Một thú chơi dân gian...

Thứ Hai, 26/04/2010, 11:00

Nói đến cờ tướng, hẳn ai cũng biết ít nhiều bởi đây là một thú chơi dân gian khá phổ biến. Hơn nữa, có những tác phẩm văn học để đời liên quan đến cờ tướng lại rất dễ lan truyền và mang tính phổ quát...

Hóm hỉnh như bài thơ nôm vịnh cờ người của nữ sĩ Hồ Xuân Hương: "Thoạt mới vào chàng liền nhảy ngựa/Thiếp vội vàng vén phứa tịnh lên", hay minh triết như "Học đánh cờ" của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Phải nhìn cho rộng suy cho kỹ/ Kiên quyết không ngừng thế  tấn công/ Lạc nước hai xe đành bỏ phí/ Gặp thời một tốt cũng thành công...". Và như thế, những chuẩn mực về bước tiến thủ trong việc đánh cờ đã trở thành chuẩn mực của hầu hết các tình huống đối nhân xử thế.

Một thú chơi tao nhã

Theo một số tài liệu, bộ môn cờ tướng có nguồn gốc từ Ấn Độ, sau đó truyền sang Trung Quốc và du nhập vào nước ta. Tuy nhiên, lại có người cho rằng, cờ tướng phải xuất phát từ các nước Đông Nam Á, mà điển hình phải là Việt Nam, bởi trong bộ cờ 32 quân này có một "binh chủng" khá đặc biệt là tượng binh, có nghĩa là voi chiến. Trung Quốc xưa không dùng voi trong chiến tranh, chính vì thế họ mới thấy quân voi lạ lẫm và đặt tên luôn cho kiểu chơi này là "tượng kỳ".

Có một điều chắc chắn là, dù không có những danh thủ và kỳ phổ thuộc hàng trứ danh như Trung Hoa, nhưng Việt Nam lại có những giai thoại thần kỳ về cờ tướng, có khả năng làm cho các tay cao cờ của Bắc quốc thất điên bát đảo. Đó là các giai thoại về Trạng Cờ trong dân gian hay chuyện Mạc Đĩnh Chi thắng vua cờ Trung Hoa ngay tại kinh đô của họ trong lần đi sứ, khiến người này phải hạ biển, phế bỏ đại danh...

Hưng Yên có thể coi là đất cờ trong cả nước, nếu như không muốn nói là cái nôi của thú chơi tao nhã mang nét đẹp nhân văn này. Bằng chứng là ở Hưng Yên có đến hàng chục đình, đền thờ Đế Thích, vị vua trên trời, được mệnh danh là cao cờ đệ nhất. Trong số đó, có ít nhất 2 di tích thờ Vua Cờ này mà ngọc phả ghi liên quan trực tiếp đến việc đánh cờ. Đó là ở La Tràng (Ân Thi) và ở Liêu Xá (Yên Mỹ). Theo các cụ kể lại, đền thờ Đế Thích ở Liêu Xá ngoài tượng Đế Thích, còn có tượng Trương Ba và trước mặt hai người bày một bàn cờ.

Thần tích làng La Tràng và Liêu Xá đều kể rằng, Trương Ba là tay cờ vô địch, một lần tự kiêu tự đại đã bị Đế Thích hiển linh biến thành một cụ già dạy cho một bài học. Sau đó, ông ta hiểu rằng "cao nhân tất hữu cao nhân trị". Đó cũng là uyên nguyên của tích "Hồn Trương Ba da hàng thịt" truyền khẩu trong dân gian mà sau này kịch tác gia Lưu Quang Vũ đã viết thành vở kịch cùng tên vang bóng một thời.

Tuy chỉ là truyền thuyết nhưng chuyện Trương Ba đánh cờ cũng là một bài học về sự khiêm tốn. Bên cạnh đó, cũng còn một chân lý đánh cờ trong câu chuyện mà cha ông đã để lại ấy. Ấy là sự đa biến của thuật dùng quân, không thể có bất cứ kỳ phổ, kỳ thư nào nói hết. Đó chính là lý luận "dùng vô chiêu thắng hữu chiêu" vậy. 

Tam đẳng nhân, tam đẳng...cờ. Có thể nói rằng, qua cách chơi cờ tướng là nhận ra ngay nhân cách của người đó. Kẻ bỉ lậu, tiểu nhân y như rằng chỉ chăm chăm ăn quân người, chỉ thừa sơ hở của địch thủ là "cờ vồ" nhanh như cắt hay dùng lời nói, cử chỉ để thực hiện "cờ lừa". Kẻ nham hiểm, gian hùng thì nước đi lắt léo, hiểm ác. Bậc chính nhân quân tử dàn trận, xuất quân ung dung tự tại, dùng mưu cao thế hiểm để dồn đối phương quy hàng. Có người xuất quân, bày thế ào ạt, tốc chiến tốc thắng cực kỳ bá đạo; có người lại điềm tĩnh, từng cây từng nước trầm ổn vương đạo khiến đối phương run sợ mà quy phục...

Bên cạnh đó, trong nghiệp tượng kỳ có tay anh hùng cái thế oai danh hiển hách, song cũng chẳng ít người thân bại danh liệt. Vì thế, đa số cao nhân về cờ tướng đều ẩn dật trong dân gian... Nghe đâu, ở huyện Phù Cừ (Hưng Yên) có tay cờ cực cao hiện đang làm nghề sửa chữa điện thoại, hầu hết giải của xã, của huyện anh đều đứng đầu. Ở xã Long Hưng (Văn Giang, Hưng Yên), anh Ngô Văn Trường cũng là một kỳ thủ có tiếng. Tuy mới gần bốn chục tuổi, học vấn chỉ hết cấp II, nhưng anh đả bại nhiều bậc cao niên trong làng, trong vùng. Mấy năm nay giải cờ đầu xuân của các thôn Sở Đông (Long Hưng), Đa Ngưu, Bá Khê (Tân Tiến) anh Trường đều "ẵm" cả. 

Cờ thế giang hồ

Có một số người quan niệm rằng, cờ thế là do đám cờ bạc bịp bày ra để kiếm tiền từ việc lừa đảo người nhẹ dạ. Nghĩ thế không khỏi có sự thiên kiến, lệch lạc. Cờ thế chính là tinh hoa của môn cờ tướng. Xuất phát từ tàn cuộc đẹp của một số ván cờ, các cao thủ trong nghiệp tượng kỳ đã chắt lọc để tạo ra những thế cờ "danh chấn giang hồ". Chính những thế cờ hay đã làm nên tên tuổi của các cao thủ. Bên cạnh đó, đại danh thủ phải có một đại danh cục gắn liền với uy linh của mình. Vì thế, bên cạnh việc chơi toàn ván cờ, việc bày và phá cờ thế cũng là đam mê của bất cứ ai đã dính đến nghiệp tượng kỳ.

Nghe nói, ở TP HCM, việc bày cờ thế diễn ra ở nhiều điểm văn hóa. Thủ đô Hà Nội trước đây, các bàn cờ thế hay được bày ở Bờ Hồ thu hút khá nhiều khách. Ngày tôi còn sinh viên, lúc rảnh rỗi, đều ra chợ Phùng Khoang xem cờ thế. Ở Hưng Yên, ít thấy các điểm bày cờ thế của các tay cờ giang hồ. Có lẽ, đây là một hình thức bài bạc, nên họ không dám bày công khai. Tuy vậy, trong các lễ hội, việc bày cờ thế lại mặc nhiên được thừa nhận và được đánh đồng với các trận cờ người, cờ bỏi.

Nói thế, phải kể đến "tập đoàn cờ thế" ở lễ hội Đa Hòa hay đền Phù Ủng. Nói là ở lễ hội cho cụ thể, chứ thực ra, việc bày cờ thế, cờ độ ở đền thờ tướng quân Phạm Ngũ Lão tại xã Phù Ủng (huyện Ân Thi) diễn ra ngay từ Tết Nguyên Đán. Bỏ qua yếu tố cờ bạc, thực ra đây chính là một nét đẹp văn hóa của lễ hội này. Bởi chính nó, bên cạnh các trò chơi, các phong tục cổ truyền như vật cù, bói thuốc... đã làm nên diện mạo một lễ hội thờ đức thánh làng, một vị Nguyên súy lừng lẫy đã góp phần làm nên hào khí Đông A ngút trời.

Có lẽ Điện tiền Nguyên súy họ Phạm xưa kia cũng rất mê môn tượng kỳ, và từ các tư duy chiến thuật, chiến lược trong cuộc cờ, Người đã có những thần cơ giúp Quốc công Tiết chế Trần Hưng Đạo bày ra thế trận để đánh thắng quân Nguyên Mông, nên con cháu của Người sau này mỗi kỳ lễ hội, lại bày ra những thế cờ mà trong đó đều mang yếu tố "lấy ít thắng nhiều, lấy yếu thắng mạnh" đậm tinh thần Việt. Kỳ thủ giang hồ H (xin được giấu tên để còn có chỗ "làm ăn") đã hàng chục năm bày thế ở đền Ủng cho rằng, việc bày cờ, phá cờ tuy có cá cược một vài chục nghìn cũng là để "vui là chính thiệt thòi mấy tí" thử sức khách thập phương. Việc đổ bác tất nhiên là cần phê phán, nhưng những thế cờ mà anh bày quả thật là mang tính nghệ thuật cao. Ngay những cái tên cũng đầy vẻ hấp dẫn như "Di hoa tiếp mộc", "Dã mã thao điền", "Thất tinh tụ hội", "Thất tinh đồng khánh"...

Ở bàn bên cạnh, là các thế cũng có những tên gợi cảm chẳng kém như "Tái tử trường chinh", "Khóa hải chinh đông", "Khưu dẫn hàng long", "Giai nhân chi mộng", "Cách đoạn hồng trần" hoa mỹ. Vẫn theo anh H, việc đặt tên này thường theo một điển tích, một câu thơ, thậm chí là một thế võ nhất định. Có nghĩa là, để hiểu một thế cờ, phải có một phông văn hóa nhất định.

Thế nhưng, các tay say cờ bây giờ, có mấy ai để ý đến vẻ đẹp của các thế cờ, đến những mỹ tự của nó, mà mới thoạt nhìn, đã bị cái lợi lấn át ý chí. Bên cạnh đó, các tay kỳ thủ bày trận cũng còn một đội quân đứng xung quanh luôn miệng cò mồi "khiển tướng không bằng khích tướng" nên ối kẻ cháy túi đã đành, mà lại "tẩu hỏa nhập ma" điên đảo mất mấy ngày để toan tính chuyện gỡ lại cũng không phải hiếm.

Bàn son quân ngà...

"Cầm, kỳ, thi, họa" là những chuẩn mực của bậc quân tử thời xưa. Bây giờ, những tiêu chí ấy không còn đắc dụng, nhưng việc đánh cờ là một hình thức rèn luyện trí lực cần được khuyến khích. Đó cũng là một nét văn hóa cổ truyền dân tộc cần được bảo tồn và định hướng phát triển. Cùng với việc tổ chức các lễ hội, việc khôi phục giải cờ tướng được nhiều địa phương tiến hành. Tuy vậy, hầu hết các lễ hội ở ta đều chưa phục dựng được việc đánh cờ người, mà hầu hết là cờ bàn (bàn nhỏ hai người đánh hoặc bàn to treo trên vách) hoặc cờ bỏi (quân cờ như thẻ bài, có chân cao để cắm vào các lỗ trên sân đình). Các giải cờ cũng chưa hấp dẫn kỳ thủ. Đó chính là điều mà các cơ quan chức năng, bên cạnh việc tổ chức lễ hội, cần tính đến để cho trò chơi dân gian truyền thống này được phát triển. Bên cạnh đó, cũng cần quản lý chặt việc bày cờ thế.

Nên chăng, tập hợp các kỳ thủ chuyên bày thế cờ trong làng, trong xã, đề ra lệ phí tham dự và giải thưởng để tránh được biến tướng của việc đánh bạc. Cùng với đó, các trường học nên đưa cờ tướng vào làm một trò chơi trong giờ thể dục (bên cạnh cờ vua hiện nay đã được thực hiện) như là một cách bảo tồn một giá trị văn hóa ông cha để lại...

Để trong cuộc sống của chúng ta, ai cũng có thể hiểu một cách trực tiếp hay gián tiếp, hào sảng hay thâm thúy hóm hỉnh:

Khi vui nước nước non non
Khi buồn lại giở bàn son quân ngà

Phạm Minh Hoàng
.
.