Mới hay vừa tặng vừa vay là tình

Thứ Bảy, 31/12/2016, 08:02
Mảnh đất miền Trung sản sinh không ít nữ sĩ. Thế nhưng, khi bắt đầu thành danh, họ hầu hết đều tụ về Hà Nội hoặc Sài Gòn như một sự chọn lựa tương tác nghề nghiệp cần thiết. Nữ sĩ Trần Thị Huyền Trang gắn bó với Bình Định từ thuở lọt lòng đến quá tuổi tri thiên mệnh mà vẫn chưa có ý định nhập cuộc chốn phồn hoa, bởi nơi đây đã cho chị cả hai thứ quan trọng: gia đình và thi ca!


Ở nước ta có không ít vợ chồng cùng cầm bút. Văn chương mang lại sự đồng cảm và văn chương se duyên lành. Tuy nhiên, vợ chồng Trần Thị Huyền Trang - Nguyễn Thanh Mừng lại có thêm một điều đặc biệt là hai đứa con Nguyễn Trần Thiên Lộc và Nguyễn Trần Khải Duy đều đi theo con đường sáng tác của bố mẹ.

Dưới một mái nhà có đến bốn tâm hồn mơ mộng gió mây thì không nói ra ai cũng biết, mọi nỗi cực nhọc đều dồn vào người phụ nữ duy nhất. Làm vợ thi sĩ đã là một gánh nặng, làm mẹ của hai gã trai đeo đuổi chữ nghĩa lại là một gánh nặng gấp đôi. Vậy mà, đáng nể thay, Trần Thị Huyền Trang vun vén được hết, chu toàn được hết. Bí quyết giữ gìn ngọn lửa gia đình của Trần Thị Huyền Trang có lẽ nằm trong chính câu thơ chị viết:

Người ơi muôn đắm ngàn say
Mới hay vừa tặng vừa vay là tình

Nữ sĩ Trần Thị Huyền Trang có một mái ấm bình yên ở thành phố Quy Nhơn và cũng tại đô thị ngàn trùng sóng vỗ đã bồi đắp cho chị một sự nghiệp không nhỏ. Từng lấy được bằng Tiến sĩ Văn hóa học với đề tài "Võ Bình Định từ góc nhìn văn hóa dân gian" và cũng từng được giải thưởng văn xuôi, nhưng tên tuổi Trần Thị Huyền Trang được công chúng biết đến nhiều nhất bởi những câu thơ nhẹ nhàng và đằm thắm!

Vợ chồng nữ sĩ Trần Thị Huyền Trang và nhà thơ Thanh Mừng.

Nữ sĩ Trần Thị Huyền Trang làm thơ từ khi còn ngồi ghế giảng đường đại học Huế. Thi ca đối với chị như sự dan díu của số phận, như sự dan díu của lương duyên: "Cảm ơn mẹ đẻ con ra/ Để con đi rủ người ta cùng về/ Dang tay đỡ mảnh trời quê/ Lúa thơm vì rượu, rượu mê vì tình".

Như cách đồng hành với người chồng chuyên trị thể loại lục bát, thơ Trần Thị Huyền Trang bám chặt vào vần điệu. Ý tứ được đặt trong khuôn khổ có vẻ nề nếp, nhưng yếu tố thẩm mỹ vẫn hiển lộ đầy đủ trái tim nhạy cảm của một người đàn bà hiền hậu.

Sự yêu ghét của con người trăm hồng vạn tía, nhưng lại có một quy luật rất thiêng liêng: người phụ nữ khi đã có con thì càng hiểu, càng yêu mẹ mình hơn. Hình ảnh bà mẹ quê trở đi trở lại trong thơ Trần Thị Huyền Trang và lan tỏa nhiều niềm xao xuyến.

Ngọn đèn của mẹ nhắc nhở lòng trắc ẩn ở chị: "Tối tối mẹ chong đèn trước hiên nhà/ Tin rằng ngọn đèn có thể làm cho đêm bớt nặng/ Tiếng chim cuốc đếm canh trường đỡ quạnh/ Người lỡ đường khỏi vấp bơ vơ", còn nỗi góa bụa của mẹ khiến chị ngậm ngùi: "Tôi mơ thấy mẹ lấy chồng/ Nấc lên thành tiếng giữa dòng chiêm bao/ Mặc tình trăng khuyết dầu hao/ Lời ru mẹ chảy ngược vào canh thâu/ Chẳng đành dứt áo qua cầu/ Ngày trường đêm thẳm nuốt sầu gượng vui/ Mùa xuân chim én bay đôi/ Có người đứng ngóng xa xôi một mình".

Sự hy sinh của mẹ, sự bao dung của mẹ, đã níu giữ nữ sĩ với nơi chôn nhau cắt rốn giản dị và thanh cao: "Cỏ dìu con bằng lặng im của mẹ/ Bằng lặng im yêu dấu của quê hương".

Một khi đã trở thành chỗ dựa vững chắc cho thơ Trần Thị Huyền Trang, thì hình ảnh mẹ cũng là điểm quy chiếu cho mọi ân tình khác trên đời. Từ xao xác của mẹ để thấy gần gũi chị: "Từ vắng chị trước sau nhà quạnh quẽ/ Tiếng cười trong chị xâu chuỗi dâng người/ Bữa cơm nào em lấy thừa bát đũa/ Mẹ nhủ rằng chị mày sắp về chơi", và từ âu yếm của mẹ để thấy quý trọng bạn: "Ta nghiêng đầu bên gốc ổi bình yên/ Da cây ấm tưởng bạn vừa ghé tựa/ Hoa ổi trắng rập rờn in tóc mẹ/ Một nguồn thương từ rễ tỏa lên cành".

Một câu thơ hay hoặc một ý thơ hay, bao giờ cũng nằm giữa yếu tố thực và yếu tố ảo. Thơ Trần Thị Huyền Trang dịch chuyển từ quan sát sự vật đến tư duy trừu tượng đã tạo nên những rung động bất ngờ. Bài thơ "Với bạn" thông qua một bữa ăn mà mường tượng số kiếp hiu hắt: "Ngập ngừng lưng bát cơm dưa/ Hay tay mời bạn đã thừa mến thân/ Lặng trông râu tóc phong trần/ Thế gian riêng một khẩu phần đắng cay". Còn bài thơ "Heo may" lấy bối cảnh tiễn đưa trước mắt để khơi mở vương vấn dài lâu: "Ta bước vào một Hà Nội dậy muộn thức khuya/ Hoa lặng tỏa trên mặt bàn u tĩnh/ Lòng bè bạn sen xanh ủ cốm/ Ta heo may suốt chuyến tàu về".

Thơ Trần Thị Huyền Trang nếu đọc lướt qua văn bản cứ ngỡ không có kỹ thuật gì, nhưng chỉ cần đọc lại chậm rãi thì sẽ nhận ra chị đã dùng phương pháp cơ bản của sáng tạo thi ca, đó là đặt bản thân vào vị trí của đối tượng phản ánh. Viết cho tha nhân lầm lạc cũng là viết cho mình, mà viết cho loài vật tội nghiệp cũng là viết cho mình.

Vì vậy, "Đêm sau bão nghe tiếng chân người" thất thểu canh khuya mà nước mắt nữ sĩ rưng rưng: "Dường như ai gần đến cửa/ Bước chân khựng lại điều gì/ Người sợ nhìn vào sum họp/ Lòng thêm buốt vị chia ly/… Lập cập ngói run mái phố/ Dừng đâu ơi kẻ không nhà?/ Thế gian còn bao nhiêu lửa. Sưởi ấm cho người đi qua?". Vì vậy, ở "Chợ súc vật" tự nhủ vô ca mà day dứt khôn nguôi: "Những ngày thơ dại bềnh bồng/ Tôi mon men chợ nào mong mua gì/ Vật quen chủ cũ phân ly. Tiếng kêu não nuột bận chi tới mình".

Hành trình đến với thơ, dù chọn góc độ tiếp cận nào, thất tình trai gái, ưu tư nhân tính hoặc ngổn ngang thế sự, thì nhà thơ đều phải đối diện trực tiếp với thân phận mình. Nữ sĩ Trần Thị Huyền Trang có sự nhạy cảm thường trực của người đàn bà cầm bút đa đoan "hạt muối đầu sông ai thả, mặn mòi cuối biển đành vay".

Cho nên, trong sâu thẳm buồn vui, nữ sĩ Trần Thị Huyền Trang lý giải thao thức của chị mà phát ra tín hiệu sẻ chia cùng cộng đồng. Chị khắc khoải phía sau "Những cơn mưa đầu mùa" chấp chới một âu lo: "Tuổi thơ ơi, giờ tít tắp đâu rồi/ Con sói đồng hoang đâu chỉ chạy rong trong truyện cổ/ Lòng đố kỵ làm long đong nhân thế/ Sóng phù vinh nghiêng ngửa cõi con người".

Chị muốn "Gọi sông" để xua tan những đổi thay đang nhuốm màu bẽ bàng: "Tôi đã về đây ơi lão thuyền chài/ Con đò nhỏ chứa đầy khoang im lặng/ Sau tiếng sấm biết còn chi thưa nhắn/ Bãi đã vườn. Bến đã chợ. Người xa… Có lời này xin hỏi cát bao nhiêu/ Cho ta gánh đổ lên đồi thương nhớ/ Đỉnh đồi cắm tấm biển đề: Một thuở/ Bãi chưa vườn, bến chưa chợ, người chưa…".

Nữ sĩ Trần Thị Huyền Trang.

Một điều đáng chú ý ở mảng thơ tự sự Trần Thị Huyền Trang là chị luôn thoát ra khỏi những thở than tù đọng của cái tôi ích kỷ. Chị nói về mình bằng giọng điệu nhỏ nhẹ để mong mỏi lắng dịu bất an.

Chị ngập ngừng "Viết lên sóng" như một lời nhắn nhủ dịu dàng: "Ta bảo sóng ta vừa thêm tuổi mới/ Quãng thanh xuân lùi lại phía sau rồi/ Vẫn còn chút dại khờ như cát ấy/ Tưởng cánh buồm gói được cả trùng khơi/ Ta đã trót va vào tĩnh lặng/ Biển cồn cào chi lắm biển ơi/ Biết không thể soi mặt mình trong sóng/ Xin đừng ai hoang đảo phút rời xa".

Chị tìm kiếm "Muối ngày qua" như một thái độ dành dụm ký ức: "Ta từng thắp trên gác nghèo cuối phố/ Vần thơ thao thức đợi chờ/ Anh đã đốt trong đêm tờ giấy trắng/ Lời yêu em xa xót giấu trong tro/… Kỷ niệm mặn và khó quên/ Như muối/ Những con thuyền nhọc nhằn vừa gối đầu lên bãi/ Lim dim từng thớ gỗ/ Bóng ngày qua".

Và chị thấu hiểu "Núi của đời tôi" như một nỗi ám ảnh: "Ta học núi làm xanh hồn xứ sở/ Chọn gió cho mùa, chọn đất cho cây/ Chắt chiu nước trong mạch ngầm cội rễ/ Lửa sinh ra từ nhánh củi khô gầy/ Ngôi mộ tổ nắm xương nhờ núi giữ/ Tiễn ta đi mắt núi thẫm u hoài/… Những nông nổi của ta làm bận lòng núi/ Đêm gác tay nghe tiếng sấm rền/ Biết là núi suốt đêm ngồi không ngủ/ Núi vì ta cõng thêm một nỗi buồn".

Nữ sĩ Trần Thị Huyền Trang đã xuất bản ba tập thơ "Những đêm da trời xanh", "Muối ngày qua" và "Trong tĩnh lặng". Thơ chị nặng về bộc bạch nên đôi khi hơi rườm rà. Nhiều bài thơ của chị, nếu cô đọng lại sẽ bật sáng hơn. Tuy nhiên, càng viết thì chị càng có ý thức hạn chế nhược điểm của mình.

Nếu thời trẻ, thơ chị bị loay hoay trong những chữ Hán Việt có vẻ cổ kính, kiểu như "chim giăng hàng nuốt vội bóng tà huy", thì khi ở tuổi trung niên chị đã thả thơ mình bay bổng theo nhiều chiều kích, ví dụ "Gửi Đà Lạt" run rẩy sương khói: "Tiếng thở dài của cánh đồng bắp cải/ Và mùi bánh nướng đỉnh dốc của một em bé nghèo/ Đêm đêm cày xới giấc mơ ta thành luống/ Khi ta ra đi/ Hoa hãy còn ngủ say trong thung lũng/ Lần nào ngoảnh lại cũng thấy thông vẫy gọi".

Nữ sĩ Trần Thị Huyền Trang chọn phong cách thơ hoài niệm và phát huy được sự giăng mắc riêng tư để định vị một gương mặt thơ Việt Nam hôm nay: "Giữa môi mắt lọc lừa, lưng gối đa đoan/ Hoa giả cũng tưng bừng trong tiệc lớn/ Ai còn nhớ rưng rưng màu lửa sáng/ Những chuyện ngày xưa, những ngọn đèn xưa…".

Lê Thiếu Nhơn
.
.