Nghệ nhân dệt lụa Nguyễn Thị Tâm:

Một đời tơ lụa

Thứ Hai, 16/11/2015, 08:00
Tới làng lụa Vạn Phúc những ngày này, bên chén trà ấm nóng, đặc biệt là bên tiếng lách cách thoi đưa được nghe nghệ nhân Nguyễn Thị Tâm kể về câu chuyện giữ gìn và phục hồi những dòng lụa quý lại khiến chúng tôi càng thêm hiểu, thêm yêu quê hương, đất nước con người xứ mình...

"The La, lĩnh Bưởi, chồi Phùng/ Lụa Vân Vạn Phúc, nhiễu vùng Mỗ bên"... Đã có một thời, không chỉ những người dân ở làng lụa Vạn Phúc mà cả những người mê lụa truyền thống đã từng ngậm ngùi nghĩ rằng lụa Vân trong câu ca dao xưa sẽ mãi mãi chỉ còn là câu chuyện trong huyền thoại hay trong lời kể của những bậc cao niên của làng. Thế nhưng, có một người phụ nữ với một đời cần mẫn, bằng tình yêu của mình với khung dệt đã mang thứ lụa quý giá ấy trở lại với đời sống. Chị là nghệ nhân Nguyễn Thị Tâm - người vừa được vinh danh một trong 10 gương mặt Công dân Thủ đô ưu tú 2015.

Tới làng lụa Vạn Phúc những ngày này, bên chén trà ấm nóng, đặc biệt là bên tiếng lách cách thoi đưa được nghe nghệ nhân Nguyễn Thị Tâm kể về câu chuyện giữ gìn và phục hồi những dòng lụa quý lại khiến chúng tôi càng thêm hiểu, thêm yêu quê hương, đất nước con người xứ mình.

Nghệ nhân Nguyễn Thị Tâm hằng ngày vẫn miệt mài bên khung dệt.

Khác với những cơ sở khác ở làng nghề Vạn Phúc chỉ dành không gian để bày bán sản phẩm, nghệ nhân Nguyễn Thị Tâm còn đầu tư thêm tiền để đặt khu sản xuất ngay bên cạnh. Chị mong muốn khách tới Vạn Phúc không chỉ được nhìn những tấm lụa đủ màu sắc, được chạm tay vào những thớ vải óng ả mà còn được tận mắt tham quan công việc của những người thợ dệt tài hoa. Nhìn những gương mặt du khách ngạc nhiên xen lẫn thán phục khi được chứng kiến công đoạn thú vị ấy, chị Tâm hiểu rằng mình đã đi đúng đường.

Nếu hỏi nghệ nhân Nguyễn Thị Tâm rằng chị đến với nghề dệt lụa từ bao giờ có lẽ sẽ là thừa bởi chính chị cũng khó có được câu trả lời chính xác. Với mỗi người dân Vạn Phúc thì những tiếng thoi đưa hay bất kỳ công đoạn nào của nghề dệt vải đã trở nên thân quen như máu thịt. Không biết có phải vì câu chuyện xưa kia, tương truyền rằng cách đây 1.200 năm, vì yêu người dân Vạn Phúc chịu thương chịu khó mà bà A Lã Thị Nương, một người con gái Cao Bằng nổi tiếng đảm đang, thạo nghề dệt lụa về làm dâu trong làng đã truyền lại mà hầu như những cô gái trong làng Vạn Phúc như chị Tâm đều đảm đang khéo léo.

Chị chia sẻ: "Tôi lớn lên bên khung cửi, cùng với những tiếng thoi đưa của các bà, các mẹ. Từ khi còn bé, những buổi sáng theo mẹ, theo chị là bờ sông Nhuệ phơi lụa, những đêm khuya thức theo cha vẽ mẫu, tiếng thoi đưa lách cách bên cánh võng đã trở thành những thanh âm quen thuộc và ngấm vào lòng từ lúc nào không hay. Chúng tôi cứ tùy theo khả năng của mình mà tham gia vào công việc của nhà. Khi còn bé, ngoài những giờ học thì ngồi suốt chỉ. Lớn lên chút nữa thì chuyên đổi khung dệt cho mẹ. Khi thành thạo mọi khâu rồi có thể vững vàng ngồi dệt".

Hai mươi tuổi, Nguyễn Thị Tâm kết hôn với một anh bộ đội. "Có lẽ tôi là người may mắn khi được làm dâu trong một gia đình có người cha là nghệ nhân Triệu Văn Mão vô cùng yêu nghề dệt lụa. Ngay từ ngày Vạn Phúc còn hoạt động theo phương thức hợp tác xã, ông đã luôn đau đáu trong việc giữ gìn và phát huy nghề truyền thống. Đầu những năm 90 của thế kỷ trước, khi nền kinh tế bắt đầu chuyển sang cơ chế thị trường, làng nghề Vạn Phúc lao đao mất phương hướng.

Khi ấy, để có thể đảm bảo được đời sống tôi đã có một cửa hàng nhỏ kinh doanh bánh kẹo nhưng thú thực tình yêu nghề vẫn chưa bao giờ nguôi ngoai trong lòng. Có lẽ ông hiểu được tình yêu lụa đau đáu trong tôi nên ông đã nói với tôi rằng: "Con về đây làm nghề cùng bố. Bố cũng đã nhiều tuổi rồi, dần dần không cáng đáng được nữa. Bỏ nghề thì bố tiếc lắm. Cả làng làm được thì mình cũng làm được"- nghệ nhân Nguyễn Thị Tâm bộc bạch.

Người phụ nữ nhỏ nhắn ngày ấy gánh trên vai cơ nghiệp của nhà chồng, gánh cả những gửi gắm của người cha già ngay vào giai đoạn khó khăn nhất của làng nghề. Khi ấy, không ít người hoang mang, mất niềm tin vào nghề truyền thống của làng bắt đầu chuyển sang làm việc khác. "Nghe lời ông, tôi thu xếp lại việc ở cửa hàng bánh kẹo để tập trung cho nghề dệt lụa. Lúc đầu gặp vô chừng khó khăn. Lụa sản xuất ra nhưng không bán được vì nhiều người không biết cách sử dụng lụa thế nào. Bản thân những người trực tiếp sản xuất ra lụa thì trước đây cũng chỉ làm thuê cho hợp tác xã, sản phẩm mang đi xuất khẩu nên thậm chí chưa từng được sử dụng sản phẩm của mình. Chính vì thế cũng không biết khách hàng yêu thích loại vải nào. Nhưng tôi may mắn vì luôn có cha chồng ở bên ủng hộ, động viên. Ông thường nhắn nhủ tôi rằng: "Con thích làm mặt hàng gì thì làm. Có gì bố sẽ hỗ trợ".

Tôi mạnh dạn nói với ông rằng, mình không thể sản xuất trong tình trạng mù mờ không biết khách hàng có thích hay không như lâu nay được. Nếu muốn tồn tại thì bắt buộc mình phải có những sản phẩm khác biệt. Khi ấy, nhìn thấy những loại vải quý bị thất truyền tôi đã rất xót xa và nghĩ rằng lãng phí vô cùng. Mình muốn làm những cái độc đáo, những cái chưa ai làm. Vậy tại sao lại không khôi phục những loại vải đã làm nên thương hiệu của lụa Vạn Phúc khi xưa. Chỉ có những sản phẩm ấy mới không khiến lụa Vạn Phúc trở thành "hàng chợ" và giữ được thương hiệu của làng.

Sản phẩm đầu tiên tôi nghĩ đến là lụa Vân - thứ lụa đặc biệt, hoa văn nổi vân trên mặt lụa mượt nhìn như những đám mây và chỉ duy nhất có ở làng lụa Vạn Phúc".

Hiểu được tâm huyết của con, cụ Triệu Văn Mão đi khắp nơi trong làng xin hoặc mua lại những mảnh khăn, chiếc áo hay từng miếng lụa Vân cũ. Cụ tìm đến những nghệ nhân thiết kế có tay nghề nhất trong làng nhờ thiết kế lại các mẫu lụa cũ và dệt thử. Biết Nguyễn Thị Tâm đam mê phục dựng lụa truyền thống, nhiều cụ già trong làng đích thân mang vải đến cho cô tìm hiểu. Nhiều ngày đêm miệt mài bên khung cửi, tỉ mẩn từng sợi tơ, cuối cùng Nguyễn Thị Tâm đã tìm được bí quyết dệt lụa Vân tưởng mãi mãi thất truyền.

Những tấm lụa đủ màu sắc được dệt bởi bàn tay của người thợ tài hoa.

"Niềm vui giữ được sản phẩm truyền thống chưa được bao lâu thì chúng tôi lại rơi vào lo âu vì sản xuất ra nhưng không bán được. Làm thế nào để giới thiệu được sản phẩm của mình tới tay khách hàng là một bài toán khó. Thay vì mang vải đến chào hàng ở một số cửa hàng, tôi xin phép ông cho tôi một khoảng đất nhỏ để tôi bày những loại vải mình có. Thông qua những người tới xem và mua hàng, tôi đã dần hiểu thị hiếu của khách. Tôi còn nghĩ rằng phải kết nối với du lịch, tham gia các hội chợ triển lãm, festival làng nghề trong nước và ngoài nước. Và thực sự từ đó lụa Vân đã được nhiều người biết tới. Ngay khi tôi mò mẫm với sản phẩm lụa truyền thống thì sản phẩm lụa pha khi ấy được rất nhiều người ưa chuộng vì bắt mắt và giá thành hợp lý. Không ít người cho rằng tôi "dở hơi" khi đi vào con đường khó. Nhưng khi làm những sản phẩm truyền thống và chất lượng cao ấy, tôi có một niềm tin chắc chắn rằng mình sẽ "ăn" về sau"- nghệ nhân Nguyễn Thị Tâm chia sẻ.

Ngay từ đầu những năm 2000, những tấm lụa Vân đã vượt biên giới Việt Nam để đến với những khách hàng của nước Nhật, nước Pháp... xa xôi. Năm 2010, sản phẩm lụa Vân "Nghìn năm Thăng Long" của gia đình nghệ nhân Nguyễn Thị Tâm được thành phố Hà Nội chọn làm quà tặng cho các vị khách quốc tế đến tham dự Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Cùng với một loạt những sản phẩm cao cấp tinh tế khác như lụa trơn, lụa màu, đũi... nghệ nhân Nguyễn Thị Tâm còn phục chế thành công 18 bộ triều phục cung đình Huế, góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống. 

Cùng với những tấm lụa đầy màu sắc đi tới mọi chân trời, những giải thưởng danh giá cũng đến với người phụ nữ cả đời yêu lụa này như danh hiệu "Bông hồng Vàng Thủ đô", "Ngôi sao Việt Nam" và gần đây nhất là "Công dân Thủ đô ưu tú" nhưng người phụ nữ ấy nói về thành công rất giản dị: "Tôi làm vì sự đau đáu với nghề của cha ông, vì nỗi lo mất nghề. Tôi tham gia nhiều hiệp hội, cố gắng có mặt tại các triển lãm trong và ngoài nước để quảng bá sản phẩm của làng. Cứ miệt mài làm thế thôi chứ không bao giờ nghĩ để đạt được danh hiệu gì nên mỗi giải thưởng đến luôn đi kèm với niềm vui là sự bất ngờ. Niềm hạnh phúc nhất của tôi là nhìn thấy làng lụa khởi sắc, thấy ngày càng có nhiều khách hàng lựa chọn lụa Vạn Phúc cho mình".

Từ cô gái dệt lụa năm xưa, giờ đây là nghệ nhân với một cơ ngơi vững chãi thì ở người phụ nữ này vẫn nguyên vẹn nét giản dị, mộc mạc của những người con gái làng lụa. Và điều dễ thấy nhất là tình yêu với lụa lúc nào cũng đầy ắp trong lòng. Chị chia sẻ, cả đời gắn bó với lụa mà mỗi khi nhìn thấy lụa cũng mê đắm. Bất cứ khi nào nhìn thấy ai mặc áo lụa Hà Đông là cũng ngẩn ra nhìn rồi vui lắm. Cả đời gắn bó với xưởng dệt, hôm nào bận bịu không được nghe tiếng thoi đưa, chị thấy thật thiếu vắng... Yêu nghề, với nghệ nhân Nguyễn Thị Tâm còn là mong muốn làng nghề ngày càng phát triển nên chị phối hợp cùng với chính quyền địa phương mở các lớp tập huấn nâng cao tay nghề cho đội ngũ thợ trẻ, lớp sáng tạo mẫu, kỹ năng bán hàng và chị trực tiếp truyền nghề. Như những con tằm vắt mình tạo nên những sợi tơ vàng óng, người phụ nữ ấy đã lặng lẽ góp phần dệt nên bức tranh tươi đẹp của Thủ đô văn hiến.

Thảo Duyên
.
.