Xuất bản tiểu thuyết "50 sắc thái":

Lợi bất cập hại

Thứ Tư, 27/08/2014, 08:00
Cuối năm ngoái, Công ty cổ phần sách Alpha books liên kết với NXB Lao động đã gây sốc khi tung ra bộ tiểu thuyết ba tập hơn 2000 trang với chủ đề hoàn toàn sex của nữ nhà văn người Anh E.L.Jemes "50 sắc thái". Dư âm của cuốn "dâm thư" này còn chưa dứt thì gần đây trên Internet lan truyền một trích đoạn 2 phút, được VietNamNet mô tả là: 50 sắc thái nóng rãy từ sách lên phim, gây bão trên mạng, ngay lập tức đạt 5 triệu người xem/ngày…

Về mặt tài chính, việc xuất bản cuốn "50 sắc thái", sau 3 tháng nhà sách có vẻ đã thắng to, với lượng phát hành 15.000 bản mỗi tập và còn tiếp tục tái bản với số lượng in mỗi tập 10.000 bản. Đây là điều hiếm thấy trong bối cảnh thị trường sách Việt Nam lâu nay vốn ảm đạm. Sách có nhiều độc giả, không hoàn toàn đồng nghĩa đó là cuốn có chất lượng văn học. Điều này trước hết phản ánh trình độ thưởng thức ngày càng cao cùng sự nhậy cảm của người đọc hôm nay trong một Thế giới phẳng.

Cuốn "50 sắc thái" do một nhà sách ở Mỹ cho ra mắt bạn đọc vào năm 2011, ngay từ đầu đã gây một cơn sốt về xuất bản, được dịch ở 37 nước với số lượng in trên 70 triệu bản. Ở ta, Alpha books "cố gắng lắm" mới có bản quyền chuyển ngữ trong năm 2013. Ở đây không bàn đến chuyện làm ăn nhạy bén của nhà sách, mà xét về hiệu ứng xã hội của nội dung cuốn sách. Với một xã hội còn bị nhiều ảnh hưởng nho giáo như nước ta, gây được sửng sốt, tò mò là điều dễ hiểu khi trưng ra cả vài nghìn trang chỉ để miêu tả những điều "cấm kỵ" của chốn buồng the. Tất nhiên, còn có tâm lý ở "Tây" sách "hot" thế hẳn trong đó có nhiều điều lạ, lý thú, nên đã thu hút được độc giả người Việt các lứa tuổi háo hức tìm đọc.

Qua hơn nửa năm sách lưu hành, dư luận đủ thời gian để lắng lại với các ý kiến khen chê. Một bộ phận những người trẻ, đã có gia đình riêng thì ban đầu đọc "50 sắc thái" với bao hiếu kỳ, sau cũng có những cảm thông nhất định, có thể ý kiến phản hồi trên mạng của cô T.L.H. 27 tuổi đại diện cho số này: "Cuốn sách khá cuốn hút, theo tôi những người có vợ có chồng nên đọc để có cái nhìn thoải mái hơn về sex và học cách làm tình của nhân vật chính". Còn nữ nhà văn trẻ T.H.D. lại thẳng thắn phê phán: "Hoàn toàn là cuốn dạy làm tình, chứ không hề có giá trị như tác phẩm văn học. Nó có thể làm lệch lạc suy nghĩ của giới trẻ".

Ông Đ.T.S. một chuyên gia đã có 12 năm nghiên cứu về tình dục không lạ gì những cảnh nóng trong phim và tiểu thuyết cũng phải thốt lên: "Sex mạnh mẽ và bạo liệt. Người quá trẻ không nên đọc!". Đáng chú ý là ở một nước "cởi mở" về tình dục như Mỹ mà gần đây Hiệp hội thư viện đánh giá "50 sắc thái" là cuốn sách xúc phạm độc giả, nhiều độc giả muốn đưa cuốn này ra khỏi các thư viện. Nhà văn nữ S.Meyer cùng lứa với  E.L.Jemes đang ăn khách với cuốn "Chạng vạng", cũng có nhận xét: Đó chỉ là cuốn sách dạy làm tình, thuộc văn chương hạng ba!

Cho dù ngay khi phát hành, bà Phó giám đốc, kiêm Phó tổng biên tập Công ty sách trên đã rào trước đón sau rằng: "Với bộ ba tiểu thuyết này, chúng tôi hướng đến độc giả người lớn, những người trưởng thành có trách nhiệm với tình yêu, với chất lượng đời sống tình dục của bản thân và bạn tình. Do vậy, không có việc quảng cáo ở các điểm trường như sách văn học thông thường. Trên bìa sách chúng tôi cho in thông điệp cảnh báo dành cho độc giả. Ngoài ra chúng tôi còn mời chuyên gia có uy tín viết lời tựa sách định hướng cho bạn đọc". Một sự ngụy biện xem ra khá vụng về! Chẳng gì có thể cấm những đứa trẻ vị thành niên, hay học sinh trung học, sinh viên tìm đọc những cuốn loại "dâm thư" một khi đã được phát hành công khai, chính thức như thế này.

Yếu tố tình dục trong văn học được các nhà văn ở mọi thời đại quan tâm khai thác, không ít tác phẩm kinh điển sống mãi với thời gian nhờ những trang viết rất sinh động, lôi cuốn về tình yêu lứa đôi, về sexy. Song sex trong văn chương là con dao hai lưỡi, dùng đúng chỗ, đúng liều tác phẩm trở nên sinh sắc và nhân văn hơn, còn quá liều thì dễ thô tục, nhàm chán. Chưa nói một cuốn sách hoàn toàn mô tả cách làm tình không thể gọi là sách văn học được. Gần đây một số tác giả trong nước viện vào sự cởi mở, đổi mới mà có dụng ý câu khách khi đề cập quá nhiều về sex, như các cuốn "Bóng đè", "Sợi xích"…

Đành rằng trong thời hội nhập hôm nay, nhiều quan niệm về đạo đức truyền thống đã thay đổi, song văn học tồn tại với tư cách là loại hình nghệ thuật vì con người, cổ súy cái đẹp, cái nhân văn cao cả thì muôn đời vẫn vậy. Loại hình gọi là "dâm thư" xuất hiện từ rất lâu rồi, mà chưa bao giờ có chỗ đứng trong lâu đài văn học chân chính. Dù sao mỗi cuốn sách loại này khi đã tuồn được ra thị trường, dẫu chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn, sự độc hại của nó vẫn có đủ thời gian để phát tác. Và sự độc hại ấy trước tiên ngấm vào tim, óc những người còn đầu xanh tuổi trẻ, khác hẳn việc họ được giáo dục về giới tính, về an toàn tình dục trong các giờ học ngoại khóa ở nhà trường. Lâu nay, các bậc cha mẹ vẫn thường bày tỏ sự lo lắng cho con cái họ vướng vào chuyện yêu đương quá sớm, thậm chí tỷ lệ phá thai ở các thiếu nữ có xu hướng ngày càng tăng, đều có phần "đóng góp" của những sách sex kiểu như "50 sắc thái".

Nhìn lại khâu kiểm duyệt xuất bản ở ta tưởng là chặt chẽ mà lỏng lẻo, nhiều kẽ hở lâu nay đã để lọt không ít sản phẩm độc hại. Hình như những người có trách nhiệm trong xuất bản có quan niệm rằng: Cuốn nào bán chạy ở nước ngoài đã là một tiêu chí bao trùm tất cả, nhất thiết phải được dịch thuật và lưu hành trong nước, bất kể nội dung của nó ra sao?

Phạm Quang Đẩu
.
.