Tản văn

"Lệ làng"

Thứ Ba, 21/08/2012, 08:00

Đối với một người viết văn (hoặc làm thơ) không quá nổi tiếng, không trở thành một hiện tượng, chưa có giải thưởng gì đáng kể, chưa định hình phong cách rõ rệt, lại không còn trẻ tuổi nữa… để lọt vào "con mắt xanh" của 13 người, được 13 người này biết và thông qua, chắc chắn không phải là điều dễ dàng gì...

Nhiều năm qua, danh sách những người xin gia nhập Hội Nhà văn Việt Nam có dễ "lưu cữu" đến 600 - 700 qua các Hội đồng: Thơ, văn, lý luận phê bình, dịch. Và chắc chắn, trong những năm tới, danh sách này vẫn tiếp tục được bổ sung và sẽ dài thêm nữa. Trong khi ấy thì mỗi năm, số người trở thành hội viên Hội Nhà văn chỉ đạt con số trên dưới 40. Và để "đi đến nơi, về đến chốn" qua đường văn hoặc đường thơ chẳng hạn, thì mỗi người phải vượt qua ít nhất 2 "cửa". "Cửa" thứ nhất: Hội đồng văn (hoặc Hội đồng thơ) và phải được 5 phiếu trên tổng 9 phiếu bầu. "Cửa" thứ 2: Ban chấp hành Hội Nhà văn và phải được 8 phiếu trên tổng 15 phiếu bầu.

Đối với một người viết văn (hoặc làm thơ) không quá nổi tiếng, không trở thành một hiện tượng, chưa có giải thưởng gì đáng kể, chưa định hình phong cách rõ rệt, lại không còn trẻ tuổi nữa… để lọt vào "con mắt xanh" của 13 người, được 13 người này biết và thông qua, chắc chắn không phải là điều dễ dàng gì.

Đã có không ít người nộp đơn, làm mọi thủ tục cần thiết, chờ đợi năm này qua tháng khác và rốt cục, hy vọng vẫn chỉ là… hy vọng. Tôi có anh bạn làm thơ lâu năm, lại từng đoạt hẳn một giải nhất của một tờ báo văn có uy tín, vậy mà cũng phải đợi đến 8 năm - thời gian dài gần bằng cả cuộc kháng chiến chống Pháp. Đến năm thứ 9, anh mới đạt nguyện vọng. Khi hay tin anh đã là "nhà thơ hội viên", không chỉ những bạn thơ của anh, mà cả mẹ anh, vợ anh, em anh, con anh… đều mừng cho anh. Một người em của anh đã lập tức bay từ thành phố Hồ Chí Minh ra Hà Nội gặp anh và bảo: "Em rất hạnh phúc. Em xin chúc mừng anh. Từ lâu, em đã chờ đón tin vui này. Em mời anh đi với em ra bất kỳ một siêu thị lớn nào ở Hà Nội để em mua tặng anh những món quà đắt tiền nhất".

May mà anh này còn ở Hà Nội, ở một thành phố trung tâm. Vì nếu anh này ở một tỉnh xa Hà Nội, xa trung tâm chẳng hạn, thì còn có thể gặp thêm một "cửa" nữa.

Tôi biết có một người ở một tỉnh thuộc miền Đông Bắc rục rịch làm thủ tục (in hai tác phẩm, gửi 1 sơ yếu lý lịch, 1 đơn kèm theo hai chữ ký của hai người là hội viên Hội Nhà văn, theo đúng quy định của Hội Nhà văn) thì bị một người có chân trong ban lãnh đạo hội văn học nghệ thuật "đe". Vị này bảo: Trước hết, đơn của ông phải thông qua chúng tôi. Ở địa phương này, chúng tôi cũng sẽ tổ chức "bỏ phiếu" cho ông và một số người khác đấy. Không qua được địa phương sao qua được Trung ương (!).

Chưa hết. Năm ngoái, có một chị ở một tỉnh miền Trung, dù đã qua Hội đồng Thơ, đã được Hội đồng Thơ bỏ phiếu (được 7 trên 9 phiếu), vậy mà vẫn không được sự ủng hộ của ông chủ tịch hội văn học nghệ thuật tỉnh nhà. Thậm chí có lần, vị này còn vặn vẹo: Sao chị lại "qua mặt" chúng tôi? Bây giờ mà tôi gọi điện thoại ra ngoài đó có ý kiến… là rầy rà đó. Chị nên nhớ, chẳng gì chị cũng thuộc diện "quản lý" của chúng tôi.

- Thế chả nhẽ hội văn học nghệ thuật lại có cả quyền này nữa sao? - Một người hỏi.

- Thì thực tế đã diễn ra như vậy - Một người trả lời.

- Thế chả nhẽ họ không đọc Điều lệ của Hội Nhà văn sao? Điều lệ Hội Nhà văn đã quy định…

- Tất nhiên là có đọc nhưng họ cố tình không nhớ.

- Thế chả nhẽ "phép vua" lại thua "lệ làng" sao?

- Thua thì chưa hẳn là thua. Nhưng làm ăn kiểu này là gây khó cho những người ở tỉnh xa. Tuy vậy… vẫn còn là may.

- May… thế nào?

- Không phải hội văn học nghệ thuật tỉnh nào cũng đẻ ra cái lệ này

Đặng Huy Giang
.
.