Mẫu Sơn – Giấc mộng ngàn hoa

Thứ Sáu, 03/01/2020, 16:54
Người ta ví khu rừng Mẫu Sơn rộng hơn 10 ngàn ha vẫn còn như nàng tiên đang ngủ ngon giấc. Những tòa biệt thự hoang tàn rải rác khắp nơi cũng đang mê muội trong sương gió nắng mưa. Đây là miền đất thấm đẫm men rượu lá của người Dao...


Gió từ ngọn núi Cha lùa xuống lạnh buốt gáy tôi. Mùa đông tưởng như hóa băng tuyết đánh đu trên những trái mận ngả màu tím đỏ. Nhưng khi bất chợt có những cành hoa đào đỏ thắm trên lưng chừng dốc, tôi mới hay tiết xuân đang lấp ló. Nắng xuân muốn ùa về xua đuổi ngọn gió đông đang quấn lấy con đường 237A dẫn lên đỉnh núi. Tôi cũng như nhiều người còng lưng lái xe đi ngược chiều gió rú rít xoáy vào vách núi. Đường dốc cao và vực sâu kề bên thăm thẳm rợn người.

Nỗi oan khuất của người mẹ trên đỉnh núi

Khi lên tới khu du lịch Mẫu Sơn ai cũng thở phào vì đã hoàn thành một chặng đường ngoằn ngoèo ngược dốc lên tới độ cao 1000 mét. Mẫu Sơn ở giữa hai mùa giao tranh. Một bên là hoa đào hé nụ cười đón chào du khách. Một bên là những bông tuyết bay mù mịt trên đỉnh núi Mẹ. Một bếp than ửng đỏ trong mây bay gió lạnh chơ vơ giữa con đường nhỏ. Hình như có một đám người vừa sưởi ấm nơi đây. Những con bò ngơ ngác nhìn mọi người.

Biển mây trên đỉnh Mẫu Sơn.

Không khí Mẫu Sơn buồn hơn sự tưởng tượng của tôi. Một số bạn trẻ tụ lại bên bếp lửa. Họ đang nướng ngô và nghe một ông già kể chuyện. Tôi cùng mọi người sà tới ngọn lửa đang bừng lên. Lửa củi thông thơm phức và nổ lép bép những giọt dầu sủi bọt.

Một ông già râu trắng như cước đang kể chuyện cổ tích về núi Cha (cao 1541m), núi Mẹ (cao 1520m) cho đám con trẻ nghe. Trước mắt tôi mây điệp trùng trải tít tắp trên hàng chục ngọn núi. Tôi bước chân nhẹ nhàng theo làn mây vờn quanh đến bên ông già và ngồi xuống lắng nghe…

Ngày xửa ngày xưa. Trên núi có một gia đình sống rất hạnh phúc với một bầy con trẻ. Người chồng khỏe mạnh và dũng mãnh được nhà vua triệu đi lính chống giặc ngoại xâm. Người vợ xinh đẹp ở nhà tần tảo làm ăn nuôi dạy con cái. Có một kẻ nhà giàu muốn chiếm đoạt thân xác người đàn bà kia. Nhưng người vợ thủ tiết với chồng kiên quyết chống cự và đuổi tên nhà giàu ra khỏi nhà.

Sau ba năm đánh thắng giặc trở về, người chồng bị tên nhà giàu bịa đặt mách chuyện vợ anh ta ở nhà đã ăn ngủ với một thanh niên trai trẻ tên là Chóp Chài. Đây là người thường lên núi làm ăn buôn bán với bà con dân bản. Người chồng mù quáng lồng lộn nổi cơn điên. Người vợ giải thích, Chóp Chài chỉ ngủ nhờ trong bếp khi lỡ muộn không xuống núi được để tránh hổ beo hay gió bão. Tất cả bà con trong bản có thể làm chứng. Nhưng người chồng không tin và thẳng tay giết vợ.

Hả cơn giận người chồng mới chợt nhớ ra vạch kín mà mình đánh dấu dưới bụng vợ. Anh ta vội vã kiểm tra thấy vẫn còn nguyên mới hay mình đã gây ra cái chết oan ức cho vợ. Quá thương xót, người chồng khóc suốt ba năm liền và xây miếu thờ cầu vợ tha tội cho mình.

Giọng người kể chuyện nghẹn đi vì xúc động. Một lát sau chuyện được kể tiếp đến đoạn oan hồn của người vợ bay lên trời thưa với Ngọc Hoàng mọi điều đã xảy ra. Ngọc Hoàng động lòng sai bầy tiên nữ xuống minh oan cho người vợ. Các nàng tiên chứng kiến người chồng khóc ròng rã suốt ngày đêm vì nỗi đau thương và ân hận. Người chồng nguyện lấy cái chết đền bù tội lỗi, chỉ mong sau này cả nhà được sum vầy, hạnh phúc như xưa. Ước muốn cuối cùng của người chồng đã được toại nguyện. Sau này cả gia đình hóa thành dãy núi dằng dặc điệp trùng. Hai ngọn núi cao nhất được gọi là núi Cha và núi Mẹ, còn lại tính từ cao xuống thấp là các núi Con và núi Cháu.  

Tôi ngước nhìn về hai đỉnh núi cao trước mặt với những làn mây mù đậm đặc. Có thể trời đang mưa trên đó. Nước mắt bao đời của đôi vợ chồng không bao giờ ngừng rơi. Hơn chục con suối trên núi cao luôn như thác chảy tụ về con sông Kỳ Cùng. Bất ngờ ông già kể chuyện chỉ về phía Tây xa xa. Đó là ngọn núi cao thứ ba tiếp dãy núi Mẫu Sơn mang tên Chóp Chài. Chàng trai ngày nào được giúp đỡ cũng rất đau khổ, bởi chỉ vì mình mà dẫn đến cái chết thương tâm của người vợ kia. Chàng u buồn cho đến khi chết đã hóa ngọn núi có cái chóp rất dễ nhận ra. Trên ngọn núi đó, hoa đào chuông luôn nở muộn, như muốn nhỏ lệ cho nỗi oan khiên của người phụ nữ đã chết vì lòng thương người.

Có còn người Mán sơn đầu?

Người ta ví khu rừng Mẫu Sơn rộng hơn 10 ngàn ha vẫn còn như nàng tiên đang ngủ ngon giấc. Những tòa biệt thự hoang tàn rải rác khắp nơi cũng đang mê muội trong sương gió nắng mưa. Đây là miền đất thấm đẫm men rượu lá của người Dao. Họ cùng sống hòa thuận với dân tộc Tày, Nùng và vẫn còn giữ những nếp sống và sinh hoạt văn hóa riêng từ cổ xưa. Tới bản Khuổi Lầy, tôi hết sức ngạc nhiên khi biết người Dao vẫn còn giữ tục sơn đầu.

Trước đây mọi người vẫn gọi họ là dân Mán sơn đầu. Ngỡ như chuyện cổ tích thời thơ bé vậy mà đến nay tôi mới hiểu về tục lệ rất kỳ lạ này. Khi tò mò hỏi chuyện, tôi được bà Phan người trong bản kể lại chi tiết. Chính bà đã nửa thế kỷ nay vẫn sơn đầu. Nói rồi bà đi lấy cho tôi xem những dụng cụ như lược, nhíp (gọi là Mù Chẳn), chiếc lông nhím và cục sáp ong. Bà nói trước khi sơn đầu, bà phải gội đầu bằng lá thơm cho mềm tóc. Sau đó hong khô rồi quấn tóc thành búi lên đỉnh đầu.

Nhưng việc sơn đầu cho bà phải là một người khác giúp đỡ mới đẹp được. Bà quan niệm theo đúng nguyên tắc của người Dao: "Mười phần đẹp thì chín phần do trang điểm". Sau khi nhổ hết lông tơ ở trên trán và tai rồi mới dúng lược vào bát sáp ong đã được nướng cho chảy mềm ra để chải. Vừa chải vừa miết cho đều mỗi lọn tóc nhỏ dính bết lại theo thứ tự từ trên xuống dưới. Mỗi lọn tóc được chải sáp bết lại sẽ được cuốn lên quanh đầu thật ngay ngắn từ trên xuống dưới. Việc sơn đầu như vậy khá tốn thời gian.

Cây đào chuông trên núi Mẫu Sơn.

Người phụ nữ Dao cho rằng tóc như thế mới óng ả, đáng để các chàng trai ngó mắt tới. Chính vì thế phụ nữ Dao ở đây đội mũ cũng khác lạ, như có mái che trên đầu bằng vải đỏ. Tôi cầm chiếc lông nhím lên tò mò hỏi để làm gì thì bà Phan nói để gãi đầu mỗi khi ngứa. Bà còn giải thích sau khi đã sơn đầu thì không được gội hàng ngày nữa.

Nên nhớ phải ít nhất ba tháng sau mới dỡ ra tắm gội, rồi sơn lại. Nếu đi làm bị bụi bẩn thì chỉ việc cắt quả chanh sát lên rồi lấy khăn lau qua là tóc sạch bóng ngay. Đó là thứ chanh thơm được hái trên rừng. Bà còn kể về những quả chanh nhỏ được sinh ra từ nước mắt của người đàn ông nọ khóc vợ ba năm liền mà thành.

Trưa đến, chúng tôi được bà Phan mời ăn món thịt nướng bếp và uống rượu men lá Mẫu Sơn. Đây là thứ rượu được chưng cất từ nước suối trong với gạo nếp nương còn nguyên vỏ cám. Riêng men lá chính là điều bí ẩn của đồng bào Dao ở đây. Khi cất rượu, các gia đình đều theo bí truyền của gia đình mình về cách ủ men.

Rượu gạo Mẫu Sơn trở thành thương hiệu trăm năm của Lạng Sơn. Tôi lang thang theo dãy hoa đào trong vườn. Men rượu đã ngấm và những cánh hoa đào như thẫm đỏ hơn vây quanh tôi. Những cánh hoa đào rừng bao giờ cũng ngát hương thơm. Lúc này tôi mới thấm thía với câu Mẫu Sơn đẹp như nàng tiên đang ngủ với giấc mộng ngàn hoa.

Còn ai lên xứ hoa đào?

Đó là câu chuyện chính của những người dân ở cả ba xã chung quanh dãy núi Mẫu Sơn. Người ta sẽ đánh thức nàng tiên bay lên trong giấc mơ. Mới đây, tỉnh Lạng Sơn đã trao chứng nhận đầu tư quần thể Khu du lịch sinh thái Mẫu Sơn cho tập đoàn Sun Group (9-2019). Dự án sẽ được triển khai cho đến năm 2040. Người ta lên phương án phấn đấu sao cho đến năm 2040, Mẫu Sơn sẽ đón tới 2 triệu khách một năm. Đó là một con số khổng lồ so với hiện nay Mẫu Sơn chỉ đón chừng hơn 20 vạn khách mỗi năm.

Sẽ không còn một Mẫu Sơn buồn rũ với băng tuyết mà đỉnh Mẫu Sơn sẽ trở thành một thiên đường muôn màu muôn vẻ. Vui đấy nhưng dân ba xã lại kèm theo nỗi băn khoăn. Liệu đỉnh núi Mẫu Sơn có bị băm vằm, xả thịt  và chen chúc giống như Sa Pa, Tam Đảo hiện nay. Nàng tiên Mẫu Sơn sẽ thức dậy như thế nào và hình hài ra sao vẫn còn phải chờ đợi. Bởi trước mắt con đường vắt vẻo lưng đèo vẫn lim dim mơ màng trong sương tuyết bao la.

Vương Tâm
.
.