Nhân ngày Phụ nữ Việt Nam 20-10

Lặng lẽ Eva

Thứ Sáu, 07/11/2014, 08:00
Làm vợ không dễ, điều này đã hẳn. Làm vợ một nghệ sĩ nổi tiếng, chuyện này lại càng "bất khả thi". Vậy mà những "nô tì Izaura" của giới nghệ thuật chúng ta vẫn thủy chung son sắt một lòng một dạ với chồng - đức lang quân của họ - những kẻ "lắm tật nhiều tài" - để chở che mưa nắng, tảo tần sớm hôm, để người bạn đời của họ có thể vững bước, thăng hoa trên con đường nghệ thuật.

Trai tài gái sắc, phụ nữ thường "cảm" người đàn ông tài hoa, còn đàn ông dễ "gục" bởi những dung nhan chim sa cá lặn. Cố nhạc sĩ Đoàn Chuẩn là biểu tượng của sự đào hoa, đa tình mà vợ ông là "nạn nhân" điển hình nhất với những câu chuyện đã nhiều lần đi vào giai thoại. Chuyện kể rằng, biết chồng mình phải lòng một cô gái trẻ - người hâm mộ ông, "cha đẻ" của những tình khúc bất hủ như "Gọi gió cho mây ngàn bay", "Lá đổ muôn chiều", "Thu quyến rũ"...; bà đã tìm cách tiếp cận được với cô gái nọ. Bà nhẹ nhàng, ôn tồn trao đổi thân tình với cô gái, rằng - bà sẵn sàng "nhường" ông lại cho cô miễn sao cô phải "tiếp quản" tốt một "cơ ngơi đồ sộ" thay bà gồm bố mẹ, ông + 5 đứa con của ông bà và một cơ sở nước mắm "khủng" mà bà đang điều hành. Chuyện chỉ có vậy nhưng từ đó trở đi không thấy cô gái trẻ hiện hữu trong cuộc đời ông bà nữa.

Tương tự như thế là câu chuyện của cố tài tử Ngọc Bảo. Ông là ca sĩ nổi tiếng một thời, giọng ca đã đi vào tâm thức của nhiều thế hệ với hình mẫu lý tưởng: đẹp trai, phong độ, ga lăng, lãng tử. Chuyện cũng kể lại rằng, bà nhà ông thường xuyên "nhặt" được những mẩu giấy, thư tay... trong túi áo, quần của chồng khi đem đi giặt. Bà không ghen, bà có niềm hãnh diện riêng khi chồng mình được ngưỡng mộ. Có lần bắt gặp ông đang tâm sự với một cô gái ở vườn hoa, bà tiến đến chìa cái áo khoác, đoạn vỗ nhẹ vai cô gái mà rằng: "Lần sau nhớ mang áo ấm cho ông kẻo lạnh ảnh hưởng đến ca hát". Sau lần "cảnh tỉnh" tinh tế ấy, cô gái nọ cũng "biến mất". Sau này, trong một lần biểu diễn phát trực tiếp, tài tử Ngọc Bảo - giọng ca của "Đêm đông", "Ai lên xứ hoa đào", "Buồn tàn thu..." cũng trần tình rằng: "Đàn ông chúng tôi hay líu lo" nhưng chính cách xử sự rất "có tình" của những người trong cuộc đã khiến chúng tôi tỉnh ngộ, điều chỉnh được mình trong những phút giây "say nắng" ấy.

Không thể kể hết được những gương mặt sáng giá trong làng giải trí nước nhà mà thành công của họ không thể không có sự hiện diện từ những người bạn đời. Ca sĩ, vũ sư nổi tiếng hải ngoại và trong nước Nguyễn Hưng suốt đời phải cảm ơn vợ mình về những gì chị làm cho anh trong sự nghiệp ca nhạc mà anh thăng tiến; chị lo mảng "hậu cần" để anh chuyên tâm lưu diễn các nước, là người "nâng khăn sửa túi" góp ý trực tiếp cho các sản phẩm âm nhạc của anh và rất "tâm lý" với anh mỗi khi anh phải đóng cặp với bạn diễn nữ. Nhạc sĩ - ca sĩ Trần Tiến làm sao có thể "du ca" suốt dọc dài đất nước và sáng tác xuất thần được những "Chị tôi", "Mặt trời bé thơ", "Chiếc vòng cầu hôn"... rất Trần Tiến được đến thế nếu anh không có được người vợ đảm lo hết mọi việc trong nhà?

... và hiện nay.

Cố diễn viên điện ảnh Hồng Sơn, gương mặt kỳ cựu của nghệ thuật thứ 7 mà số phận dù có đưa đẩy thế nào với những người đàn bà khác thì lúc cận kề cái chết cũng phải thú nhận rằng không ai "sống" được với anh như vợ cũ đã từng sống. Và cũng chính chị - chứ không phải ai khác - đã ở bên anh trong suốt những giờ phút lâm chung. Còn Bùi Bài Bình thì sao? Chàng diễn viên mảnh khảnh của điện ảnh khóa 2 ngày nào sau một loạt những vai diễn "kha khá" trong "Kén rể", "Bức tường không xây", "Khoảnh khắc yên lặng của chiến tranh", "Chim sơn ca trong thành phố", "Ngày chủ nhật vắng Chúa" ... đã vụt tỏa sáng trong "Mùa ổi" (vai Hòa, đạo diễn Đặng Nhật Minh) và nay đã là NSND sau một loạt những vai diễn phản diện đầy cá tính nữa như Trưởng thôn (trong "Hương đất"), Tòng trong "Ma làng" và Khuếnh trong "Gió làng Kình". Cuộc "lột xác" ngoạn mục này của Bùi Bài Bình có phần đóng góp không hề nhỏ của NSƯT Ngọc Thu, người bạn đời của anh. Chị không chỉ là chị Út Tịch trong "Mẹ vắng nhà" (đạo diễn Trần Khánh Dư) mà còn là chị Út Tịch của đời thường với bao nỗi lo toan nhọc nhằn để bảo toàn cái tổ ấm có người chồng "đi suốt đêm ngày không mấy khi ở nhà" và 2 cậu con trai đang tuổi ăn tuổi lớn mà nay các cháu đã trưởng thành. Chị hiểu anh, hiểu "thói hư tật xấu" của anh - đó là sự đam mê bè bạn. Chính vì quá hết lòng với bạn, những người bạn chí cốt nên anh quên mất có một gia đình cần phải trở về, để làm chồng, làm cha.

Còn một người phụ nữ nữa, cũng hiểu chồng mình không kém, thậm chí đến tận "kẽ tóc chân tơ". Đó là nghệ sĩ Thu Hằng - diễn viên Đoàn kịch nói Trung ương, vợ của Nghệ sĩ nhân dân Thế Anh. Thu Hằng cùng đoàn với Thế Anh, bà là cựu hoa khôi trường Trưng Vương xưa. Trước sự nghiệp "lên như diều gặp gió" của chồng, bà đã quyết định "lùi lại một bước" để làm hậu phương tiếp sức cho chồng. Gương mặt sáng, chiếc răng khểnh, lối diễn xuất có hồn, Thế Anh đã để lại cho người xem nhiều vai diễn ấn tượng trên cả màn ảnh và sân khấu, mà nổi bật nhất là vai trung úy Phương trong "Nổi gió" và Ba Duy trong "Mối tình đầu". Sự nổi tiếng đã kéo theo nhiều phiền toái. Anh bị gán 2 chữ đào hoa. Phụ nữ mê anh đến mức có lần quay phim ở Bến Tre, có đôi vợ chồng cứ năn nỉ mời anh đến nhà ăn nghỉ cho thoải mái tiện thể để họ còn trò chuyện. Thế rồi anh chồng mê một thì chị vợ còn mê hai, cứ nhè lúc anh chồng đi vắng là xán tới thủ thỉ, mắt lúng liếng, môi đa tình, khiến Thế Anh... sợ, phải cáo lỗi xin thôi. Rồi, sự thái quá của các "fan cuồng" cũng khiến Thế Anh khó xử và vợ anh chạnh lòng. Đó là buổi 2 vợ chồng đang đi dạo ở Bờ Hồ, bỗng phía trước có 3 cô bước tới, một cô chen vào giữa 2 người đoạn quay sang hỏi Thu Hằng đại loại: "Chị là thế nào?". Thu Hằng đáp: "Mình là em gái Thế Anh". Sợ vợ suy nghĩ, Thế Anh bèn đỡ lời: "Đó là bà xã mình". Giờ, Thế Anh đã sang cái tuổi "bô lão" với những bệnh tật của tuổi già. Quá khứ đã lùi xa, nhưng bà vẫn là "bến đợi" của ông, là "người tình trăm năm" của ông, để nhắc ông thuốc men những lúc trái gió trở trời, để thì thào bên tai ông những tiếng vọng của tình yêu thương "ông à", "dậy rồi à", "có đau không", "đói chưa" để ông choàng tỉnh và thầm biết ơn người phụ nữ hơn nửa thế kỷ đã gắn bó với ông trên con thuyền tình nhiều giông bão nhưng nặng nghĩa tình này.

Cuối cùng, là câu chuyện của NSƯT Nguyễn Chánh Tín. Tôi muốn nói đến ca sĩ Bích Trâm - người vợ, người bạn đời rất mực yêu chồng thương con, người đã hy sinh cả tuổi xuân của mình cho sự nghiệp sân khấu và điện ảnh của chồng, kề vai sát cánh với chồng ngay trong những thời khắc nguy nan nhất của cuộc đời. Sông có khúc, người có lúc. Có ai ngờ rằng, con người trẻ đẹp, tài hoa và đào hoa, gương mặt lãng tử số 1 của điện ảnh Việt lại có lúc gặp biến cố (sa cơ lỡ vận) đến thế. Tiền hết, bệnh tật đầy mình, thị phi vây bủa. Chị - như một cây xương rồng trên cát - vẫn gắng gỏi gồng mình chở che anh, bảo vệ anh, dìu anh qua những "khúc cua" oan nghiệt của cuộc đời. Nay, "sóng tuy vẫn còn ở đáy sông" nhưng chị và anh đã đi hát show cho phòng trà trở lại. Hát - đối với Bích Trâm - không phải là ham hố gì ở tuổi xế chiều, mà hát là để tìm lại chính mình, để bắt đầu một ngày mới, để người chồng hào hoa của chị tiếp tục cuộc rong chơi nghệ thuật mà trong đó chị mãi mãi được là điểm tựa của anh trong cuộc đời này.

"Thu hát cho người" - một bản nhạc rất hay mà NSƯT Nguyễn Chánh Tín đã hát thời trai trẻ. Ước gì, nó lại được vang lên trong khán phòng bởi chính vợ chồng anh sau bao nhiêu năm xa rời sân khấu. Hát cho mình, hát cho người, cho mùa thu đang tới, cho người thân, cho những người vợ, người mẹ, người chị đang từng ngày từng giờ sưởi ấm tâm hồn bạn. Lặng lẽ Eva...

Tuyết Lan
.
.