Kịch bản “ngoại” vẫn… chào thua

Thứ Ba, 01/01/2008, 11:00
Gần đây, khán giả yêu sân khấu được dịp thưởng thức một số vở kịch kinh điển của nước ngoài được các đoàn nghệ thuật trong nước phục dựng. Khi mà kịch bản "nội" luôn trong tình trạng: "Thừa kịch bản yếu, thiếu kịch bản hay" như hiện nay, phải chăng đó sẽ là một giải pháp hợp lý, lợi cả đôi đường?

Chỉ trong một thời gian ngắn, tính sơ sơ đã có tới 3 nhà hát trên địa bàn Hà Nội trình làng những vở diễn nước ngoài: Nhà hát Kịch Việt Nam với "Hedda Gable" của tác giả Henrik Isen, "Bà tỉ phú về thăm quê" của Friedrich Durrenmatt, Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam với "Trường học tình yêu" của Mozart…

Gần đây nhất phải kể tới vở "Nhà búp bê" của tác giả Henrik Ibsen do Nhà hát Tuổi trẻ dàn dựng.

Một trong những đơn vị nghệ thuật chịu khó trong việc theo đuổi và dàn dựng những vở kịch kinh điển phải kể tới "Anh cả Đỏ" Nhà hát Kịch Việt Nam.

Theo NSƯT Nguyễn Anh Dũng - Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam thì nhân dịp kỷ niệm 90 năm ngày Cách mạng Tháng Mười Nga vừa qua, Nhà hát đã làm một bản tổng kết các kịch bản nước ngoài trong đó, chỉ riêng những kịch bản của các tác giả người Nga đã là 18 vở. Chưa kể kịch bản của các tác giả nước khác như: Na Uy, Anh, Đức, Thụy Sĩ…

Trung bình một năm, tại Nhà hát Kịch Việt Nam, số lượng kịch bản ngoại chiếm tới 40% tổng số lượng kịch bản. Đây rõ ràng là một con số không nhỏ.

Có 3 nguyên nhân khiến các đoàn khá ưu ái dựng vở kinh điển, đó là trong các vở này, tính văn học đảm bảo, tính tư tưởng cũng miễn bàn (quan trọng là tìm được những kịch bản mà tư tưởng chủ đạo của nó phù hợp với tình hình xã hội hiện nay).

Và một điều quan trọng hơn cả là để cho các nghệ sĩ có khả năng cọ xát, bộc lộ sự sáng tạo, khả năng thử nghiệm với những mẫu nhân vật điển hình.

Với các kịch bản ngoại, sự vất vả nằm ở khâu biên tập kịch bản. Các vở kịch kinh điển thường ra đời từ lâu nên lời thoại rườm rà, câu chữ dài dòng. Chính vì thế cần phải cắt bớt sao cho phù hợp với ngôn ngữ của đời sống hiện tại. Thông thường, nguyên bản một vở kịch lên tới 200 trang nên thường phải cắt gọn chỉ còn khoảng 60 trang cho đủ với khoảng thời gian diễn là trên dưới 2 tiếng mà không làm ảnh hưởng đến thông điệp cần truyền tải.

Sự thực là dàn dựng một vở kịch nước ngoài thường là tốn kém hơn so với một vở trong nước. Đơn cử như việc tìm thiết bị trang trí sân khấu, trang phục… cho những vở nước ngoài cũng công phu và tốn kém hơn.

Chưa kể tới việc diễn viên, trừ những nghệ sĩ có kinh nghiệm còn với những diễn viên trẻ cũng mất nhiều thời gian để có thể đóng đạt những vai là người ngoại quốc. Thế nên, những vở kịch ngoại hay được dựng với sự giúp đỡ của các Đại sứ quán từ nhân lực cho đến vật chất. Tất nhiên, cũng không thể phủ nhận cũng có nhiều kịch bản được dàn dựng chỉ bởi mong muốn khán giả được tiếp cận với sân khấu thế giới.

Thế nhưng, một thực tế đáng buồn là những vở diễn được dựng công phu ấy lại hiếm khi được khán giả đón nhận nồng nhiệt nếu không muốn nói là khá hờ hững. Người viết bài này đã từng chứng kiến những buổi đầu công diễn "Bà tỉ phú về thăm quê". Đầu buổi diễn, khán giả cũng khá đông nhưng đến nửa buổi, số người ở lại chỉ còn non nửa. Tới hồi kết của vở thì chỉ còn lác đác.

Gần đây, "Nhà búp bê" cũng cùng chung số phận. Mặc dù vở được dàn dựng với một dàn diễn viên tên tuổi của Nhà hát Tuổi trẻ như NSND Lê Khanh, Hoa Thúy, Văn Thành… và được báo chí ưu ái ủng hộ trước khi công diễn nhưng phần lớn khán giả đi theo… vé mời hay những buổi diễn hợp đồng giữa Nhà hát với các đơn vị.

Trong dịp lưu diễn của Nhà hát Tuổi trẻ vào TP HCMtháng 6 vừa qua thì ngay ở một thị trường giải trí sôi động, nơi mà nhiều nhà hát thường xuyên đỏ đèn, có một số vở kịch cháy vé thì "Nhà búp bê" vẫn vắng khách. Tất nhiên, nguyên nhân phải kể đến tâm lý thưởng thức của khán giả hai miền khá khác biệt.

Nói về điều này, NSƯT Nguyễn Anh Dũng không giấu được sự buồn bã: "Sự đón nhận của khán giả với các vở kịch kinh điển thật đáng buồn. Họ không hào hứng với những vở này bằng những chùm kịch hài ngắn ngắn".

Xin mượn ý kiến của một khán giả mà tôi đã trò chuyện trong buổi xem vở diễn "Nhà búp bê" để thay cho lời kết rằng "hay thì có hay nhưng quả thật không dễ cảm nhận với đông đảo công chúng vì ngôn ngữ và cách thể hiện tâm trạng còn quá… Tây"!

Khánh Thảo
.
.