Kỷ lục về sự "khó đọc" và "khó dịch"

Thứ Ba, 11/11/2014, 08:00
Với nhà văn Ireland James Joyce (1882-1941), người được xem là một trong những tiểu thuyết gia vĩ đại nhất thế kỷ XX, bản thân ông cũng đóng góp vào kho tàng văn học nhân loại những kiệt tác thuộc loại rất kén người đọc (và đương nhiên là khó dịch). Tiểu thuyết "Finnegans Wake" của Joyce nổi tiếng khó đọc ngay cả trong nguyên bản tiếng Anh. Trước đó, kiệt tác "Ulysses" của Joyce cũng được coi là vĩ đại nhưng "rất khó đọc và khó dịch"...

Ngày 30/10/2014, tại lễ ký kết hợp tác dịch văn học giữa Hội Nhà văn Hà Nội và Viện Nghiên cứu châu Á thuộc Đại học Alx-Marseille (Pháp), dịch giả Pháp Noel Dutrait cho biết, một trong những bộ tiểu thuyết thuộc loại khó dịch nhất thế giới chính là bộ tiểu thuyết "Đi tìm thời gian đã mất" của nhà văn đồng hương với ông: Marcel Proust (1871-1922). Tập 1 của tác phẩm này (cuốn "Bên phía nhà Swann") từng được dịch ra tiếng Việt và gây nhiều tranh cãi. Theo ông Dutrait, tác phẩm này trước đây từng được dịch ra tiếng Trung Quốc và "cũng gây rất nhiều tranh cãi".

Nói vậy để thấy, "Đi tìm thời gian đã mất" quả là một kiệt tác… "khó nhằn".

Nhưng lịch sử văn học thế giới không phải không có những "ca" tương tự.

Chẳng hạn, với trường hợp của Franz Kafka (1883-1924). Ông nhà văn người Séc này được giới phê bình xem như một trong những tác giả có ảnh hưởng nhất thế giới thế kỷ XX. Là nhà văn viết tiếng Đức, trong những tác phẩm nổi tiếng nhất của mình, Kafka ưa dùng những câu văn rất dài, đôi khi hết cả một trang giấy. Ý nghĩa của những câu như vậy có thể bất ngờ biến đổi ở cuối câu do trong một số câu tiếng Đức, động từ chính được đặt ở cuối. Cách cấu trúc câu như vậy hầu như rất hiếm gặp ở các ngôn ngữ khác và chính vì vậy mà nó thực sự là một thách đố đối với người dịch.

Sách của Kafka khó dịch và khó đọc đến độ, tại Pháp, người ta đã từng cho xuất bản cuốn sách có tiêu đề "Kafka: Pour une Littérature Mineure" (được dịch sang tiếng Việt là "Kafka: Vì một nền văn học thiểu số") của hai tác giả Gilles Deleuze và Felix Guattari. Cuốn sách nhằm mục đích giúp bạn đọc tiếp cận một cách sáng rõ hơn cuộc đời cùng những tác phẩm "khó đọc" của Kafka. Theo nhiều nhà nghiên cứu, nếu sách của Kafka có vô số lối vào thì chuyên khảo của Deleuze và Guattari cũng có thể được tiếp cận từ vô số hướng khác nhau.

Năm 1986, cuốn "Kafka: Pour une Littérature Mineure" được dịch sang tiếng Anh và phải hơn 30 năm sau, cuốn sách mới đến tay bạn đọc Việt Nam. Theo những người làm sách cho biết, họ phải lao động cật lực trong hơn hai năm mới có thể hoàn tất bản dịch tiếng Việt. Riêng Nhà xuất bản Tri thức thì phải dành ra khoảng thời gian 4 tháng cho việc biên tập. Trong khi, cuốn sách chỉ dày có 160 trang. Điều đó chứng tỏ việc giới thiệu, chú giải liên quan tới tác phẩm của Kafka cũng phức tạp biết chừng nào.

Với nhà văn Ireland James Joyce (1882-1941), người được xem là một trong những tiểu thuyết gia vĩ đại nhất thế kỷ XX, bản thân ông cũng đóng góp vào kho tàng văn học nhân loại những kiệt tác thuộc loại rất kén người đọc (và đương nhiên là khó dịch). Tiểu thuyết "Finnegans Wake" của Joyce nổi tiếng khó đọc ngay cả trong nguyên bản tiếng Anh. Trước đó, kiệt tác "Ulysses" của Joyce cũng được coi là vĩ đại nhưng "rất khó đọc và khó dịch".

Khi cuốn tiểu thuyết này được dịch sang tiếng Trung Quốc, nữ dịch giả người Trung Quốc đã khẳng định cô rất trung thành với nguyên tác. Cô nói, cô đã phải bỏ ra tới 8 năm trời để dịch cuốn sách. Tuy nhiên, khi bản dịch hoàn thành, nữ dịch giả vẫn phải thừa nhận chính mình cũng không nắm bắt được đầy đủ nội dung cuốn tiểu thuyết và việc dịch cuốn tiểu thuyết là một công việc vô cùng khó khăn.

Đươc biết, trước đó, tại Trung Quốc cũng đã xuất hiện bản dịch kiệt tác "Ulysses" của James Joyce. Tuy nhiên, những ai tiếp xúc với bản dịch này chắc phải… tá hỏa khi biết rằng, riêng phần chú thích cuốn tiểu thuyết cũng lên tới con số… 60.000.

Trở lại với trường hợp bộ tiểu thuyết "Đi tìm thời gian đã  mất" của Marcel Proust: Hiện ở Việt Nam, mặc dù được nhắc tới rất nhiều, song trọn bộ tiểu thuyết vẫn chưa đến tay độc giả. Còn ở Mỹ, cách đây 4 năm, một tác giả tên là Patrick Alexander đã cho xuất bản một cuốn sách có cái tên thật dài "Tìm lại thời gian đã mất của Marcel Proust: Hướng dẫn độc giả tìm lại những gì đã mất". Trong cuốn sách này, tác giả đã tóm tắt cốt truyện, điểm tên 50 nhân vật quan trọng nhất, vẽ sơ đồ hệ thống nhân vật và in tranh minh họa. Chỉ riêng những việc làm này cũng đã khiến cuốn "hướng dẫn" có độ dày lên tới… 402 trang

Lã Khắc Hoan
.
.