Chuyện làng văn nghệ

Món lợi lâu dài

Thứ Hai, 26/07/2010, 08:54

Nhà văn Nga Alếchxan Grin (1880-1932) là tác giả của thiên truyện "Cánh buồm đỏ thắm" đã được dựng thành phim và có thời chiếu rộng rãi ở Việt Nam. Truyện này cũng được Nhà xuất bản Kim Đồng dịch in và trở thành tác phẩm lôi cuốn mê say đối với các em nhỏ Việt Nam.

Sinh thời, Grin được xem là người viển vông, lãng mạn.

Tuổi thiếu niên của ông trôi qua một cách buồn tẻ, đơn điệu.

Sống ở Viatca, mùa xuân 1895, lúc bấy giờ mới 15 tuổi, Grin chợt phát hiện ngoài bến cảng có một chiếc xe ngựa, trên đó có hai chàng học sinh hoa tiêu hàng hải mặc áo thủy thủ trắng. "Tôi dừng lại - Grin viết - Và mê mải nhìn các vị khách từ một thế giới đẹp đẽ và huyền bí đến với tôi. Tôi không cảm thấy ghen tị, chỉ cảm thấy say mê và một nỗi buồn sâu lắng".

Từ ngày ấy, ước mơ về nghề hàng hải đẹp đẽ đã da diết ám ảnh Grin. Ông chuẩn bị thu xếp đi Ôđétxa. Sau đó nhiều ngày liền, Grin thẩn thơ ngoài bến cảng, rụt rè xin các thuyền trưởng cho mình làm thủy thủ trên tàu, song không ít người đã sẵng giọng với ông: "Người mảnh khảnh, mắt mơ mộng thế kia thì làm thủy thủ thế nào được".

Cuối cùng, Grin cũng gặp may. Người ta nhận ông làm thủy thủ học việc không lương trên tàu chạy từ Ôđétxa đến Batum. Ông đã đi được 2 chuyến trên con tàu đó. Những chuyến đi ấy đã lưu lại trong ông một số ấn tượng vui buồn.

Năm 1920, Grin đã thai nghén và cho ra đời thiên truyện "Cánh buồm đỏ thắm" tuyệt vời. Sau này, nhận định về Grin, một nhà văn đã viết: "Ông có thể liệt kê các con tàu đậu trong những vũng tưởng tượng với mọi tính năng đi biển của chúng và tính cách của những thủy thủ vô tư lự, yêu đời". Cũng theo nhà văn này, "Cánh buồm đỏ thắm" là "bản trường ca khẳng định sức mạnh tinh thần của con người".

Như vậy, từ lần học việc không lương ấy, Grin đã thu được một vốn sống cần thiết đủ để ông xây dựng nên một cuốn sách để đời. Đó thực là một món lợi lâu dài

Đoàn Mạnh Khởi
.
.