Tự truyện của NSƯT Thành Lộc:

Lộc phước cho đi từ kiếp này

Thứ Ba, 17/02/2015, 08:00
"Tâm thành và Lộc đời" là tên tự truyện của NSƯT Thành Lộc, do nhà văn Nguyễn Thị Minh Ngọc chọn lựa. Nó cắt nghĩa tên anh. Một cái tâm rất thành thật, sụp quỳ bên Tổ nghiệp, và tài năng là những lộc phước tận hiến cho người đời.

Trước đây đã có nhiều lời mời Thành Lộc viết tự truyện nhưng anh từ chối. Mình có gì đâu để viết, dù biết trời thương, trao cho làm thân nghệ sĩ, nhưng tài năng sao bằng lớp tiền bối. Viết, phải chăng mình kiêu ngạo lắm ư? Hơn nữa anh quan niệm hơi cực đoan rằng, người viết sách phải là người vô cùng sạch sẽ, không có điều tiếng. Chứ bản thân anh, đầy… tật xấu đó thôi. Nhưng phải vậy mới là con người, nhân vô thập toàn, nếu không thì là thần thánh mất rồi.

Anh lại nghĩ hài hước: "Ra tự truyện, người ta phán tỉnh rụi: "Bộ sắp chết hay sao mà viết?". Phần nữa, công việc quá bận rộn nên anh không có đủ thời gian và cảm hứng thực hiện. Nhưng đến đầu năm 2014, nhà sách Phương Nam thuyết phục. Nói một hồi, anh cũng xiêu.

Đến lượt công chúng thắc mắc lý do Thành Lộc nhận lời. Bởi tuổi anh chưa xế chiều, chưa đến kiệt cùng cuộc đời để bắt đầu nhìn lại đời mình. Đánh bóng danh tiếng? Chẳng phải Thành Lộc đã là một đẳng cấp không ai soán ngôi được đó sao?

Anh giải thích: "Bây giờ tôi thấy có nhiều bạn trẻ dễ nổi tiếng, mạng xã hội hỗ trợ các bạn rất nhiều. Đôi khi tôi nghĩ mình cần làm cái gì để mọi người biết rằng con đường của một người thành danh của nghệ sĩ nói riêng và những người trong lĩnh vực khác nói chung không hề đơn giản. Ngày trước nói chuyện với các nghệ sĩ tiền bối như má Phùng Há, má Bảy Nam… tôi đã thấy sự thành danh của họ là cả chông gai, khó khăn gấp bội thế hệ tôi, nhưng đâu phải ai cũng có cơ hội nghe các má kể".

Bìa tự truyện "Tâm thành và Lộc đời".

Quan niệm "viết sách không phải viết cho mình, viết sách là viết cho người", vậy nên, anh viết như là trải lòng, thủ thỉ thông điệp mà công chúng có thể nhặt lấy cho mình. Công việc bận rộn nên Thành Lộc buộc phải tìm người chấp bút. Anh chọn nhà văn Nguyễn Thị Minh Ngọc. Vì nói theo kiểu Thành Lộc "chỉ có mụ này mới biết tôi là ai".

Chơi thân, cùng làm việc chung trong các dự án sân khấu, điện ảnh nên hai chị em rất hiểu ý nhau. Thế nhưng, Nguyễn Thị Minh Ngọc không phải Thành Lộc nên chị không thể hiểu hết tâm trạng, suy nghĩ cũng như cách nói của "thằng em". Bản thảo sửa tới sửa lui năm, sáu lần nhưng lần nào Thành Lộc cũng lắc đầu. Đến nước này, chị đành cầu cứu "giáo sư Google". Chị tìm kiếm những bài báo viết về Thành Lộc, đọc kỹ cách anh trả lời phỏng vấn rồi lọc ra phong cách nói chuyện. Chị viết lại tự truyện với cái giọng điệu "ngẫu hứng, ngang bướng, lúc lương thiện, lúc lại ranh ma và có chút vị ương ương của mùi máu điên chạy rần rần trong thằng nghệ sĩ". Thành Lộc đọc lại, ngạc nhiên như nghe mình đang đối thoại với mình.

Cuốn tự truyện gồm 11 chương, kể về những ngày thơ bé Thành Lộc bôn ba ở Sài Gòn cùng Đoàn hát của cha (kép chánh Thành Tôn, thuộc một dòng dõi theo nghề hát bội ba đời ở Vĩnh Long) đến khi cậu bé ốm yếu vào nghề năm 8 tuổi với nghệ danh Thành Tâm và đoạn đời nghệ thuật đầy truân chuyên sau này. Những bài báo viết về Thành Lộc xếp lại có lẽ còn cao hơn thân hình nhỉnh hơn một mét rưỡi của anh, nhưng cuốn tự truyện vẫn mang một sức hấp dẫn riêng khi rất nhiều câu chuyện lần đầu hé lộ.

Chẳng hạn một giấc mơ thời thơ ấu ở cái đình Cầu Quan, nơi gia đình biểu diễn mà nghệ sĩ Thành Lộc chưa tâm sự với bất cứ ai, kể cả cha mẹ, người thân. "Bấy giờ tất cả mọi người đều an giấc, chị Bạch Lê nằm bên cạnh tôi ngủ rất say. Tôi thì bị sốt nên giấc ngủ không tròn, cứ chập chờn. Và rồi tôi đã nghe tiếng lục lạc khua vang cùng tiếng ngựa hý vang lừng, tiếng gươm đao khua lẻng xẻng cùng tiếng hô vang: "Quân sĩ đâu, hãy rượt theo vây bắt cho ta". Tôi ngồi dậy, vén mùng chui ra ngồi nhìn mà lòng không hề thắc mắc hay sợ hãi. Một nhóm "Người Bí Ẩn" lừng lững trào ra từ dưới đền thờ Thần Đình, tràn lên sân khấu đâu khoảng mấy chục mạng.

Tại sao tôi gọi là "mạng" mà không gọi là người, vì thân thể của họ hoàn toàn không giống người, mà giống y như những vòng nhang khoanh khổng lồ mình vẫn thấy ở các chùa trong Chợ Lớn, đờn ông hình ống trụ, đờn bà hình nón lá. Từ các tấm thân ấy mọc ra đầy đủ đầu và tứ chi với lông trĩ, lông công cắm khắp lưng, đầu theo vai chánh, phụ. Nhóm "Người Bí Ẩn" ấy ca hát, thoại,  múa võ y như trong các vở tuồng Tàu mà tôi vẫn được coi…". Giấc mơ đã mang đến cho kịch nói một nghệ sĩ được mệnh danh là phù thủy sân khấu. Bởi sau đêm ấy, Thành Lộc cho rằng Tổ nghiệp đang dẫn lối anh - "Người Được Chọn".

Gần nửa thế kỷ theo  nghiệp, hơn 600 vai diễn, nay đóng vai ông già khó tính, tướng sĩ đạo mạo, mai là anh nông dân lam lũ, đứa trẻ nít hồn nhiên, bà mụ, phù thủy độc ác, lúc vai hài, lúc vai bi… vai nào Thành Lộc cũng đẩy khán giả lên lẽ tận cùng thương, ghét.

NSƯT Thành Lộc giao lưu với khán giả trong buổi ra mắt tự truyện tại TP HCM.

Thành Lộc đóng vai mụ phù thủy dụ Bạch Tuyết ăn trái táo độc. Ở dưới khán đài, một cậu bé vẫy tay la ầm ĩ: "Bạch Tuyết, đừng có ăn, đừng có ăn!". Thấy lời "cảnh báo" không xi nhê gì, cậu bé vọt lên tận sân khấu cứu mỹ nhân. Cậu nhỏ thó nhưng rượt Thành Lộc chạy quanh sân khấu trối chết. Thành Lộc vừa chạy vừa kêu cứu Bạch Tuyết om sòm.

Nữ diễn viên đóng vai Bạch Tuyết phải chạy lại ôm cứng cậu bé, ba mẹ cậu cũng nhanh chóng đưa con về thì mới yên chuyện. Xuống ghế ngồi rồi, nhưng cậu bé vẫn hậm hực, dứ dứ người về phía sân khấu như bảo mụ phù thủy hãy coi chừng. Trong vở "Hãy khóc đi em", Thành Lộc vào vai người chồng trông vẻ ngoài đạo mạo, tử tế nhưng vô cùng tàn ác, thâm độc. Hết vở, vừa ra khỏi sân khấu, một khán giả nữ chặn anh lại. "Anh biết không, suýt nữa thì tôi đã lên sân khấu tát anh một cái". "Ủa, sao vậy chị?". "Có loại đàn ông nào mà khốn nạn như anh không?".

Xưa, có người đóng vai Quan Công phải mất ăn mất ngủ, nằm đất ăn chay, thậm chí không gần vợ để hoàn toàn tin mình là Quan Thánh Đế. Thì nay, một Thành Lộc "xắn xương máu và linh hồn" chia đều cho 600 nhân vật khóc cười mỗi đêm, anh đã như thế nào trong suốt 45 năm qua?

Tự truyện không chỉ là câu chuyện của Thành Lộc mà còn thổi vào đó thông điệp sống, vượt qua hoàn cảnh, "còn là chuyện của những người làm sân khấu của miền Nam, sau khi đất nước thống nhất". Và "Đó cũng là lý do đôi khi vừa ngồi ghi lại những trang vừa rồi, có lúc tôi đã khóc vì hồi nhớ những tháng ngày nghiệt ngã đã qua. Bây giờ thì có thể tạm cười. Nhưng sự nghiệt ngã của ngành Sân khấu Việt Nam vẫn tái sinh qua hình thù khác" - nhà văn Nguyễn Thị Minh Ngọc chia sẻ.

 Đời người nghệ sĩ, có bao nhiêu góc khuất và sự nghiệt ngã của nghề, nhưng không phải góc khuất nào họ cũng chia sẻ với công chúng. Riêng Thành Lộc, một góc khuất mà có lẽ cũng như giấc mơ thơ bé, anh chưa dám ngỏ lòng, mặc dư luận đồn đại ngược xuôi. Góc khuất ấy được anh tái hiện dày dặn trong một chương mang vỏn vẹn một chữ: "Yêu"! Anh yêu nhiều người nhưng những hình bóng anh thầm thương đã có bến bờ. Những người con gái anh yêu hồi đi học có, trên sân khấu có, nhưng người ta bước qua đời anh tựa như một cơn áp thấp nhiệt đới. Chợt đến rồi chợt đi, để lại những dư âm buồn. Còn người yêu anh, thì anh lại không thể rung động.

Buổi giao lưu ra mắt sách tại TP HCM, một bạn trẻ góp ý với Thành Lộc rằng, anh không nên nói tôi không có người yêu. Vì sự thực, rất nhiều người yêu anh, đó là hàng triệu khán giả. Còn xét về chuyện tình cảm trai gái, anh chỉ nói "Tôi còn độc thân".

Lời đề nghị khiến Thành Lộc xúc động, bối rối cảm ơn. Có lẽ đó là lần duy nhất trong buổi giao lưu một nghệ sĩ từng trải như anh phải bối rối đến thế. Ơn trời, cái tình của khán giả bao la quá để một nghệ sĩ như anh được đón nhận như thế này. Thế nên đáng lẽ đến chương 10, sách đã khép, nhưng anh tự cảm một điều gì cứ nắm níu mình. Bao lời thương của khán giả chưa gom vào sách để cảm tạ ân tình.

Phan Thi Uyên
.
.