Chuyện làng văn nghệ

Một cái chắc là một cái lép

Thứ Hai, 17/03/2014, 08:00

Các cụ ta vẫn nói, một cái "chắc" là một cái "lép"!
Theo chỗ tôi biết, trong nghề in ấn, xuất bản đã có không ít câu chuyện cười ra nước mắt theo kiểu "một cái chắc là một cái lép" như vậy.
Sau đây là chuyện xảy ra ở một tạp chí văn nghệ:

Chuyện thứ nhất:

Một "thơ sĩ" kha khá tuổi hùng hổ bước vào. Bộ phận tạp chí lúc này có 3 cô. Một cô phụ trách biên tập, hai cô trợ lý biên tập, kiêm đánh máy.

- Ai chữa hai câu thơ cuối trong bài thơ của tôi thế này?! - Giọng ông "thơ sĩ" đanh thép -  Chữa thế này là làm hỏng thơ tôi. Thơ tôi đang đầy ý nghĩa và hay như thế này mà tòa soạn lại sửa hai câu cuối của tôi. Ai cho phép sửa?

- Dạ. Sửa thơ ở bài nào ạ? - Mấy cô trợ lý kiêm đánh máy sợ xanh mắt, rụt rè hỏi lại. Ai nấy lấm lét nhìn nhau: "Thôi chết, chắc mình đánh máy hỏng đây"...

Ông "thơ sĩ" săm săm rút trong túi áo khoác ra bài thơ đánh máy trên giấy A4: "Đây! Trên tạp chí tháng này đây. Đây nhé, bài thơ của tôi thế này mà lại sửa ra thế này. Đây các cô nhìn hai câu cuối...!".

Quả thật hai câu cuối trong bài thơ ông giơ ra, trên tạp chí hoàn toàn không như thế...

Cô phụ trách biên tập chống chế:

- Chắc là do người biên tập thơ sửa...

- Ai sửa? Ai mà lại sửa thế này?

- Chắc là ông biên tập thơ sửa… 

- Ông ấy sửa hay các cô sửa, hả? Không được! Sửa thế này thì hỏng hết, hỏng hết!

Thấy vậy, cô phụ trách biên tập tìm cách lảng đi lên tầng trên...

Cô trợ lý biên tập vội bảo: "Để cháu tìm lại bản thảo...".

- Cô tìm đi. Làm ăn thế này thì chết!

May quá, vừa tìm được tờ bản thảo bài thơ tác giả đánh máy đem đối chiếu thì... y sì, không sai một dấu, một chữ. Hai cô đưa ra cho "thơ sĩ" đối chiếu.

Bài thơ trên tạp chí đúng như bản đánh máy nhận được. Ông này từ chỗ đang đằng đằng sát khí bỗng nhuệ khí đi đâu hết, vội chống chế: "Đây... không phải là bản thảo của... tôi!".

- Dạ, đúng là bản thảo của bác đấy ạ. Chúng cháu còn giữ nguyên. Bản thảo còn nguyên nếp gấp...

Nét mặt tiu nghỉu, ông nọ bước vội ra khỏi phòng tòa soạn, không một lời chào!

Chuyện thứ hai:

Hôm ấy, phòng phát hành đang tấp nập đóng gói để gửi tạp chí đi các nơi. Có lẽ ngày phát hành tạp chí là ngày vui nhất trong tháng. Ấn phẩm mới, không khí làm việc khẩn trương và có phần háo hức, vui tươi hơn hẳn ngày thường...

Bỗng một ông "thơ sĩ" nhà gần tòa soạn xuất hiện. Sau khi lướt nhanh tờ tạp chí trên tay, thấy bài thơ của mình in lẫn trong chùm thơ của các tác giả là lạ khác, và chỉ có 4 câu, ông bỗng dưng nổi đóa, nét mặt lúc đó trông rất kinh hãi. Ông nói gần như sùi cả bọt mép:

- Tại.. Tại sao bài thơ của tôi có 8 câu mà tòa soạn lại cắt còn có 4 câu thế này! Thế này thì biên tập tùy tiện quá lắm. Không thể chấp nhận được...

Cô biên tập thấy vậy cũng hoảng:

- Dạ, bác cứ để chúng cháu xem lại tí đã. Nếu như không nhầm thì nguyên văn bài thơ của bác là như thế...

- Cô trả lời thế mà được à? Bài thơ của người ta 8 câu, cắt hẳn 4 câu đi mà còn bảo là "xem lại"? Tôi sẽ làm cho ra nhẽ mới được!

 Cô phụ trách biên tập vội cùng mấy cô trợ lý mải miết tìm bản thảo chính bài thơ...

Sau một lúc lục tìm trong đống bản thảo, mắt các cô bỗng sáng lên. Hóa ra bài thơ cũng chỉ có 4 câu. Mà là bản thảo viết tay của "thơ sĩ" nọ hẳn hoi. Các cô bình tĩnh mang ra và nhẹ nhàng:

- Dạ... Đây là bản thảo của bác... có 4 câu đúng như thế đấy ạ!

Ông này từ chỗ phừng phừng như ban đầu, giờ bỗng nhũn như con chi chi. Ông lắp bắp, nói nhỏ câu gì đó mà không ai nghe được, rồi bước nhanh ra khỏi tòa soạn.

Có thể khẳng định ngay rằng, mấy ông mắc cái bệnh trên là bệnh quá đề cao mình, lúc nào cũng thấy mình là nhất; trí nhớ của mình là "vô địch", là hoàn hảo... Và có lẽ cứ luẩn quẩn trong cái vòng huyễn hoặc ấy mà đầu óc trở nên bị nhiễu loạn, đến nỗi giống như căn bệnh lẫn cẫn "ăn rồi bảo là chưa ăn"... và quên câu nhắc của các cụ "một cái chắc là một cái lép"...

Chuyện trên có thật một trăm phần trăm ở chỗ tôi, tôi cũng không tiện nói tên để ít nhiều giữ "sĩ" cho mấy ông "thơ sĩ" nọ!

Huy Chương
.
.