Liên hoan sân khấu hài toàn quốc lần thứ I:

Liên hoan của những quy chế "mở"

Thứ Hai, 22/08/2011, 08:10

Lần đầu tiên các nghệ sĩ hài trên cả nước sẽ hội tụ tại "Liên hoan sân khấu hài toàn quốc lần thứ I" do Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam tổ chức (diễn ra từ ngày 25 đến ngày 31/8/2011 tại Tp Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh và tháng 11 tại TP HCM). Cho đến thời điểm này, Ban tổ chức đang gấp rút chuẩn bị những công việc cuối cùng cho ngày khai mạc Liên hoan.

Trong liên hoan lần này, bên cạnh niềm vui các nghệ sĩ hài có dịp được chính thức tôn vinh, tự tin về sự nghiệp mà mình theo đuổi thì vẫn còn đó khá nhiều băn khoăn...

1.Theo NSƯT Trần Nhượng, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ và phát triển nghệ thuật Sân khấu, Phó Ban tổ chức Liên hoan Sân khấu hài toàn quốc, sở dĩ phải tổ chức Liên hoan thành hai đợt vào 2 thời điểm khác nhau vì sự khác biệt của sân khấu hài hai miền Nam - Bắc và để hạn chế sự tốn kém cho các đoàn tham gia. Ông cũng cho biết, đến thời điểm này danh sách các đoàn tham dự đã chốt ở con số 22 với khoảng 60 tiết mục. Đây là một con số đáng vui mừng, cho thấy sự phát triển của sân khấu hài cũng như thái độ hào hứng của các nghệ sĩ. Trong số 22 đơn vị tham dự có sự góp mặt của nhiều đoàn nghệ thuật trung ương như Nhà hát Chèo Việt Nam, Nhà hát Tuổi trẻ...; các đoàn địa phương như Hải Dương, Phú Thọ, Thái Nguyên...; các đoàn chuyên ngành như Nhà hát Chèo Tổng cục Hậu cần, Đoàn kịch Công an nhân dân..., cùng sự tham gia của nhiều loại hình sân khấu: kịch nói, tuồng, chèo, cải lương, xiếc...

Được biết, sau Liên hoan, các tiết mục đặc sắc, được giải cùng khách mời là một số nghệ sĩ hài phía Nam sẽ biểu diễn phục vụ khán giả Thủ đô 2 đêm mùng 7, mùng 8 tháng 9.

Cũng theo NSƯT Trần Nhượng, sở dĩ Hội Nghệ sĩ Sân khấu quyết tâm tổ chức Liên hoan sân khấu hài lần này dù đang gặp khó khăn bởi sân khấu hài là lĩnh vực được khán giả hâm mộ và có khả năng đi sâu vào đời sống. Lực lượng nghệ sĩ tham gia lĩnh vực này khá đông, nhất là khi "bùng nổ" các chương trình hài trên truyền hình như "Gặp nhau cuối tuần", "Gala cười", "Táo quân", "Thư giãn cuối tuần".

Các nghệ sĩ hài có sự đóng góp rất lớn cho đời sống văn hóa tinh thần, tuy nhiên cho đến thời điểm này, họ chưa có được một sự tôn vinh xứng đáng. Tại các Liên hoan sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc, những huy chương vàng, huy chương bạc thường được trao cho các nghệ sĩ đóng vai chính. Rất ít trường hợp nghệ sĩ hài được trao giải thưởng. Điều này tạo không ít thiệt thòi cho các nghệ sĩ vào những đợt xét tặng danh hiệu NSƯT, NSND. Chưa kể tới tâm lý coi những vai hài là vai phụ, không quan trọng. Ngay cả bản thân các nghệ sĩ diễn hài cũng chỉ coi đó là nghề tay trái...

Ngoài ra, gần đây sân khấu hài còn nhiều tiết mục câu khách rẻ tiền, thô tục, nhất là những chương trình do một vài nghệ sĩ trẻ mang về vùng sâu, vùng xa biểu diễn. Liên hoan sân khấu hài toàn quốc lần này sẽ là cơ hội nhằm tập hợp, đánh giá, tổng kết và rút kinh nghiệm về sân khấu hài để sân khấu hài chuyên nghiệp hóa, phát huy đúng vị thế của nó trong sự yêu mến của khán giả. Đây còn là một hoạt động có ý nghĩa chào mừng Ngày Sân khấu Việt Nam (ngày 12-8 âm lịch hàng năm).

Liên hoan sân khấu hài lần này quy tụ những nghệ sĩ hài quen thuộc như Vân Dung, Tự Long, Xuân Bắc...

Có thể nói, đây là Liên hoan sân khấu có quy chế với nhiều điểm "mở" nhất từ trước đến nay. Tất cả các loại hình sân khấu từ kịch nói, chèo, tuồng, cải lương, xiếc đều có thể tham gia. Đây cũng là lần đầu tiên, các kịch bản nước ngoài cũng có thể tranh tài với các kịch bản trong nước. Các vở diễn, trích đoạn đã tham dự các Liên hoan sân khấu trước đây cũng vẫn được phép tham gia. Tuy nhiên, quy chế này chỉ áp dụng với Liên hoan lần này. Từ lần thứ 2 trở đi (dự tính 2 năm một lần) sẽ bắt buộc phải là những vở diễn, trích đoạn mới. Một điều đặc biệt nữa là Liên hoan lần này không chấm tiết mục mà chỉ chấm diễn xuất của diễn viên với giải thưởng là Huy chương vàng, bạc, đồng chứ không phải giải A, B như hàng năm. Các nghệ sĩ đã được giải thưởng ở các Liên hoan trước sẽ không được xét chấm giải trong Liên hoan lần này nữa. Tuy nhiên, để động viên các thành phần sáng tạo, kết thúc Liên hoan, sẽ xem xét một số tác giả, đạo diễn, họa sĩ... có những đóng góp để trao phần thưởng.

Đây cũng là Liên hoan sân khấu đầu tiên mang tính chất xã hội hóa hoàn toàn, không có kinh phí của nhà nước. Trong tình hình khó khăn hiện nay thì đây là vấn đề đau đầu với các thành viên Ban tổ chức. Chính vì vậy, ngoại trừ các buổi diễn ban ngày, Ban tổ chức sẽ tiến hành bán vé với các buổi diễn ban đêm. Số tiền bán vé một phần hỗ trợ cho công tác tổ chức Liên hoan, một phần xây dựng Quỹ từ thiện ủng hộ các nghệ sĩ nghèo, neo đơn và nạn nhân chất độc da cam. Số còn lại làm quà tặng những nghệ sĩ sân khấu lão thành nhân ngày truyền thống Sân khấu Việt Nam. Đặc biệt, tại Liên hoan lần này, 3 đơn vị xin tự phát hành vé buổi diễn của mình là Đoàn kịch Công an nhân dân, Đoàn chèo Hà Nội và Nhóm hài Tự Long - Xuân Bắc.

Quy chế chấm giải Liên hoan lần này cũng khá mở khi không hạn chế tiết mục mà chỉ khống chế mỗi đoàn diễn không quá 120 phút. Với các nghệ sĩ tham gia thi tài, ngoài tài năng diễn xuất phải đảm bảo đúng tiêu chí của loại hình nghệ thuật mà mình đăng ký.

2. Liên hoan Sân khấu hài lần này là một sự cố gắng của Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam nhằm tôn vinh những nghệ sĩ mang tiếng cười phục vụ nhân dân, hướng các nghệ sĩ hài đi vào con đường chuyên nghiệp, nâng cao ý thức nghệ sĩ hài, hạn chế tối đa những màn hài kịch thô tục, phản cảm. Tuy nhiên, đây cũng là Liên hoan bất đắc dĩ phải tổ chức ở hai miền. Bên cạnh sự khác biệt về cách diễn hài thì vấn đề kinh tế là lý do quan trọng khiến các đoàn phía Nam và phía Bắc không thể hội tụ tại một Liên hoan như mơ ước. Chúng ta đều biết rằng, hầu hết các đoàn kịch phía Nam đều xã hội hóa. Chính vì vậy, bỏ cả một tuần để tham gia Liên hoan sẽ ảnh hưởng đến lịch biểu diễn và lợi nhuận. Chưa kể, chi phí cho một đoàn gần 50 người ăn ở, đi lại là một bài toán không đơn giản với các đoàn kịch phía Nam.

Trong danh sách đăng ký tham dự Liên hoan sân khấu hài quy tụ nhiều gương mặt nghệ sĩ quen thuộc, được khán giả yêu mến như NSƯT Chí Trung, NSƯT Quốc Trượng, Vân Dung, Quang Thắng, Xuân Bắc, Tự Long... Tuy nhiên, thiếu vắng những nghệ sĩ hài lớn tuổi như Phạm Bằng, Văn Hiệp hay các nghệ sĩ như NSƯT Xuân Hinh, NSƯT Minh Vượng... Có lẽ tâm lý e dè sự khác biệt của tuổi tác khiến các nghệ sĩ này không đăng ký tham gia?

Một băn khoăn nữa tại Liên hoan sân khấu hài lần này, thành phần Ban giám khảo dự định ban đầu là những nghệ sĩ có kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực sân khấu hài. Tuy nhiên, những nghệ sĩ này lại thường có tác phẩm tham dự, cho nên thành phần ban giám khảo lần này sẽ là các nghệ sĩ uy tín, có tên tuổi nhưng "ngoại lệ" với hài. Như vậy, đảm bảo tiêu chí "khách quan" lại sẽ vướng vào tiêu chí "chuyên nghiệp". Chưa kể với sự tham gia của nhiều loại hình sân khấu, với những đặc trưng khác nhau sẽ là điều không "dễ" cho Ban giám khảo.

Rõ ràng tổ chức một Liên hoan sân khấu hài toàn quốc là điều cần thiết và không hề sớm nữa, bởi gần đây, không ít khán giả than phiền rằng sân khấu hài đang xuống cấp trầm trọng. Nhiều vở hài không có sự trau chuốt về nội dung, thậm chí sa vào thô tục, bậy bạ, trong khi hài kịch đang được xem là loại hình mang về lợi nhuận khổng lồ, giá vé xem diễn hài ở các sân khấu chuyên nghiệp thường cao hơn vé xem chính kịch, thậm chí cả phim ảnh. Tuy nhiên, những gì sân khấu hài mang lại chưa xứng đáng với vị thế của nó trong đời sống và sự yêu mến của khán giả.

Chạy theo lợi nhuận từ sân khấu hài, có những thời điểm sân khấu khu vực phía Nam rơi vào tình trạng hơn 2/3 diễn viên sân khấu đi diễn hài. Chính vì việc đổ xô đi diễn hài như thế dẫn đến tình trạng thiếu hụt kịch bản mang tính thẩm mỹ, giáo dục, thay vào đó là những kịch bản chắp vá do các nghệ sĩ tự biên tự diễn. Tất nhiên, chúng ta không thể hy vọng, một kỳ Liên hoan sẽ làm được tất cả, nhưng chắc chắn sẽ là cú hích, là động lực để các nghệ sĩ hài phát huy được giá trị của loại hình nghệ thuật này trong đời sống

Khánh Thảo
.
.