Lục Đầu Giang cuộn sóng

Thứ Ba, 25/09/2018, 07:35
Trên bến Bình Than, ngay đầu nối bốn con sông mang tên chữ Đức đó, đã diễn ra hội nghị quân sự (năm 1282), nguyện ý chí với hai chữ “Sát Thát” được chích trên cánh tay các chiến binh. Họ thề sẽ chôn vùi xác giặc dưới dòng sông này. Sau đó ba năm, quả nhiên giặc Nguyên Mông mang quân xâm chiếm nước ta lần thứ hai, năm 1285. Trận thủy chiến đã xảy ra trên con sông Lục Đầu Giang...

Khi tôi vừa ra khỏi đền Kiếp Bạc, lão Quản, người làng Vạn Kiếp dẫn tôi ra bến sông Lục Đầu Giang. Lão kể, đây là một con sông dị biệt nhất nước ta, chỉ dài hơn chục cây số (thuộc Vạn Kiếp, Chí Linh, Hải Dương). Nhưng nó là yết hầu của các dòng chảy: sông Thương, sông Cầu, sông Lục Nam, sông Đuống, nhập vào hai con sông Kinh Thầy và sông Thái Bình chảy ra biển Đông. Nó còn khác biệt ở chỗ, đây chính là cửa ải chống giặc ngoại xâm, là mồ chôn xác quân Nguyên khi chúng đến xâm lược nước ta.

Đất Kiếp mơ màng tiếng kiếm reo

Lão Quản bỗng sang sảng đọc những câu thơ của Trần Tuấn Khải cho tôi nghe, rồi chỉ tay về phía trước nói, Lục Đầu Giang chính là sự hợp lưu của tứ đức trong vũ trụ. Hưng Đạo Vương đã chọn doanh trại tại Kiếp Bạc cũng xuất phát từ bốn dòng sông mang tên chữ Đức (sông Thương là Nhật Đức; sông Lục Nam là Minh Đức; sông Cầu là Nguyệt Đức; và sông Đuống là Thiên Đức).

Trên bến Bình Than, ngay đầu nối bốn con sông mang tên chữ Đức đó, đã diễn ra hội nghị quân sự (năm 1282), nguyện ý chí với hai chữ “Sát Thát” được chích trên cánh tay các chiến binh. Họ thề sẽ chôn vùi xác giặc dưới dòng sông này. Sau đó ba năm, quả nhiên giặc Nguyên Mông mang quân xâm chiếm nước ta lần thứ hai, năm 1285. Trận thủy chiến đã xảy ra trên con sông Lục Đầu Giang.

Chuẩn bị lễ tại đền Kiếp Bạc.

Khi đó, giặc Nguyên Mông mang 50 vạn quân trùng trùng điệp điệp lấy cớ đánh quân Chiêm Thành phía Nam, thực chất là nhằm xâm lược nước ta, vào tháng 1-1285. Tướng Thoát Hoan dẫn quân đi đường bộ. Ô Mã Nhi dẫn thủy quân đánh vào Vạn Kiếp (2-1285).

Chúng không thể ngờ khi đến trận địa Vạn Kiếp chính là rơi vào cái bẫy của quân và dân ta phục sẵn. Hưng Đạo Vương đã cho quân rút lui, bảo tồn lực lượng và đánh ở những chiến địa khác, tiêu hao lực lượng kẻ địch, đốt phá quân nhu, lương thực tiếp viện từ phía Bắc.

Sau ba tháng chiến đấu kiên cường, quân và dân ta dồn giặc vào thế hoang mang, chúng đành rút quân dồn về Kiếp Bạc để tìm đường tẩu thoát. Cả tướng tổng chỉ huy Thoát Hoan và phó tướng Lý Hằng cũng dẫn quân về đây. Đói khát vì thiếu lương thực. Rã rời tinh thần vì ốm đau bệnh tật. Quân Nguyên nối đuôi nhau lên thuyền tìm đường rút chạy.

Thời cơ đã đến, Trần Hưng Đạo dẫn quân tổng tiến công vây đánh quân thù tan tác tại chiến địa Kiếp Bạc (5-1285). Cả ngàn chiến thuyền quân Nguyên bị đánh tơi bời chìm nghỉm dưới lòng sông… Lão Quản hể hả nói, trận ấy tướng Lý Hằng bị tên tẩm thuốc độc chết đứ đừ, còn Thoát Hoan vội vã chui vào ống đồng trốn theo đường bộ về phương Bắc.

“Một trận đánh tan tác vạn quân Nguyên. Ngàn thuyền chiến chìm dưới Lục Đầu Giang dậy sóng”. Đó là hình ảnh của cánh đồng Vạn Kiếp, nằm chìm dưới lòng sông, nơi chôn xác kẻ thù. Bởi thế người xưa có câu: “Lục Đầu vô thủy bất thu thanh” (ý nói không có giọt nước nào ở sông Lục Đầu không rên rỉ tiếng kêu than của quân giặc)

Chúng tôi lên cầu Phả Lại ngắm dòng sông Lục Đầu. Con sóng trôi êm đềm vào thu. Những đoàn thuyền đánh cá cùng những con tàu chở hàng đi khắp nơi. Mấy ai hình dung được trên con sông thơ mộng hiền hòa này đã từng có thời kỳ nhuộm đỏ máu quân Nguyên. Vậy đã hơn 700 năm trôi qua. Kiếp Bạc vẫn là tiếng vang muôn thuở có sức răn đe kẻ thù xâm lược. Bởi đến cuộc xâm lăng lần thứ ba (2-1288), giặc Nguyên vẫn bị thua tan tác.

Ô Mã Nhi bị bắt sống trên sông Bạch Đằng. Chúng vội thu quân về Vạn Kiếp rồi tháo chạy với tàn quân về phương Bắc (4-1288). Vạn Kiếp lại trở thành mồ chôn giặc Nguyên. Chiến địa nơi đây đã dập tắt âm mưu xâm lược nước ta của quân Nguyên. Chính vì thế, sau chiến thắng quân Nguyên lần thứ ba, vua Trần Nhân Tông đã cho xây “Sinh từ”, tức nơi thờ Trần Hưng Đạo khi còn sống tại Kiếp Bạc.

Những truyền kỳ mang tên Lục Đầu Giang

Lục Đầu Giang gắn với lịch sử và chiến công vang dội của Trần Hưng Đạo, người đã trở thành anh hùng dân tộc, cái thế vô song. Nhưng trong dân gian Ngài còn được phong Thánh, với danh sơn Vạn Kiếp, cùng những truyền kỳ, trên mỗi ngọn sóng, bến sông. Tôi như còn đang mê mải ngắm dòng nước êm đềm trôi thì lão Quản vỗ vai, bởi sực nhớ mấy câu thơ trong một bài hát về con sông Phù Lan (tên cũ của sông Lục Đầu).

Lão lấy giọng đọc đầy cảm khái: “Triều dâng sóng tự vô cùng/ Đằng Giang Nam - Triệu Phà Rừng Cửa Ông/ Hồn thiêng tụ khí non sông/ Lục Đầu Giang đất anh hùng là đây”. Rồi lão chỉ một cồn đất dưới sông kéo dài với những hàng cây, giống như hình một lưỡi kiếm. Đó chính là cồn Kiếm.

Lão Quản kể chuyện.

Chuyện xưa kể, sau chiến thắng giặc Nguyên và nhất là sau khi chém đầu tướng Phạm Nhan, Hưng Đạo Vương đi thuyền ra giữa sông rồi ném cây kiếm xuống nước. Ngài cho là thanh kiếm đã dính máu kẻ thù và bị dơ bẩn khi chém đầu Phạm Nhan, nên phải chôn nó, cùng xác giặc dưới đáy sông. Vậy tên tướng giặc Phạm Nhan là người như thế nào?

Tục truyền rằng, Phạm Nhan có biệt tài biến hóa, đầy ma thuật, khi bị chém rơi đầu có thể lại mọc đầu khác. Hơn thế, tên này có mẹ người Việt nên khá thông thuộc đường đi lối lại, luôn dẫn đường chỉ kế sách đánh vào nước ta. Hắn tàn ác và xảo quyệt, lẩn như trạch, luôn thoát khỏi lưỡi kiếm, cung tên của quân và dân ta.

Thậm chí có lần, tướng Yết Kiêu lặn dưới nước đục thuyền bắt sống được Phạm Nhan, nhưng hắn vẫn chạy thoát. Vậy làm thế nào để tiêu diệt được Phạm Nhan? Tương truyền trong một giấc mơ, Trần Hưng Đạo đã gặp một bà lão bán quán trên bến sông Lục Đầu nói, phải bôi phân gà và vôi trắng cùng bồ hóng mới trị được thuật ma tà, mọc đầu của Phạm Nhan. Trong một cuộc giao chiến trên sông Lục Đầu, Trần Hưng Đạo đã làm đúng như bà tiên chỉ bảo, làm khiếp vía quân thù.

 Nhưng có lẽ tài năng xuất chúng của Anh hùng dân tộc Hưng Đạo Vương, ngoài văn võ song toàn, Ngài còn nức tiếng thơm bởi lòng trung hiếu tiết nghĩa. Hưng Đạo Vương đã quyết dẹp thù riêng của cha truyền lại, nguyện sống chết cho đất nước. Trong thời kỳ dầu sôi lửa bỏng, đất nước lâm nguy, Hưng Đạo Vương đã xin vua chém đầu mình, trước khi hàng giặc. Thiên tài quân sự của Hưng Đạo Vương đã đem lại những chiến thắng lịch sử chống quân Nguyên lẫy lừng khắp năm châu. Vì nghĩa quên thân. Hưng Đạo Vương trở thành Đức Thánh Trần trong dân gian. Tương truyền Ngài là người trời xuống cứu giúp. Hưng Đạo Vương gắn liền với những chiến công hiển hách, tham gia ba lần chiến đấu chống giặc Nguyên, trong đó hai lần trực tiếp chỉ huy và chiến thắng tại sông Lục Đầu Giang và Bạch Đằng Giang. Hậu thế muôn đời sau tôn thờ ông như một thánh nhân. Ngay trên quê hương của Ngài ở Nam Định cũng lập đền thờ Đức Thánh Trần, như một sự tri ân của người con đất Việt với anh hùng dân tộc.

Còn đó muôn đời lời hịch non sông

Mùa thu. Gió trên sông Lục Đầu man mác se lạnh. Nhưng có lẽ sóng của sáu con sông được dồn tụ nên dòng nước cuộn chảy bồng bềnh tìm đường ra biển lớn. Đoàn người dự lễ hội nườm nượp kéo về. Trên bến dưới thuyền tấp nập đông vui. Từ sông nhìn vào đền thờ Kiếp Bạc mới hay, dãy núi bao quanh khu chiến địa xưa hùng vĩ, ngùn ngụt khí thế non sông gấm vóc. Vạn Kiếp có núi bao bọc tạo nên một thung lũng bằng phẳng bên sông Lục Đầu. Đền thờ Trần Hưng Đạo được dựng chính trên chiến địa xưa và cũng là nơi ghi dấu những chiến tích lẫy lừng.

Lịch sử ghi nhận, để khích lệ chiến binh lâm trận trước sức mạnh hung hãn của giặc Nguyên, Trần Hưng Đạo đã thảo một tráng ca “Hịch tướng sĩ”. Lời lời âm vang khí thế. Hào sảng với lòng tự tôn dân tộc. Một thuở mênh mông sông nước, sôi réo lòng người nơi chiến địa. Lời khích lệ ấy vang vọng tới muôn đời sau: “…Có kẻ tính đường sản nghiệp mà quên việc nước; có kẻ ham trò săn bắn mà trễ việc quân. Có kẻ thích rượu ngon; có kẻ mê giọng nhảm. Nếu bất chợt có giặc Mông Thát tràn sang thì cựa gà trống không đủ đâm thủng áo giáp của giặc; mẹo cờ bạc không đủ thi hành mưu lược nhà binh… Chẳng những thân ta kiếp này chịu nhục đến trăm năm sau tiếng nhơ khôn rửa, tiếng xấu còn lưu…”. Lời hịch của non sông vang dậy hơn 700 năm qua vẫn còn giá trị đến ngày nay.

Một luồng gió mới tràn về. Dòng sông Lục Đầu cuộn sóng về phía biển. Tôi sững người bởi chợt nghe thấy tiếng kiếm reo, ngựa hý vang động từ chân núi Vạn Kiếp thuở nào…

Chung Tử
.
.