Làng cười Hà Nội

Thứ Bảy, 01/04/2006, 07:22

Tất cả những thành viên trong “Làng cười Hà Nội” không ở trong Hội Nhà văn (vì trong Hội Nhà văn không có nhà văn hài hước) nhưng họ thực sự là những nhà văn hài hước theo đúng nghĩa của nó.

Những thành viên trong “Làng cười Hà Nội” tuy là những cây bút hài thành danh nhưng ngoài đời họ có nếp sinh hoạt bình dị, trong công tác thì rất nghiêm túc. Họ coi viết truyện cười là nghề tay trái. Thế nhưng có khi cánh tay trái lại mạnh hơn cánh tay phải. Nhắc đến Nguyễn Đoàn, người ta chỉ biết anh là người viết truyện cười quen thuộc, chứ chẳng ai nghĩ anh đã từng có thời kỳ là Phó tổng biên tập một tờ báo. Khi nhắc đến Nguyễn Ma Lôi, nhiều người không biết anh là sĩ quan công an mà chỉ biết anh là cây bút viết truyện cười thường xuyên xuất hiện trên vài chục tờ báo của hai miền Nam - Bắc.

“Làng cười Hà Nội” không có nội quy sinh hoạt nhưng vẫn duy trì được những buổi họp mặt đầy đủ. Mọi người đều thích thú khi được gặp gỡ nhau, tuy rằng các cuộc gặp gỡ này không theo định kỳ. Họ chỉ gặp nhau khi nào có điều kiện về thời gian hoặc khi cần có những vấn đề cần bàn.

Nhờ những buổi sinh hoạt bổ ích trong “Làng cười Hà Nội” như vậy nên các thành viên đua nhau cho ra đời nhiều tác phẩm mới. Nguyễn Ma Lôi cho ra mắt tập truyện cười “Tạ ơn bố vợ” và “Truyện cười bốn phương”. Sĩ quan quân đội (hiện công tác tại NXB Quân đội) Đặng Việt Thủy cũng cho xuất bản mấy tập “Râu quặp, râu vểnh”, “Đi học vì vợ”. Đến nay thì Đặng Việt Thủy và Nguyễn Ma Lôi có thể coi như nhà văn hài hước duy nhất trong quân đội và trong công an mặc dù  hai lực lượng này có rất nhiều nhà văn nổi tiếng.

Một thành công đáng kể ghi dấu ấn của “Làng cười Hà Nội” là tập “Những người thích cười” và “Nghệ thuật viết truyện hài hước”. Trong cuốn “Những người thích cười”, tác giả đã giới thiệu gương mặt cười tiêu biểu không chỉ trong “Làng cười Hà Nội” mà còn trong phạm vi toàn quốc. Đây có thể là một công trình nghiên cứu vì không chỉ tuyển chọn các truyện cười của từng tác giả như một vài tập truyện cười khác, mà có bài viết giới thiệu thân thế tác giả, phân tích, bình luận tác phẩm của từng người.

Không chỉ dừng ở đấy, “Làng cười Hà Nội” còn có nhiều bài nghiên cứu, phê bình, lý luận về thể loại hài hước hiện đại. Điều này nói lên rằng chính “Làng cười Hà Nội” đã đặt nền móng cho sự nghiên cứu thể loại này. Ngay bản thân những nhà nghiên cứu phê bình chuyên nghiệp thì chỉ bàn luận về truyện cười truyền thống (vì đã có những cây đa cây đề trong văn học bàn rồi), chứ không bước chân vào mảnh đất hoang sơ truyện cười hiện đại. Chính “Làng cười Hà Nội” đã đặt viên gạch đầu tiên cho nền móng của thể loại này.

Xét về khía cạnh phê phán thì truyện cười của hai tác giả này phần lớn phê phán những thói hư tật xấu mang tính đời thường. Còn truyện cười của Nguyễn Đoàn mang tính xã hội nhiều hơn. Nguyễn Đoàn có cái cười hóm hỉnh nhưng cũng đầy chất suy tư. Anh là người chịu ảnh hưởng nhiều của Adít Nêxin cả về phong cách gây cười cũng như kết cấu câu chuyện (mặc dù anh cũng thành thạo tiếng Trung Quốc), đó là tình tiết câu chuyện diễn biến chậm, con cà con kê mãi rồi mới thấy cười.

Đã một thời gian dài người ta không thấy Nguyễn Đoàn xuất hiện trên tiếu trường, do bạn bè động viên, gần đây anh cho ra mắt cuốn “Nghịch lý đời thường”, các câu chuyện là những sự việc diễn ra trong thực tế, truyện giống hệt các bản tin thông tấn, nhiều chi tiết chính xác 100%. Anh để hai nhân vật mang tính dân gian là Bờm và Cuội chu du suốt chặng đường thiên lý nên đã gây cảm giác nhàm chán. Có điều đáng mừng là thời gian gần đây một số truyện của anh đăng trên báo “Lao động cuối tuần” đã ít nhiều lấy lại được cái duyên hài hước trước kia, cô đọng hơn, bớt dài dòng văn tự, điều này cũng do bạn bè trong “Làng cười Hà Nội” góp ý.

Nhân dịp tiến tới kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long, “Làng cười Hà Nội” đang chuẩn bị cho ra mắt cuốn “Chân dung làng cười Hà Nội” giới thiệu gương mặt và tác phẩm của những “cây cù” đương đại đất Thăng Long, chứ không phải chỉ tập hợp những truyện cười dân gian ở một vùng rồi in thành sách như có nơi đã làm. Cuốn sách này ra đời sẽ góp vào một nét văn hóa của đất Hà thành

Trần Dĩ Hạ
.
.