Lang thang trong chốn rất riêng

Thứ Ba, 23/01/2007, 15:00

Lâu lắm mới gặp lại lão nhà văn khi tất cả tụ họp ở Trung tâm Văn hóa Đông Tây mà chủ xị là “bác” Đoàn Tử Huyến đẹp trai, lãng tử tổ chức cuộc hội ngộ xinh xinh cho các bạn yêu văn tới mừng một nhà thơ vừa được nhận giải thưởng của Hội Nhà văn Hà Nội.

Không gian thơ hôm đó giống như ngày xưa, lâu lắm rồi. Trân trọng, ấm cúng ngồi bên nhau, ghế cao ghế thấp, rượu vang, cà phê... Ba bề bốn hướng là chung cư cao cấp đèn sáng khỏi cần bên này lo tối. Người được chúc mừng ngồi chính giữa, bạn bè vây quanh. Ai hỏi cứ hỏi, nhà thơ trả lời cứ trả lời. Ai chụp ảnh lóe đèn và rượu ai đó chạm ly. Lão nhà văn Châu Diên hấp háy, nụ cười ấm áp, thân thiện như không phải đã rất lâu rồi mới gặp lại tôi.

- Cậu nói, cậu thích nhất “Chuyện tình thời @”?

- Vâng. Em thích truyện đó. Vừa lạ, vừa thật, vừa xót ruột. Cụ tinh tế lắm. Nhiều chi tiết, không trải qua, khó mà viết được thế!

Lão nhà văn bớt cười, mắt bớt lấp lánh, gật gù: “Cũng vì đồng cảm nữa đấy!”.

Truyện rất đơn giản, nếu kể tóm lại, sẽ là thế này: Có ba người “tập”sống với nhau trong một mái nhà. Chị Nhung có con riêng là bé Tép. Anh Lượng lấy chị Nhung. Con trai riêng của anh ở với vợ anh đã ly dị. Anh Lượng yêu chị Nhung, muốn sống với chị kèm bé Tép. Đơn giản vậy thôi, nhưng lại khó khăn vô cùng. Những giây phút chạnh lòng nhìn con người nghĩ tới con mình của anh Lượng. Những mặc cảm con riêng với bố dượng của chị Nhung. Chỉ có Tép, là loăng quăng chạy giữa, hồn nhiên, yêu cuộc sống mà cha mẹ nó tặng...

Chuyện thật khó kể tận tường, nhưng đọc thì ám ảnh.

- Em cũng thích “Cụ già ở bản Ngậm Ti” nữa.

 Lão nhà văn cười hi hi ha ha. Tôi cũng cười hi hi ha ha. Mỗi người cười theo cách của mình khi nhớ tới cụ già đứng phật phờ trước ngõ bắt tay tất cả những ai đi qua “Khalasô... khalasô... gútbai...”. Bản Ngậm Ti nằm trên một bán đảo bên hồ nước lớn của thành phố (Hà Nội), như chứng nhân của lịch sử khu làng, cũng như số phận của cụ khalasô... gútbai. Ở đó có các cuộc đấu tranh to (ảnh hưởng chung theo dòng lịch sử) và vô số cuộc đấu tranh bé (nội bộ nhà cụ V vì chính cụ lấy nhiều vợ, đánh ghen tùm lum). Ôi chao, tôi thở hắt. Một truyện không biết kể lại thế nào, nhưng ám ảnh.

Tôi thích cách đặt tên truyện của lão nhà văn ngay từ những truyện in rải rác trên báo mấy năm gần đây: “Cụ già ở bản Ngậm Ti ”, “Beethoven không điếc”, “Một làng quê tuyệt đẹp cái con vời vợi...”. Bao giờ nhìn những tên đó, cũng kèm theo cái nhoẻn cười. Rồi cười toét với những dòng dẫn chuyện đầu tiên. Như không phải là viết văn, là bày đặt một câu chuyện như đa phần cách bắt đầu của những truyện ngắn khác, của những tác giả khác. Chỉ đơn giản là: “Phải nói luôn kẻo bà con thắc mắc: cái bản nói đây không hề là một xóm miền núi. Còn Ngậm Ti là tên gọi của cái bản đó cũng chẳng hề một tên gọi là tiếng Tày, hoặc Nùng...”, hay “Kịch bản tặng cái Thuận. Ôsin ở Hà Nội cùng bà con làng quê nó diễn chơi ngày xuân - Không diễn được thì đọc chơi...”.

Sau những tên truyện và cách dẫn nhập rất hồn nhiên, lão nhà văn tưng tưng tấp tểnh cùng nhân vật, cùng người đọc, lang thang trong chốn riêng, rất gọn, không triết lý vẽ vời dạy dỗ, cũng không tô son trát phấn cho đời sống đang diễn ra vừa hiện đại, hiện thực nhưng lại không dung tục... Một không gian qua mắt nhìn của người đàn ông lịch lãm, văn minh và từng trải. Đủ để thấy yêu mỗi ngày sống, yêu tất cả những gì ngang qua đời mình và làm tất cả để có niềm vui.

Lâu rồi. Khi cuốn “Người sông mê” của lão nhà văn xuất bản, tôi đọc một đêm. Hết. Ngây ngây mấy ngày. Ám ảnh. Sau lần đó, vô tình gặp lão nhà văn trong một phòng họp với cương vị GS Phạm Toàn sắc sảo, tôi dè dặt lắm. Nay thì khác rồi. Cũng đọc “Bảy mươi ba chiếc cối đá” một đêm. Vừa vui lại ấm lòng. Càng may không gặp lão nhà văn trong cuộc họp để đừng phải chào “anh Phạm Toàn” mà chính xác trước mặt mình là lão nhà văn đáng yêu đã đi rất xa trong thời gian vật chất để rồi lại về rất gần với ngày tháng yên bình. Khi mà ông đã sống rất nhiều, biết rất nhiều, trải cũng rất nhiều, giờ thì ngoảnh lại, yêu quý những tháng ngày vui. Để viết, để lang thang với những người thân, những bạn văn vui đấy, buồn đấy, say đấy, tỉnh đấy. Để thấy cần thong dong những tháng ngày vì suy cho cùng, đời người cứ vui được là may mắn.

Tôi lại hỏi: “Cụ giàu nhỉ, đã ở biệt thự lại còn đặt tên Thu Trang. Cuối truyện ngắn nào, em cũng thấy cụ trân trọng: “Biệt thự Thu Trang... ngày tháng năm”. Mỹ miều quá. Biệt thự có được nghìn mét vuông không ạ?”. Lão nhà văn cười tít, thì thầm (rất thanh niên): “Bịa đấy. Đểu đấy. Đùa cho vui. Nhà chung cư. Gọi là Biệt thự cho oách! Hôm nào đến uống rượu nhé!”.  “...Anh đặt tên biệt thự cho oai. Ở cơ quan, anh còn rêu rao sáu mươi tuổi mà chưa có dăm bảy trăm triệu trong tài khoản thì tài trai không đáng nên trai. Làm ông nào cũng nghĩ mình giàu sụ. Thực tế hoàn toàn khác. Anh nói khoe mẽ phét lác rất giỏi, nói cho vui ấy mà...”  (Cụ già ở bản Ngậm Ti). Tôi bị choáng, rồi cười. Vẫn là ông, không ngán gì khi mang chính mình ra giễu nhại - một chuyện hiếm người làm được trong văn chương mình, trừ ông và nhà văn Hồ Anh Thái trong “Mười lẻ một đêm”.

Nhân đà nói đến vui, tôi dấn tới: “Em nghi lắm. Nhìn ảnh cụ và anh Tiến (nhà văn Phạm Ngọc Tiến) in ở bìa sách, mặt cả hai đều gian. Rất gian. Kiểu đấy chỉ có là thấy em nào xinh đẹp đi qua, đúng không?”. Lão nhà văn nhìn tôi, mặt giãn ra, khoái chí (giống y như ảnh bìa 4): “Đúng là đồ tinh quái”.  Nói rồi ông cốc cho tôi một cái, giống như quan tòa gõ búa kết thúc đồng ý 

Nguyễn Thị Thu Huệ
.
.