Ý kiến ngắn

Làm sao mở miệng ăn tiền

Thứ Năm, 15/03/2012, 08:00
Một chương trình thực tế trở nên có giá trị khi tính tương tác được đặt lên hàng đầu. Xoay quanh thí sinh tham dự, hai thành phần tạo quyết định tính tương tác là khán giả và giám khảo. Thôi thì tạm chấp nhận khán giả Việt theo tiêu chí nhiệt tình. Còn giám khảo Việt quả thật nhiều bất cập...

Dù kinh tế chưa có dấu hiệu khởi sắc hơn, nhưng các chương trình truyền hình thực tế vẫn háo hức chuẩn bị phát sóng. Chứng tỏ nhu cầu khán giả với thể loại giải trí này vẫn tương đối cao, và sắc màu chủ đạo trên màn ảnh nhỏ vẫn nặng về hát ca nhảy múa. Gần như có một cuộc chạy đua ngấm ngầm giữa các công ty quảng cáo, nhằm triệt để mua bản quyền và Việt hóa những sân chơi kiểu phương Tây cho công chúng Việt thêm phần sảng khoái, dù hiệu quả thẩm mỹ và giáo dục chưa biết đi đâu về đâu!

Sau màn dạo đầu ngoạn mục của "Việt Nam Idol" - Thần tượng âm nhạc, "Việt Nam Next Top Model" - Người mẫu Việt Nam, "Vietnam's got talent" - Tìm kiếm tài năng, "Cặp đôi hoàn hảo"... thì giới mộ điệu hào hứng ở nước ta lại hồi hộp chứng kiến sự xuất hiện của "Giọng hát" phiên bản từ "The voice of Ameria" và "Hợp ca tranh tài" phiên bản từ "Clash of the Choirs". Nghĩa là người xem truyền hình hôm nay bật kênh này lên thấy váy ngắn, thì ngày mai bật kênh khác lên sẽ thấy chân dài. Và những nghệ sĩ vốn không nhiều sáng tạo nghệ thuật, quanh quẩn chỉ vài gương mặt nửa hời hợt nửa kiêu hãnh, lại có nhiều dịp phô diễn son phấn lộng lẫy đến mọi nhà, đến mọi người.

Trong quá trình hội nhập, những người làm truyền hình nước ta không cần đầu tư nhiều chất xám vẫn thong dong phủ sóng rộn ràng tất cả các kênh. Bởi lẽ, chỉ nghe ngóng và khai thác lại các chương trình thực tế của thiên hạ cũng đủ làm trăm hồng ngàn tía những tiết mục giải trí. Ngoài định dạng giống như nguyên bản, vài thay đổi kỹ thuật cũng đã có bạn bè quốc tế nghĩ giùm. Ví dụ, "Bước nhảy hoàn vũ" sau hai năm rập khuôn "Dancing with the star" kiểu Anh thì năm nay hướng theo kiểu Mỹ. Tuy nhiên, khoảng cách giữa Biên bản Việt và chương trình gốc vẫn hơi xa nhau về tính tương tác. Nếu có chút ngoại ngữ để xem truyền hình nước ngoài, sẽ cảm nhận đầy đủ sự hấp dẫn và sự thuyết phục. Vậy nguyên nhân các phiên bản Việt lúng túng và rời rạc nằm ở đâu?

Một chương trình thực tế trở nên có giá trị khi tính tương tác được đặt lên hàng đầu. Xoay quanh thí sinh tham dự, hai thành phần tạo quyết định tính tương tác là khán giả và giám khảo. Thôi thì tạm chấp nhận khán giả Việt theo tiêu chí nhiệt tình. Còn giám khảo Việt quả thật nhiều bất cập. Ban giám khảo hoặc hội đồng thẩm định, ngoài khả năng chuyên môn phải có trình độ nói trước đám đông. Những nhân vật chăm chỉ lên truyền hình hầu như chỉ dừng ở mức đẩy đưa và vớt vát tình huống. Sắp tới đây, những nhân vật tiếp chắc cũng không ai dám bảo đảm có thể tránh khỏi tình trạng ấp a ấp úng trước đôi mắt ngày càng khắt khe hơn của công chúng.

Nghệ sĩ Việt vốn ít diễn đàn, lại ít trau dồi năng lực tư duy độc lập, do vậy khi phải đưa ra đánh giá gì thì đều lấn cấn và bông phèng. Phải chăng, "ngậm miệng ăn tiền" bao giờ cũng đơn giản hơn "mở miệng ăn tiền"!

Lê Thiếu Nhơn
.
.