Làm phim về nghệ nhân hát xẩm cuối cùng của thế kỷ XX

Thứ Ba, 06/09/2011, 08:00

Tên tuổi nghệ nhân Hà Thị Cầu đã trở nên khá quen thuộc với đông đảo công chúng yêu thích môn nghệ thuật hát xẩm. Để ghi dấu cuộc đời của nhân vật đặc biệt này, đạo diễn Lương Đình Dũng đã quyết định làm một bộ phim ngắn, dài 35 phút về cụ Hà Thị Cầu, nghệ nhân hát xẩm cuối cùng của thế kỷ XX.

Không lời thoại, không lời bình, chỉ có nhân vật chính độc thoại. Nhân vật chính, một cụ già năm nay đã ở tuổi cửu thập cứ thủng thẳng nói một mình, thỉnh thoảng lại hát vài câu, lời hát cũng đồng thời là lời tâm sự của cụ về một cuộc đời vất vả, gian truân của chính mình. Đạo diễn Lương Đình Dũng đã làm một bộ phim như thế về một người hát xẩm, một nhân vật thật ấn tượng đối với anh, nghệ nhân hát xẩm Hà Thị Cầu.

Cụ Hà Thị Cầu năm nay đã bước sang tuổi 95, nhưng giọng hát của cụ thì có lẽ ai đã một lần nghe đều không thể quên. Cụ Cầu đã được trao giải thưởng Đào Tấn, giải thưởng dành cho những người có nhiều đóng góp trong việc gìn giữ vốn quý nghệ thuật dân tộc. Cụ từng được tôn vinh là "báu vật nhân văn sống", "người hát xẩm cuối cùng của thế kỷ XX".

Bắt đầu vào phim là hình ảnh của nhóm thanh niên hát rong trên phố cổ Hàng Bạc. Họ hát với loa thùng xách tay và xin tiền của những người qua phố. Đạo diễn đã vào phim như thế để cho người xem thấy rằng: Hình như có ai đó đã quên một bộ môn là nghệ thuật hát xẩm.

Xuyên suốt bộ phim là cách thực hiện đan xen lúc hát, lúc nói cởi mở, lúc thì buồn, lúc thì hài hước, bỗ bã của nhân vật chính, lúc như độc thoại, lúc thì như như đang tâm sự với ai đó… Thỉnh thoảng lại đan xen những câu hát như những tâm sự từ chính cõi lòng: "Nắng mấy mưa lội suối trèo đèo/ Đắng cay tủi nhục vẫn nghèo xót xa/ Bơ vơ nào có biết nhà là đâu/ Biển trời con ơi ảm đạm một màu/ Cha con bồng bế bước mau/ Ới con ơi âm thầm cuộc sống tha phương/ Lạc loài đất khách khói sương quê người/ Kể ra càng cay đắng xót xa".

Cụ Hà Thị Cầu cũng đã phải trải qua một quãng đời vất vả, gian truân như thế. Năm 16 tuổi, cụ lấy chồng, đến 17 tuổi thì sinh con. Cụ sinh nở cả thảy 3 lần. Vào năm đói kém, phải cho đi một người. Những lời hát như réo rắt từ cõi lòng cụ: "Mẹ mới có thai kể từ một ân thì con ơi mẹ mới có thai. Âm dương nhị khí để nào ai biết gì. Nơi trong lòng thì con ơi mẹ chịu sầu bi. Trong lòng con ơi mẹ chịu sầu bi. Mẹ thời cay đắng, vất vả, mẹ thời héo hon, bữa cơm ăn không biết miếng ngon. Con ơi lòng mẹ chua xót về con đêm ngày".

Với môn nghệ thuật xẩm, lời hát thường buồn, nhưng xem phim, ta thấy hình ảnh một bà cụ quê, áo nâu, khăn mỏ quạ, hàm răng đen nhánh, giọng nói thì dí dỏm, cũng có lúc tưng tửng, rồi ngúng nguẩy, cử chỉ thật hồn nhiên. Xem phim, độc giả chắc cũng sẽ rất thích thú với bài hát xẩm có nội dung nghe có vẻ "ngược đời": "Chạch mấy chấu thời cắn cổ ba ba. Một lũ chị đàn bà đuổi bóp vú đàn ông. Người nằm xuống để cho lợn cạo lông. Một chục quả hồng nuốt bà lão tám mươi. Nắm xôi chim nuốt thằng bé lên mười. Con gà chai rượu để nuốt người lao đao. Lươn nằm để cho ống lùa vào. Một đàn cào cào đuổi đớp cá rô. Thóc giống đương giữ chuột trong bồ. Lòng đong cân cấn để mổ cò xôn xao. Thớt kia mày định nghiến con dao. Một đàn con cóc chực đớp ông sao trên giời".

Đạo diễn Lương Đình Dũng và nghệ nhân Hà Thị Cầu.

Với 1.200 phút quay, chắt đọng lại chỉ còn 35 phút là một việc làm cực kỳ khó nhọc của cả đoàn làm phim. Nhưng với đạo diễn Lương Đình Dũng, anh thật sự ấn tượng và thấy hài lòng về bộ phim mà mình đã bỏ nhiều công sức.

Ở cái tuổi "cửu thập", tiếng hát tuy vẫn còn trong, lời hát tuy vẫn còn réo rắt, nhưng cái trí nhớ lúc nhớ lúc quên của cụ Cầu đã khiến đoàn làm phim phải rất vất vả. Đạo diễn Lương Đình Dũng chia sẻ: Hôm đầu tiên anh đến gặp cụ Cầu để đề nghị làm phim, anh đã bị cụ "choảng" cho một câu: "Hát gì, ai biết hát đâu mà nghe hát". Rồi cụ ngúng ngẩy quay đi không tiếp chuyện.

Ý định ban đầu của đạo diễn là: Phim được bắt đầu bằng việc những nhà làm phim đi theo cây nhị và khám phá ra nghệ thuật hát xẩm. Trong khi đó, cụ Cầu thì cứ quầy quậy, lúc thì hợp tác, lúc lại không đồng ý cho quay. Có lúc cụ còn khóc. Cụ bảo, cụ khóc về cuộc đời cụ bao vất vả gian truân.

Chính vì thế bộ phim đã bị xoay chuyển dần theo câu chuyện thực tế. Đạo diễn Lương Đình Dũng chia sẻ: "Bản thân con người cụ Cầu rất hay, giọng hát hay, cuộc đời thì vô cùng ly kỳ, nhưng cụ lại hay quên. Cũng có lúc đang quay đến cao trào thì cụ Cầu ho. Cụ bảo "Đứt hơi lúc nào không biết đâu con ạ", khiến cho cả đoàn làm phim rất lo".

Chợ quê, con đường lầy lội, những gian hàng tuềnh toàng và những người nông dân lam lũ… Chiếu xẩm của cụ Cầu trải giữa chợ, khi những lời hát nỉ non được cất lên cũng là lúc cả chiếu xẩm đông vui. Người ta xúm lại xung quanh để nghe cụ Cầu hát. Lời hát xẩm thì buồn nhưng không gian của phim lại bừng sáng, tiếng nói tiếng cười ríu rít của những người đi chợ, không khí đông đúc của buổi chợ quê. Để có những cảnh tượng thực như thế này, đạo diễn và đoàn làm phim đã phải chờ. Cảnh phim phải chờ đến phiên chợ quê họp, lúc ấy chợ mới đông đúc. Mà chợ quê thì họp từng phiên, một tháng có khi chỉ họp vài lần, rồi phim cũng cần đến hoa gạo mùa hè, rồi lại chờ đến chợ quê mùa rét, hay cần mưa thì phải đợi trời mưa, hay để có được cảnh trẻ con chơi bọ xít, những cảnh tượng rất đỗi quê mùa ấy, ất cả đều phải chờ đúng người thực, cảnh thực, mới tạo nên sự hấp dẫn thực sự của bộ phim.

Với 35 phút thì phim chưa thể nói hết được mọi góc cạnh của cuộc đời nghệ nhân Hà Thị Cầu. Đạo diễn Lương Đình Dũng tâm sự: "Chị Mận, con gái cụ Cầu kể một chuyện rất hay: Cuộc đời hát xẩm của cụ gắn với cây đàn nhị. Cây đàn này đã theo cụ 50, 60 năm nay. Khi người ta ngỏ ý mượn cây đàn để đưa vào bảo tàng trưng bày, thì bỗng nhiên cụ ốm thập tử nhất sinh. Chị Mận đành phải xin lại cây đàn mang về. Thế là ngay sau đó, tự dưng cụ khỏi ốm...".

Thời gian trong phim không được nhắc đến, nhưng xem phim, người ta có thể cảm nhận được thông qua con đường từ Yên Mô (quê hương của cụ Cầu), từ khi nó còn là đường đất bụi mù mịt, rồi được rải sỏi, sau đó là tráng nhựa, hay cũng có thể cảm nhận thời gian từ âm thanh: tiếng nhị của bà Cầu khi réo rắt, lúc nghịch ngợm, và đến không gian xế chiều là sầu não.

"Tôi không muốn đem lời bình vào phim này, bởi tôi muốn để dành phần đó cho khán giả. Câu chuyện về cụ Cầu là một cuộc đời thật, khi xem người xem sẽ tự bật lên những cảm nhận của mình về người hát xẩm cuối cùng của thế kỉ XX ấy. Tôi chỉ muốn nói rằng cụ Cầu là một nhân vật rất hay… Hơn nữa, tôi muốn cho người xem thấy hình ảnh một nghệ nhân 95 tuổi với giọng hát "vô cùng hiếm", báu vật sống của nghệ thuật xẩm. Có người bảo xẩm là hát đường hát chợ, nhưng nếu bạn lắng nghe ca từ của bài Thập Ân… sẽ thấy nghệ thuật xẩm rất cao quý và nhân văn. Nếu tôi dùng lời bình và cố tình sắp đặt lộ liễu nhiều chi tiết thì bộ phim này sẽ có thể bi hơn, ảm đạm hơn và dễ xem hơn, như vậy phim sẽ sang hướng kể về nhân vật và cuộc đời nhân vật nhiều hơn. Nhưng chủ ý của tôi ở đây không phải vậy… Tôi đặc biệt ấn tượng khi thấy bàn chân sần của cụ Cầu đặt lên cây nhị và cụ kéo vút lên…".

Kết thúc phim, tác giả dùng hình ảnh so sánh. Đó là hình ảnh một đoàn ca nhạc trẻ ôtô với loa to quảng cáo ầm ầm chạy qua trước cổng nhà cụ Cầu, và hình ảnh một mình cụ đang đứng nhìn theo rất hồn nhiên để nói lên một điều rằng: Người hát xẩm hình như đã bị lãng quên. Và xen lẫn trong tiếng nhạc, vẫn là lời hát buồn man mác: "Mặt nước cánh bèo, bấy lâu nay mặt nước cánh bèo. Đã từng lưu lạc, đã từng lưu lạc để nhiều điều vất vả gian truân. Ông trời cao có thấu tình chăng. Trời mấy cao có thấu tình chăng. Đời người mấy lúc, đời người mấy lúc vất vả gian truân, chứ thiếp tôi. Tôi thì hiền về, liệu bảy lo ba. Bên chồng cũng nặng, bên cha cao dày. Thế cho nên một mình tôi lo lắng cả đêm ngày…

Gần một thế kỷ đời người, 84 tuổi nghề, giọng hát ấy vẫn còn réo rắt, trong veo, làm say lòng tất cả những ai yêu thích môn nghệ thuật hát xẩm. Hy vọng, bộ phim sẽ là niềm an ủi người nghệ nhân đáng kính này.

Với tên phim "Xẩm đỏ", đạo diễn Lương Đình Dũng muốn gửi tới khán giả một thông điệp: Xẩm là một môn nghệ thuật độc đáo. Xẩm sẽ bị mai một nếu chúng ta không gìn giữ. Lương Đình Dũng cho biết, nếu có cơ hội, anh cũng sẽ giới thiệu bộ phim này ra với bạn bè quốc tế để họ biết đến nghệ thuật hát xẩm của Việt Nam

Ngô Thị Chuyên
.
.