Mặt trời trong lòng đất

Thứ Sáu, 24/05/2013, 08:00

Nơi chúng tôi đến "trình diện" là khai trường xí nghiệp mỏ than Thành Công.

Đi trên đường, chúng tôi vẫy chào những người thợ mỏ lái xe, chúng tôi vẫy chào những người thợ vừa mới thay ca gương mặt lấm bụi. Đáp lại chúng tôi là những nụ cười rạng rỡ. Chả có một nét nào mệt mỏi vất vả trên gương mặt họ. Tôi thầm nghĩ, thế mà bảo, nghề hầm mỏ là nghề cực nhọc nhất trong tất cả các nghề. Nhìn họ kìa, chẳng đúng một tí nào?

Chúng tôi đi trên đường, chúng tôi quan sát cảnh quan, tranh thủ tác nghiệp những tấm hình in báo, những tấm hình làm kỷ niệm. Và đây, cửa lò đã ở trước mặt chúng tôi rồi. Chúng tôi đứng hàng ngang chụp ảnh với dòng chữ "Cửa giếng hầm lò đang thi công". Đang vui, bỗng ai cũng lặng đi khi nhìn thấy những tấm thẻ mang số, tên và ảnh những người thợ mỏ. Họ vừa mới vào ca. Một thủ tục bắt buộc trước khi xuống hầm. Bởi sự cố không may xảy ra, ca thợ ấy... đây sẽ là... sẽ là...

Phó Giám đốc xí nghiệp, chàng thạc sĩ trẻ Nguyễn Văn Dũng làm trưởng đoàn dẫn chúng tôi đi, lớn giọng:

- Đề nghị các anh các chị xếp hàng ngang, trật tự nghe phổ biến qui định an toàn trước khi xuống hầm lò....

Khoác trên người, đeo trên mình những tư trang của người thợ mỏ vào ca, đèn pin trên trán, áo bảo hộ, ủng dưới chân và cả bình cứu hộ đeo bên hông. Đây là lần đầu tiên ngoại lệ, Giám đốc Xí nghiệp than Thành Công, Hồng Gai Nguyễn Tất Ngà đồng ý cho cánh nhà văn nhà báo nữ được xuống hầm tham quan. Đi và đi, bước và bước, từng bậc từng bậc thấp thấp sâu sâu dần sâu thật sâu.

Chỉ là tham quan thôi, chúng tôi đã phải đi bộ sâu vào trong lòng đất những vài ba cây số. Khi thì leo trèo, khi thì phải rẽ ngang, khi lại phải đi dọc lệ theo đường hầm. Mồ hôi nhễ nhại, mệt đứt hơi. Thỉnh thoảng dẫm phải những hố nước, vấp phải những hòn đá, thế là té ngã ngả nghiêng, mặt mũi áo quần bẩn be bét. Đấy là chưa kể đến sự lo lắng khủng khiếp về mặt tinh thần khi đang trong lòng núi đá.

Gần 100 m nữa là tới chỗ các anh những người thợ mỏ đang lao động. Quên hết cả lo lắng cho riêng mình, chúng tôi thấy hồi hộp, xốn xang. Ánh sáng từ khu lao động le lói xa xa. Tiếng máy khoan, tiếng đá sầm sập trút vào goòng để vận chuyển lên mặt đất ầm ầm xa, ầm ầm rõ, mạnh và gần. Bụi đá, bụi than, bụi của hơi nước, bụi của khí thế ào ào máy trộn bê tông, bụi của sự lao động nặng nhọc không làm nhòe đi nét mặt rạng ngời của những chàng công nhân thợ mỏ. Nhìn thấy đoàn nhà báo, các anh công nhân ngực nở, vai săn tháo khẩu trang cười tươi hồn hậu chào. Áo quần ướt đẫm, mồ hôi nhễ, họ vẫn cười tươi nồng hậu.

Những chiếc máy ảnh đã được gắn thiết bị phòng nổ, liên hồi lóe sáng. Ai cũng muốn có được những tấm hình đặc tả gương mặt người thợ đang lao động trong hầm lò. Nhưng, chẳng có máy ảnh nào sao chép được đúng hiện thực. Bởi, những chiếc đèn pin trên mũ người thợ, sự thanh sáng của nụ cười người thợ mỏ ngược sáng trở lại rọi vào chúng tôi. Thật khó mà tác nghiệp.

Mấy nhà báo nam xin được cầm chiếc khoan thử khoan vào lòng núi đá. Những chiếc khoan  khoan vào núi đá bằng khí ép. Máy khoan gầm lên, nhả vào vai mấy anh nhà báo một lực lớn bằng lực khí ép ép mũi khoan vào lòng đá.

Cực nhọc! Nghề hầm mỏ đúng là nghề cực khổ nhất trong tất cả các nghề trên thế gian này. Những người thợ mỏ không có khái niệm đêm và ngày. Thay vị trí mặt trời, trên vai, trên đầu, trên lưng các anh, bao quanh các anh là núi đá chất chồng. Rình rập, dọa dẫm các anh không phải là nắng mưa, sấm chớp hay bão bùng mà là trời nghiêng, đất lở, sóng ngầm, là sơ sểnh của khâu chống giữ đường hầm không được chắc chắn, là xác suất rủi ro vô cùng lớn.

Chia tay những người thợ đang lao động dưới hầm mỏ, chúng tôi trở về với mặt đất bằng con đường của giếng gió, nghiêng 23 độ. Từ đáy giếng, chúng tôi phải leo hết 300 mét mới đến được cửa lò, về với mặt đất. Cưỡi ngựa xem hoa mà vấn vả hơn bác thợ cày! Thế mà, một mét hầm lò, chi phí vào đó hàng trăm triệu đồng mới có được. Có những đường hầm dài tới 8 km mà chả thấy mỏ than nào lộ ra. Tốn công, uổng của. Nhưng, than là vàng đen, là nhiên liệu quí, hành trình kiếm tìm vẫn không thể khác.

Ngược với hành trình xuống hầm lò, từng bậc từng bậc thấp thấp sâu sâu dần sâu thật sâu, khi trở về, chúng tôi lại tiếp tục cuộc hành trình từng bước từng bước cao cao dần cao dần, cao thật cao, khó khăn vất vả hơn nhiều. Chính vì vậy chúng tôi được đi theo đường có hệ thống dây tời hỗ trợ người đi bộ. Cuộc hành trình trở về mặt đất đầy gian truân vất vả.

Ánh sáng mặt trời thấp thoáng. Nghĩa là cửa lò đang rất gần. Không ai bảo ai, tất cả mọi người đều bỏ vàm ra khỏi tời, cùng đi bộ ra đến cửa lò. Thở phào nhẹ nhõm, chúng tôi thi nhau hít thật sâu bầu khí quyển, nở những nụ cười.

Chúng tôi dự bữa cơm thân mật với anh em tại khai trường. Thật không ngờ nhà bếp xí nghiệp giống như một bếp ăn của một đơn vị quân đội. Tướng và lính, công nhân và lãnh đạo ngồi chung một bàn, khẩu phần ăn như nhau, ngả nghiêng vỗ vai, nâng chén rượu dô dô. Và khách nữa, chúng tôi hòa chung vào một.

Điều gì đã khiến con người nơi đây yêu thương chan hòa như anh em một nhà nhỉ? Có lẽ chỉ có lao động, cùng nhau lao động, cùng chung một mục đích, cùng chung nỗi vất vả, con người mới thực sự yêu thương, đồng cảm gắn bó với nhau hơn. Đó là điều làm nên không khí của một xí nghiệp mỏ Thành Công này

Lê Hồng Nguyên
.
.