Lại chuyện “Lập lờ đánh lận...”

Thứ Sáu, 21/08/2009, 15:00
Sau khi bài viết "Sự vô trách nhiệm hay tội gắp lửa bỏ tay người" của tôi được đăng trên Chuyên đề Văn nghệ Công an số ra ngày 15/6/2009 (sau đó được tải trên Báo Công an nhân dân điện tử), ngày 8/7/2009, ông Trần Hữu Dũng (hiện định cư tại Mỹ) cũng đã cho tải lên trang web của mình bài viết này.

Để rồi sau đó ít ngày, ông lại cho tải thêm một tư liệu mà ông gọi là "Tư liệu đặc biệt" với đôi lời phi lộ như sau: "Nhân dịp Báo Công an nhân dân ngày 6/7/2009 có đăng "Sự vô trách nhiệm hay tội gắp lửa bỏ tay người" phản bác lại ý kiến của tác giả Lữ Phương (và vài người khác) về Chủ tịch Hồ Chí Minh, tác giả Lữ Phương nhờ viet- studies đăng một số tư liệu dưới đây mà Lữ Phương sưu tầm từ nguồn của Đảng để "tặng Báo Công an nhân dân".

Thì ra, đó không phải là bài viết phản bác lại bài viết của tôi của tác giả Lữ Phương (như tôi nghĩ) mà là bản thông báo của Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam về một số vấn đề liên quan đến Di chúc và ngày qua đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh (là điều đã được Đảng công bố rộng rãi tới đông đảo đồng bào chiến sĩ cả nước từ hai chục năm trước).

Tác giả Lữ Phương muốn đưa tài liệu này ra "Tặng báo Công an nhân dân" như một cách phản ứng gián tiếp, rằng điều tôi (và báo Công an nhân dân) phê phán ông viết không đúng sự thật về Di chúc Bác Hồ là không chính xác, rằng nội dung ông đưa ra cũng chính là điều mà trước đó, Bộ Chính trị Đảng cộng sản Việt Nam đã công khai thừa nhận.

Phải nói rằng, ông Lữ Phương đã dùng "xảo thuật" khi chọn cách phản ứng như thế này. Nó làm người ta có cảm tưởng ông không đôi co bằng lời mà để tự thân tài liệu chứng minh "sự thật khách quan"? Và cách phản ứng kiểu ấy của ông Lữ Phương không phải không ít nhiều phát huy "tác dụng", nhất là với những người không thật thuộc Di chúc của Bác Hồ. Họ có thể cho rằng cả tác giả bài viết lẫn báo Công an nhân dân đều "hớ" khi vội quy kết ông Lữ Phương sai, rằng điều ông Lữ Phương nói về tâm nguyện của Bác là hoàn toàn đúng với bản Di chúc Bác viết các năm 1965, 1968 (không phải bản được công bố chính thức năm 1969).

Vậy sự thật đúng - sai thế nào?

Để bạn đọc hiểu thêm về trò "lập lờ đánh lận..." của ông Lữ Phương, chúng tôi xin nhắc lại một số điểm chính trong bài viết đã in của mình như sau:

Bài viết có nêu 6 điểm sai lạc, một phần do cẩu thả, một phần do cố tình bóp méo, xuyên tạc sự thật của các ông Đào Hiếu, Tô Hải, Lữ Phương về cuộc đời, tư tưởng, đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sau khi báo phát hành đến nay, chúng tôi chưa nhận được phản hồi trực tiếp nào từ các tác giả được nêu (thiết nghĩ, họ cũng không thể phản bác được bởi sự thật, những tư liệu đưa ra để chứng minh sự sai lệch trong cách đánh giá, nhìn nhận vấn đề của họ đều là những tư liệu chuẩn, được in trên các sách báo chính thống, và là của chính những người trong cuộc).

Trong ảnh: Một trang Di chúc của Bác Hồ và cuốn sách của đồng chí Vũ Kỳ viết về Người.

Riêng về trường hợp ông Lữ Phương, người viết bài này có nêu 2 tình tiết.

Tình tiết thứ nhất: Ông Lữ Phương nói Báo Văn nghệ cách đây vài năm có đăng một câu chuyện của đồng chí Vũ Kỳ - Thư ký riêng của Bác, cho thấy vị Chủ tịch Đảng, Chủ tịch Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa hoàn toàn bị bưng bít thông tin, chỉ biết ngày giờ cuộc Tổng tấn công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968 nổ ra "qua đài phát thanh nghe được ở nơi ông được gửi đi nghỉ là Bắc Kinh...". Tôi nói đây là "một nhận xét vô căn cứ", là một "suy diễn tầm bậy", là vì trên các số báo Báo Văn nghệ mà ông Lữ Phương nhắc tới, tôi không hề tìm thấy bài viết nào có nội dung như vậy. Hơn nữa, trên một tờ báo khác, đích thân ông Vũ Kỳ đã kể lại sự việc này và với tinh thần khác hẳn.

Tình tiết thứ hai: Ông Lữ Phương cho rằng, trong Di chúc cuối cùng, Chủ tịch Hồ Chí Minh có nguyện vọng "muốn được hỏa táng và đem tro rải xuống biển hoặc chôn vào một vùng đất nào đó". Đúng là, Bác Hồ có ý nguyện sau khi mất, thi hài Bác được hỏa táng, và tro xương thì được chôn trên đồi (theo các bản Di chúc Bác viết ngày 15/5/1965 và năm 1968), song không có chỗ nào Bác nói Bác muốn được "đem tro rải xuống biển" như ông Lữ Phương nói cả.

Thiết nghĩ, với Di chúc của một lãnh tụ như Bác thì không thể được phép nhớ à uôm như vậy. Càng không thể như ông nhạc sĩ Tô Hải đã viết, rằng Bác yêu cầu "dưới chân đồi nên dựng một túp lều để nhỡ có bà con nào nhớ đến bác tới thăm thì có chỗ nghỉ chân". Sự thật, về vấn đề này, trong Di chúc Bác viết là "Trên mộ, nên xây một cái nhà giản đơn, rộng rãi, chắc chắn, mát mẻ để những người đến thăm viếng có chỗ nghỉ ngơi".

Nói cho đúng thì không phải ông Lữ Phương không biết tôi phê phán ông là phê phán sự sai lạc trong đoạn trích nói trên, song ông cố tình đánh tráo khái niệm, làm như thể tôi chỉ biết duy nhất có một bản Di chúc của Bác được công bố tháng 9 năm 1969, và chỉ dựa vào bản đó để phê phán ý kiến của ông. Vả chăng, ngay cuốn sách "Bác Hồ viết Di chúc" của ông Vũ Kỳ (do NXB Thuận Hóa ấn hành năm 2005) mà chúng tôi cho chụp hình in kèm bài viết cũng có nêu đầy đủ nội dung mà ông Lữ Phương gọi là "Tư liệu đặc biệt" rồi, chẳng cần ông phải gửi "tặng Báo Công an nhân dân" nữa.

Nhân nhắc tới trường hợp ông Tô Hải, cũng xin kể thêm với bạn đọc một đôi việc: Sau khi Chuyên đề Văn nghệ Công an số ra ngày 18/5/2009 có đăng bài "Làm sao nói thay cho mọi người" của tôi phê phán việc ông Tô Hải "trực tiếp cho phát tán những bài viết với lời lẽ đầy hằn học, thóa mạ quá khứ, thóa mạ chế độ cùng những nhân vật mãi mãi là niềm tự hào và yêu kính của dân tộc ta", trong bài "Tuần kí số 5 B", ông Tô Hải đã có những lời chửi bới, rủa sả phải nói là ngoa ngoắt, cay nghiệt, hiếm gặp ở một người làm nhạc, lại đã ở tuổi ngoại bát tuần.

Điều lạ là lời lẽ cay nghiệt, hằn học thế, nhưng khi đi vào chi tiết, ông Tô Hải chẳng những không trích dẫn ra được đoạn nào cho nên đầu nên đũa (từ bài viết của tôi) mà còn đưa ra những ý kiến không hề có trong bài viết (mà thực tình tôi cũng không biết là... của ai). Ngay cả tên tôi (Trần Thiên Lương) đã được ông ghi ra là Thiện Lương, rồi từ đó ông chửi bới, thóa mạ bằng cách chơi chữ, gọi tôi là "tên Ác Lương" (trong khi trong bài viết, mặc dù phê phán thẳng thắn, nghiêm khắc, song tôi vẫn một điều "ông Tô Hải", hai điều "nhạc sĩ Tô Hải").

Ngay đoạn mở đầu, ông cho biết: "Cái tên "Ác Lương" đó đã vu cáo cho tôi là "tác giả cho tải lên" (có lẽ là để chuẩn bị một "đòn đánh" nặng hơn gì đây? Chứ tôi nào có là giám đốc các Đài này mà cho tải lên Đài của họ). Sự thực 5 chữ "tác giả cho tải lên", ở nguyên bản bài báo tôi viết là "tác giả cho tải trên một số trang web". "Tải trên" khác với "tải lên", và "tải trên một số trang web" khác với "tải lên Đài của họ" chứ. Chỉ có mấy chữ rành rành như thế mà đã sai đến thế rồi, thử hỏi tranh luận nữa làm gì?

Với một bài viết dài tới trên 2.000 chữ, ngoài việc trích dẫn dăm ba chữ (mà lại chưa thật chính xác) nói trên, ông Tô Hải tịnh không một đoạn nào trích dẫn lời của tôi nữa. Nói đúng hơn, ở cuối bài ông có viết: "Đừng có bịt miệng, cầm sẵn còng số 8, rồi một mình lên án, bịa đặt, cắt xén, xuyên tạc để rồi tự do kết tội "phản động", "gián điệp", "làm tay sai, ăn tiền của các thế lực thù địch, chống phá nhà nước"... hoặc nhẹ hơn cũng là "thành phần phức tạp", "gia đình họ hàng theo địch" "bất mãn", bị "đuổi ra khỏi Đảng", khỏi cơ quan, "ăn cắp xe đạp", "chuyên đi buôn lậu, trốn thuế...", chưa bao giờ là nhạc sĩ, văn hóa lớp hai cũng học đòi viết văn làm nhạc", song tôi đọc mà hết sức ngạc nhiên, không hiểu những dòng, những chữ được cho trong ngoặc kép này được ông Tô Hải nhặt ra từ đâu, ở dòng nào, đoạn nào trong bài viết của tôi.

Tất nhiên, trong những ý ấy, những nhận xét ấy, không phải không có một ý nào đó đã nói đúng thái độ cũng như việc làm hiện nay của ông Tô Hải đối với Tổ quốc mình, nhưng bảo nó là những ý, những lời trong bài viết của tôi thì - hoàn toàn không! Bài báo của tôi in trên Văn nghệ Công an số ra ngày 15/6/2009, gần đây thôi. Bạn đọc (và cả ông Tô Hải) hoàn toàn có thể kiểm tra lại xem có thật tôi đã viết như vậy?

Chưa dừng ở đấy, trong bài "Tuần kí số 11" được ông Tô Hải chấp bút và cho tải lên blog của mình cách đây ít ngày, ông còn thêm lần trở lại vấn đề này khi nhờ bạn đọc của trang web Trần Hữu Dũng sửa cho ông một số lỗi sai trong cuốn "Hồi ký của một thằng hèn" được tải trên đó với nhận xét: "Tuy nó chỉ vặt vãnh thôi nhưng không thiếu kẻ xấu lợi dụng nó để chửi tớ là "chữ nghĩa chưa rành đã bầy đặt viết văn" cho mà xem (báo Văn Nghệ Công An đã cho tên Thiện Lương nào chửi tớ về điểm này rồi)".

Xin thưa, Trần Thiên Lương tôi đây (chứ không phải Thiện Lương) xin hỏi quý nhạc sĩ Tô Hải rằng, chẳng hay đoạn trích dẫn trên nó nằm ở cột nào, khúc nào trong bài? Trần Thiên Lương không phê phán nhạc sĩ Tô Hải "chữ nghĩa chưa rành đã bầy đặt viết văn" mà phê phán ông đã đưa ra một nhận định sổ toẹt nhiều đóng góp lớn lao của những văn nghệ sĩ tên tuổi cho nền văn học nước nhà.

Nguyên văn đoạn này là: "Những nhận xét của ông Tô Hải về một số tác giả văn học chứng tỏ vốn hiểu biết của ông ở khía cạnh này khá là mỏng mảnh. Chưa kể, những đánh giá, nhận xét của ông mang nặng màu sắc chính trị hơn là khách quan nhìn nhận trên cơ sở học thuật". Vậy đó, tôi phê ông Tô Hải là phê ở kiến văn, cao hơn thế, ở thái độ sống, ở cái tâm của người viết, chứ đâu phải chỉ ở một đôi chữ nghĩa "vặt vãnh".

Theo tôi nghĩ, những điều tôi vừa đưa dẫn không phải các ông Lữ Phương, Tô Hải "đãng trí" không nhớ ra. Chẳng qua là các ông muốn "lập lờ đánh lận..." để phi tang những sai sót rành rành của mình đó thôi

Trần Thiên Lương
.
.