Lối đi nào cho phim kinh dị ở Việt Nam?

Thứ Sáu, 24/08/2007, 16:00

Sau khi trào lưu phim thị trường với "váy ngắn, chân dài" bước vào giai đoạn thoái trào, thì làm phim kinh dị lại là một hướng đi thu hút sự quan tâm của khá nhiều nhà làm phim lâu nay vốn bí đề tài. Các hãng phim tư nhân với yêu cầu lợi nhuận được đặt lên hàng đầu cùng một lúc lao vào cuộc đua làm phim kinh dị.

Có thể nói rằng dự án phim trên… miệng và báo chí khá ồn ào của Công ty Viêt Image với "Khách sạn không đèn" dù chưa thực hiện được nhưng đã vô tình tạo ra một cuộc đua làm phim kinh dị tại Việt Nam. Các phim về ma lần lượt ra đời và dự tính sẽ được công chiếu vào cuối mùa hè này.

Trước tiên phải kể tới hai dự án của Hãng phim Chánh Phương là "Ngôi nhà bí ẩn" và "Suối oan hồn". Đây là hai tập đầu của gần 100 tập trong series phim kinh dị mà Hãng Chánh Phương làm với tên gọi: "Chuyện lúc nửa đêm".

Được biết, Hãng phim Chánh  Phương đã sẵn sàng bỏ ra 30.000 USD (trong tổng số 300.000 USD) để mang phim sang Thái Lan chuyển từ phim truyền hình sang phim nhựa với mục đích đo hiệu ứng khán giả thế nào rồi mới bắt tay làm những tập tiếp theo.

Mười tập đầu tiên của "Chuyện lúc nửa đêm" được chắp bút bởi ông chủ Chánh Tín và nhà thơ Bùi Chí Vinh. Dù đã có trong tay 80 kịch bản xoay quanh chủ đề ma nhưng Chánh Tín vẫn tiếp tục săn lùng những câu chuyện kỳ bí khác cho dự án phim dài hơi này. Sau "Ngôi nhà bí ẩn", Chánh Phương sẽ tiếp tục bấm máy "Những khuôn mặt mèo", "Kẻ không đầu", "Ngã ba tử thần", "Suối than khóc"… Xem ra, ngay từ tiêu đề, series phim cũng đã rất kinh dị!

Nếu như dự án "Chuyện lúc nửa đêm" khá đồ sộ thì Hãng phim Phước Sang, một hãng phim tư nhân tỏ ra năng động trong thời gian gần đây cũng chuẩn bị tung ra bộ phim nhựa với cái tên cụt lủn "Mười". "Mười" được xem là có khá nhiều lợi thế vì đây là một phim hợp tác giữa Hãng Phước Sang và Hãng Bily Pictures của Hàn Quốc nên chắc chắn có ưu thế về kỹ xảo, công nghệ làm phim.

Trong khi nội dung phim của Hãng Chánh Phương được giữ bí mật cho tới khi ra rạp thì "Mười" được hé lộ là câu chuyện về cái chết của một cô gái bị đòn oan. Vì được yêu, cô gái chết tức tưởi bởi sự ghen tuông của một người con gái không được yêu khác. Trước khi chết, cô đã có một lời nguyền bi thảm và mọi câu chuyện quay xung quanh lời nguyền ấy...

Dù chỉ có một tập nhưng kinh phí làm phim "Mười " đã lên tới 4 triệu USD. Tác giả, kiêm đạo diễn người Hàn Quốc Kim Tae-kyong đã phải có tới 6 tháng ở Việt Nam để đi tìm hiểu và sưu tầm những câu chuyện tâm linh của người Việt làm thành cốt truyện. Ông bầu Phước Sang cũng hé lộ rằng nếu "Mười" thành công, hãng sẽ tiếp tục tung ra những... "con ma" khác vì anh đang có một nguồn kịch bản khá tốt.

Là nơi khơi mào nhưng vì nhiều lý do nên các phim kinh dị của Công ty Viêt Image chưa thể ra lò. Tuy nhiên, không thể cưỡng ra khỏi cuộc đua làm phim ma, công ty này cũng bắt đầu khởi động lại với "Ngủ với hồn ma" và khôi phục dự án phim "Khách sạn không đèn".

Ngoài ra, đạo diễn Nguyễn Anh Dũng cũng đang bắt tay vào làm bộ phim "Nụ hôn thần chết"… Nhiều dự đoán rằng, điện ảnh Việt Nam đang có một trào lưu phim ma và các con ma đang tranh nhau vào rạp và trụ rạp. Ngoài kịch bản được chú trọng thì các nhà làm phim ma hiện nay rất quan tâm tới diễn viên. Hầu hết các phim đều có sự góp mặt của những diễn viên ăn khách.

Trong phim "Mười", ngoài các diễn viên Hàn Quốc là sự góp mặt của người mẫu Anh Thư, Bình Minh, diễn viên Hồng Ánh. Còn trong "Ngôi nhà bí ẩn" và "Suối oan hồn" là sự tham gia của Chánh Tín, Ngô Thanh Vân, Huy Khánh, Hiền Mai… "Khách sạn không đèn" thì có mặt cô diễn viên kiêm ca sĩ Quách An An...

Khi phim giải trí với đề tài đẻ mướn, trai nhảy... kém hấp dẫn vì nhàm và nhạt thì phim kinh dị trở nên được nhiều người mong đợi. Cùng với hài, hành động, thì phim kinh dị luôn có mặt trong danh sách những phim ăn khách trên thế giới. Nếu biết cách khai thác thì sẽ là một đề tài dễ dụ khán giả vào rạp. Tuy nhiên, nếu không biết cách làm cho mỗi phim có sự hấp dẫn riêng, khác lạ thì lo rằng khán giả không đủ kiên nhẫn để xem tới bộ phim thứ hai, nói gì tới vài chục tập (trào lưu phim về gái gọi, ca sĩ đã là một ví dụ)...

Phim kinh dị không thể tránh khỏi những cảnh bạo lực, đầu rơi, máu chảy và liệu điều đó có vô tình tuyên truyền cho mê tín dị đoan hay không vẫn đang còn là một câu hỏi đặt ra cho các nhà làm phim. Chắc chắn các phim về ma sẽ được các nhà thẩm duyệt lưu tâm cao độ. Và mặc dù ông chủ Chánh Tín thì khẳng định đây sẽ là những "con ma thân thiện" và khuyến cáo: "Những phụ nữ có thai nên tránh đi xem bộ phim này" hay poster của phim "Mười" khá hấp dẫn, đậm chất Hàn Quốc, nhưng để thật sự chinh phục được khán giả cũng không phải là một điều đơn giản

Khánh Thảo
.
.