Làng xuất bản sách Việt Nam năm 2011: Một số cuốn sách ấn tượng

Thứ Hai, 20/02/2012, 08:00

Vượt qua thời "bão giá", bất chấp dư luận lo ngại văn hóa đọc đang xuống cấp, ngành xuất bản Việt Nam vẫn nỗ lực cống hiến cho những người yêu sách nước nhà những ấn phẩm thú vị. Chúng ta cùng điểm lại một số cuốn sách ra đời trong năm 2011 đã gây được ấn tượng đáng kể đối với độc giả.

"Võ Nguyên Giáp - Hào khí trăm năm" tái hiện tinh thần Đại tướng

Năm 2011, kỷ niệm tròn 100 năm ngày sinh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp có nhiều cuốn sách ra mắt. Nhưng đáng chú ý có cuốn sách "Võ Nguyên Giáp - Hào khí trăm năm" của tác giả Trần Thái Bình (NXB Trẻ). Bên cạnh những sự kiện lịch sử đã quen thuộc với tất cả mọi người mà quyển sách dạng biên niên sử này không thể bỏ qua, 100 đề mục được thể hiện ở đây còn mang lại những thông tin lý thú về cuộc đời Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Thông qua cuốn sách, người đọc có thể thấy được tính hợp lý và linh hoạt của một cách đánh, một cách nghĩ, một cách làm, một cách sống mang tinh thần Võ Nguyên Giáp, vừa táo bạo phi thường, lại vừa gần gũi tình người.

"Đại Việt sử ký toàn thư" - sách xưa chưa bao giờ cũ

Đây là cuốn sách đã quá nổi tiếng với người Việt Nam, nhưng năm 2011 đã chính thức được giải Vàng sách đẹp do Hội Xuất bản Việt Nam tổ chức ngày 25/12/2011. Giải này được trao cho ấn bản đặc biệt do Công ty Văn hóa Đông A và Nhà xuất bản Khoa học xã hội liên kết thực hiện. Điều này chứng tỏ bộ sách quý báu này chưa bao giờ là cũ trong lòng bạn đọc và những người yêu sử nước nhà.

Nếu những lần in trước, các nhà làm sách thường in thành 4 tập, thì với ấn bản "sách đẹp" này, "Đại Việt sử ký toàn thư" được in thành 1 tập, khổ 25x35cm, bìa cứng, dày 1.200 trang, được PGS.TS Ngô Đức Thọ chỉnh lý các thông tin mới đối với một số chú thích có các khảo chú về địa danh mà nay các đơn vị hành chính đã có nhiều thay đổi.

"Open the window, eyes closed" - Tín hiệu đáng mừng cho "xuất khẩu văn chương Việt

Truyện dài "Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ" của nhà văn Nguyễn Ngọc Thuần (giải A cuộc thi sáng tác văn học thiếu nhi năm 2002 do NXB Trẻ và Hội Nhà văn Tp HCM tổ chức, giải Peter Pan 2008 của Ủy ban quốc tế về sách dành cho thiếu nhi tại Thụy Ðiển) từ lâu đã quen thuộc với độc giả nhỏ tuổi cũng như lớn tuổi của Việt Nam. Song, trong năm nay, cuốn sách đã được "làm mới" khi ra đời với một ấn bản đặc biệt, đó là ấn bản bằng tiếng Anh qua sự chuyển ngữ của dịch giả Trương Tiếp Trương nhan đề "Open the window, eyes closed".

Đa phần, hoạt động dịch thuật ở nước ta hiện này chỉ là "dịch ngược", nghĩa là dịch tác phẩm văn học nước ngoài vào Việt Nam chứ chưa có mấy "dịch xuôi", nghĩa là dịch tác phẩm Việt Nam ra nước ngoài. Vì thế, với "Open the window, eyes closed", đây được xem là sự kiện mở đầu cho dự án chuyển ngữ tác phẩm văn học Việt Nam sang tiếng Anh của NXB Trẻ và cũng là tín hiệu đáng mừng cho "xuất khẩu" văn chương Việt trong tương lai.

"Lá nằm trong lá" đạt kỉ lục xuất bản

Sự trở lại với lứa tuổi học trò của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh sau nhiều năm chuyên chú cho các em thiếu nhi được độc giả nhiệt liệt chào đón. "Lá nằm trong lá" với 10.000 bản in (bìa mềm: giá 70.000 đồng/quyển) và 3.000 bản in đẹp bìa cứng (bìa cứng chỉ phát hành duy nhất cho lần xuất bản đầu tiên, giá 125.000 đồng) đã được các đơn vị phát hành sách đặt mua hết ngay trước ngày phát hành đầu tiên 6/10/2011.

Ngay hôm đó, NXB Trẻ đã quyết định tái bản thêm 10.000 bản và sách tiếp tục trở thành "cơn sốt" đối với người mua. "Thú vị" và mỉm cười, cười phá lên không ngừng, đó chính là cảm xúc của người đọc khi đến với cuốn sách này.

Xuất hiện "Nhật ký Lê Anh Xuân"

Không xuất hiện khi "phong trào" nhật ký thời chiến rầm rộ cách đây mấy năm, phải đến cuối tháng 11 năm nay, "Nhật kí Lê Anh Xuân" mới được Hội Nhà văn Tp HCM, NXB Văn hóa - Văn nghệ, Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội và gia đình dòng họ Ca Lê giới thiệu đến bạn đọc.

Lê Anh Xuân tên thật là Ca Lê Hiến, sinh ngày 5/6/1940 tại Bến Tre. Năm 1954, anh theo cha tập kết ra Bắc. Năm 1964,  Lê Anh Xuân lên đường vào Nam và bắt đầu viết nhật ký vào ngày đó, liên tục cho đến ngày 23/5/1968 (một ngày trước khi anh hy sinh).

Nhà văn Lê Văn Thảo đã tìm thấy quyển nhật ký trong ba lô của Lê Anh Xuân và ông ghi thêm vào trang cuối: "Ngày 24/5/1968 (thứ sáu): Hôm nay là ngày Hiến hy sinh. Khoảng trưa. Hiến không còn nữa. Hiến chết dưới HBM. Lạ thật. Đến tối, Thảo và anh em chôn Hiến ở ấp Phước Quang, xã Phước Lợi, huyện Cần Đước". Khi có được cuốn sách này, nhà văn Lê Văn Thảo đã giao lại cho bộ phận Ban Văn nghệ của Ban Tuyên huấn Trung ương Cục và nhà thơ Bảo Định Giang đã trao lại cho gia đình nhà thơ Lê Anh Xuân… Trước khi được xuất bản để nhiều người cùng đọc, cuốn nhật ký đã được trưng bày ở Bảo tàng tỉnh Bến Tre (quê hương của Lê Anh Xuân).

"Nhật ký Lê Anh Xuân" gồm 2 phần: Phần 1 là những ghi chép (nhật ký) của Lê Anh Xuân; Phần 2 là một số hình ảnh, bút tích và bài viết về Lê Anh Xuân của các giảng viên đồng nghiệp với anh tại Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, đặc biệt là những trang viết ghi lại những kỷ niệm trong giai đoạn chiến tranh khốc liệt mà các bạn văn nghệ như: nhà văn Anh Đức, nhà thơ Viễn Phương, nhà văn Lê Văn Thảo… đã cùng chia sẻ với Lê Anh Xuân.

Cuốn sách thiếu nhi đầu tiên "kể chuyện Trường Sa"

Mơ ước một lần được đặt chân tới quần đảo Trường Sa từ lâu đã là mơ ước của nhiều người Việt. Nhưng không phải ai cũng có điều kiện đặt chân tới. Và để Trường Sa gần lại với các em nhỏ, để các em có chuyến "đi du lịch ra Trường Sa", NXB Kim Đồng đã ấn hành cuốn "Tôi kể em nghe chuyện Trường Sa" của nhà văn, nhà báo Nguyễn Xuân Thủy.

Cuốn sách chỉ gần 100 trang, gồm những câu chuyện giản dị về loài cá biết bay, về những chú chó thân thiết với lính đảo, về hoa ốc biển và rất nhiều hiện tượng thiên nhiên kỳ thú mà chỉ những ai có điều kiện sống dài ngày ngoài đảo Trường Sa mới được chứng kiến, trải nghiệm.

Lợi thế của tác giả được sống và làm việc trên đảo gần 2 năm đã giúp anh có những trải nghiệm độc đáo, mà không phải dễ gì các cây bút khác cũng có được. Sách đã được tái bản ngay trong năm.

"Gáy người thì lạnh" - tạm khép lại một thời tạp văn Nguyễn Ngọc Tư

Trong suốt thời gian qua, dường như một cách nghỉ ngơi và "đổi món", Nguyễn Ngọc Tư thưa viết truyện ngắn và độc giả đều đặn hằng tuần gặp chị qua những trang báo với những bài tạp văn. Bền bỉ viết, Nguyễn Ngọc Tư đã ra nhiều cuốn tạp văn. Và tuần này, trên giá sách, bản bút đã thấy cuốn tạp văn với tựa đề "Gáy người thì lạnh" (Sài Gòn Media và NXB Trẻ ấn hành).

Không ồn ào, nhà văn Nguyễn Ngọc Tư chỉ "quảng cáo" thật ngắn trên blog của mình: "… các bạn nên mua để xem tui xuống hay lên phong độ hay vẫn trôi lình xình như lục bình; Các bạn nên giữ lại trong nhà làm tin để chứng minh một thời tôi cực sến; nếu bạn ghét tui thì cũng cầm cuốn sách về để chửi cho đã, quăng thùng rác, tưới bia lên; cực rẻ (39.000đ), cực lạnh, cực kỳ thầm thì…".

"Gáy người thì lạnh", cái tên sách đã được tác giả đắn đo chọn lựa, để rồi lan đi một thông điệp cho mỗi người khi cầm sách trên tay. Và một thông điệp khác không nằm trong cuốn sách: Năm 2012, Nguyễn Ngọc Tư sẽ lại… thưa gặp độc giả thông qua "món" tạp văn trên các báo. Chị sẽ không nhận giữ mục để không phải ép mình "sản xuất" định kỳ, chỉ viết khi nào không thể, còn thời gian để tập trung viết một "món" mới, sẽ "mời" độc giả trong một thời gian không xa

Hoàng Thư - Mai Anh
.
.