Kim cương của nghệ thuật

Thứ Bảy, 13/06/2009, 11:00
Có lẽ tả cảnh, tả người là thủ pháp nghệ thuật đơn giản nhất của người làm thơ viết văn. Nên các nhà thơ thường không để tâm nhiều đến điều này, mà tập trung vào những điều cao siêu, sâu xa của tư tưởng, tình cảm. Nhưng thực tế cho thấy thể hiện những điều to tát cao siêu mà nghệ thuật không cao thì cũng không được ai nhớ đến. Ngược lại, chỉ miêu tả thôi nhưng đặc sắc độc đáo thì cũng sống với muôn đời.

1. Chỉ miêu tả cũng bất tử

Bài thơ "Hoàng Hạc lâu" của Thôi Hiệu đời Đường (Trung Quốc) còn lưu truyền đến mai sau, thực chất chỉ là một bài thơ miêu tả. Tả cảnh, tả tình. Kim Thánh Thán đã bình rồi. Mọi người yêu thơ ai ai cũng thuộc, nên tôi không trích dẫn nữa. Có gì cao siêu đâu, chỉ có 8 câu thơ miêu tả trực tiếp, nhưng mỗi câu là một thanh minh châu dựng thành một lầu ngọc cho nghìn năm ngắm mãi không chán.

Đại thi hào Nguyễn Du có nhiều đoạn thơ tả cảnh đặc sắc mà những người mê Kiều nhiều thế hệ vẫn truyền tụng. Nhưng có lẽ tài năng của Nguyễn Du đặc sắc nhất là miêu tả vẻ đẹp hai chị em Thúy Kiều để nhiều người mê mẩn. "Đẹp như Kiều" đã thành câu cửa miệng của lời khen. Nhưng cụ Nguyễn không trực tiếp tả Thúy Kiều mà người dùng phương pháp tả mây lẩy trăng, tức là cụ đi tả Thúy Vân: Vân xem trang trọng khác vời/Khuôn trăng đầy đặn, nét ngài nở nang/Hoa cười ngọc thốt đoan trang/Mây thua nước tóc, tuyết nhường màu da

Từ đó mà gián tiếp tôn thêm vẻ đẹp Thúy Kiều: Kiều càng sắc sảo mặn mà/ So bề tài sắc lại là phần hơn. Rồi cụ tập trung vào đôi mắt, bởi vì thần tại lưỡng mục: Làn thu thủy, nét xuân sơn, và so sánh Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh... Thế là đủ để người đẹp sống muôn đời.

Miêu tả trực tiếp, miêu tả gián tiếp đều có những sức mạnh riêng. Thậm chí chỉ ký họa thôi, nhưng biết thổi hồn vào từng nét thì bức tranh vẫn lung linh. Đó là trường hợp nhà thơ Tố Hữu miêu tả Bác Hồ trong bài thơ "Hoan hô chiến sĩ Điện Biên":

Tiếng reo núi vọng sông rền
Đêm nay chắc cũng về bên Bác Hồ
Bác đang cúi xuống bản đồ
Chắc là nghe tiếng quân hò quân reo...

Từ khi vượt núi qua đèo
Ta đi, Bác vẫn nhìn theo từng ngày
Tin về mừng thọ đêm nay
Chắc vui lòng Bác giờ này đợi trông.

Tác giả chỉ vẽ có một vài nét, thực ra là chỉ có một nét chính: Bác đang cúi xuống bản đồ. Một nét thật tài tình bắt đúng được cái thần của vị tổng tư lệnh cuộc cách mạng. Còn mấy nét mờ phỏng đoán và tưởng tượng về Bác chứ Tố Hữu lúc này có ở cạnh Bác đâu mà miêu tả trực tiếp. Có điều mấy nét phụ này cũng tự nhiên như nét chính nên hình ảnh Bác vừa độc đáo vừa sống động. Không chắc những trường ca về Bác có thể vượt qua.

Chỉ miêu tả cũng bất tử, chứ đâu cần cao siêu. Miễn là nhà thơ bằng tài năng phải như người họa sĩ vẽ chim, khi bức vẽ hoàn hảo chỉ cần nhỏ một chấm mực cuối cùng vào mắt chim là chim vỗ cánh bay lên.

2. Không có đề tài cũ

Đề tài chỉ là phạm vi sự vật, khung cảnh mà từ đó nhà thơ nhà văn tạo dựng nên tác phẩm để thể hiện suy nghĩ và tình cảm của mình. Cùng một đề tài, nhiều nhà thơ nhà văn hết thế hệ này đến thế hệ khác khai thác mà không cạn, không cũ. Cũ hay mới là ở suy nghĩ, ở tâm hồn của người sáng tạo. Người có tài là biết làm mới đề tài, nhìn sự vật bằng cách riêng của mình, nên sự vật hiện tượng hiện lên khác hẳn với nó vốn có và đã có trước đó.

Ví dụ, trăng là đề tài của các thi sĩ từ xưa và sẽ là đề tài của thi sĩ muôn đời. Trăng của Lý Bạch là "Hoa gian nhất hồ tửu/ Độc chước vô tương thân/ Cử bôi yêu minh nguyệt/ Đối ảnh thành tam nhân" (Vườn hoa một bình rượu/ Mình ta không người thân/ Nâng cốc mời trăng sáng/ Với bóng thành ba người).

Đúng là cảnh dưới trăng độc đáo của thi tiên. Mấy trăm năm sau, thi nhân tiêu biểu của đời Tống là Tô Đông Pha trong một bài phú, trăng lại hiện lên hoàn toàn khác, không đơn độc lạnh lẽo mà tràn trề sông núi: "Ở đời, vật nào có chủ ấy chiếm giữ. Chỉ có ngọn gió mát trên sông và ánh trăng sáng đầu núi là của kho vô tận, lấy không ai cấm, dùng không bao giờ cạn. Đó là thú vui của bác và của tôi".

Đặc biệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có nhiều vầng trăng khác nhau trong thơ. Khi Người ở trong nhà tù của Tưởng Giới Thạch: Người ngắm trăng soi ngoài cửa sổ/ Trăng nhòm khe cửa ngắm nhà thơ. Khi Người ở chiến khu Việt Bắc, thì trăng viên mãn tràn đầy của đêm khuya giữa núi rừng tự do: Trăng lồng cổ thụ, bóng lồng hoa và Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền. Trăng của thi sĩ Tố Hữu trong đêm hòa bình ở Hà Nội thì đẹp như mặt ngọc của người: Đêm qua trăng sáng Cổ Ngư/ Trăng đầy mặt nước, trăng như mặt người...

Đấy là chỉ nói về trăng thôi, chứ đề tài nào cũng thế. Chùa Hương có cả một tập thơ của các thi sĩ. Yên Tử thì có người đã xuất bản hẳn một tập thơ dày đến mấy trăm bài. Đề tài tình yêu thì các thi sĩ cổ kim đông tây đều không ngớt thể hiện và để lại rất nhiều bài thơ nổi tiếng. Họ vừa là tình nhân vừa là thi nhân: A.Puskin (Nga), Bairơn (Anh), Aragông (Pháp), Nêruđa (Chi Lê), Xuân Diệu (Việt Nam)...

Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm nổi tiếng từ cuộc thi thơ báo Văn nghệ 1972-1973 với chùm thơ của người lính trẻ ngọt ngào và rung động trước con đường ra mặt trận. Cái gì cũng đẹp, cái gì cũng lạ bởi một tâm hồn lạc quan yêu đời với những tiếng nhạc la, tiếng ve kim. Mấy chục năm sau, anh lại viết về tình yêu với một tứ thơ lạ "Hò hẹn mãi cuối cùng em cũng đến/ Chỉ tiếc mùa thu vừa mới đi rồi", câu thơ đầy bâng khuâng, xao xuyến và nhung nhớ!

Đề tài không mới thì suy nghĩ và tình cảm phải mới. Mà muốn có suy nghĩ và tình cảm mới thì trước hết phải chân thật. Cái thật của mọi người sẽ không ai giống ai, do vậy nó đơm thành những hoa trái khác nhau. Sự giả dối hay làm xiếc ở đây tất sẽ cho những hoa trái dị dạng. Dẫu mọi người cứ xúm vào tung hô là hoa trái lạ, nhưng dưới ánh mặt trời thì nó sẽ hiện nguyên hình méo mó và khuyết tật. Với ánh sáng mặt trời thì có gì mà giấu được, chứ có phải lờ mờ dưới ánh huỳnh quang hay ánh sáng ma chơi đâu?

3. Mai sau dù có bao giờ…

Cuộc đời này thật đẹp. Càng những người biết sống vì nó thì càng yêu, càng quý thời gian được sống làm người. Và càng yêu cuộc đời này, người ta càng luyến tiếc khi phải chia tay nó. Dĩ nhiên ai cũng mong được trở lại dưới một hình thức nào đó. Nàng Kiều đã nói với em: "Mai sau dù có bao giờ/ Đốt lò hương ấy so tơ phím này/ Trông ra ngọn cỏ lá cây/ Thấy hiu hiu gió thì hay chị về…".

Cụ Nguyễn Du còn trực tiếp nói về khát vọng ấy: "Không biết ba trăm năm lẻ nữa/ Người đời ai khóc Tố Như chăng?". Thi sĩ Chế Lan Viên tin tưởng mình sẽ trở về với cuộc đời theo quy luật "như ngọn cỏ tàn đến tiết lại trồi lên"… Đó là những mong ước tốt đẹp. Và vì những mong ước ấy sẽ giúp người ta sống đẹp hơn vì cuộc đời này mà cống hiến, mong muốn để lại tiếng thơm, bóng hình của mình cho hậu thế!

Các nhà văn, nhà thơ ngoài việc viết như một sự giải tỏa, gửi gắm tư tưởng tình cảm của mình đến mọi người đương thời thì trong thẳm sâu vẫn có một chút hy vọng điều mình gửi gắm có thể còn được đến mai sau. Tức là còn để lại một chút gì đấy cho đời. Vì thế, một số nhà thơ nhà văn khi đã thành danh muốn được in tuyển tập. Hoặc khi một nhà thơ nhà văn nào đó qua đời thì gia đình, người thân và bạn bè muốn sưu tầm in toàn tập cho họ. Đó là một ý nghĩ tích cực.

Nhưng sự lưu giữ bằng giấy hoặc bằng đĩa mềm thời hiện đại thực ra cũng không có mấy ý nghĩa đối với một tác phẩm văn chương. Bởi vì thời gian khắc nghiệt vô cùng "Trăm năm bia đá cũng mòn/ Nghìn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ". Chỉ có những gì đi vào tâm trí của mọi người thì nó mới có thể lưu giữ được từ đời này qua đời khác.

Tôi tâm đắc với hành động và câu nói của đức vua Samin khi có người hỏi vì sao bệ hạ ném thơ của một nhà thơ xuống sông: "Những bài thơ chân chính không thể nào ném xuống sông được, chúng sống trong lòng mọi người. Còn nếu bài thơ nào chỉ có giá trị ngang với tờ giấy ghi lại nó cũng đáng ném xuống sông. Anh ta nên làm một việc gì khác có ích hơn là làm ra những bài thơ nhạt thếch mà dòng sông có thể cuốn đi được…".

Nhưng than ôi, viết được một câu thơ, một dòng văn mà dòng sông không thể cuốn đi được thật khó vô cùng. Tất nhiên đó phải là máu chữ, phải là những điều phát ra từ hồn. Mà đâu phải cứ những điều viết ra bằng máu, phát từ hồn đã có thể tồn tại? Phải là máu nào, hồn nào thì dòng sông mới không thể cuốn đi được?

Vì sao những câu tục ngữ ca dao, những truyện cổ dân gian ra đời không được ghi lại bằng chữ mà vẫn truyền đời này qua đời khác? Có lẽ điều đầu tiên là nó cần cho mọi người, nó thiết thực đối với cuộc sống của mọi người: "Câu thơ ư? Đó là một cách truyền lửa qua muôn đời". Điều tiếp theo là nó phải có một hình thức tuyệt vời, tức là nó phải đẹp.

Hình thức đẹp không đồng nghĩa với ngắn gọn và dễ thuộc. Những truyện cổ cũng nhiều truyện dài lắm, rất nhiều chi tiết, nhưng nó đã dệt nên những hình tượng đẹp.

Lời kể có thể khác nhau nhưng vẫn toát lên những hình tượng lộng lẫy. Hình tượng nghệ thuật đẹp cũng giống như kim cương, tỏa sáng và bền chắc. Dẫu là tiểu thuyết nghìn trang thì nó cũng phải xây dựng được những hình tượng đi vào tâm trí mọi người, chứ không phải là núi chữ.

Quy luật của đời sống, quy luật của văn chương thì thời cổ cũng như thời kim không bao giờ có sự dễ dãi. Cuộc sống càng phát triển thì yêu cầu lại càng cao, đặc biệt là yêu cầu thưởng thức văn chương nghệ thuật. Chỉ có kim cương mới tồn tại. Kim cương của văn chương chính là ngọc của máu, ngọc của hồn. Không thể nào khác được

Đinh Quang Tốn
.
.