Lịch sử Việt Nam qua truyện tranh

Thứ Tư, 26/10/2005, 08:54

Băn khoăn với tình trạng “mù” sử hiện nay của phần lớn học sinh Việt Nam, hai ông Lý Thái Thuận và Trương Quân đã biến những trang sử ngồn ngộn, vốn được coi là khô khan thành bộ truyện tranh sinh động để hấp dẫn bạn đọc hơn.

Theo ông Lý Thái Thuận, người chủ trương thực hiện bộ truyện tranh này (ông Thuận nguyên là chủ nhà xuất bản Alpha, một nhà xuất bản tư nhân có tiếng tại Sài Gòn từ những năm 60 của thế kỷ trước) thì kế hoạch cho bộ truyện tranh lịch sử Việt Nam từng được ông ấp ủ từ rất lâu nhưng đã phải gác lại. Cách đây ba năm, người đàn ông 65 tuổi này bắt đầu lần giở lại những trang sử cũ, cặm cụi đọc, ghi ghi chép chép.

Không phải là nhà sử học nhưng ông Thuận lại có cách biên soạn theo kinh nghiệm của riêng mình. Cách diễn dịch những câu chuyện lịch sử của ông gần giống với kiểu một người ông kể chuyện cho một người cháu. “Độc giả của chúng tôi hầu hết là học sinh nên phải viết làm sao thật ngắn gọn, thật dễ hiểu” - ông Thuận giải thích về nguyên tắc soạn lời của mình. ông nói thêm: “Với nguyên tắc đó, kể cả lớp người bình dân cũng có thể đọc được”.

Ông Thuận cho biết, một trong những khó khăn của việc soạn lời là cùng một hiện tượng lịch sử nhưng mỗi nguồn sử liệu lại có một kiến giải khác nhau. Trong những trường hợp như vậy, ông đã chọn lấy cách kiến giải phổ biến nhất, chủ yếu là từ bộ “Đại Việt sử ký toàn thư”, và nếu cần ông chua thêm một đến hai kiến giải khác để độc giả tham khảo. Tuy nhiên, bao giờ yếu tố ngắn gọn, dễ hiểu cũng luôn được ưu tiên.

Khó khăn thứ hai là có quá nhiều từ cổ, từ Hán Việt trong các tài liệu. Việc diễn dịch cổ ngữ thành ngôn ngữ gần sát với đương đại cũng là cả một kỳ công. ông Thuận đã thử đưa cùng một tập truyện cho một đứa cháu 9 tuổi và một đứa cháu 15 tuổi. Cả hai đều nói rằng có thể hiểu được nội dung của từng câu chuyện. Sự dung dị trong cách thể hiện đã được ông Thuận tuân thủ nghiêm ngặt trong các tập đầu tiên.

Các độc giả trẻ tuổi còn có thể yên tâm hơn với phần chú giải in ở phía dưới mỗi trang vốn đã được tác giả chăm chút rất kỹ lưỡng. Ví dụ, “thứ sử” là ai, “thái thú” là một chức quan như thế nào, hay “Vạn Xuân” - một quốc hiệu cũ của Việt Nam, có ý nghĩa ra sao? Cũng với phần chú giải này, tất cả những địa danh xưa cũ của nước ta đều trở nên gần gũi hơn với độc giả hôm nay.

Những tập đầu của bộ truyện tranh "Theo dòng lịch sử Việt Nam".

Sau khi hoàn chỉnh phần lời và phân cảnh của mỗi tập, ông Lý Thái Thuận đưa sang cho họa sĩ Trương Quân. Người bạn già của ông Thuận lại cặm cụi vẽ. Khi phần minh họa của tập trước xong cũng là lúc hoàn thành phần lời của tập sau. Cứ thế, cứ thế... Soạn lời đã khó, thể hiện nội dung bằng ngôn ngữ hình ảnh lại càng khó hơn.

Họa sĩ Trương Quân kể một chuyện vui: “Khi vẽ các nhân vật nam giới trong lịch sử, ban đầu tôi đã vẽ nhiều râu, dấu hiệu của những bậc tu mi nam tử. Nhưng sau đó, ông Thuận bảo đàn ông người Việt mình làm gì nhiều râu thế. Vậy là phải... bớt râu!”.

Khi đọc những tập truyện “Theo dòng lịch sử Việt Nam”, độc giả sẽ có dịp tái ngộ với lối vẽ truyền thần của họa sĩ Trương Quân. Ông chỉ dùng bút chì để phác họa, sau đó vẽ lại bằng bút lông kim và hoàn toàn không dùng kỹ xảo vi tính.

Bộ truyện tranh lịch sử Việt Nam của hai tác giả Lý Thái Thuận - Trương Quân được bắt đầu từ thời sơ sử, thời của họ Hồng Bàng, và sẽ dừng lại ở cột mốc lịch sử 1945, năm Bảo Đại, vị vua cuối cùng của Việt Nam thoái vị. 8 tập đầu tiên của bộ sách đã ra mắt bạn đọc. Các tác giả cho biết theo kế hoạch 24 tập tiếp theo sẽ lần lượt “trình làng” từ nay cho đến cuối năm

Trần Văn Thưởng
.
.