Một dịch giả truyện võ hiệp từ chối 100 triệu đồng tiền nhuận bút

Thứ Hai, 31/08/2009, 11:00
Tiếp sau những tác giả rất nổi tiếng như Kim Dung, Cổ Long, thị trường sách Việt Nam vừa xuất hiện bộ truyện võ hiệp "Côn Luân" của tác giả Phượng Ca (SN 1977) do NXB Phụ Nữ ấn hành. Người dịch 2.540 trang sách này là một cô gái trẻ, SN 1979, có tên Đào Bạch Liên. Cô cựu sinh viên ĐH Ngoại thương Hà Nội này đã có một quyết định khiến giới xuất bản phải bất ngờ: Không nhận nhuận bút để "chia sẻ khó khăn" cùng độc giả.

Theo ông Trần Việt Anh - Phó Giám đốc NXB Phụ Nữ - với cách tính nhuận bút thông thường hiện nay, số tiền nhuận bút của dịch giả trong lần in đầu đã khoảng 100 triệu đồng. Nhân dịp này, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với dịch giả trẻ Đào Bạch Liên.

Thưa chị, tình yêu dòng truyện võ hiệp đến với chị như thế nào?

+ Tôi bắt đầu tiếp xúc với thể loại này từ hồi lớp 3. Hồi đó tôi có người bạn ở xóm Đồng Nhân (Hà Nội) cho thuê truyện. Bạn cho tôi mượn thôi, nhưng vì mượn nên toàn những sách không hay, nào là diễm tình trinh thám linh tinh, lẫn vào một hai quyển kiếm hiệp nhàu nát giấy vàng. Tôi bắt đầu đọc từ đó, rồi dần dần "ghiền".

- Vậy đâu là tác phẩm, tác giả mà chị tâm đắc nhất?

+ Tôi thích nhất là Hoàng Dị. Ông là nhà văn giàu kiến thức, rất trọng tính thương mại trong sáng tác, ngoài ra tôi khá ưa giọng văn của ông ấy. Còn tác phẩm tôi thích nhất là "Tiếu ngạo giang hồ" của Kim Dung. Nó đem lại cho tôi cảm giác ám ảnh. Tôi sợ cái tham vọng được miêu tả trong đó.

- Những cuốn sách ấy có tác động gì tới tính cách, suy nghĩ và ứng xử của chị trong cuộc sống?

+ Không tác động gì, tôi nghĩ vậy. Đã nhiều lần tôi cố trở nên cao thượng, khiêm nhường, tự tin và dũng cảm như các đại hiệp, nhưng không thành công.

- Nhiều người vẫn nhớ, mấy năm trước chị đã dịch bộ "Tru Tiên" của Tiêu Đỉnh dày gần 2.500 trang. Vì sao một cô gái 7X lại sẵn sàng gạt đi nhiều thú vui khác để miệt mài dịch truyện?

+ Như nhiều người, tôi rất yêu sáng tác văn chương, nhưng khác họ, tôi đọc tạp và không có óc tư duy cho lắm. Ngày bé tôi cũng tập tành viết lách này nọ, từng gửi dự thi hết "Những cây bút nhỏ" của báo Nhi Đồng đến "Hương đầu mùa" của báo Hoa Học Trò, nhưng thất bại cả. Thành thử dịch thuật giúp tôi thỏa mộng văn chương theo cách riêng. Còn tại sao lại là dòng truyện này? Chắc là tại duyên (cười).

- Sau khi "Tru Tiên" ra đời, nhiều người, trong đó có cả một số nhà văn rất muốn gặp chị để… nói lời cảm ơn. Có kỷ niệm gì ấn tượng, hay thú vị về bộ sách này mà chị muốn chia sẻ với tôi trong cuộc trò chuyện này?

+ Nhà văn mà anh nói đến chắc là anh Lưu Sơn Minh. Sau khi đọc bài trò chuyện ấy, tôi đã hỏi rất nhiều người xem có quen anh Minh không để gửi lời cảm ơn lại, vì chưa từng có độc giả nào cổ vũ tôi bằng những lời nồng nhiệt đến vậy. Tôi tự nhủ là hễ in được quyển sách nào, nhất định tôi phải gửi tặng anh ấy. Tiếc là không có bạn bè nào của tôi quen biết đủ để khả dĩ giới thiệu. Qua đây tôi cũng nhờ anh gửi tới nhà văn Lưu Sơn Minh lòng tri ân sâu sắc của tôi. Xoay quanh "Tru Tiên" thì có rất nhiều chuyện đáng nhớ, đến nỗi tôi không lựa ra nổi là chuyện nào đáng nhớ hơn cả. Chỉ có thể nói rằng nó đem lại cho tôi bao nhiêu bạn bè, và mở rộng cuộc sống vốn khép kín của tôi.

 - Bộ sách "Côn Luân" đã đến với chị như thế nào? Và vì sao chị chọn dịch "Côn Luân" mà không phải là những bộ sách khác?

+ Ở Trung Quốc, "Côn Luân" đã giành giải nhất Võ hiệp Văn học Hoàng Dị (2005), giải nhất Kim cổ Truyền kỳ Võ hiệp (2006). Tôi chọn "Côn Luân" trước hết bởi nó là tác phẩm "tân võ hiệp" hoàn toàn theo hình thức cổ điển. Nó sẽ là một món ăn mới cho độc giả khi trong 3 năm hậu "Tru Tiên" vừa qua. Khác với "Tru Tiên", "Côn Luân" không tự đến với tôi, tôi chủ ý đi tìm nó.

- Chị có được bản quyền dịch bộ sách như thế nào?

+ Đọc xong "Côn Luân", tôi lập tức liên lạc với Phượng Ca. Người trả lời thư là đại diện thương mại của tác giả. Cô ấy rất nhiệt tình với đề nghị của tôi và cũng khoe rằng "Côn Luân" mới xuất bản ở Hàn Quốc. Nói chung là không có khó khăn gì. Trong quá trình dịch, có gì cần hỏi thì người giải đáp cho tôi là Jenny Wang và Vu Đồng (biên tập viên bản "Côn Luân" tiếng Trung).

- Vậy đâu là điều thú vị nhất khi chị dịch "Côn Luân"?

+ Là nó chứa đựng nhiều thách thức, hết thuật ngữ toán cổ đến thi từ khúc, chưa kể Phượng Ca còn trích dẫn câu văn trong các sách nổi tiếng khác, ví dụ "Sử ký", "Đạo đức kinh", "Hồng Lâu Mộng"… người Trung Quốc đọc đến là họ biết ngay nguồn ở đâu. Lúc đó tôi tự bảo mình dịch thế nào thì dịch, để người Việt đọc đến cũng biết ngay câu này ở đâu ra. Chẳng hạn câu Bá Nhan khuyên răn Lương Tiêu: "Thái cao nhân dũ đố, quá khiết thế đồng hiềm" là Phượng Ca trích trong "Hồng Lâu Mộng", đoạn nói về Diệu Ngọc (Biết đâu cao quá đời ghen, biết đâu sạch quá đời khen da mà). Lúc tra ra từ khó, hay tìm được những nguồn này, tôi sướng mê man.

- Thế còn điều khó khăn khiến chị "nản" nhất?

+ Là nó khó quá, phải tra cứu, nên thời gian trung bình dịch một chương thường bị nhân lên nhiều. Tôi bản tính thiếu kiên nhẫn, hễ gặp chỗ khó tôi lại bỏ đó đi xem phim hay đi chơi hàng tuần liền, cho đến khi trong lòng có sự nôn nóng đốc thúc mới quay lại dịch tiếp được (cười).

- Việc phải tiếp cận với một hệ thống võ học riêng mà Phượng Ca sáng tạo trong "Côn Luân" (như Thạch trận võ học, Tự nhiên chi thuật, Thái Ất phân quang…) có phải là thử thách, hay khiến chị cảm thấy hứng thú hơn?

+ Vừa thử thách vừa hứng thú, giống như đánh thành vậy (cười).

- Mất bao nhiêu thời gian để chị hoàn thành bản dịch bộ sách này?

+ Tôi dịch từ 10 giờ đêm đến 2 giờ sáng. Mất 29 tháng như thế.

- Nhưng cuối cùng chị lại đi đến một quyết định mang tinh thần rất… hào hiệp: Không lấy nhuận bút dịch nhằm giảm giá thành cuốn sách, như một cách "chia sẻ" cùng độc giả yêu sách kiếm hiệp. Quyết định này đến với chị như thế nào?

+ Tôi luôn mong muốn truyện dịch ra được càng nhiều người đọc càng tốt. Cách đây hơn hai năm, lúc bắt đầu quyết định xuất bản "Côn Luân", tôi đã dự tính là làm một bộ 7 cuốn với giá 210.000 đồng. Đáng tiếc là kinh tế khủng hoảng, vật giá leo thang nên không thể thực hiện được dự tính đó nữa. Việc không lấy tiền dịch lần này cũng là góp phần nào thực hiện mong muốn ấy thôi, tiếc là vẫn không được như nguyện, tôi đành tự an ủi là nếu không thì giá sách còn cao hơn nhiều nữa.

- Chị có biết, số tiền nhuận bút này - nếu nhận - chị sẽ có bao nhiêu tiền không?

+ Tôi biết chứ (cười).

- Theo tiết lộ từ NXB Phụ Nữ, Bạch Liên không chỉ "chia sẻ" với độc giả ở 2.000 bộ sách trong lần in đầu tiên này, mà cả những lần tái bản sau?

+ Đúng vậy. Nếu bộ sách được độc giả đón nhận và tiếp tục được tái bản, thì đó cũng chính là niềm vui của tôi rồi.

- Đó không phải là số tiền nhỏ đối với một người làm công việc dịch sách. Với chị thì sao?

+ Tôi sống cũng không dư dả gì. Nhưng việc chính của tôi không phải dịch sách nên tôi không ngại, vả chăng đêm xuống không dịch thì tôi lại xem phim thôi, cũng vầy vậy cả (cười).

- Nhiều người rất bất ngờ vì sự "hào hiệp" này của chị. Và họ muốn biết chị đang làm gì, ở đâu?

+ Tôi làm việc tại Hà Nội, trong một công ty… À mà thôi, không nên "kéo" tên công ty tôi đang làm việc vào cuộc phỏng vấn này thì hơn (cười).

- Vâng, chị không muốn nói thì thôi vậy. Nhưng để độc giả đỡ "áy náy" khi thấy chị miệt mài dịch suốt 29 tháng trời, rồi lại "chia sẻ" toàn bộ nhuận bút, thì tôi cũng đã tìm hiểu và biết Đào Bạch Liên đang làm cho một công ty của Nhật Bản. Khi trao đổi với chúng tôi, đại diện NXB Phụ Nữ nói rằng họ đánh giá rất cao ý tưởng và hành động "nghĩa hiệp" của dịch giả nhằm mục đích giảm giá thành để nhiều người có điều kiện để mua sách. Và NXB Phụ Nữ cũng đã thực hiện cam kết với dịch giả là dành toàn bộ số tiền nhuận bút để giảm giá thành bán lẻ bộ sách. Xin hỏi chị câu cuối, bộ sách đã ra đời, có điều gì khiến chị cảm thấy chưa hài lòng? Và sau bộ sách này, Đào Bạch Liên sẽ tiếp tục dịch tác phẩm gì vậy?

+ Là phần thi - từ - khúc trong truyện. Tôi đã quyết tự dịch lấy tất cả thơ và từ trong "Côn Luân" mà không dùng bản dịch thơ của những người đi trước, nhưng kết quả chưa đạt tới tầm mong muốn, nên tôi vẫn cấn cá trong lòng lắm. "Côn Luân" là tác phẩm kiếm hiệp cuối cùng tôi dịch, và lẽ ra cũng là tác phẩm dịch cuối cùng của tôi. Nhưng cách đây một năm, hồi dịch "Tu La Đạo" của Bộ Phi Yên, tiểu thuyết này lại gợi ý cho tôi một mảng sách khác. Nên sau này có điều kiện thì tôi sẽ nghiên cứu vài bản thảo của mảng đề tài ấy xem sao.

- Cám ơn chị. Độc giả hy vọng sẽ còn gặp lại chị qua những bộ sách dịch tiếp theo!

.
.