“Kính” chẳng bõ “phiền”

Thứ Năm, 27/08/2009, 11:30
Gần như đã thành lệ, mỗi khi có một văn nghệ sĩ nào đó qua đời, làng báo Việt Nam lại đồng loạt rộ lên các bài viết ôn lại những đóng góp của họ đối với nền nghệ thuật nước nhà. Âu cũng là một nghĩa cử đáng trân trọng, một cách hành xử cần thiết.

Nếu có điều gì phải góp ý, thì đó chỉ là việc: Đằng sau những lời lẽ ngợi ca có phần "hào phóng" dành cho người quá cố, đây đó đã có những thông tin sai lạc, thậm chí nối nhau sai lạc, khiến những người có chút hiểu biết nhất định về người được nhắc tới không khỏi ngỡ ngàng đặt câu hỏi: Chẳng hay tác giả những bài "phúng viếng" nói trên có thực biết kỹ về người mà họ đang ngợi ca không? Bởi nếu không biết mà cứ ngợi ca "phứa" như thế thì rất dễ rơi vào tình trạng, nói theo cách dân gian là... "kính chẳng bõ phiền"!. 

Chẳng nói đâu xa, chỉ dẫn chứng ngay từ nguồn tin báo chí xung quanh sự kiện nhà thơ Tế Hanh tạ thế cách đây hai tuần là chúng ta có thể thấy, đã có những tác giả thực hiện việc này một cách hời hợt, bất cẩn như thế nào, dù rằng lời lẽ đánh giá của họ về  cuộc đời, về sự nghiệp thi ca của Tế Hanh là rất thống thiết.

Trong bài viết "Nhớ nhà thơ Tế Hanh" được tải trên trang điện tử VTV ngày 17/7, tác giả H.T. (xin được viết tắt) đã có những lời đánh giá rất cao về thi tài của Tế Hanh. H.T. coi Tế Hanh là "một trong những cây bút từng làm nên một thời đại hoàng kim cho thi ca Việt Nam giai đoạn chống Mỹ cứu nước".

Tuy nhiên, ở những dòng dưới đó, H.T. đã khiến người yêu thơ Tế Hanh phải... ngờ ngợ khi ông viết rằng: "Sau Cách mạng Tháng Tám, nhà thơ Tế Hanh là tác giả có những vần thơ thiết tha đã đi vào lòng người với những sáng tác tiêu biểu như Quê hương, Nhớ con sông quê hương, Mặt quê hương... được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt I năm 1996".

Trước hết phải nói rằng, ở lĩnh vực văn học, Giải thưởng Hồ Chí Minh được trao cho những tập sách (chứ không phải cho những bài thơ riêng lẻ), trong khi các tác phẩm được nhắc tới trên ("Quê hương", "Nhớ con sông quê hương", "Mặt quê hương" là tên những bài lẻ). Sau nữa, "Quê hương" là bài thơ được Tế Hanh viết ra từ năm 1939 (đã được đưa vào cuốn hợp tuyển "Thi nhân Việt Nam" của Hoài Thanh - Hoài Chân xuất bản năm 1942), bởi vậy, xếp nó vào danh mục các sáng tác "sau Cách mạng Tháng Tám" là không chính xác. Bài thơ gọi là "tiêu biểu" mà còn nhớ nhầm một cách tai hại như thế, huống hồ những bài... không tiêu biểu.

Trong bài viết "Nhà thơ Tế Hanh dừng cuộc chơi" được tải trên trang điện tử của báo Tiền phong ngày 17/7, tác giả N.M.H. viết như thể một người khá am tường cuộc sống riêng của nhà thơ Tế Hanh. Vậy nhưng, khi đọc đến đoạn nói về việc nhà thơ đổ bệnh: "Đúng vào dịp kỷ niệm 40 năm mở đường Trường Sơn, tháng 5/1999, trong lúc đọc thơ tại buổi gặp gỡ với nhân chứng Trường Sơn, Tế Hanh đột qụy nằm bất động tới khi qua đời", những người trong cuộc thấy rõ là tác giả đã biết một cách rất "lơ mơ" về chuyện này.

Thực tế, theo bà Lâm Yến, vợ nhà thơ Tế Hanh kể trực tiếp với người viết bài này "Hôm ấy là ngày 4/5/1999, nhà tôi cùng các anh Tố Hữu, Huy Cận được mời tham gia đêm thơ kỷ niệm 40 năm mở đường Trường Sơn. Khi sắp đến lượt ông nhà tôi lên đọc thơ, anh em mới phát hiện ông ngã ngồi trên ghế và xỉu từ lúc nào. Mọi người vội vàng đưa ông vào bệnh viện. Khi tôi vào - lúc đó khoảng 9h tối - ông nhà tôi còn tỉnh, nhưng đến 12h đêm thì không còn biết gì nữa".

Vẫn theo bà Lâm Yến cho biết: Sau sự biến đêm đó, phải mất gần một tháng nằm tại phòng cấp cứu trong tình trạng thở máy, Tế Hanh mới tạm thời hồi tỉnh và được chuyển về điều trị tại nhà. Tại đây, ông còn nhúc nhắc ngồi tiếp khách và nói được đôi câu. Phải một thời gian sau nữa ông mới rơi vào tình trạng bất động, phải sống cuộc sống thực vật. Như vậy, đối chiếu với những tình tiết này thì việc nói Tế Hanh đột quỵ "trong lúc đọc thơ" và "nằm bất động tới khi qua đời" là quá sai lạc!  

Đưa tin một cách mau mắn hơn (so với hai trang điện tử nhắc tới trên) về việc nhà thơ Tế Hanh từ trần là trang điện tử của Hội Nhà văn Việt Nam. Chỉ ít phút sau khi nhận được tin dữ, trang điện tử này đã có lời chia buồn thống thiết gửi tới gia đình nhà thơ. Tuy nhiên, ngay trong cách đưa tin (dù không dài), người đọc cũng vẫn thấy có những điều không ổn. Như khi bản tin khẳng định Tế Hanh là "nhà thơ cuối cùng của phong trào Thơ Mới".

Cũng đã có một số tờ báo "chung nhận định" này, song thiết nghĩ, với một cơ quan như Hội Nhà văn Việt Nam thì không nên có những nhầm lẫn kiểu ấy, bởi như thế là thiếu sâu sát về tình hình đời sống văn học trong nước. Làm sao có thể nói Tế Hanh là "nhà thơ cuối cùng của phong trào Thơ Mới" khi mà các nhà thơ - đại biểu của phong trào Thơ Mới như Xuân Tâm (người từng có thơ được đưa vào cuốn hợp tuyển "Thi nhân Việt Nam"), như Nguyễn Xuân Sanh vẫn còn hiện diện với chúng ta?

Chưa hết, cũng trên trang điện tử này, ai đó còn đưa ra một nhận định: "Nhóm Tự lực văn đoàn đã trao giải thưởng hằng năm cho "Hoa niên" với tất cả sự hoan hỷ và tự hào, vừa như một phát hiện, vừa biết ơn nó góp phần làm nên uy tín cho Giải thưởng do họ sáng lập". Không biết căn cứ vào đâu mà người ta có thể đưa ra những nhận định kiểu này?

Nói "hoan hỷ" thì có thể đúng, nhưng còn "tự hào", "biết ơn nó góp phần làm nên uy tín cho Giải thưởng do họ sáng lập" - chẳng lẽ với những cảm xúc lớn lao như vậy mà nhóm Tự lực văn đoàn lại chỉ trao cho tập thơ của Tế Hanh giải khuyến khích thôi sao?

Ấy là chưa kể, tập thơ được giải Tự lực văn đoàn của Tế Hanh đâu phải tên gọi "Hoa niên". Tự lực văn đoàn trao giải là trao cho tập "Nghẹn ngào" kia (còn "Hoa niên" là tên gọi của tập thơ được Tế Hanh lấy từ tập "Nghẹn ngào" bổ sung thêm một số bài và cho xuất bản vào năm 1944). Lúc này các thành viên trong nhóm Tự lực văn đoàn tứ tán mỗi người một nơi rồi, còn đâu tâm trí mà trao giải thưởng văn chương nữa?  

Nhân nhắc đến trường hợp nhà thơ Xuân Tâm, thiết nghĩ không thể không nêu một nhầm lẫn khá hy hữu, thể hiện một sự cẩu thả, tắc trách của người biên tập. Ấy là, trong bài "Nhà thơ Tế Hanh vẫn dư một ít lời thơ" của tác giả L.T.N. được tải trên trang điện tử Evăn ngày 18/7, người đọc hết sức ngạc nhiên khi tác giả cho biết: "Tôi không nhớ đã ghé thăm nhà thơ Tế Hanh bao nhiêu lần", trong khi ảnh in kèm bài báo với dòng chú thích "Nhà thơ Tế Hanh" lại là ảnh nhà thơ... Xuân Tâm (ông đang cầm trên tay cuốn "Thi nhân Việt Nam"- xem ảnh in kèm bài viết này).

Tất nhiên, với tôi, sự nhầm lẫn này không phải xuất phát từ tác giả L.T.N., bởi trên trang web của anh, ảnh chân dung của nhà thơ Tế Hanh từng được xuất hiện nhiều lần, cũng như bản thân anh đã từng "tận mục sở thị" nhà thơ Tế Hanh nhiều lần. Điều ngạc nhiên là Evăn cho tải bài viết của L.T.N. lên từ hôm 18/7, song cho đến thời điểm tôi viết bài này, đã hơn chục ngày trôi qua song bức ảnh nhà thơ Xuân Tâm với gương mặt hoạt bát, thông minh vẫn ngự kèm bài viết của L.T.N., "minh họa" thay cho người bạn Tế Hanh vừa quá cố!

Thật ra, không riêng gì trường hợp nhà thơ Tế Hanh, mà với trường hợp của một số nhà văn, nhà thơ khác, trong ngày đưa tiễn họ về bên kia thế giới, đây đó các tòa báo vẫn có những dòng thông tin vinh danh họ một cách... sai lạc.

Như một bài viết được tải trên Tuần Việt Nam.net ngày 15/8/2008, đề cập tới sự nghiệp sáng tạo của nhà văn Sơn Nam, một tác giả đã khẳng định: "Nhà văn Sơn Nam sinh thời viết khoảng 300 tác phẩm, nhưng hiện thời chỉ mới sưu tầm được 100 tác phẩm". Nếu quả thực số lượng tác phẩm của Sơn Nam đồ sộ vậy, thì đích thị ông, chứ không phải nhà văn Tô Hoài, hoặc học giả Nguyễn Hiến Lê... là những người có số lượng tác phẩm "hoành tráng" nhất Việt Nam. Và nếu vậy, sao khi Sơn Nam còn sống, không thấy ông nhắc tới điều ấy.

Có lẽ, về số lượng tác phẩm của Sơn Nam, thông tin của tác giả T.H. trên trang điện tử của Báo Nhân dân (ngày 14/8/2008) dễ thuyết phục bạn đọc hơn: "Với tất thảy 44 đầu sách trong hành trình 82 năm, nhà văn Sơn Nam dựng riêng cho ông một góc trời dung dị mà vẫn quyến rũ nơi bạt ngàn nắng gió phương Nam". Thật khó tin là đọc những dòng trên báo Tuần Việt Nam.net như vừa dẫn, độc giả sẽ cho rằng, người viết là người "rành" về Sơn Nam hơn cả.

Khi nhà văn Nguyễn Khải tạ thế, các báo cũng có nhiều bài viết tôn vinh ông. Song, đọc bài "Vĩnh biệt nhà văn Nguyễn Khải" trên trang điện tử của Báo Tiền Giang, những người quan tâm đến văn nghiệp của Nguyễn Khải không khỏi...nghi ngờ về sự "thấu hiểu" của người viết đối với nhân vật mình đề cập, nhất là khi T.T. (tác giả bài viết) cho hay: "Nhà văn Nguyễn Khải, cây đại thụ của văn học Việt Nam, tác giả nhiều tiểu thuyết nổi tiếng: Xung đột, Mùa lạc, Tầm nhìn xa, Gặp gỡ cuối năm, Thượng đế thì cười". Ôi trời, tác phẩm "Mùa lạc" được đưa vào sách giáo khoa, hàng triệu học sinh đều biết đó là truyện ngắn, chỉ có tác giả T.T., người suy tôn Nguyễn Khải là "đại thụ" là xếp nó vào hàng... tiểu thuyết. Nếu tiểu thuyết mà như thế thì có lẽ đây là cuốn tiểu thuyết... mỏng nhất Việt Nam.  

Thế đó, trong việc vinh danh một nhà văn, một nhà thơ nào đó, nhất là khi tác giả ấy vừa nằm xuống, người ta có thể "thả phanh" buông những lời hoa mỹ mà không cần biết độ xác thực của nó đến đâu. Cứ tưởng tượng, khi các nhà văn, nhà thơ nói trên còn sống, nghe được những lời này, họ sẽ có phản ứng ra sao. Chắc họ đành chỉ biết thở dài mà than rằng: "Kính" mà như vậy thì thật chẳng bõ "phiền". Quả đúng vậy!

Phạm Khải
.
.