Lê Hoài Nam và "Bữa tiệc ly"

Thứ Năm, 27/03/2014, 08:00
Ý thức rõ được sự khác nhau giữa nhà văn với nhà viết sử, Lê Hoài Nam không sa vào các chi tiết của lịch sử mà tập trung đi tìm cách khái quát cuộc đời và đặc biệt chú tâm vào những vùng lịch sử còn khuất lấp. Nhờ biết chọn cách nhìn lịch sử qua số phận của mỗi cá nhân mà các nhân vật lịch sử trong trang viết của Lê Hoài Nam luôn sống động, gần gũi...

Với bạn đọc yêu văn chương, cái tên Lê Hoài Nam không hề xa lạ. Ngoài việc thường xuyên xuất hiện trên Văn Nghệ và một số tờ báo khác, mấy  năm gần đây tác giả liên tiếp công bố không ít tác phẩm thuộc nhiều thể loại: "Danh tiếng và bóng tối" (tiểu thuyết, NXB Phụ nữ, 2008), Tiếng vĩ cầm (Bút ký chân dung và tiểu luận, NXB Hội Nhà văn, 2011), Sơn ca trong bụi cỏ (Tập tản văn, NXB Kim Đồng, 2013), đầu xuân này, anh lại vừa cho ra mắt bạn đọc tập truyện ngắn "Bữa tiệc ly" (NXB Phụ nữ, 2014), một dấu mốc trên hành trình sáng tạo của một người nghệ sĩ đang thời kỳ sung sức.

Cuốn sách là tập hợp 15 truyện ngắn, xoay quanh 3 mảng đề tài: lịch sử, tôn giáo và cuộc sống hiện đại. Thuộc nhóm một gồm các truyện: "Chuyến du xuân của Hoàng đế", "Những giọt lệ đỏ thắm", "Trời Tây xa lắc", "Chúa Thượng Đàng ngoài", "Vương Phủ Đàng trong", "Truyện tình thời vong quốc", "Dạ khúc quạ kêu", "Vĩ nhân thời ốc đảo", "Chạy khỏi kinh thành". Bốn tác phẩm: "Giáng sinh", "Phục sinh", "Đêm Thánh", "Bữa tiệc ly" viết về Thiên Chúa giáo. Hai truyện cuối: "Triết luận hoa trà" và "Ông Nôen không mặc áo đỏ" dành cho những vấn đề đang diễn ra trong cuộc sống đương đại.

Dĩ nhiên, việc phân chia chỉ là tương đối bởi không thiếu hiện tượng hai trong một. Chẳng hạn, ở "Chúa Thượng đàng ngoài" và "Vương phủ đàng trong", hai đề tài lịch sử và tôn giáo được lồng vào nhau khá chặt chẽ. Hay trong "Triết lý hoa trà" thì hiện tại và quá khứ không hề tách bạch, hiện tại chỉ là cái cớ để tác giả trở về với những năm tháng chống Mỹ gian khổ. Còn "Ông Nôen không mặc áo đỏ" lại gợi mở từ một huyền thoại mang sắc màu tôn giáo nổi tiếng khắp thế gian.

Đến với tập truyện, ta bắt gặp một Lê Hoài Nam rất đỗi an nhiên, đang lặng lẽ kiếm tìm phần Con Người viết hoa trong mỗi con người, khác xa cái cảm giác ngột ngạt, bức bối trước nỗi đời đen bạc khi đọc tiểu thuyết "Danh tiếng và bóng tối" của anh xuất bản cách đây ít năm. Cuộc sống không còn bị (được) nhìn một cách lạnh lùng, với mục đích hướng tới "những điều trông thấy" mà dường như được tiếp cận bằng thứ ánh sáng giàu chất nhân văn tỏa ra từ trái tim ấm áp của một con chiên ngoan đạo. Bản lĩnh của người cầm bút đã giúp anh bước đầu có được một quan niệm nghệ thuật, ngộ ra một hướng đi riêng để làm mới chính mình. Bởi bản chất của nghệ thuật chân chính là hướng thiện, là không ngừng sáng tạo.

Giờ đây, sau một khoảng thời gian đủ để suy ngẫm, chiêm nghiệm, Lê Hoài Nam đã tự tin bứt phá và có được một tác phẩm phong phú về nội dung, đa dạng về phong cách. Ở đó, không - thời gian đã được tác giả mở rộng theo nhiều chiều kích: từ vùng địa lý quen thuộc của chúa Trịnh đàng ngoài tới miền đất mới của chúa Nguyễn đàng trong; không chỉ ở Việt Nam mà vượt ra thế giới; không chỉ ở phương Đông mà còn vươn sang cả trời Tây; không dừng ở cõi người mà còn nhập vào cõi âm xa lạ, bí ẩn…

Lịch sử được quay trở lại mấy trăm năm trước: từ thời Trần mạt đến thời Lê Thánh Tông - đỉnh cao chói lọi của các triều đại phong kiến Việt Nam; từ thuở Trịnh - Nguyễn phân tranh đến khi vua Gia Long thống nhất đất nước thành một mối… Hiện thực dường như đã được tác giả nghiền ngẫm kỹ càng, để tạo điểm nhấn giúp mỗi nhân vật có được gương mặt riêng, mỗi truyện kể có sức hấp dẫn riêng.

Ý thức rõ được sự khác nhau giữa nhà văn với nhà viết sử, Lê Hoài Nam không sa vào các chi tiết của lịch sử mà tập trung đi tìm cách khái quát cuộc đời và đặc biệt chú tâm vào những vùng lịch sử còn khuất lấp. Nhờ biết chọn cách nhìn lịch sử qua số phận của mỗi cá nhân mà các nhân vật lịch sử trong trang viết của Lê Hoài Nam luôn sống động, gần gũi. Dù Lê Thánh Tông hay Nguyễn Ánh, Trịnh Sâm, anh em Chúa Sãi (Nguyễn Phúc Lan, Nguyễn Phúc Kỳ, Nguyễn Phúc Trung), phó vương Trương Phúc Loan, Giản Định Đế Trần Ngỗi… đều được tác giả soi chiếu qua góc nhìn đời thường đầy chất nhân văn.

Giã từ cái nhìn sử thi quen thuộc, những người anh hùng trong tác phẩm của Lê Hoài Nam không hiện lên trong phút giây làm nên lịch sử đầy ánh hào quang mà thường được khai thác ở phía bi kịch, phần nhiều là trong quan hệ của những mối tình éo le, khuất khúc. Với tư cách một đấng mày râu, họ đều là những kẻ tình si, không một ai trong số họ có thể vượt qua nổi cửa ải mĩ nhân. Hoàng đế Lê Thánh Tông anh minh tao nhã (Chuyến du xuân của Hoàng đế) giỏi việc nước, mê thơ phú, đau đáu vì mối tình không thành với ni sư chùa Ngọc Hồ tài sắc. Nguyễn Ánh mặt sắt đầy cơ mưu trong "Những giọt lệ đỏ thắm" lập tức bị đổ gục trước vẻ diễm kiều của nàng công chúa nhà Lê - Ngọc Bình, Hoàng hậu của vua Tây Sơn Quang Toản. Ba anh em chúa Sãi lú lẫn mù lòa vì nàng Tống Thị sắc nước hương trời. Chúa Trịnh Sâm bị mất cơ nghiệp vì Tuyên phi Đặng Thị Huệ. Phó vương Trương Phúc Loan ngây dại vì vẻ đẹp thánh thiện của nàng tiểu thư họ Mai. Giản Định Đế mê đắm trước sức cuốn hút của nàng Thúy Hạnh, ái nữ của Quốc Công họ Đặng…

Rõ ràng, việc chuyển đổi quan niệm nghệ thuật đã giúp Lê Hoài Nam có được những phát hiện mới từ những câu chuyện lịch sử không còn mới lạ.

Điều này còn giúp anh có những đóng góp không nhỏ ở mảng đề tài về tôn giáo, cụ thể là đề tài Thiên chúa giáo.

Có thể nói, ở Việt Nam, sau 1954, nền văn học mới có "Xung đột" của Nguyễn Khải, "Bão biển" của Chu Văn, "Nắng" của Nguyễn Thế Phương là liên quan đến vấn đề Thiên Chúa giáo. Song, trong cái nhìn thế giới bổ đôi có phần giản đơn, ấu trĩ bấy giờ, tôn giáo thường bị đồng nhất với mê tín dị đoan mà chưa có điều kiện quan tâm tới những giá trị tích cực của nó.

Đến Lê Hoài Nam, dường như đề tài tôn giáo đã có thêm một lộ trình mới. Phần vì từ nhỏ anh được sống cùng lũ trẻ xứ đạo hiền lành, lương thiện. Trong những năm tháng chiến tranh, mái nhà thờ rêu phong cổ kính đã trở thành lớp học chở che anh, những người dân mộ đạo từ tâm đã hết lòng giúp đỡ anh, vì thế chú bé ngoại đạo Lê Hoài Nam đã sớm ngộ ra không ít điều tốt đẹp của Kitô giáo. Phần vì sự trải nghiệm cuộc sống đã giúp anh hiểu được rằng, bên cạnh những mặt hạn chế, tôn giáo luôn có khả năng làm nhân đạo hóa con người.

Lựa chọn đưa vào tác phẩm những sự kiện quan trọng, thiêng liêng và tiêu biểu nhất cho lịch sử và văn hóa Thiên chúa giáo: Chuyện Đức Chúa Kitô giáng sinh nơi máng cỏ trong một hang lừa thuộc thị trấn Belem (Giáng sinh), Chuyện Chúa Giê su được phục sinh sau khi bị quân vô đạo đóng đinh trên cây thập giá; chuyện ra đời của bản Thánh ca bất hủ; chuyện vị danh họa Leonardo Da Vinci hoàn thành bức tranh Thánh tại nhà Thờ lớn thành Milan… Lê Hoài Nam đã khéo léo dẫn dắt bạn đọc tìm hiểu những điều căn cốt nhất về Kitô giáo. Và do được sắp xếp một cách hệ thống mà những câu chuyện này đã tạo thành một bức tranh toàn cảnh, góp phần xóa bớt những "vùng mù" trong không ít độc giả, giúp họ có thêm hiểu biết về Thiên Chúa giáo - một trong những tôn giáo lớn nhất của nhân loại và thấu thị được tinh thần bác ái nơi Chúa, từ đó phát huy được những giá trị hết sức tích cực của Tôn giáo: "Thiên Chúa trừng phạt người chỉ mang tính nhất thời, cứu người mới là việc muôn thuở" (trang 179).

Trong "Đêm Thánh", qua việc kể lại câu chuyện kỳ lạ về sự ra đời của bản thánh ca huyền diệu, Lê Hoài Nam đã gián tiếp bàn về sự linh diệu và sức mạnh to lớn của nghệ thuật. Siêu nhạc phẩm mà các nhà xuất bản đều mặc nhiên coi là của những nhà soạn nhạc siêu phàm: Bach, Beethoven, Handel… trên thực tế lại do thầy giáo làng Gruber và thầy dòng Mohr ở một miền quê heo hút nước Áo, trong một phút giây xuất thần nhờ hồng ân Thiên Chúa mà có được. Và "Đêm Thánh vô cùng" - đã trở thành bức thông điệp hòa bình, nối kết những trái tim, giúp những người lính giữa hai chiến tuyến Nam - Bắc Mỹ dễ dàng xóa bỏ hận thù cùng nắm tay nhau hòa chung câu hát.

Cũng giống như tiếng đàn thần của chàng Thạch Sanh, âm nhạc nói riêng, cái đẹp nói chung luôn giúp con người hướng thiện, có khả năng cứu rỗi hoàn cảnh và làm nhân đạo hóa hoàn cảnh.

Dĩ nhiên, đến với "Bữa tiệc ly" ta không thể không quan tâm tới khả năng sử dụng ngôn từ của tác giả. Để làm sống lại không khí lịch sử xa xưa về các vương triều, Lê Hoài Nam đã dùng một lớp từ cổ kính trang trọng: hoàng đế, thượng uyển, nhuần hòa, chúa xuân, thảo lư, hiển đạt, sư huynh, hiền đệ, đàng ngoài, đàng trong… Khi phản ánh nội dung Thiên Chúa giáo, lập tức những từ trong Kinh Thánh xuất hiện với tần số khá dày: Giáng sinh, phục sinh, mùa thương khó, Đấng cứu độ, phúc âm, kính mừng, amen, tòng giáo, lậy chúa tôi, hồng ân Thiên chúa, nhà Bề trên, nhà nguyện, kinh kính mừng, kính lạy cha, thị trấn Belem nơi chúa giáng sinh trong máng cỏ… "Bữa tiệc ly" trở nên đa sắc còn nhờ lối viết đa dạng với những câu văn linh hoạt, khi mượt mà như thơ: "Những bông hoa trà, hoa lan trong vườn Thượng uyển đang e ấp hé nở dưới làn nắng xuân rất nhẹ, mỏng tang như sương khói" (trang 5). Khi lại rất ngắn, hiện đại, giản lược tối đa chỉ còn độc một vài từ: Tuổi già. Đau yếu. Bệnh tật (trang 73).

Tác phẩm càng thể hiện rõ sự nỗ lực kiếm tìm của tác giả khi anh đã mạnh dạn đến với thủ pháp hiện thực huyền ảo - một cách viết ít nhiều còn xa lạ. Trong "Những giọt lệ đỏ thắm", để phản ánh một hiện thực trần trụi đớn đau, anh đã cho xuất hiện hồn ma ba anh em, cha con Nguyễn Huệ. Chiếc đầu lâu Quang Toản không chỉ đa tạ cái ơn Ngọc Bình đã can gián Nguyễn Ánh thôi trả thù nhà Tây Sơn mà còn báo cho nàng biết "trong con người Ánh tích tụ âm khí rất nặng. Ánh sẽ giết chết nàng bằng những âm khí ấy" (trang 37). Ở "Vĩ nhân thời ốc đảo" là cuộc đàm đạo giữa hồn ma Nguyễn Trường Tộ và ngài Fukuzawa Ykichi (Nhật Bản) về vấn đề canh tân đất nước, với khát vọng nước Nam mình hôm nay có thể tiến kịp nước người…

Quả thật, đến tập sách này, Lê Hoài Nam đã có những bước đột phá không nhỏ. Anh đã rất dụng công trong việc đổi mới lối viết của mình. Song vẫn còn có những truyện cần phải thể hiện cá tính sáng tạo của người nghệ sĩ nhiều hơn nữa. Bởi khác với khoa học, nghệ thuật mãi mãi là câu chuyện của cái "tôi"

Trần Thị Trâm
.
.