"Lão Hạc" trong làng văn ngày ấy

Thứ Tư, 22/08/2007, 16:56
Kim Lân là nhà văn của thôn làng, của dân gian, không phải của chốn cung đình. Về hình dáng thì là thế. Về trí tuệ thì khác. Ông là một người có tư duy trẻ trung một cách điềm tĩnh.

Ra đi ở tuổi 86, so với người đời đã gọi là thọ nhưng so với gia đình và bản thân thì nhà văn Kim Lân chưa gọi là quá già. Thân mẫu nhà văn Kim Lân ở tuổi 100 còn ngồi đằng sau xe máy một cách vững vàng, tỉnh táo. Qua ngã tư, cụ còn quát thằng cháu ruột là họa sĩ Thành Chương: “Qua ngã tư phải xi nhan chứ cháu!”.

Còn chính nhà văn Kim Lân, ở tuổi 80 còn được một số thiếu nữ trẻ gọi là anh. Nhà văn Kim Lân từng kể: “Tuần vừa rồi về quê, thằng Chu cho tiền đi hát, trẻ khỏe lại được đến mấy tuần”.

Một lần khác, cách đây dăm năm, nhà văn Kim Lân, nhà văn Tô Hoài và tôi có tham gia chương trình giao lưu văn học với sinh viên do Truyền hình Việt Nam tổ chức có tên là “Những người thầy không đứng trên bục giảng”.

Trước đông đảo khán giả, nhà văn Tô Hoài nói: “Tuần trước, tôi và nhà văn Kim Lân đi hát karaoke”. Mới nói đến đó, hàng nghìn sinh viên cười la đến vỡ hội trường. Phải đến mấy phút Tô Hoài mới nói tiếp được: “Một cô tiếp viên không gọi nhà văn Kim Lân là ông hay là bác, mà cô ấy gọi “Anh Hạc ơi, lại đây, anh Hạc!”. Cả hội trường lại reo ầm ĩ. Kim Lân cũng ngồi cười hiền.

Câu gọi đùa gợi ta nhớ tới tên nhân vật điện ảnh mà nhà văn Kim Lân đóng vai chính, phim “Làng Vũ Đại ngày ấy”, dựng từ một số tác phẩm chính của Nam Cao.

Ở tuổi gần 90, Kim Lân không trẻ về hình dáng. Đó là một ông già xứ Kinh Bắc, thuần Việt. Ông không mặc đồ Tây, kể cả ngày lễ, ngày tết. Lúc nào cũng quần ta, áo ta, vải đũi hay tơ tằm, màu nâu, màu ngà, màu gụ.

Ở phố, nhưng ông chỉ thích làng. Sống giữa Hà Nội, ông chọn nơi ở có tên như tên ở giữa thôn quê: Xóm Hạ Hồi.

Xóm Hạ Hồi là một cái ngõ rất ngoằn ngoèo và rất dài kề sát đường Trần Hưng Đạo. Ngôi nhà số 6 của xóm Hạ Hồi nơi ông ở có cả cái vườn nhỏ và lúc nào cũng có cây xanh.

Nhà văn Kim Lân có hai người con là họa sĩ đều ở mức hàng đầu của các cây cọ hiện đại: họa sĩ Nguyễn Thị Hiền và họa sĩ Thành Chương. Thành Chương là bạn lính của tôi và có hơn chục năm cùng làm báo Văn nghệ.

Lâu nay, Thành Chương trở thành một ông chủ có một trang trại nổi tiếng đến mức các hoàng tử, công chúa nước ngoài cũng phải tò mò đến thăm. ấy là Phủ Thành Chương, một nơi xây dựng công phu như sự phục hiện văn hóa kiến trúc và mỹ thuật cổ xưa.

Đấy là nơi dưỡng lão rất tốt. Nhưng nhà văn chỉ tới đó thăm con và thưởng thức mỹ thuật chứ bảo ở thì không. Vì Phủ Thành Chương không phải là ấp, không phải là xóm. Kim Lân là nhà văn của thôn làng, của dân gian, không phải của chốn cung đình.

Về hình dáng thì là thế, Kim Lân là một ông già râu tóc thuần Việt. Về trí tuệ thì khác. Ông là một người có tư duy trẻ trung một cách điềm tĩnh. Có hai nhà văn đồng lứa mà nhà văn Kim Lân rất gần gũi là nhà văn Nguyên Hồng và nhà văn Tô Hoài.

Kim Lân, về nhiều mặt, gần với Tô Hoài hơn là Nguyên Hồng. Nguyên Hồng là cái mỏ lộ thiên chỉ cần khai thác cái bản năng (năng lực vốn có của bản ngã) là đã đủ lớn.

Kim Lân giễu cái hồn nhiên của Nguyên Hồng: “Một hôm mình đi họp chi bộ thấy Nguyên Hồng cũng đi, tự nhiên đi vào, ngồi kề bên mình. Ơ hay, chưa được kết nạp Đảng sao lại đi họp? Nguyên Hồng hỏi, thế vào Đảng cũng phải kết nạp à (!)”.

Cũng giống Tô Hoài, Kim Lân là một “từ điển sống” của văn nghệ cách mạng và kháng chiến. Chuyện gì cũng biết, chuyện gì cũng nhớ. Nhưng không phải chuyện gì cũng kể.

Kim Lân có cái tao nhã của một hiền triết phương Đông, nói ít, nói ngắn, nhưng mỗi câu mỗi chữ, dù rất nôm na cũng gọi đúng tên sự vật, sự việc.

Ngay những năm tháng gần đây, khi tuổi đã ngả sang phía chín mươi, nhà văn Kim Lân vẫn kiểm soát được các thông tin có tính thời sự, về văn chương và về cuộc đời. Trước các công việc chung có tác động lớn đến phong trào văn học, ông đều có ý kiến, đúng lúc, đúng chỗ và rất xác đáng.

Một trong những nét để gọi Kim Lân là một hiền triết phương Đông là việc nghĩ nhiều, viết ít. Đến như Khổng Tử cũng chỉ nghĩ, nói cho học trò chép chứ viết rất ít.

Khác với nhiều nhà văn trẻ bây giờ viết rất ào ạt, Kim Lân viết rất dè xẻn.

Trong tiểu sử văn học, in trong kỷ yếu của Hội Nhà văn Việt Nam, tập “Nhà văn Việt Nam hiện đại”, về sáng tác, tác phẩm của Kim Lân được giới thiệu chưa đầy hai dòng: Tác phẩm đã xuất bản: “Nên vợ nên chồng” (truyện ngắn 1955), “Con chó xấu xí” (truyện ngắn 1962), “Hiệp sĩ gỗ”, “Ông cả Ngũ”, “Tuyển tập Kim Lân” (1998, 2003).

Nhà văn Kim Lân tự bạch: “Tôi nghĩ, muốn theo đuổi nghề văn người viết phải là người tử tế trước đã. Dĩ nhiên không phải hễ là người tử tế ắt hẳn viết văn hay được. Viết văn phải có tài. Cái tài đến với nhà văn rất tự nhiên, mất đi cũng rất tự nhiên. Tôi thấy rất nhiều nhà văn lúc chưa biết nghề nếp tẻ ra sao, hồn nhiên, thoải mái, viết cái mình yêu, mình thích thì viết rất hay, đến lúc hiểu kỹ về nghề thì viết lại tồi đi rất nhiều”.

Câu nói ngắn gọn, giản dị mà sâu sắc, bao trùm hết lý luận đông tây kim cổ. Muốn theo đuổi nghề văn thì trước hết người viết văn phải là người tử tế.

Nhà văn Kim Lân là một tấm gương sáng về đức độ với người, với đời; một tấm gương sáng về sự nghiêm túc trước nghề nghiệp.

Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật mà Nhà nước trao cho Kim Lân đợt 1 năm 2001 là một ghi nhận đối với sự đóng góp của ông

.
.