Lụy

Thứ Tư, 29/10/2014, 08:00
Phàm ở đời, cứ lụy vào cái gì thì khổ vì cái ấy. Chẳng hạn như lụy quyền, lụy chức, lụy tiền, lụy bạc…Mà một khi đã lụy một cái gì, tức là bị phụ thuộc hoàn toàn vào nó và bị nó điều khiển. Làm thế cũng chẳng khác gì mình tự trói buộc mình bằng một sợi dây do chính mình tạo ra. Rồi mình càng giãy thì mình càng trầy vi tróc vẩy. Cho nên, ở đời, tốt nhất là để mình đừng vướng bận vào cái sự lụy ấy và hãy tránh xa nó.

Ở cơ quan anh bạn tôi, có một người thuộc diện "chuyên gia" lụy tên là T. và lụy từ cái vớ vẩn lụy đi. Hay nói một cách khác: Sự lụy của ông này không "ra tấm ra món".

Có một dạo T. nghi bị trọng bệnh. Cả ngày, mặt lúc nào cũng buồn thiu và nhăn nhó như một cái bị rách. Do vậy, có khá nhiều người ái ngại và thương cảm T. Họ thường xuyên góp tiền ủng hộ T. và động viên T. tích cực đi khám, chữa bệnh. "Thương người như thể thương thân" - đã có số đông đồng nghiệp, bạn bè của T. nghĩ như vậy.

Nhưng T. lại băn khoăn một việc khác mà ít người tưởng tượng ra nổi.

Một hôm, T. chủ động vào phòng sếp.

- Sao? Hồi này…cậu thế nào?

- Vẫn thế thôi ạ.

- Điều trị mấy tháng rồi mà tình hình không chuyển biến gì à?

- Vẫn thế thôi ạ.

- Thế cậu có cần thêm thời gian để nghỉ ngơi không? Có cần cơ quan hỗ trợ thêm gì không?

- Không ạ. Nói chung, gia đình em vẫn đủ điều kiện, chưa cần làm phiền đến ai.

- Cậu nghĩ thế, cũng hay. Nhưng nghĩ thế, cũng là quá và chưa phải lắm. Có vẻ thiên về giữ mình quá. Một khi, mình đã ở trong hoàn cảnh ngặt nghèo như vậy, nếu có ai quan tâm, chia sẻ, thì cũng không nên từ chối. Nên cho chúng tôi cái quyền quan tâm đến cậu.

- Em đã nói rồi mà. Việc của em, em tự lo được.

- Vậy, hôm nay, cậu gặp tôi có việc gì không? Cứ nói thẳng, đừng ngại.

- Em chỉ muốn đề đạt một nguyện vọng thôi.

- Thì cậu cứ mạnh dạn trình bày…

- Em muốn anh đề bạt, cất nhắc em lên chức phó phòng…Em muốn ngộ nhỡ có chuyện gì, trong cáo phó còn có thêm dòng chữ…

Màn nói đi, nói lại đến đây…kết thúc. Sếp bị rơi vào tình thế hết sức khó xử. Sếp nghĩ trong bụng: "Cái cậu này lạ thật! Có bệnh đã không chịu chữa chạy triệt để, mà còn nghĩ đến cái chuyện gì đâu. Mà cái chức phó phòng ở cái cơ quan chưa đến 100 con người, cao lắm cũng chỉ thuộc diện "đầu binh cuối cán", có gì đáng kể đâu mà phải bận tâm đến thế!".

Một chuyện khác, cũng xảy ra ở cơ quan bạn tôi.

Cách nay đã gần 20 năm rồi, hồi cái a lô di động còn có giá, có một ông xấp xỉ tuổi 60 cũng tên là T. luôn mơ có một "con" Motorola. Vì xót tiền túi nên ông không dám tự sắm cho mình. Ông hy vọng có một ngày…

Rồi cái ngày ấy cũng đã đến. Cơ quan quyết định cấp cho mỗi người một điện thoại di động. Nhưng ông T. không được hưởng niềm vui ấy. Đơn giản vì ông đã nghỉ hưu nửa năm rồi. Mà một khi đã "về vườn", chắc chắn không nằm trong diện được cấp phát.

 "Cố đấm ăn xôi", có một buổi sáng, ông T. mò đến cơ quan  gặp người có quyền hạn và trách nhiệm:

- Tôi đề nghị cấp cho tôi một điện thoại di động.

- Tiếc là bác đã nghỉ hưu. Bây giờ, không có cách gì có thể giải quyết được.

- Nên nhớ là tôi còn làm việc ở đây lâu hơn anh đấy. Những hơn 40 năm kia!

- Không phải là chúng tôi không biết. Nhưng nguyên tắc vẫn là nguyên tắc. Việc này có hiệu lực sau khi bác đã nghỉ hưu vừa tròn 6 tháng.

- Thật tình thì tôi cũng không nặng lòng với việc này lắm đâu. Nhưng cơn cớ bắt đầu từ bà vợ tôi. Bà ấy bảo: Ông nên có điện thoại di động cho nó oai. Chứ ở thời buổi này mà không có…tôi thấy ông có vẻ kém cạnh lắm…Ông cứ trông mấy người về hưu ở cùng số nhà mà làm gương…

"Thì ra ông này để giải quyết khâu oai, khâu không kém cạnh ai…đã lụy vào một cái điện thoại di động vặt vãnh. Sao mà khổ thế, hở giời?" - Người có trách nhiệm và quyền hạn nghĩ thầm.

Trong một nghìn lẻ một kiểu lụy, có lẽ lụy văn chương là đỡ hơn cả và không bị trói buộc hơn cả.

Xuất phát từ suy nghĩ ấy, quan niệm ấy mà có lần trong "Nhà văn hiện đại Việt Nam" mục "Suy nghĩ về nghề văn", có nhà thơ đã viết: "Là nghề ít người sống được bởi nó nhưng lại có thể hết lòng vì nó"

Ngọc Trân
.
.