn mặc. Chị Sinh là diễn viên (đã bỏ nghề) nay tự may áo vải nhuộm nước lá cơi hoặc quả nâu vốn đào được rất dễ ở vùng này, nhưng cổ vuông khoét trễ xuống ngực, thời ấy là quá táo bạo, và là độc chiêu!

Các văn nhân tài tử, ngoài những người đã chống batoong sẵn (như Nguyễn Tuân, Trương Tửu…) mọi người đều sắm một cái can (tiếng Pháp = cái gậy) cầu kỳ hoặc đơn giản, tùy theo tính cách. Là những "họa sĩ" tí hon, chúng tôi cũng "chơi" can, chọn lựa loại trúc, tre, gỗ, thi nhau chạm khắc.

Không phải chỉ để làm dáng, mà còn vì khi đến cửa nhà ai cũng có một đàn chó xông ra: chẳng phải tiểu nhân "phòng gậy" mà để "phòng thân" thì rõ là quân tử rồi! Chưa kể đường quê bùn rất trơn khi trời mưa, lúc ấy cái chân thứ ba thật hữu hiệu. Chúng tôi cũng có bút danh khi vẽ và làm báo. Tôi chỉ còn nhớ tôi ký tên là Măng Suối, Vũ Tuyên Hoàng là Măng Rừng và hình như Việt Hải là Măng Biển (tất cả đều thuộc đội Măng Non mà!).

Có lẽ vì là con gái nên tôi nhớ đến vợ các văn nghệ sĩ hơn là chính họ. Hồi ấy, có người còn rất trẻ, vẫn vấn khăn. Nhà văn Nguyễn Đình Lạp, người cao lớn, râu quai nón, nom như Tây, vợ ông cũng rất đẹp và trẻ nhưng lại vấn khăn, rẽ ngôi giữa.

Các cụ xem tướng người mắt lồi thường chết yểu, vận vào trường hợp nhà viết kịch Chu Ngọc thì đúng, nhưng Nguyễn Đình Lạp mắt sâu thẳm như mắt Tây, tôi chỉ mới được đọc tiểu thuyết "Ngõ hẻm" rất hay, ông đã chết khi còn trẻ hơn bác Chu Ngọc.

Ba tôi bảo ở lớp Cao đẳng Sư phạm, hai nữ sinh đẹp nhất là bà Nhật và Hằng Phương, được đặt biệt hiệu là Madame Soleil và La Lune. Lúc tôi được gặp, đơn giản Hằng Phương chỉ còn là "bác Phan gái", gương mặt quả thật tròn vành vạnh, đường mày giống như hai nửa vầng trăng, người rất đẫy đà. Tôi lại thấy người đẹp nhất là chị Hằng Phấn (em gái lớn của bà), giống như một bông hồng vàng - loài hoa mỏng manh và hiếm gặp. Chị Hằng Huân có vẻ đẹp đoan chính của Thúy Vân, có lẽ các văn nhân tài tử chỉ dám yêu thầm nhớ trộm.

Thường là Tướng Nguyễn Sơn tới thăm ba tôi một cách đột ngột. Theo lời Bửu Tiến, Nguyễn Sơn hút Philippe Morris, còn ba tôi hút Cotab (mà Phạm Văn Đôn khoe vẫn thường được anh Mai "lén" tuồn cho trong buổi họp).

Nguyễn Sơn có gương mặt đen, râu đâm tua tủa, cốt cách phi phàm, rất hùng biện và hơi lập dị - âu cũng là chất nghệ sĩ. Quân khu bộ của ông đi qua đâu, đều để lại những giai thoại. Có những mỹ nhân đã mê ông. Đó là những ngày chúng tôi còn có thể đi bộ tới những vùng lân cận trong đêm, để xem Trúc Quỳnh diễn kịch "Trả con tôi đây", Phạm Duy và Thái Thanh hát những bài ca cách mạng phảng phất hơi hướng tiền chiến mà tôi chỉ còn nhớ lời, kiểu: "Trên yên ngựa phi, lướt qua biên cương hùng vĩ"…

Còn ngoài "hậu trường", ở môi trường "tiểu tư sản", là những bài hát thấm thía mô típ Trương Chi vốn đã nổi tiếng nhờ Văn Cao và Phạm Duy, thật là buồn: "Cung Nam Thương dần lan/ Em thương ai bờ sông nhớ thương ai trong đàn/ Cung Nam Ai thở than/ Xa xa xa rồi tan/ Ai thương ai lầu buồn mỗi lúc khuya tàn canh"…

Thật ra hình ảnh "Một ra đi là không trở về", "Ngựa phi trên đường xa" lúc này không phải hoàn toàn là những mã của thi ca cổ. Có học trò cũ của ba tôi đi qua làng, còn rẽ dây cương vào đàm đạo thơ văn…

Ông Trần Văn Quang ở Bộ Tư lệnh quân khu cũng có khi tới, trò chuyện tâm đắc với ba tôi về Ilya Ehrenburg, Boris Polevoi, Simonov… mà rất sớm, ba tôi đã đọc và rất thích qua những bản dịch tiếng Pháp bọc bìa cứng, giấy trắng mỏng tang, rất đẹp.

Có hôm bác Tạo “rỗ” (công an) còn mang đến cho ba tôi mấy bồ sách Tây, nghe đâu của Nguyễn Đức Quỳnh từ nội thành gửi tặng. Đó chính là thời tôi được đọc "La Chute de Paris" (Paris sụp đổ) của Ehrenburg, "Le bouleau argenté" (Cây bạch dương ánh bạc) của Polevoi, "Un nid de gentilhomme" (Một tổ quý tộc) của Tourguéniev… qua tiếng Pháp.

Với tôi ngôi làng Quần Tín thời ấy có lẽ là nơi tập trung đông đúc nghệ sĩ hơn bất kỳ một vùng thôn dã nào ở xứ này, nó chẳng có gì chung với ngôi làng Nga thế kỷ XIX và cái nghĩa địa nhỏ nơi hai ông bà già người Nga cũng nhỏ thó, chiều chiều tới quỳ trước mộ con trai mình, thế mà ngày ấy lại gợi lên cho mấy chị em tôi cái tên láy lại "Một tổ quý tộc"…

Đặng Anh Đào
.
.