“Lửa” trong loạt phim hình sự 1.100 tập

Thứ Bảy, 26/11/2016, 08:01
“Hồ sơ lửa” có thể được xem là series phim truyền hình dài nhất trong lịch sử truyền hình Việt Nam tính đến thời điểm này. Ngay khi chưa bấm máy, phim đã gây choáng với công chúng bằng hàng loạt con số “khủng”: 1.100 tập, 15 đạo diễn, quay kéo dài 3 năm, kinh phí 300 tỷ đồng! Riêng diễn viên thì nói vui như nhà biên kịch Châu Thổ: “Chúng tôi gần như gom hết những ngôi sao hàng đầu hai miền Nam, Bắc”.


Dự án phim “Hồ sơ lửa” do Hãng phim Người Bảo vệ (thuộc Báo Công an TP HCM), Công ty Cổ phần 24h Good phối hợp cùng Hãng phim Sena thực hiện. Thời gian bấm máy dự kiến kéo dài từ năm 2017 đến 2020.

Chấp bút chính cho kịch bản series phim đồ sộ này là nhà văn, nhà báo Lại Văn Long – phóng viên đã có 25 năm làm việc tại Báo Công an TP Hồ Chí Minh và chuyên viết về những vụ án hình sự lớn của thành phố và cả nước. Ngoài ra, góp công xây dựng kịch bản còn có các nhà văn, nhà biên kịch tên tuổi khác như Trần Tử Văn, Tống Phương Dung...

Vì đây là loạt phim hình sự dài hơi, do đó để đảm bảo nguồn kịch bản tốt, ekip làm phim phải thành lập một hội đồng thẩm định gồm các nhà biên kịch, đạo diễn uy tín như nhà biên kịch Phạm Thùy Nhân, nhà biên kịch Châu Thổ, đạo diễn Lê Cung Bắc, đạo diễn Nguyễn Quốc Thành... Kịch bản phải được xem xét kỹ lưỡng trước khi bấm máy.

Đạo diễn Võ Ngọc (thứ hai từ trái sang) và dàn diễn viên phần 1 “Mật danh Đ9”.

Đại tá Trần Trọng Dũng, Tổng Biên tập Báo Công an TP Hồ Chí Minh bộc bạch: “Trước đây, Hãng phim Người bảo vệ đã thực hiện một số phim hình sự như “Đô la trắng”, “Nước mắt giang hồ”, “Lệnh truy nã”... nhưng đây đều là phim truyện nhựa nên chúng tôi vẫn luôn ấp ủ ý định thực hiện series phim hình sự truyền hình dựa trên những chất liệu của báo. Chất liệu ấy chính là hàng loạt bài báo ghi lại cuộc đấu tranh phá các vụ án, chuyên án gây chấn động dư luận suốt 40 năm qua của Công an TP Hồ Chí Minh nói riêng và Công an cả nước nói chung”.

Dựa trên các chuyên án có thật, những người thực hiện mong muốn chuyển tải trung thực và sinh động cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm vô cùng khốc liệt, hiểm nguy của lực lượng Công an cũng như tấm lòng, sự đồng hành của quần chúng nhân dân đã giúp các anh hoàn thành nhiệm vụ. Trong cuộc chiến ấy, đã nổi lên bao tấm gương cán bộ, chiến sĩ can trường, mưu trí; những vị chỉ huy thông minh và có tấm lòng bao dung, nhân ái để đưa kẻ lầm đường lạc lối, những tên tội phạm sừng sỏ quy phục nẻo thiện.

Loạt phim cũng không ngại phơi bày góc khuất của ngành, đó là những cán bộ, chiến sĩ không vượt qua được tham vọng danh – lợi cá nhân để bọn tội phạm mua chuộc bằng “viên đạn bọc đường” tinh vi, xảo quyệt. Cái kết họ nhận lấy vô cùng đau thương. Và cũng có không ít thước phim đi sâu nội tâm của kẻ lỡ sa vào tội ác với những giày vò, tâm sự rất nhân văn.

Series phim còn khắc họa các nhà báo không ngại hiểm nguy, cám dỗ, dũng cảm đối đầu với thế lực đen tối để phanh phui sự thật. “Cuối cùng, thông điệp xuyên suốt của 1.100 tập phim này đều khẳng định một điều: cái ác phải bị trừng trị, cái xấu phải bị loại trừ, cái tốt được tôn vinh để chúng ta cùng nhau xây dựng đất nước ngày càng bình yên hơn” – Đại tá Trần Trọng Dũng nói.

Một dự án phim 1.100 tập, vừa quay vừa phát trên kênh SCTV14 kéo dài trong 3 năm là một thách thức vô cùng lớn đối với ekip làm phim từ công tác chuẩn bị kịch bản, công tác tuyển chọn diễn viên đến công tác tổ chức thực hiện. Để phim luôn tươi mới, không gây nhàm chán, 1.100 tập sẽ được chia thành 15 phần, mỗi phần do một đến hai đạo diễn đảm trách.

Đạo diễn Võ Ngọc trở thành người “xông đất” cho dự án hoành tráng này. Anh đảm trách phần 1 với tên gọi “Mật danh Đ9” gồm 45 tập, dự kiến bấm máy cuối năm 2016 và phát sóng từ tháng 3-2017. “Dù đã có kinh nghiệm thực hiện nhiều bộ phim hình sự như “Vật chứng mong manh”, “Hoa xương rồng”… nhưng  độ dài quá lớn của “Hồ sơ lửa” khiến tôi gặp áp lực khủng khiếp.

Tuy vậy, đọc kịch bản, tôi rất thích vì câu chuyện sát sườn thực tế. Để “Mật danh Đ9” hoàn toàn khác biệt so với những phim trước đây, tôi muốn khai thác sâu hơn về tâm lý của hai phía chính – tà. Đây cũng là cách giúp bộ phim lắng đọng và cuốn hút hơn” – anh tâm sự.

Đồng ý với đạo diễn Võ Ngọc, nhà biên kịch Phạm Thùy Nhân cho rằng không phải cứ nhắc đến phim hình sự là nhắc đến các pha hành động, đánh đấm, rượt đuổi, đấu súng. Nếu ngày nào khán giả cũng bị ăn những món như vậy thì sớm muộn gì cũng ngán ngẩm.

Tiếp xúc với Công an, ông nhận thấy con người họ không phải ai cũng khô khan, cứng nhắc và “thần thánh” kiểu như võ nghệ cao cường, phá án nhanh như chớp hay tài bắn súng thiện xạ. Ở họ cũng có những nét hồn nhiên, vui tính, lẫn những âu lo hồi hộp của ngày đầu làm trinh sát, cũng mang nỗi sợ khi liên tục cận kề ranh giới sự sống và cái chết.

Hình tượng người Công an hiện lên gần gũi và rất “người” trong cuộc sống sinh hoạt đời thường với bao tâm tư, trăn trở, yêu ghét..., sự chật vật áo cơm mưu sinh cho gia đình. Có làm được như vậy, “Hồ sơ lửa” mới chạm đến cảm xúc của người xem.

Hoa khôi Nam Em và người đẹp Phan Thị Mơ sẽ đảm nhận vai nữ chính xuyên suốt trong series phim “Hồ sơ lửa”.

Nhà biên kịch Châu Thổ, Giám đốc Hãng phim Sena kỳ vọng “Hồ sơ lửa” sẽ tạo nên sự khác biệt, làm thay đổi diện mạo phim hình sự Việt Nam. Hiện nay, số lượng phim hình sự Việt Nam trên màn ảnh nhỏ khá nhiều nhưng vẫn bị khán giả chê là nhiều sạn.

Ngoài kịch bản lỏng lẻo, việc phá án thiếu logic, sạn thường gặp nhất đó là lỗi nghiệp vụ ngành Công an. Nhiều lỗi sơ đẳng đến mức ngớ ngẩn như một cô gái đeo hàm trung tá lại “bị” cấp dưới chào là thiếu tá. Hay pha đánh đấm lúc thì rất giả, lúc thì như múa.

Nhắc đến điều này, nhà văn, nhà báo Lại Văn Long tự tin khẳng định chắc chắn “Hồ sơ lửa” sẽ khó mắc lỗi nghiệp vụ vì kịch bản được xây dựng, chau chuốt từ đội ngũ nhà văn, nhà báo kỳ cựu của Báo Công an TP Hồ Chí Minh. Không chỉ làm nhiệm vụ tuyên truyền mà họ còn đồng hành với các lực lượng Công an điều tra trong rất nhiều vụ án, do đó dữ liệu của họ rất sinh động, chân thật để xây dựng kịch bản.

Đảm nhiệm vai nữ chính và đồng hành xuyên suốt series phim là Hoa khôi Nguyễn Lệ Nam Em – top 8 Hoa hậu Trái đất 2016 và người đẹp Phan Thị Mơ.

Dàn diễn viên của dự án còn quy tụ hàng loạt ngôi sao hàng đầu Việt Nam như: NSƯT Chí Trung, diễn viên Hai Nhất, Bình Minh, Quý Bình, Thái Hòa, Khương Ngọc, Hoàng Phúc, Nhã Phương, Ninh Dương Lan Ngọc, Trang Nhung, ca sĩ Minh Hằng, Hoa hậu Đặng Thu Thảo, Hoa hậu Đỗ Mỹ Linh, Á hậu Huyền My...

Sự xuất hiện đông đảo của dàn người đẹp trong phim, đặc biệt là Hoa khôi Nam Em lần đầu chạm ngõ điện ảnh nhưng lại được giao vai nữ chính khiến nhiều người lo ngại series “Hồ sơ lửa” sẽ là nơi trưng bày những “bình hoa di động”.

Tuy nhiên, ekip sản xuất tiết lộ khâu tuyển lựa diễn viên rất khắt khe vì bộ phim thu âm trực tiếp tại phim trường chứ không lồng tiếng. Do đó ngoài diện mạo, đài từ và biểu cảm của diễn viên rất được ekip chú trọng khi casting. Riêng Nam Em, cô tự tin mình sẽ thể hiện tốt vai nữ cảnh sát nhân hậu, quyết liệt và hết lòng cống hiến, phụng sự nhân dân bởi nhân vật này có nét tương đồng với hình ảnh nữ quân nhân của Nam Em ngoài đời.

Giải thích vì sao loạt phim mang tên “Hồ sơ lửa”, nhà văn, nhà báo Lại Văn Long cho hay “lửa” là ám chỉ độ nóng của từng nhân vật, từng cảnh quay, từng lời thoại, từng diễn biến tâm lý của người trong cuộc ở cả hai phía chính – tà.

Nhiều vụ án xảy ra đã lâu nhưng vẫn hàm chứa nhiều vấn đề nóng hổi về nghiệp vụ điều tra; cái tầm cái tâm của người cán bộ chấp pháp với những người đồng đội kề vai sát cánh, với danh – lợi và mưu ma chước quỷ của tội phạm và với cả nỗi đau của những người, những gia đình bị hàm oan khi sự việc chưa kịp sáng tỏ.

“Lửa” cũng là tâm huyết, ý chí của những người tham gia dự án. Với sự đầu tư kỹ lưỡng, công phu từ kịch bản, diễn viên đến kỹ thuật, ekip sản xuất hứa hẹn mang đến cho công chúng loạt phim hình sự chất lượng cao, mang màu sắc tươi mới, nội dung thuyết phục, trung thực và cuốn hút, đủ sức cạnh tranh với dòng phim hình sự ngoại nhập đang áp đảo trên màn ảnh nhỏ.

Phan Thi Uyên
.
.