"Kỷ lục" của sự...kiệm lời

Thứ Năm, 09/12/2010, 12:28

Có một nghịch lý ở đời: Thường những kẻ nhạt nhẽo, đầu óc rỗng tuếch lại thích huênh hoang "thể hiện mình". Đặc biệt là khi nói chuyện, họ thường dông dài, con cà con kê, không hề để ý xem người đời tiếp nhận câu chuyện mình đưa đến ra sao. Trong khi, với những người tài năng, kiến thức uyên bác, họ lại luôn kiệm lời, khi đối thoại thường không thích dài dòng, làm mất thì giờ của chính mình và của  người nghe.

Nhà thơ Đức Bertolt Brecht (1898-1956) là một người như vậy.

Một lần, Brecht được mời tham gia một hội nghị. Mặc dù đã lấy lý do bận việc, song ông vẫn bị Ban tổ chức chèo kéo, mời đi bằng được. Cực chẳng đã, Brecht phải có mặt, song ông lẳng lặng xuống ngồi hàng ghế cuối. Chủ tọa phát hiện, kiên quyết mời ông ghế lên chủ tịch đoàn. Thậm chí, một diễn giả lên giới thiệu rất dài dòng về ông, rồi bất ngờ chốt lại ở câu:

- Và bây giờ ngài Bertolt Brecht sẽ đọc lời khai mạc.

Tình thế bất ngờ nhưng vì lịch sự, Brecht buộc phải đứng dậy. Cánh phóng viên lau chau chạy tới, người chụp ảnh, người chuẩn bị ghi âm. Brecht thản nhiên bước tới micro, nói to:

- Tôi xin khai mạc cuộc họp ngày hôm nay.

Dứt lời, ông trở lại vị trí cũ, mặt thản nhiên như không có chuyện gì xảy ra. Mọi người sau một thoáng ngạc nhiên rồi cũng vui vẻ bắt đầu vào phần nghị sự.

Về việc trả lời phỏng vấn, một trong những câu trả lời ngắn gọn và... hóm hỉnh nhất thuộc về nhà văn Pháp Piere Abraham (1892-1974). Tương truyền, khi có một nhà văn muốn ông cho đôi dòng tiểu sử để in báo, ông cười đáp:

- Ngày sinh: 1/3/1892. Ngày mất: Chưa có.

Cũng ngắn tương tự là câu trả lời phỏng vấn của nhà văn Pháp Marcel Proust (1871-1922) về điều ước lớn nhất của ông. Proust là người luôn sống trong tình cảnh ốm đau tật bệnh đã hóm hỉnh đáp: "Tôi muốn chết trẻ càng... muộn càng tốt".

Thật là những kỷ lục về sự... kiệm lời

Hồng Lĩnh
.
.