Lần duy nhất “gặp” Nguyễn Minh Châu

Thứ Tư, 21/01/2009, 10:00
Tối hôm ấy, sau khi làm mấy chén "cuốc lủi" ở hàng nước, Huấn xuất thần nảy ra "sáng kiến" đến thăm ông Châu. Hắn đã đến nhà ông vài lần. Tôi bốc đồng, giục hắn ngồi lên sau xe rồi cắm cổ đạp. Trong đầu nghĩ bây giờ chỉ cần nhìn thấy ông Châu, ngồi ngắm ông nói chuyện với thằng bạn dạn dĩ này cũng đủ sướng.

Vào khoảng từ năm 1982 đến 1985, khi còn ở Hà Nội, thỉnh thoảng tôi lại đến thăm anh Hà Trì. Anh Hà Trì là họa sĩ trình bày của tạp chí Văn nghệ quân đội. Nhà anh trong khu tập thể bộ đội đầu phố Ông Ích Khiêm, cùng khu với nhà văn Nguyễn Minh Châu.

Ngồi uống nước nói chuyện với anh Trì ở bên nhà, nhưng thỉnh thoảng tôi lại chợt bắt gặp tâm trí mình đang lang thang đi tìm ông Châu! Lang thang trong tưởng tượng thôi, chứ ở ngoài đời tôi chưa dám đường đột đến gặp ông lần nào.

Tôi "mê tín" Nguyễn Minh Châu vào loại nhất. Dường như ông đi đâu, làm gì, ông vừa xuất hiện ở chỗ nào, cái gì ông vừa in, cái gì ông đang viết…, tôi đều biết khá rõ. Biết ông đang ở gần ngay đâu đây, trong một căn phòng nào đó. Cái "từ trường" quá mạnh của ông khiến tôi phân tâm.

Cuối năm 1985, tôi rụt rè đưa cho nhà văn Lê Lựu một cái truyện ngắn mới viết. Nhà tôi gần nhà Lê Lựu. Ông Lựu coi tôi như chú em thân thiết từ lâu, nhưng khi đưa truyện cho ông đọc thử, tôi vẫn ngại. Tiểu thuyết "Thời xa vắng" của ông đang nổi như cồn; tôi mới ti toe vài truyện ngắn in báo - tôi là cái đinh!

Lê Lựu thản nhiên nhét bản thảo của tôi vào túi rồi bảo: "Văn nghệ Quân đội đang thi truyện ngắn. Mày gửi dự thi cái này nhé?”. Tôi tá hỏa: "Ôi anh! Em đưa anh đọc thử thôi"… "Tao đọc của mày làm gì" - Lê Lựu sẵng - "Truyện nào gửi đến tao cũng đưa hết cho ông Châu". Tôi lại càng hoang mang, mặt nghệt ra. Nhưng chả lẽ đòi lại cái bản thảo? Lê Lựu trấn an: "Ông Châu đọc, không bằng mấy tao ấy à"?

Sau những ngày vừa thấp thỏm vừa hối hận vì đã trót sùy ra cái truyện ngớ ngẩn của mình, một buổi tối Lê Lựu lò dò sang nhà tôi, mặt mũi phớn phở:

- Xong rồi, xong rồi. Ông Châu bảo…

Tôi điếng người. Như mọi lần, hai anh em kéo nhau ra cái quán nước ngoài phố. Lê Lựu ăn chuối tiêu với lạc rang (món khoái khẩu của ông). Còn tôi thì nhấm nháp những nhận xét của ông Châu về cái truyện của tôi do ông kể lại. Chả biết bao nhiêu phần trăm ông Châu bao nhiêu phần trăm ông Lựu.

Ít lâu sau có người rủ tôi đến thăm Nguyễn Minh Châu. Người ấy là Trần Quốc Huấn. Huấn là bạn học của tôi từ hồi ở phổ thông, lên đại học mỗi đứa học một trường. Huấn học Tổng hợp Văn, ra trường về công tác ở Viện Văn học. Hắn đã từng tiếp xúc với Nguyễn Minh Châu và hình như còn có cả bài viết về ông trên tạp chí Nghiên cứu Văn học. Sau này hắn chính là người được giải Nhất cuộc thi truyện ngắn của Văn nghệ Quân đội mà Lê Lựu đã nói với tôi ở trên.

Tối hôm ấy, sau khi làm mấy chén "cuốc lủi" ở hàng nước, Huấn xuất thần nảy ra "sáng kiến" đến thăm ông Châu. Hắn đã đến nhà ông vài lần. Tôi bốc đồng, giục hắn ngồi lên sau xe rồi cắm cổ đạp. Trong đầu nghĩ bây giờ chỉ cần nhìn thấy ông Châu, ngồi ngắm ông nói chuyện với thằng bạn dạn dĩ này cũng đủ sướng.

Nhưng đến trước cổng khu tập thể số 3 Ông ích Khiêm thì hình như hơi men trong người đã nhạt. Chiếc xe đạp hết đà, từ từ dừng lại. Trời bỗng mưa lâm râm. Chúng tôi dắt xe vào cổng, tìm đến trước cửa căn hộ của ông. Khung cửa sổ vẫn sáng đèn.

Trong phòng, nhà văn Nguyễn Minh Châu mặc may ô ba lỗ đang lom khom trước màn hình tivi. Hai mắt ông nheo nheo. Cái tivi đen trắng có vẻ nhiều "muỗi" vì nhiễu sóng. Chẳng biết ông đang xem gì nghe gì, nhưng rất chăm chú. Chỉ cần một tiếng động nhỏ lúc này cũng có thể khiến ông giật mình.

Tôi khe khẽ dựng chân chống xe, rồi kéo Huấn đứng nép vào bụi chuối. Lúc này Huấn cũng chẳng hơn gì tôi. Chúng tôi cứ đứng như thế cho đến lúc mưa ướt tóc, cung cách như hai thằng… gián điệp. May mà không có ai trong khu tập thể nhìn thấy. Lát sau, cả hai thằng lại len lén dắt xe ra cổng. Rượu đã hả hoàn toàn. Đột nhiên cảm thấy buồn vô hạn…

Cuối năm 1986 tôi chuyển cả gia đình vào Vũng Tàu.

Vài năm sau, nghe tin Nguyễn Minh Châu bị trọng bệnh, nằm chữa thuốc ở một ngôi chùa trong Nam không khỏi, đưa ra Hà Nội đến đầu năm 1989 thì ông mất.

Tôi chẳng còn cơ hội nào để được gặp ông. Lần "gặp" kể trên là lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng.

Hồi trẻ mình là kẻ nhát khổ nhát sở đã đành, nhưng bây giờ ngoài năm mươi rồi mà xem ra vẫn chẳng dạn dĩ hơn bao nhiêu. Thấy nhiều người hôm nay ra vào ngôi đền văn chương một cách tự tin, nhẹ nhàng phơi phới như đi chơi, thú thật mình phục sát đất

Trần Đức Tiến
.
.