"Kinh già hóa Thổ"

Thứ Bảy, 22/07/2017, 08:14
Thoạt đầu, nghe người ta nói Kinh già hóa Thổ, tôi nghĩ rằng họ nói đùa. Làm gì có chuyện. Kinh là Kinh. Thổ là Thổ. Thổ là tên gọi người Tày thời Pháp thuộc. Thổ là thổ địa. Chỉ người bản địa. Nhưng cũng có không ít người hiểu lầm, cho là một cách gọi miệt thị...


Ngày nay, dùng tộc danh Tày là chính xác nhất, và đã được chính thức hóa trong các văn bản hành chính. Từ lâu cư dân Tày tự gọi mình "gần Thày" hay "pỏ Thày" người Tày hay bố Tày. Có nơi gọi "cần Thay" hay "pỏ Thay" người Thày hay bố Thày. Lại có vùng gọi là "khuôn Táy" hay "pỏ Tháy" người Táy hay bố Táy. Người Tày, người Thày, người Táy đều là nó. Bố Tày, bố Thày, hay bố Táy cũng đều là nó. Người Tày.

Một trong những nhánh người thuộc nhóm ngôn ngữ Tày Thái. Nhóm ngôn ngữ này kéo thành một vệt dài từ miền Nam Trung Hoa qua Việt Bắc, Tây Bắc của Việt Nam. Kéo đến Lào sang Thái Lan qua Myanmar. Thậm chí, đến tận Ấn Độ cũng có một nhóm tộc người San thuộc nhóm ngôn ngữ Tày Thái. Tôi còn nghe loáng thoáng, một số nhà dân tộc học họ cho rằng Cao Bằng là vùng đất khởi thủy của người Tày Thái?

Có lần, ông Vương Hùng - nhà nghiên cứu văn hóa ở Cao Bằng giảng giải rằng, sở dĩ được gọi người Tày là vì gốc gác của tộc người này là nông dân lúa nước. "Gần thay nà". Người cày ruộng. Dần dà hai chứ "gần thay - người cày" trở thành tên gọi. "Gần thay" biến âm là người Tày.

Lễ hội Lồng Tồng của người Tày.

Người Tày và người Kinh có một quá trình giao thoa về văn hóa, kinh tế khá lâu dài. Họ cùng nhau sinh sống trên một dải đất Việt Nam từ rất lâu đời. Có thể tính từ thời nhà Lý cho nó gần. Theo nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Xuân Toàn, Thái Bảo Nùng Trí Cao là người Tày Cao Bằng. Ông đã từng về Thăng Long học tập tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Nếu xa hơn nữa, tính từ thời Thục Phán An Dương Vương. Thục Phán là con rể của Vua Hùng. Vùng đất Đông Anh ngày nay chính là Kinh đô cũ, cũng là vùng đất có nhiều người Tày cổ từng sinh sống. Hai chữ Đông Anh được biến âm từ Đỏong Ẻn mà ra. Tiếng Tày, Đỏong Ẻn là đồi con én. Còn hai chữ Đông Anh trong tiếng Việt, hẳn không có nghĩa gì cả.

Xét thêm về mặt ngôn ngữ, chúng ta đã thấy có sự giao thoa. Chẳng hạn như: "Tre pheo", "Chó má", "Xin xỏ", "Cỏ giả" vv... và vv... "Pheo" tiếng Tày là "tre". "Chó" tiếng Tày là "má". "Xỏ" tiếng Tày là "xin". Giả (có nơi là nhả) tiếng Tày là "cỏ". Có rất nhiều dẫn chứng về sự gắn bó, ảnh hưởng qua lại giữa hai tộc người. Trong phạm vi bài này, tôi chỉ xin nêu tại sao người ta cứ nói Kinh già hóa Thổ.

Đây là một thực tế hai dân tộc Kinh Tày, có quan hệ gắn bó mật thiết. Nhưng đậm đặc nhất có lẽ ở vùng Nà Lự Cao Bình, xã Hoàng Tung, tỉnh Cao Bằng. Nơi kinh đô của nhà Mạc lên Cao Bình lập cứ đóng đô vào 1594 - 1677. Ngày này, còn nhiều dấu tích cung điện, ao sen, thành quách, đồn thú… Nếu bạn là một người hoàn toàn không biết tý gì về tiếng Tày, hoặc tiếng Kinh, bạn sẽ không hiểu người dân ở đây nói gì.

Thú thật, tôi đã nhiều lần phải đi làm phiên dịch. Từ tiếng Việt pha Tày ra tiếng Việt chuẩn. Bạn bè văn nghệ cả nước khi đến thăm Cao Bằng, ai cũng muốn lên vãn cảnh đền Vua Lê, thành nhà Mạc. Ở đây, người ta chỉ quen nói một thứ tiếng nửa Kinh, nửa Tày. Chúng tôi nói đùa đây là thứ ngôn ngữ  ba chỉ. Nửa nạc, nửa mỡ. Nửa nọ, nửa kia. Thoạt nghe thì lạ miệng và bùi tai. Nghe lâu, đâm ra nghiện. Và thèm được nghe tiếng các em nói.

Tôi không biết trong âm nhạc gọi là gì. Nhưng tôi quả quyết rằng tiếng nói của người Cao Bình nghe hay như hát. Thậm chí, nhiều khi các cô gái chỉ chúm miệng thôi, tôi đã rất thích. Tiếng gọi "Chài ơi! nọong chứ"! (Anh ơi! em nhớ!). Ví dụ người ta nói: "Con tâu tắng buộc ở gốc te. Nó đang xẻ thau woe nạch nạch" thì bạn phải hiểu "Con trâu trắng buộc ở gốc tre. Nó đang kéo giây mướp lạch xạch". Hay: "Chào nọong! Nọong pây tháp thóc lỏ".

Tôi đố các bạn, nếu không dịch ra tiếng Việt chuẩn hoặc tiếng Tày chuẩn thì chả hiểu họ nói gì. Tôi xin dịch "Chào em! Em đi gánh thóc à". Tôi có cô em dâu người Cao Bình. Cô đi thoát ly, dạy học, lấy chồng. Xa nhà đã vài chục năm, nhưng về quê ngoại, khi nói chuyện, bao giờ cô cũng thêm vào đuôi câu chữ "lỏ". "Ăn rồi lỏ". "Đi chợ lỏ". "Xem tivi lỏ". Dường như ai đánh mất chữ "lỏ" không còn là người đẹp Háng Sléng Cao Bình nữa.

Gần nhà tôi có vài cô đi công nhân cầu đường. Cơ quan đóng ở gần khu vực Cao Bình. Hễ mở miệng bao giờ cũng cố thêm chữ "lỏ". Các bậc trưởng lão lấy làm khó chịu. Đã có người tính thẳng ruột ngựa, bốp chát ngay: "Hay nhỉ! Nhưng nghe chua lắm. Không giống cái "lỏ" của người Cao Bình đâu". Chẳng biết cô ta có tẽn tò mà bỏ ngay "lỏ". Những gì không phải của mình thì đừng bao giờ vay mượn. Cái hay là của người ta. Cái đẹp là của người ta. Người ta chưa biết nhưng trời kia đã biết. Ngượng ngùng lắm.

Ngày nay, còn có tên bản Phủ, làng Đền. Háng Sléng. Làng có bờ tre bao quanh. Hầu hết dân ở đây đều làm nhà trệt, ít thấy nhà sàn. Ngày xưa, còn có nhà mái rơm vách đất. Trong nhà còn có chõng tre, võng gai kẽo kẹt. Trước nhà có cái sân gạch. Trên sân gạch người ta đánh đống rơm. Cạnh đống rơm có chum tương úp gáo dừa. Tiếp đến là ao sâu thả cá. Người ta còn bắc cầu ra ao để rửa rau lau mặt. Trên bờ ao, bà con trồng cau để lấy quả. Trồng trầu không lấy lá để ăn.

Có thể nói, đây là hình ảnh thu nhỏ của một làng quê Bắc bộ. Đường làng ngõ xóm, đâu cũng ngửi thấy mùi phân trâu. Họ có thói quen buộc gia súc ở gốc tre, nơi gần nhà. Không giống như người Tày bản địa. Người ta nhốt trâu, bò, ngựa, dê trong chuồng bưng gỗ kín mít, đề phòng đang đêm hổ báo đến vác lôi đi mất.

Tôi được biết một số anh chị em đã và đang công tác tại Hội Văn nghệ Cao Bằng có nguồn gốc là người Kinh từ dưới xuôi lên. Như nhà thơ Hoàng Triều Ân, nhà thơ Bế Thành Long, nhạc sỹ Đàm Thanh, nhà văn Hữu Tiến, nhạc sỹ Bế Kha và khá nhiều người nữa. Họ là hậu duệ đời thứ mấy của các vị quan chức, lính thú, dưới thời nhà Mạc, nhà Lê. Vì nhiều lý do buộc các bậc tiền nhân phải thay tên đổi họ. Từ lâu rồi, họ trở thành người Tày Cao Bằng. Nhưng trong gia phả họ tộc, vẫn còn ghi rất rõ. Ông tổ nhà ấy là ai, từ đâu tới, mang họ gì...

"Kinh già hóa Thổ" là lẽ tự nhiên của tạo hóa. Trong quá trình thiên di và hợp huyết, loài người không còn nguyên vẹn dòng máu thuần chủng. Huống chi đất nước ta có đến năm mươi tư dân tộc anh em, việc lai ghép giữa các tộc người người là chuyện bình thường.

Y Phương
.
.