Nhà văn Nguyễn Văn Bổng:

Một đời “trầm” và “bổng”

Thứ Ba, 22/07/2008, 14:00
Nhà văn Nguyễn Văn Bổng là bạn vong niên của tôi. Ngoài bút danh Trần Hiếu Minh, ở miền Nam anh em còn gọi anh là anh Tám Nhàn. Bác Nguyễn Tuân thì đặt cho anh một bí danh thân mật là ông “Ngờ Vờ Bờ”, lấy ba chữ cái N.V.B. Bác Nguyễn vừa tinh nghịch chơi chữ, vừa đùa vui, để "bí mật" khi điện thoại cho nhau.

Sinh thời bác Nguyễn rất yêu quý và mến phục anh Bổng. Không những phục vì sự cần cù, kiên nhẫn mà còn cảm phục về sức đi, sức viết của anh.

Có một chuyện vui, mùa xuân 1971 tôi từ đường số 9 ra. Vì tôi có quen với anh em ở hải quân, bác Nguyễn - "kiến trúc sư" của các chuyến xê dịch - đã sai tôi liên hệ một chuyến đi các đảo trên vịnh Bắc Bộ.

Lúc ấy bờ biển nước ta, các cảng đều bị giặc Mỹ phong tỏa bằng bom, mìn, nếu không đi với hải quân thì không có cách gì đi trót lọt. Anh em Hải quân ở Cảng Vân Đồn cho chúng tôi - đoàn nghệ sĩ - một chiến hạm đặc biệt. Chiếc tàu T154 Hải quân đã đưa Bác Hồ và nhà du hành vũ trụ Ti-tốp đi trên vịnh Hạ Long.

Chiếc tàu đặc biệt này sẽ đưa vào bảo tàng về Bác. Đây là chuyến đi cuối cùng của chiếc tàu này. Chúng tôi được vinh dự ấy. Đoàn gồm có: Nguyễn Tuân, Diệp Minh Châu, Đoàn Giỏi, Phạm Tường Hạnh, Duy Đức (nhiếp ảnh). Bác Nguyễn Tuân báo tôi mời ông Ngờ Vờ Bờ nữa. Thế là trong đoàn có nhà văn, họa sĩ cùng đi.

Tàu đi các đảo gặp mùa gió bão, sóng lừng lên cao, có khi như muốn đánh vỡ cả con tàu. Tất cả chúng tôi đều say sóng, riêng ông Ngờ Vờ Bờ chỉ chếnh choáng thôi.

Khi con tàu ghé đảo Ngọc Vừng, cơn say sóng bớt đi, bác Nguyễn thấy Diệp Minh Châu đang ngồi ký họa một cô công nhân tên là Xuân ở xí nghiệp Vân Hải. Cô Xuân là một công nhân trẻ có thành tích. Bác Nguyễn chợt nảy hứng ra đề thi: "Chơi Xuân trên đảo Ngọc". Vì bác Diệp Minh Châu vẽ, còn Duy Đức chụp hình, chúng tôi "múa rìu qua mắt thợ" làm thơ vậy!

Đoàn Giỏi xung phong xướng:
Chơi đảo nhằm chơi lúc gió mùa
Tưởng là sóng nhỏ lắc lưa thưa.
Ai lưng lừng lớn say kinh quá
Mỏi cốt, nhừ gân đủ sướng chưa?
Tôi họa lại để tặng Nguyễn Văn Bổng:
Đêm ấy chơi Xuân ngỡ gặp mùa
Mò vô đảo Ngọc rẽ luồng thưa
Bổng lên trầm xuống thuyền đưa đẩy
Nôn tháo mật vàng thỏa sức chưa?

Tôi còn nhớ, trung tuần tháng Chạp 1998, tôi đi họp anh chị em văn nghệ ở Đà Nẵng. Các văn nghệ sĩ Nguyễn Viết Lãm, Tường Nhẫn, Thu Bồn, Lệ Thi… hỏi sức khỏe anh Bổng, vì tôi vừa Hà Nội về có ghé thăm anh. Anh Bổng bị thiên đầu thống đã lâu, mắt anh mờ, lại bị cơn tai biến mạch máu não tưởng nguy, nay sức anh có xuống. Một con người đang khỏe, vạm vỡ, chắc nịch… nay chân, tay, lờ đờ, giọng run run. Anh gượng dậy trò chuyện mà thấy thương. Anh cho mang ra tập "Tuyển tập Nguyễn Văn Bổng", mỗi tập đến hàng 500, 600 trang, và một đôi lót giày bằng bột quê Trà Mi thơm thơm tặng tôi. Nhân đây anh gửi tặng sách Nguyễn Quang Sáng, Nguyễn Duy, Hoài Vũ, nhờ tôi chuyển về.

Trong lời bạt viết cho "Tuyển tập Nguyễn Văn Bổng", Tô Hoài cho biết: Nguyễn Văn Bổng cầm bút từ 1942, vào tuổi 20 anh đã viết những truyện ngắn gửi cho tờ Thanh Niên ở Sài Gòn và Thanh Nghị ở Hà Nội. Đó là các truyện: "Dưới đáy sông Hương", "Làm trai cuộc đời", và đã in hai tập truyện ngắn "Chuyện ba người bạn" và "Say nửa chừng" (1944).

Bốn mươi năm sau Tô Hoài lại gặp Nguyễn Văn Bổng với một sự lịch lãm đằm thắm của người viết trong "Sương mù Đà Lạt" và "Tiểu thuyết cuộc đời". Bao nhiêu đau đớn băn khoăn khi anh viết tiểu thuyết "Con trâu", viết bút ký cải cách ruộng đất "Cắm thẻ Đồng Câu" và tiểu thuyết "Bếp lửa đỏ". Anh đã viết hàng chục truyện dài, hàng trăm truyện ngắn, bút ký văn học với tấm lòng tha thiết qua các giai đoạn và sự kiện lớn của cách mạng.

Một "dũng sĩ" có sức đi phi thường, đã 5 lần vượt Trường Sơn từ Nam ra Bắc và từ Bắc trở về qua hai cuộc trường chinh ác liệt. Bút lực chừng ấy mà chịu treo kiếm ngồi một nơi chữa bệnh, tập đi, tập đứng và ngại ngùng khi ra khỏi nhà.

Tôi đã có nhiều dịp đi viết với Nguyễn Văn Bổng khi anh từ miền Nam ra Hà Nội dưỡng bệnh những năm cuối thập niên 60 (của thế kỷ trước). Lúc ấy anh khỏe và nhanh nhẹn, người sôi nổi, rắn rỏi và đầy nghị lực.

Có chuyến tôi, Nguyễn Văn Bổng, Nguyễn Tuân, Diệp Minh Châu, Đoàn Giỏi và Phạm Tường Hạnh lênh đênh trên biển gần tháng trời qua các đảo Cái Bầu, Thanh Lân, Cô Tô… quần đảo Vân Đồn trên Vịnh Bắc Bộ. Anh và Đoàn Giỏi như hai con cá kình giữa biển khơi.

Năm ấy sau Xuân Mậu Thân 1968, anh từ Sài Gòn lửa đạn ra. Chúng tôi đã vượt bao dặm dài trên biển cả từ vịnh Hạ Long ra biển Đông bị đế quốc Mỹ phong tỏa bằng thủy lôi và bom mìn. Các bạn trên tàu hải quân T154 cùng đi và cho biết chiếc tàu tuần dương này đi lần cuối cùng để rồi đưa vào bến làm bảo tàng, vì đây là chiếc tàu đặc biệt được Bác Hồ cùng anh hùng vũ trụ Ti-tốp sử dụng khi đi thăm vịnh Hạ Long…

Nguyễn Văn Bổng là một con người sôi động, nhưng nói ít và nhiều suy tư, một hình mẫu của nhà giáo xứ kinh kỳ cũ. Bác Nguyễn Tuân thường nói ông Ngờ Vờ Bờ có cái bút lực đầy ắp những thực tế sinh động trong suốt bao năm nằm gai, ngủ rừng, vượt sông Cửu Long vào sinh ra tử hoạt động trong lòng địch và trăn trở, đau đời rút ruột nhả tơ...

Và cũng theo Tô Hoài: ở Nguyễn Văn Bổng, ý thức sống và ngòi bút gắn bó kiệt cùng với đời viết. Tên mỗi cuốn sách của Nguyễn Văn Bổng cũng đã khiến bạn đọc hình dung độ trường khoát của thực tế lớn lao với người cầm bút thời đại. Những tập bút ký "Cửu long cuộn sóng", "Đường đất nước", "Sài Gòn ta đó", "Ghi chép ở Tây Nguyên"... Những tập truyện ngắn, những tiểu thuyết "Rừng U Minh", "Sài Gòn 67", "Tiểu thuyết cuộc đời"... Nguyễn Văn Bổng đã sống trọn vẹn với lẽ sống của người cầm bút.

Tôi cũng có khi "tháng rộng, ngày dài" ruổi rong cùng Nguyễn Văn Bổng những ngày đầu giải phóng ở thành phố Hồ Chí Minh, đồng bằng và miền Lục tỉnh; tổ chức cho anh và Tế Hanh ra tận đảo Phú Quốc bằng máy bay lên thẳng trong chuyến đi đầu năm 1976.

Anh đã hồi tưởng lại những quãng đường khói lửa hôm qua, những tháng năm khổ ải và mộng mơ, anh kể lại cho tôi nghe bao chuyện trong chiến trận Tết Mậu Thân. Những lần anh bị địch bắt, nhưng được cơ sở giải thoát. Có lần, tại nhà của Lưu Nghi - nhà văn cơ sở nội thành - Nguyễn Văn Bổng vừa vào cửa, thì có người đeo kính râm cũng mò đến. Người này là bạn học thuở nhỏ ở quê nhà Quảng Nam. Người khách hỏi trực tiếp:

- Ông có phải là Nguyễn Văn Bổng - Đà Nẵng không?

- Không, thưa tôi không phải.

- Ơ có lẽ bây giờ Nguyễn Văn Bổng ở Hà Nội, hoặc Mốt-cu, chứ đâu có đây - Người theo dõi anh vờ nói như thế!

Ngay lúc ấy, Nguyễn Văn Bổng giả đò đi ra ngoài mua thuốc lá, và "tam thập lục kế" đi cơ sở khác là thượng sách. Anh từng đi Honda công tác từ Sài Gòn lên Dầu Tiếng, về Bến Cát, Trảng Bàng và tìm người thân cho Tô Hoài. Những năm Tô Hoài tha phương cầu thực trước Cách mạng Tháng Tám ở ngoại ô Sài Gòn, ông có quen biết một gia đình ở đồn điền cao su và có duyên nợ chốn ấy...

Có lần, tôi và Đoàn Giỏi nghe tin Nguyễn Văn Bổng đã hy sinh. Mỗi lần uống rượu ở nhà ông Giỏi, tôi, Hoàng Trung Thông rót thêm một chén và thắp một nén hương nhớ bạn cố tri. Nhưng rồi vài tháng sau, anh em có người ra nói anh vẫn hoạt động trong nội thành Sài Gòn, Gia Định, thế là mừng vui quá đỗi.

Khi anh ra Hà Nội, chúng tôi lại tổ chức liên hoan tại nhà bác Tuân. Tôi, Đoàn Giỏi, ông Nguyễn Sáng mua giò lụa đến 90/B2 Trần Hưng Đạo lầu 2 và bác Nguyễn cho nửa chai "quốc lủi", một ít cônhắc cùng mừng ngày gặp mặt sau bao tháng ngày xa xăm, cách biệt tử sanh trong gang tấc.

Nguyễn Văn Bổng là bài học cho những cây bút trẻ đang miệt mài trên trang giấy, như người gánh từng gánh nước leo lên dốc đá tưới đồng lúa xanh.

Anh xứng đáng với Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật và nhiều giải cao quý khác: Giải Phạm Văn Đồng ở Liên khu 5 thời đánh Pháp; Giải Hội Văn nghệ Việt Nam thời hòa bình; Giải Nguyễn Đình Chiểu ở miền Nam thời chống Mỹ.

Ngày 9 tháng 7 này là ngày giỗ lần thứ 7 của anh. Cho tôi thay mặt các bạn văn nghệ thân tình với anh ở thành phố Hồ Chí Minh nâng chén rượu tưởng nhớ một nhà văn chiến sĩ quả cảm, từng hoạt động trong lòng địch những ngày gian nan nhưng vô cùng vinh quang của dân tộc

Đoàn Minh Tuấn
.
.