Minh Thuý, con chim họa my đang hót

Thứ Bảy, 17/02/2007, 09:30
Với chất giọng mezo-soprano, Minh Thúy đã gặt hái được nhiều thành công trong nghề nghiệp. Thúy đã có những chuyến lưu diễn phục vụ bà con và chiến sĩ ở nhiều vùng xa xôi của Tổ quốc và đã từng đi biểu diễn hơn 20 nước trên thế giới…

Ca sĩ Minh Thúy từ lâu đã trở nên quen thuộc với khán giả yêu âm nhạc nước ta. Tôi biết Minh Thúy không chỉ như một fan hâm mộ giọng ca của chị mà hơn thê, chúng tôi còn là những người bạn thuở hoa niên ngày nào.

Vậy mà cũng đã hơn hai mươi năm kể từ khi Minh Thúy rời lớp 12E- Trường THPT Việt - Đức để vào học tại Nhạc viện Hà Nội. Ngoại trừ được nghe và xem bạn mình biểu diễn trên sóng phát thanh và truyền hình, mãi đến trong đêm thơ nhạc “Vì bình yên cuộc sống” kỷ niệm 60 năm thành lập Báo Công an nhân dân tại Cung Văn hóa Hữu Nghị Hà Nội, chúng tôi mới có dịp gặp lại nhau.

Hai mươi năm đã trôi qua, tôi gặp lại Thúy của một thời thơ ấu đầy gian khó mà lúc nào cũng tràn đầy nghị lực và nhiệt thành. Ngày ấy, do đam mê ca hát, Thúy thường xuyên có mặt trong đội văn nghệ nhà trường và sinh hoạt trong Câu lạc bộ Họa Mi - Cung Văn hóa Thiếu Nhi Hà Nội và luôn giành được giải cao qua các cuộc thi hát do Thành đoàn, Sở Văn hóa và Sở Giáo dục Hà Nội tổ chức.

Sự bình tĩnh biết suy tính cho dài lâu của Minh Thúy dường như già dặn hơn lứa tuổi mình. Tốt nghiệp Nhạc viện Hà Nội năm 1990, Minh Thúy về công tác  tại Đoàn Ca Múa Nhạc Thăng Long. Từ đây, Thúy thực sự trưởng thành và chinh phục, thu hút khán giả qua những tác phẩm gắn liền với tên tuổi của mình như: “Hoa Tím ngoài sân”,  “Lời tỏ tình mùa xuân”, “Gõ cửa tình yêu” (nhạc sĩ Thanh Tùng), “Trăng chiều” (nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc), “Tìm em trên bờ cát” (nhạc sĩ Duy Thái), “Nhớ mùa thu Hà Nội” (nhạc sĩ Trịnh Công Sơn), “Ngày em đến” (nhạc sĩ Từ Huy) vv...

Với chất giọng mezo-soprano, Minh Thúy đã gặt hái được nhiều thành công trong nghề nghiệp. Thúy đã có những chuyến lưu diễn phục vụ bà con và chiến sĩ ở nhiều vùng xa xôi của Tổ quốc và đã từng đi biểu diễn hơn 20 nước trên thế giới.

Năm 1990, Thúy nhận giải thưởng Huy chương Vàng bộ phim ca nhạc “Tìm em cô ca sĩ” trong Liên hoan phim ca nhạc lần đầu tiên của Đài Truyền hình Việt Nam và đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp trong lòng công chúng. Một năm sau, năm 1991, chị lại giành Huy chương Bạc tại Liên hoan ca nhạc chuyên nghiệp toàn quốc với tác phẩm “Nhớ mùa thu Hà Nội” và ca khúc “Gõ cửa tình yêu”.

Năm 1994 giành Huy chương Bạc phim ca nhạc “Tâm sự ca sĩ” năm 1995 giành Huy chương Vàng Liên hoan ca nhạc toàn quốc với tác phẩm “Ngày em đến”. Năm 2005, Minh Thúy lại một lần nữa tiếp tục khẳng định giọng hát của mình bằng tấm Huy chương Vàng tại Liên hoan ca nhạc chuyên nghiệp toàn quốc với ca khúc “Thu Hà Nội” của Nhạc sĩ Trần Gia Cường.

Cùng trang lứa với các ca sĩ nổi tiếng đã thành danh như Thanh Lam, Hồng Nhung ... mỗi người có con đường riêng, có công chúng riêng của mình, Minh Thúy cho tới nay vẫn luôn trung thành với dòng nhạc nhẹ đẳng cấp, dòng nhạc tiền chiến và những ca khúc viết về Hà Nội.

Có lẽ cũng vì sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Hà thành nên Minh Thúy có một sắc giọng rất riêng khi hát những bài ca về Hà Nội. Bên cạnh sự trong trẻo những năm tuổi trẻ và qua rèn luyện nghiêm túc trên sàn diễn chuyên nghiệp nhiều năm, Minh Thúy đã tạo được âm sắc riêng cho màu giọng của mình. Điều tưởng như giản dị đó nhưng không phải ca sĩ nào cũng có được

Hải Châu
.
.