Một nhà thơ đi 6000 cây số biển

Thứ Ba, 01/01/2008, 11:00
Nhà thơ Duy Khán có cá tính rất rõ, giữa đám đông anh không lẫn với mọi người, trong bức ảnh chụp chung dù mờ nhạt đến mấy thì dáng ngồi, dáng đứng của anh vẫn không lẫn với ai. Khuôn mặt anh hồn nhiên, hồn nhiên từ nụ cười, ánh mắt. Sống với Duy Khán nhiều năm, giờ đây đọng lại trong tôi là những sâu chuỗi kỷ niệm đáng nhớ. Với anh, tôi vừa là người cùng cơ quan (Tạp chí Văn nghệ Quân đội) vừa là bạn cầm bút.

Còn nhớ năm 1973, lần đầu tiên tôi gặp nhà thơ Duy Khán trên đường Lý Nam Đế, Hà Nội. Dù mới gặp gỡ lần đầu, dù tôi là cây bút trẻ, Duy Khán vẫn hồ hởi, ân cần. Trò chuyện được vài ba câu, Duy Khán giở ngay tập thơ "Trận mới"  tặng tôi.

Tập thơ "Trận mới" của Duy Khán xuất bản lần đầu, khổ nhỏ gần bằng bàn tay. Theo như Duy Khán nói toàn là những bài thơ đầy ắp hơi thở chiến trận: "Nhiều bài thú vị lắm, ông đọc rồi sẽ thấy thơ tôi thế nào''. Tỳ tập thơ lên yên xe đạp, Duy Khán lấy bút viết đôi dòng nắn nót: "Rất thân yêu tặng Nguyễn Đức Mậu".

Lúc đầu tôi hơi ngạc nhiên vì cách cư xử cởi mở vồn vã ấy. Sau, tôi mới hiểu đó là cung cách của Duy Khán. Chả thế mà anh giao du với đủ lớp bạn bè. Bạn anh, một ông đồ nho nói năng từ tốn nho nhã, một dịch giả tiếng Pháp chống batoong, đội mũ phớt, một người đạp xích lô mặt mũi đỏ gay thi thoảng ghé vào phòng anh uống rượu.

Bạn anh, một bác thợ may tay  thước tay kéo, một người thợ khóa xách hòm đi rong hoặc một người thợ cắt tóc ngồi dưới bóng cây ven đường. Bạn anh, những nhà thơ cao niên và những cây bút mới có vài bài thơ in báo. Có nhiều người chỉ gặp nhau ở quán bia, Duy Khán cũng trịnh trọng mời đến nhà chơi.

Anh sống cả tin và dễ gần. Trong cách nhìn của anh, người nào cũng tốt, cũng có năng lực, cũng đáng tin cậy. Mọi người trong cơ quan không ai thù ghét anh, bởi anh không ganh đua với ai. Trong chốn văn chương cũng như trong cuộc đời, Duy Khán thường mừng vui trước những thành công của bạn và chịu nhận thiệt thòi về mình.

Tuy vậy cũng có người chưa hiểu hết anh, chưa đánh giá đúng năng lực của anh nên đôi lúc họ tỏ ra xem thường, thương hại. Mặc kệ, Duy Khán vẫn tự tin sống theo cách của riêng mình.

Thực ra với một đời văn, Duy Khán còn lại một số câu thơ, bài thơ hay và tập truyện "Tuổi thơ im lặng" gây được tiếng vang trong giới nhà văn, bạn đọc, theo tôi đó cũng là một đóng góp đáng kể. Bởi lẽ, có người viết tới hàng chục tác phẩm, hàng nghìn trang sách nhưng rút cục vẫn chỉ là dã tràng xe cát. Cho hay nghề văn thật khắc nghiệt vô cùng.

Là bạn với Duy Khán, tôi thuộc thơ anh khá nhiều. Duy Khán có những câu thơ hay viết về rượu: "Lại ngồi giữa quán liêu xiêu/ Rượu suông là nghĩa, thơ gieo là tình" hoặc có những câu thăng hoa bất chợt trong cảm giác của người say: "Ta đứng thì mát, ta ngồi thì say".

Những năm chiến tranh, Duy Khán có mặt ở nhiều vùng mặt trận. Anh vừa là phóng viên của chương trình Phát thanh Quân đội vừa làm thơ. Gặp Duy Khán, lúc nào cũng thấy anh đeo súng ngắn, và cái máy ghi âm, cái sắc cốt cứ kè kè bên người.

Duy Khán đến Cà Mau, anh uống rượu bằng bát, nhắm với tôm khô. Anh say, anh ngã xuống đầm đước, câu thơ chan chứa tâm tình:

Ngã xuống rồi em ơi vẫn đất

Đất tươi mềm quyến luyến êm bông...

Hồi đi thực tế ở Campuchia, Duy Khán mang về một chùm thơ, trong đó nổi trội nhất là hai bài: "Chợ chiều" và bài "Tiếng ếch trên đồng Tà Ôi". Bài "Chợ chiều", Duy Khán nhuần nhuyễn trong thể loại lục bát:

Tôi mang nào có bao nhiêu

Mà sao mời mọc quá nhiều thế em...

Bài "Tiếng ếch trên đồng Tà Ôi", Duy Khán dựng lên cảnh đốt đuốc đi soi ếch và gặp phải những xương người chết. Tác giả lên án nạn diệt chủng bằng những câu thơ đột biến đến lạnh người:

Tiếng kêu gì lạ thế

Như tiếng người khàn hơi...--PageBreak--

Thơ Duy Khán có bài cấu trúc chưa chặt, có câu còn thô mộc, nhưng lại giàu chất thi sĩ. Có lúc anh vụng về nhưng có lúc anh thăng hoa, ảo giác. Ngoài thơ, Duy Khán còn viết văn xuôi. Có dạo Duy Khán nằm vùng miết ở Hải quân, anh theo tàu lênh đênh trên biển hàng mấy tháng ròng. Anh đã đi qua các đảo Nam Yết, Nam Bang, Song Tử Tây, Sơn Ca,

Trường Sa... Khi về cơ quan, nước da anh đen sạm như còn khét mùi gió nắng, muối mặn. Căn phòng chưa đầy sáu mét vuông của anh rủng riểng những vỏ sò, vỏ ốc. Nhà thơ Phạm Tiến Duật đến thăm phòng ở của Duy Khán có ngẫu hứng đọc mấy câu thơ:

Một nhà thơ đi sáu nghìn cây số biển

Về ở căn phòng sáu mét vuông...

Bài thơ được Phạm Tiến Duật chép lại trên một tờ giấy màu ngả vàng xé ra từ cuốn sổ tay. Duy Khán cảm động mang khoe với bạn bè. Quả thật, hồi đó Duy Khán ở trong một căn phòng quá chật, chỉ đủ kê một cái bàn con và một chiếc giường cá nhân loại nhỏ.

Phòng chật nhưng khách đông. Khách đến thăm, kẻ ngồi co trên giường, kẻ ngồi nép trên đất. Mùa đông thì còn tạm được. Mùa hè căn phòng nóng ngột ngạt như lò hầm, cái quạt nhỏ như tai mèo ở phòng Duy Khán xoay thế nào cũng không đủ mát.

Chỗ ở chật nhất so với mọi người trong cơ quan nhưng Duy Khán không hề kêu ca phàn nàn. Anh bảo: "Mình đi nhiều, ở mấy. Chỗ rộng nhường cho anh em biên tập là phải".

Đi biển về, Duy Khán lao vào viết. Anh đọc thử cho tôi nghe một vài đoạn trích trong tập bút ký "Biển thức". Đoạn mở đầu rất giàu chất thơ, có cảm giác Duy Khán đang viết trong trạng thái đầy ắp men say cảm xúc.

Anh ví ngôi nhà số 4 (tứ trụ sở Tạp chí Văn nghệ Quân đội, số 4 Lý Nam Đế, Hà Nội) như con tàu khổng lồ. Mùa hè nồng nhiệt  sôi trong tiếng ve, con tàu - nhà số 4 trôi giữa bồng bềnh màu hoa phượng.

Bút ký của Duy Khán miên man, lang thang nhưng có sức cuốn hút riêng. Bản thảo tập "Biển thức" gồm nhiều bài bút ký, Duy Khán viết đi chữa lại rồi chép vào từng xếp giấy khổ rộng. Anh cuộn vào như bó chiếu, vác trên vai hăm hở đi đến nhà xuất bản, lòng tràn đầy hy vọng.

Nhưng ở thời buổi mà các nhà xuất bản chỉ in truyện ngắn, tiểu thuyết, chẳng ai mặn mòi với bút ký, phóng sự. Ngâm câu chán, vài năm sau Duy Khán đành "cuốn chiếu" tập ký "Biển thức" lẳng lặng vác về. Nét mặt anh thoáng buồn khi biết tác phẩm của  mình bị bỏ rơi.

Duy Khán lại mang tập "Biển thức" đến một nhà xuất bản khác nữa. Vẫn vô vọng như lần gửi ban đầu. Ai ngờ đâu, cuốn "Biển thức' lại có số phận long đong, lận đận.

Người nhận biên tập cuốn Biển thức là bạn thân của Duy Khán đột ngột qua đời. "Cuốn Biển" thức bị chìm hút trong một rừng bản thảo. Nó xa lìa anh, anh gọi hoài tên nó. Và thế là, Duy Khán mãi mãi không tìm thấy tập bản thảo "Biển thức" - đứa con tinh thần mà mình đẻ đau, mang nặng.

Có dạo Duy Khán đóng cửa làm việc suốt. Nhà văn Nguyễn Khải, giọng hóm hỉnh: "Gớm, Duy Khán dạo này viết cứ nhoay nhoáy. Chả bù cho mình cứ túc tắc kéo cày". Duy Khán hồn nhiên: "Anh cứ quá khen. Nói cho khiêm tốn, tuần này em viết được bảy bài thơ, có năm bài nổi tiếng".

Duy Khán hay tự khen mình nhưng không ai bảo anh kiêu ngạo. Tính anh vốn thế, nhiều lúc bốc lên anh nói như khoe: "Chết thật, dạo này tôi viết câu nào cũng trùng với cổ học tinh hoa. Các vị tưởng tôi dốt lý luận ư? Sách của tôi đầy ắp lý luận triết học. Đấy, các vị cứ đọc kỹ, ngẫm ngợi xem tôi nói có đúng không".

Mấy anh em chúng tôi ở tầng một, nhiều đêm đã khuya nhìn lên tầng hai vẫn thấy phòng Duy Khán còn sáng ánh đèn, lại có cả tiếng ho khan. Bọn tôi nói trêu: "Đêm vắng lặng, cánh dơi chao muỗi. Tiếng tắc kè kêu ở phía tầng hai". Duy Khán gật đầu: "Đúng, dạo này mình viết khỏe và gầy như một con tắc kè vậy".

Hồi Duy Khán viết xong cuốn "Tuổi thơ im lặng", đi đâu anh cũng ca ngợi cuốn sách của mình. Tôi, nhà văn Lê Lựu vào phòng anh, anh rót rượu mời và giở văn xuôi ra đọc. Ấy chết, tưởng đọc thơ còn có lý chứ ai lại mang văn xuôi ra tra tấn nhau?

Vậy mà nghe Duy Khán đọc, tôi và Lê Lựu đều cảm động. Tôi nhớ có đoạn Duy Khán viết: "Cây mít nhà tôi có từ đời nảo đời nào...". Tôi bình luận: "Lời văn mộc mạc và cổ nhưng cốt chuyện thì hay, thú vị lắm".

Rồi Duy Khán đọc cho Nguyễn Khải nghe. Nguyễn Khải cũng trầm trồ tán thưởng. Đúng như anh em chúng tôi tiên đoán, tập truyện "Tuổi thơ im lặng" đã nhận được giải thưởng của Hội Nhà văn.

Sau này, tập truyện "Tuổi thơ im lặng" còn được tái bản nhiều lần. Bạn bè mừng cho Duy Khán, có thể nói tập truyện "Tuổi thơ im lặng" là tác phẩm hay, là cái mốc, là bước ngoặt trên con đường văn nghiệp của anh.

Duy Khán về hưu quá nhẹ nhàng như không có gì xảy đến với mình: "Sức khỏe đang lên. Tài năng đang nở rộ. Trên bảo về thì về". Nhận quyết định phân nhà anh khoe: "Quyết định phân nhà đẹp như một bài thơ mới".

Về nghỉ hưu, Duy Khán sống ở thành phố Hải Phòng và ra đi quá đột ngột. Hồi đó tôi về quê ăn tết, lên Hà Nội mới nghe tin Duy Khán qua đời. Nhà văn Nguyễn Trí Huân và nhà lý luận phê bình Lê Thành Nghị thay mặt cơ quan đi dự tang lễ.

Mới thế mà đã hơn mười năm. Giờ đây, căn phòng cũ của Duy Khán ở Tạp chí Văn nghệ Quân đội đã được phá bỏ, làm lối đi lại trên tầng hai. Căn phòng cũ không còn nhưng tôi vẫn hình dung đêm nao Duy Khán đang rót trà hoặc rót rượu mời khách và tôi nhớ lại câu thơ của Phạm Tiến Duật ngẫu hứng tặng anh hồi nào: "Một nhà thơ đi sáu nghìn cây số biển. Về ở căn phòng sáu mét vuông...".

Vâng, trong căn phòng sáu mét vuông ấy nhà thơ Duy Khán của chúng ta đã sống và đã viết. Nhiều đêm đi ngang qua phòng anh, tôi thường nghe thấy tiếng máy chữ gõ đều, hoặc tiếng dây mai so đun nước sôi rào rào như sóng biển...

Nguyễn Đức Mậu
.
.