Lính hình sự thời @

Thứ Hai, 18/01/2010, 16:30
Nói đến lính Cảnh sát hình sự, hẳn ta sẽ nghĩ ngay đến một anh chàng to cao, mặt ngầu ngầu, súng bắn hai tay, võ đánh vù vù…"như quạt trần"! Đúng thôi, nghề này chọn người. Không có tướng, có tinh, sao "đè phân" được lũ sát thủ giang hồ, Ấy vậy mà có chuyện, lính hình sự Hà Nội hẳn hoi, khi vào trận rút thẻ bắt người, giải thích đến… dăm phút mà phạm chẳng chịu ...tin!

Chỉ vì: "Hình sự gì mà thư sinh thế?". Có anh bạn bảo tôi: "Đến chỗ mày mà không gặp ông trực ban mặc cảnh phục ở cổng, thì ngỡ đi nhầm vào viện nghiên cứu!".

Vào "số 7 Thiền Quang", trụ sở Phòng Cảnh sát điều tra về trật tự xã hội  (PC14) - Công an TP Hà Nội mà lại bảo là "viện nghiên cứu" kể cũng lạ! Nhưng xem ra câu đùa cũng có lý. Bởi những khuôn mặt thư sinh... xuất hiện càng lúc càng đông trong ngôi nhà mà "thương hiệu" của nó đã đi vào… sử sách.

Hè vừa rồi, tối nào tầng 4 ngôi nhà số 7 cũng ồn ào. Chẳng là biết sử dụng máy tính trở thành yêu cầu bắt buộc đối với tất cả cán bộ, chiến sĩ. Các lớp vi tính được mở ra, gối ca từ 17h đến đêm. Dàn máy tính mới được trang bị chạy hết công suất. Những bàn tay hộ pháp, quen với tay lái, vòng cò, báng súng… giờ lại kỳ cạch sờ soạng trên bàn phím nom ngồ ngộ. Án từ ngập đầu, nhưng đã học cấm được bỏ. Nạp những thứ không phải truyền thống vào đầu, trong lúc vẫn canh cánh việc bắt cướp, tìm trộm… thật gian truân.

Có hôm trong lớp, ai đó bỗng nhận điện thoại, rồi quay sang… bạn học thì thào: "Đi bốc thôi, chuẩn không phải… chỉnh!", loáng cái lớp học ngót đi già nửa. Tìm hiểu thì ra họ đang theo vụ giết cướp xe ôm cả tháng ròng, vừa có manh mối thủ phạm nên phải tức tốc xuống đường… Công việc dữ dội là vậy, nhưng khi họ vào lớp, nét nghiêm nghị thường thấy biến mất. Học trò thì đời nào cũng thế, vẫn cái cười đùa, chọc phá nhau, cũng cười rúc rích, cô giáo cũng hét "trật tự" như thường!

Trượt qua cái lóng ngóng buổi đầu, dần dà đã có những ngón tay lướt nhẹ trên bàn phím, khác nào "dân I.T" chính hiệu. Rồi những đề xuất bắt, giam, tha viết tay của anh em, mà như thầy Nguyễn Đức Bình (nguyên Trưởng phòng PC14) hay gọi vui là những áng "thiên cổ hùng văn" ít dần. Thay vào đó là những bản báo cáo đánh máy phẳng phiu, đều tăm tắp. Các sếp cũng đỡ khổ vì… đọc!

Nói thì đơn giản, nhưng với cánh hình sự suốt ngày "đánh bóng mặt đường", thì thay đổi nhỏ ấy đúng là cuộc cách mạng chứ chẳng bỡn. Họ đã phải chắt chiu từng chút thời giờ còn lại sau mỗi trận đánh để làm quen dần với Words, với Excel…

Từ sự chuyển biến của tình hình tội phạm, đòi hỏi người lính hình sự phải tự làm mới mình, không ngừng cải tiến về phương pháp và kỹ năng làm việc. Xác định bước đột phá là phải ứng dụng thành thạo tin học trong công việc hàng ngày, Chỉ huy PC14 hạ quyết tâm: Phải tổ chức bằng được các lớp dạy vi tính cho anh em. Tưởng chừng rất khó, ai dè quân mình hăng hái ra phết. Nhiều ông đang mật phục, rà soát, xác minh tận Đông Anh, Sóc Sơn, Từ Liêm, Thanh Trì cũng chủ động tăng tốc cho xong việc để "lao như tên bắn" về nhà số 7 Thiền Quang… học bài. Hóa ra không phải chỉ mỗi trẻ con là háo hức tiếp thu cái mới!

Nhưng để tóm được đám "hacker" mũ đen, cỡ vi tính "còm còm" sao đủ khả năng? Trong khi gần như ngày nào trên mạng Internet cũng có chuyện. Nhan nhản những trang web đen, lô đê,ì bóng đá, chào mời mua hàng mà phần lớn là của ăn cắp, tang vật. Rồi còn lừa đảo qua mạng, trộm cắp thông tin tài khoản, cướp nick, cướp tên miền, phát tán virus, tung tin thất thiệt, khủng bố đe dọa... thôi cứ gọi là "vô thiên lủng". Đó quả đúng là những hành vi tàn phá xã hội từ… bàn phím.

Cán bộ Đội phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (PC14 - Công an TP Hà Nội) đang tác nghiệp.

Để "chiến" được, ắt phải có những tay "cơ" chuyên sâu về môn này.

Tuy nhiên, vì tội phạm sử dụng công nghệ cao thuộc "dòng sản phẩm" mới của tội phạm thời @, mà xem ra nhận thức về hiểm họa này chưa đầy đủ. Bằng chứng là ở các tỉnh, chưa đâu có lực lượng chuyên trách. Vì thế, ý tưởng tiên phong thành lập một đội nghiệp vụ quản "sân khấu" này tại  PC14 , buổi đầu đã gặp phải không ít ý kiến phản biện. Nhưng rồi bằng nhiệt huyết cùng các luận điểm đầy thuyết phục, Chỉ huy PC14 đã bảo vệ thành công "đề án" đó trước các cấp lãnh đạo.

Và thế là, ngày 1/4/2009 Đội Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Đội 14) - PC14 Công an Hà Nội chính thức vào trận, để đáp ứng những nhu cầu của cuộc chiến trên mặt trận mới. Đội có chức năng tổ chức phòng ngừa và đấu tranh chống các loại tội phạm sử dụng công nghệ cao; dự báo tình hình, phương thức thủ đoạn hoạt động của loại tội phạm này để tham mưu cho lãnh đạo xây dựng chủ trương, kế hoạch, biện pháp phòng ngừa và đấu tranh.v.v...

Một lĩnh vực đầy mới mẻ, từ chỉ huy đến lính tráng đều là hàng "đập hộp" nên kinh nghiệm chưa có là bao. Họ vừa làm, vừa học. Nhưng rồi thuở ban đầu "thẫn thờ" bên máy cũng qua mau. Tuy quân số ít ỏi, nhưng sau 8 tháng hoạt động, điều họ đã làm thật đáng nói. Nhiều vụ phạm tội bằng công nghệ cao đã được khám phá thành công qua các chuyên án trinh sát.

Điển hình như vụ Trần Đình H… (16 tuổi, trú tại Lạch Tray, Đằng Giang, Ngô Quyền, Hải Phòng) trộm cắp "nick chat" để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của hàng chục người; chuyên án điều tra đối tượng Phạm Ngọc T… (20 tuổi, trú tại Trần Lãm, Vũ Chính, Vũ Thư, Thái Bình) đưa hàng trăm phim sex lên mạng KFIM.INFO; chuyên án triệt phá đường dây "Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức" tại Liên hiệp phát triển nguồn nhân lực và quản trị doanh nghiệp UHDEM, làm rõ hành vi của 17 đối tượng có liên quan, tạm giữ hàng vạn mẫu phôi chứng chỉ giả cùng nhiều vật chứng quan trọng v.v...

Ngoài ra họ còn giải quyết gần 80 đầu mối đơn thư trình báo, tố giác tội phạm, mà chủ yếu là các đơn trình báo việc bị đe dọa, quấy rối bằng "sim rác" điện thoại hoặc bị trộm cắp, lừa đảo trên mạng, cướp nick v.v...

Chưa hết, với vai trò hỗ trợ công nghệ, họ đã khôi phục nhiều dữ liệu quan trọng đã mất trong các máy tính, điện thoại để phục vụ công tác điều tra; nghiên cứu xây dựng trang web của PC14; duy trì thường xuyên việc nắm bắt tình hình tội phạm trên mạng Internet theo các chuyên đề, kịp thời báo cáo tình hình nổi đến Ban Chỉ huy đơn vị để có đối sách giải quyết v.v. .. Một khối lượng công việc như thế đã qua tay "cậu em" sinh sau đẻ muộn ở ngôi nhà số 7.

Chuyện "lên trời phá án" nghe cứ mông lung thế nào! Thì đây, ngày 8/11/2009 mới rồi, họ đã có "pha làm bàn" khá ngoạn mục, đậm chất công nghệ cao.

Sự việc bắt đầu từ đơn tố giác của chị Phạm Minh Th. (trú tại tập thể Nguyễn Công Trứ, phường Phố Huế, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) về việc ngày 4/11/2009, chị bị một nam thanh niên tự xưng là Khánh (quen qua mạng Internet), sử dụng nick chat: "bonsip_dkny", nickgames Audision: "kettinh" lừa đảo chiếm đoạt 1 xe máy Wave S, biển kiểm soát: 29Y1-6991 và 1 điện thoại di động hiệu Nokia 1208.

Nhận định sau vụ "ngon ăn" này, đối tượng sẽ tiếp tục lên mạng tìm "con mồi" khác, lính công nghệ cao đã khẩn trương khoanh vùng các địa chỉ web site, nick chat nghi vấn và kiên trì "mai phục". Đúng như dự đoán, đến chiều ngày 8/11/2009, "bonsip_dkny" lại xuất hiện trong game Audision và "sập bẫy công nghệ". "Bổn cũ soạn lại", Nguyễn Thành Đ. (19 tuổi, trú tại Nguyên Khiết, Phúc Tân, Hà Nội) lập tức lên đường đi gặp "mồi". Tại một góc khuất, chị Th. nhận diện Đ. chính là kẻ đã lừa của mình chiếc xe máy, nên kín đáo gật đầu. Lúc này Đ. ung dung cầm lái chiếc xe máy chở sau là một nữ… cảnh sát yêu kiều! Lần trước chở Th. đi xin thẻ game, giữa đường Đ. bảo chị xuống xe để vào mua xăng rồi vít ga dông thẳng. Lần này, Đ. cũng lái xe vòng vèo qua nhiều tuyến phố, nhưng chưa kịp giở trò thì gặp phải…"sao quả tạ", vì có đến 4 chàng trai lực lưỡng từ phía sau bỗng áp sát.

Tại nhà số 7 Thiền Quang, cuộc đấu trí không kém sôi nổi. Đ. một mực kêu oan, rằng mình đang chơi game Audision trên mạng với một người bạn tên là Khánh (cả hai dùng chung một nickgames là "kettinh") thì được anh ta nhờ ra gặp cô gái nọ, và rằng không có liên quan gì đến vụ chị Th. Trong khi đó, khổ chủ vẫn khẳng định không nhận nhầm người.

Liệu Đ. giữa đời thường và Khánh trên mạng có phải là một? Môn này khó nhất ở chỗ mọi giao dịch trên mạng đều bằng "ký danh" tức nickname hoặc tên giả. Để gắn được một cái tên trên "trời" (tức là mạng) vào một người đang sống và đi lại trên mặt đất quả không dễ, mà bắt nhầm thì nguy to!

Chụm đầu tính toán, thấy thời điểm Khánh "out" khỏi mạng, trùng với khoảng thời gian Đ. đến gặp "mồi". Vả lại, Đ và Khánh không thể đồng thời sử dụng cùng một nickchat để chơi game với nhau. Giữa lời khai và khả năng thực tế bộc lộ mâu thuẫn. Dồn vào điểm này, Đ. đã thua và khai vanh vách vụ lừa chiếc xe của chị Th. ngày 4/11/2009. Theo lời khai của Đ., Cơ quan điều tra đã thu được chiếc xe máy và điện thoại tang vật, làm rõ các đối tượng khác đã tiêu thụ của gian…

Từ ngày lập Đội, đơn thư trình báo bị quấy rối, khủng bố điện thoại tới tấp bay về. Để tìm ra chủ nhân những tin nhắn, cuộc gọi độc địa ấy, họ đã có nhiều đêm "soi" tài liệu đến toét mắt, rồi đối chiếu, tính toán, xác định quy luật, tọa độ, quan hệ của đối tượng… Khi xác định được kẻ nghi vấn lại chụm đầu vạch kế buộc chúng phải lộ diện. Đến nay hàng chục vụ "khủng bố" kiểu đó đã bị vạch trần. Khi kẻ giấu mặt sau đống "sim rác" được làm rõ, niềm vui cũng lâng lâng khó tả như phá án xong. Nghề này thì đâu cũng thế, bình an trở lại trong mỗi gia đình luôn được lấy làm niềm vui của mình...

Giờ đây trong cuộc sống số hối hả, đã có những cặp mắt trông nom, canh chừng. "dòng sản phẩm mới" của tội phạm @ từ nay đã có địa chỉ để khổ chủ trình báo và gửi gắm hy vọng. Ngày lại ngày, sự thán phục và niềm tin nơi người dân thêm nhiều, đọng lại từ những giọt mồ hôi lặng lẽ rơi trên bàn phím của những người lính Hình sự trên mặt trận công nghệ

Đào Trung Hiếu (Công an TP Hà Nội)
.
.