Món quà tri ân nhà báo ở Hoàng Sa

Thứ Ba, 10/06/2014, 08:00

Khối thủy tinh trong vắt hình ngọn lửa. Giữa ngọn lửa ấy là những bàn tay đan vào nhau, xiết chặt, rực màu cờ đỏ mang thông điệp "Chung tay bảo vệ Biển Đông của Tổ Quốc". Đó là kỷ niệm chương mà nhà báo Binh Nguyên (từng là phóng viên kỳ cựu của báo Tuổi Trẻ) nảy ra ý tưởng và tự tay thiết kế, như một món quà nhỏ của Hội Facebook các nhà báo Việt Nam gửi gắm lời cảm kích, tri ân đến các nhà báo - những người đã trực tiếp có mặt và tác nghiệp trên muôn trùng sóng gió Hoàng Sa.

Sự việc Trung Quốc đặt giàn khoan Hải Dương 981 xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam làm dư luận trong nước và quốc tế dậy sóng. Hằng ngày, hằng giờ cả nước ngóng về Biển Đông, chờ mong tin tức. Và người đưa tin, không ai khác là những nhà báo đang có mặt ở điểm nóng, cập nhật từng giây, từng phút tình hình diễn biến một cách khách quan, chân thực nhất. Giữa trùng trùng khó khăn, nguy hiểm ngoài khơi xa, cũng như lực lượng cảnh sát biển, kiểm ngư và ngư dân da cháy mặn chát, các nhà báo cũng là những người lính đi đầu trong cuộc đấu tranh gìn giữ chủ quyền.

Tác nghiệp ở Hoàng Sa, họ đã trực tiếp chứng kiến, ghi nhận hành động tấn công, uy hiếp hung hăng, quyết liệt của các tàu Trung Quốc cũng như những phản ứng bình tĩnh kiềm chế của lực lượng chấp pháp Việt Nam. Những ngày lênh đênh trên biển, các nhà báo đã không ít lần phải đối mặt với hiểm nguy bất trắc. Trong sáng 13/5, tàu Trung Quốc 2411 trực chỉ mũi cabin lái, nhằm thẳng các cửa kính chịu lực, thiết bị trên tàu kiểm ngư Việt Nam HP 926 để xịt vòi rồng. Nhà báo Đình Thiệu của Đài Tiếng nói Việt Nam (văn phòng tại Đà Nẵng) bị hất văng xuống dưới sàn. Riêng nhà báo Văn Sơn của Thông tấn xã Việt Nam thường trú tại Đà Nẵng không ngại nguy hiểm, mặc tàu chao nghiêng vẫn cố bám trụ để ghi lại những hình ảnh chân thực nhất về những hành động ngang ngược của phía Trung Quốc.

Nhà báo Nguyễn Hồng Lam của Báo Công an nhân dân tác nghiệp trên tàu cảnh sát biển 4033 liên tục bị tàu Trung Quốc rượt đuổi, bao vây, chiếu đèn pha và đâm va gây hư hỏng nặng, nhưng anh và các đồng nghiệp trên tàu vẫn không nao núng. Niềm say nghề đã vượt qua cơn say sóng, qua những hiểm nguy và cả những điều kiện tác nghiệp khó khăn, thiếu thốn.

Thay mặt Hội Facebook các nhà báo Việt Nam, đại diện báo Tuổi Trẻ tại Đà Nẵng trao kỷ niệm chương cho các nhà báo vừa trở về sau chuyến tác nghiệp ở Hoàng Sa.

Khi được hỏi rằng: "Tác nghiệp giữa điểm nóng đầy nguy hiểm, có khi nào các anh lo sợ cho chính tính mạng của mình không?", phóng viên Việt Cường của Đài Truyền hình Việt Nam đã thẳng thắn: "Chứng kiến sự can trường, dũng cảm, kiên quyết bám biển, bảo vệ chủ quyền của lực lượng cảnh sát biển, cán bộ kiểm ngư và ngư dân, những người làm báo chúng tôi rất khâm phục. Điều chúng tôi lo lắng nhất không phải là sự an nguy của mình mà là sự an nguy của các ngư dân và những người chấp pháp trên biển".

Tất bật với chuyến công tác dài ngày ở đảo Lý Sơn, nhà báo Binh Nguyên không có cơ hội để trao tận tay kỷ niệm chương, không có cơ hội ôm xiết những người đồng nghiệp dũng cảm của mình khi họ vừa đặt chân về đất liền. Lỡ làng, anh cứ tiếc hùi hụi, cứ sốt sắng mỗi khi hướng mắt về phía biển. Những người đồng nghiệp ở báo Tuổi Trẻ (văn phòng tại Đà Nẵng) đã thay anh trao tặng kỷ niệm chương cho các nhà báo khi họ trở về. Cho dù đó chỉ là món quà tinh thần nhỏ nhoi, nhưng các nhà báo rất vui vì tình cảm sẻ chia, động viên của người đồng nghiệp. Xem tấm hình hôm trao tặng kỷ niệm chương do bạn bè gửi qua email, anh không khỏi xúc động khi các đồng nghiệp của mình giờ đen hơn, phờ phạc hơn vì sóng gió, vì căng thẳng truyền tin trong vòng vây của tàu đối địch. Nhưng nổi bật trên những khuôn mặt sạm đen ấy là đôi mắt. Vẫn rất sáng, kiên tâm và đầy hy vọng.

Sáng kiến ra đời "Kỷ niệm chương chiến sĩ Hoàng Sa - tháng 5/2014" do Hội facebook các nhà báo Việt Nam trao tặng là của nhà báo Binh Nguyên. Anh tâm sự: "Tôi đã từng có một thời gian làm phóng viên tại chiến trường Campuchia những năm 1988 - 1989, đưa tin về quân tình nguyện Việt Nam tại nước bạn, nên hiểu rõ thế nào là hiểm nguy, gian khổ của những người làm báo tại các vùng chiến sự. Chiến tranh luôn là mất mát, đòi hỏi phải có lòng quả cảm. Chúng tôi rất khâm phục những nhà báo đã và đang tác nghiệp trên vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam, cùng với các lực lượng cảnh sát biển, kiểm ngư đối đầu trực diện với tàu Trung Quốc. Họ không khác gì một phóng viên chiến trường thực thụ".

Là nhà báo từng lăn xả để đem đến cho bạn đọc những câu chuyện đời, những góc khuất cuộc sống, nhà báo Binh Nguyên hiểu rằng một bài viết, một bản tin của họ khi đưa về từ vùng xung đột trên Biển Đông có tác động rất lớn với dư luận trong và ngoài nước. Những bài viết, bản tin đôi khi phải đánh đổi bằng cả tính mạng. Ai biết được bất trắc gì sẽ xảy ra với những nhà báo lênh đênh nhiều ngày trên biển ấy. Và sau khi tình hình dịu xuống, có còn ai nhớ đến những nhà báo can trường này? Một kỷ niệm chương như một cách ghi nhận tinh thần của những nhà báo, để con cháu họ sau này hiểu rằng, có một thời sóng gió Biển Đông, cha anh họ đã từng có mặt nơi trùng dương dậy sóng như một người lính thực thụ.

"Trong thời gian qua có nhiều thông tin không tốt về tư cách của nhà báo, đặc biệt là những nhà báo trẻ liên quan đến các vấn đề kinh tế, tư lợi, trục lợi, điều này rất đau lòng. Nhưng tôi tin còn rất nhiều nhà báo trẻ khác vẫn khát khao cống hiến ngòi bút của mình cho đất nước. Nhiều người trong họ rất nghèo, rất khó khăn, nhưng lại rất giàu dũng khí và tinh thần của một nhà báo thực sự" - Nhà báo Binh Nguyên giãi bày.

"Em sẽ giữ gìn món quà này của anh để sau này con em lớn lên, chúng sẽ hiểu công việc của cha. Rằng cha nó không chỉ là một nhà báo mà còn là một chiến sĩ" - Câu nói nghẹn ngào của một nhà báo trẻ ở đầu dây bên kia trong điện thoại khiến anh lặng đi. Lên xe tiếp tục chặng hành trình, trong anh cuộn lên những nốt nhạc, của màu quốc kỳ phấp phới trong bản hùng ca gửi về phía biển

Mai Quỳnh Nga
.
.