Mãi mãi một con đường đã chọn

Thứ Ba, 02/10/2007, 10:35
Giáo sư - Viện sĩ Phan Cự Đệ là nhà lý luận phê bình văn học có bản lĩnh. Về học thuật, có thể ông còn điều này điều khác phải bàn nhưng có một thái độ nhất quán như ông thì thật đáng trân trọng. Ông dũng cảm đương đầu với dư luận để bảo vệ quan điểm của mình.

Có lần viết thư cho tôi đang ở Liên Xô, ông tâm sự: "Tôi có thể sống khác anh Phúc ạ, nhưng sống thế này vui hơn, nó đúng con người mình hơn". Ông trân trọng, ngợi ca nền văn học cách mạng của dân tộc, ca ngợi cái mầm cái nụ của nền văn học mới từ năm 1945 đến nay.

Ông ngồi viết bộ "Tiểu thuyết Việt Nam hiện đại" dưới ánh sáng ngọn đèn dầu ở nơi sơ tán trong hoàn cảnh chiến tranh ác liệt. Phải đọc một khối lượng tác phẩm văn học đồ sộ, lại ở xa Hà Nội nên ông tranh thủ thời gian, về Hà Nội là vào Thư viện Trung ương đọc từng trang sách, ghi từng dòng từng đoạn văn vào những mẩu giấy tiết kiệm được.

Khoa không bắt ông viết, trường không bắt ông viết, chỉ có niềm đam mê văn học dân tộc mới thôi thúc ông khám phá sáng tạo. Ông đã viết với một tình cảm chân thành tha thiết như thế 50 năm qua cho đến ngày ông ra đi mãi mãi.

Đối với công việc sáng tạo văn học nghệ thuật mang dấu ấn  mỗi cá nhân văn nghệ sĩ, để cho các nhà văn chấp nhận những bài viết về họ không dễ dàng chút nào. Nó đòi hỏi người viết không những phải có tầm, phải có bản lĩnh và quan trọng là phải biết chơi với các nhà văn để hiểu họ trước khi viết về họ.

Viết về các nhà văn, có người khen có người chê cũng là chuyện thường, nhưng điều quan trọng là cơ sở khen chê của người viết có khách quan không, có thực lòng vì cái chung của sự phát triển văn học đất nước hay không? Mặc dù, như ông nói - là phải "nhịn" nhưng không phải lúc nào ông cũng thực hiện được như vậy.

Ông kể với tôi, sau khi in xong cuốn "Nhà văn Việt Nam" (viết chung với GS Hà Minh Đức), ông đem tặng một số nhà văn, trong đó có một trường hợp khi ông đạp xe đến nhà riêng thì người giúp việc của ông này đề nghị nếu muốn gửi sách biếu thì phải gửi qua… cơ quan. Nghe nói thế ông bỏ về luôn.

Sinh thời, Giáo sư Phan Cự Đệ từng là Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khóa III. Năm 1985 tác phẩm "Nhà văn Việt Nam" đoạt giải A về Lý luận phê bình của Hội Nhà văn Việt Nam. Năm 2006 "Tuyển tập Phan Cự Đệ" dày 2.300 trang, được Nhà xuất bản Giáo dục cho ra mắt bạn đọc nằm trong hệ thống sách tham khảo đặc biệt dùng cho nhà trường.

Giáo sư Phan Cự Đệ đã được Nhà nước tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật. Những công trình nghiên cứu của ông không chỉ được giới chuyên môn trong nước đánh giá cao mà còn có ảnh hưởng ở nước ngoài. Năm 2005, Viện Hàn lâm Thông tin quốc tế Liên bang Nga (trực thuộc Liên Hiệp Quốc) trao cho ông bằng Viện sĩ chính thức của Viện.

Giáo sư Phan Cự Đệ là người rất năng động. Vừa đảm nhiệm trọng trách ở Trung tâm nghiên cứu văn hóa Quốc tế và Câu lạc bộ giao lưu Kinh tế - Văn hóa Quốc tế, giảng dạy ở trường đại học, hướng dẫn nghiên cứu sinh, tham gia các hội đồng chuyên môn song ông vẫn mở lớp ôn luyện thi đại học.

Lớp học tại nhà lúc nào cũng đông học trò. Hầu như ông không còn thời gian để nghỉ ngơi. Có lần tôi hỏi ông: "Bác làm khoa học cật lực thế còn phải dạy ôn luyện thi?". Ông cười hóm hỉnh: "Nghề dạy học thấm vào máu, không lên lớp buồn lắm. Vả lại, anh không biết đấy thôi, tôi sống nhờ luyện thi đấy".

Vậy đấy, lương ông cũng chẳng được là bao, nhờ ôn luyện thi giúp ông có điều kiện nghiên cứu, có tiền sắm xe hơi đi làm. Cách đây mấy năm mà có xe hơi đi làm cũng là hiếm có đối với trí thức, nhất là đối với các nhà văn cao tuổi. Một lần tôi đi qua phố Thái Hà, thấy nhà văn Đào Vũ đang gọi xe ôm.

Tôi mời ông lên xe máy chở đến cơ quan Hội. Ngồi sau xe, ông hỏi tôi: "Nghe nói ông Đệ mua xe hơi có đúng không?". Nhà văn Đào Vũ nhiều lần được mời đến dự sinh hoạt Câu lạc bộ Giao lưu Kinh tế - Văn hóa quốc tế thế mà vẫn chưa tin việc ông Đệ có ôtô riêng là sự thật. Tôi nói: "Bác ơi, ông Đệ mua xe hơi đi làm mấy năm nay rồi cơ". Nhà văn Đào Vũ cười to khen: "Ông Đệ giỏi thật!".

Sau đám tang nhà văn Hữu Mai, thấy ông tuổi cao mà vẫn "ham công tiếc việc", lựa lúc ông vui, tôi nói: "Em thấy anh làm việc nhiều quá, "thất thập cổ lai hy" rồi, nên nghỉ thôi anh ạ".

Ông cười bảo: "Làm việc là một nhu cầu, là niềm vui sống đối với tôi". Không ngờ ở tuổi 75 ông ra đi mãi mãi cùng với ý tưởng và công việc dở dang. Tôi biết có những việc không ai có thể thay ông được

Ngọc Phúc
.
.