Không trao giải cho thơ không phải vì áp lực

Thứ Sáu, 07/12/2007, 10:20
“Dân tộc ta là một dân tộc rất yêu thơ. Hầu như ai cũng có thể làm được thơ. Song thực tế cũng có năm thơ “được mùa”, có năm "thất bát". Như trường hợp thơ của các cụ ở các câu lạc bộ, làm sao trao giải được. Bởi vậy, nếu cứ nhất nhất phải có mới được, thì trước phản ứng của dư luận, chúng tôi biết giải thích thế nào.” - ý kiến của nhà thơ Vũ Quần Phương trong cuộc trao đổi với phóng viên Chuyên đề VNCA.

Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2006 đã gây bất ngờ lớn trong công luận với việc cả hai tác giả đoạt giải thơ đều lần lượt theo nhau... khước từ giải thưởng. Và năm nay, lại thêm một bất ngờ nữa khi không có một tác phẩm thơ nào... được trao! Xung quanh sự kiện này, phóng viên Chuyên đề VNCA đã có cuộc trao đổi với nhà thơ Vũ Quần Phương, Chủ tịch Hội đồng Thơ (Hội Nhà văn Việt Nam) đồng thời là 1 trong 11 thành viên Hội đồng Chung khảo Giải thưởng của Hội năm 2007...

- Thưa nhà thơ Vũ Quần Phương! Đã có quá nhiều "sự cố" xảy đến với các giải thưởng thơ. Gần đây nhất là ý kiến trên một tờ báo mạng phê phán Hội Nhà văn Hà Nội trao giải cho tập "Gửi VB" của Phan Thị Vàng Anh. Phải chăng, tất cả những điều ấy đã vô tình tạo nên một áp lực, khiến những người cầm cân nảy mực ở Hội Nhà văn Việt Nam cũng phải "chùn" tay. Và "ngán" không muốn trao giải cho thơ?

+ Tôi nghĩ không phải vậy! Tập "Gửi VB" chỉ là của một người. Việc trao hay không trao giải cho nó không liên quan gì đến việc này. Cái chính là xuất phát từ tình hình thực tiễn: Trong nhiều năm qua, chúng ta đã đưa ra công chúng quá nhiều giải thưởng. Thậm chí, trong cùng một đợt, chúng ta còn có cả từ giải A tới giải khuyến khích, tức tặng thưởng. Điều này dễ dẫn tới sự ngộ nhận rằng đã có xét là phải có giải, và cả sự ngộ nhận về tài năng. Từ đó dẫn tới sự lườm nguýt giữa các giải với nhau, nhất là giữa giải thấp với giải cao, trong khi thực tế chúng ta còn rất hiếm những tập thơ xuất sắc.

Quan điểm của lãnh đạo Hội năm nay là ở từng thế loại chỉ nên chọn quyển hay nhất cho từng năm, bất đắc dĩ mới phải chọn 2 quyển. Và bỏ hẳn cái gọi là "tặng thưởng"…

- Và, vì thế mà thơ bị ách lại, tiểu thuyết lên ngôi (giải thưởng duy nhất về sáng tác năm nay được trao cho tiểu thuyết "Và khi tro bụi" của tác giả Đoàn Minh Phượng - PV). Ông có thể cho biết phản ứng của các thành viên trong Hội đồng Thơ thế nào trước việc năm nay không có giải cho thơ?

+ Anh em trong Hội đồng cũng không ai nói gì. Có lẽ họ thấy kết cục như vậy cũng có lý. So với năm ngoái, năm nay người ta thích 2 tập thơ được đưa vào chung khảo bởi đó là của những tên tuổi mới. Nhưng về chất lượng, họ thấy nó cũng chưa hoàn toàn thuyết phục. Ngay khi bỏ phiếu để đưa lên vòng trên, cả hai tập cũng chỉ được hơn quá bán một chút.

- Ông có thể cho biết đó cụ thể là những tập thơ nào? Và nếu có thể được: Số phiếu ở vòng chung khảo dành cho mỗi tập và nhận xét, đánh giá riêng của ông về từng tập thơ?

+ Đó là các tập "Bùa lá" của chị Nguyễn Thị Đạo Tĩnh và "Họa mi năm ngoái" của chị Trần Kim Hoa. Thật ra, để nói, để phân tích cho thấu đáo thì phải viết cả một bài dài, song ở đây tôi cũng chỉ xin nói một vài ý chính.

Theo tôi tập "Họa mi năm ngoái", so với Trần Kim Hoa là một bước tiến dài. Nó không đi vào những việc cụ thể mà nói những bước chuyển biến của tâm hồn. Cái giỏi là có những ý tưởng le lói trong lòng tác giả, tác giả e ấp, muốn giấu đi song mọi người vẫn thấy. Đấy là do cách sử dụng kỹ thuật lẫn thao tác tư duy.

Ở tập thơ của chị Đạo Tĩnh, có những điều được nói "rõ" hơn, thành ra nó lại hơi thiếu chất khơi gợi. Tôi tiếc cho tập thơ của Trần Kim Hoa, chỉ thiếu một phiếu nữa thôi là tác giả với tay tới giải thưởng. Ở vòng chung khảo, chị được 5/11 phiếu.

- Theo như báo chí công bố thì danh sách Hội đồng Chung khảo giải thưởng của Hội năm nay có 11 người, trong đó chỉ 4 người là chuyên về thơ. Phải chăng đây cũng là một thiệt thòi cho thơ khi mà ai cũng biết: Cái hay của một tập văn xuôi thường bao giờ cũng dễ được nhận biết và đồng nhất hơn so với một tập… văn vần - một thể loại mang tính đặc thù?

+ Xin nhường lời cho các thành viên khác trả lời câu hỏi này. Cá nhân tôi, tôi chỉ có thể nói rằng: Thực sự tôi lấy làm tiếc cho Trần Kim Hoa. Có lẽ thơ chị quá e ấp, quá tinh tế nên không phải mọi người ai cũng nhận ra chăng?

- Nhà thơ Nguyễn Hữu Quý, trong một bài viết trên báo Công an nhân dân đã nêu hiện tượng: Có những thành viên Ban giám khảo cuộc thi này, cuộc thi nọ nhưng lại lười đọc, thành thử hay mượn ý kiến của người khác. Cho nên ý kiến tưởng là của số đông nhưng thực chất chỉ là của một đôi người. Có hay không tình trạng ấy trong Hội đồng Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm nay?

+ Năm 1991, khi tôi trong Ban giám khảo chấm giải cho các tập thơ của Trương Nam Hương và Lê Thị Mây, tôi nhớ cũng có thành viên là một nhà thơ cao niên đã hồn nhiên nói với tôi: "Khi bỏ phiếu cho Lê Thị Mây, tôi đọc chưa nhiều và cũng chưa hiểu lắm về thơ của cô Mây, nhưng thấy ông Vũ Quần Phương viết giới thiệu khen hay, thì tôi cũng bỏ". Ấy là chuyện ngày trước.

Năm nay, không rõ sự "ảnh hưởng" lẫn nhau giữa ý kiến của các thành viên trong Hội đồng như thế nào, nhưng theo tôi quan sát thì anh em cũng đọc cả đấy. Bằng chứng là khi thảo luận, ai cũng lên tiếng phát biểu với những mảng ý kiến riêng, có tính phát hiện, chứng tỏ họ có đọc. Còn giả sử trước đó, nếu họ có chịu "ảnh hưởng" ý kiến của nhau thì theo tôi nghĩ cũng là điều bình thường, và thậm chí cũng là cần thiết…--PageBreak--

- Ông có nhận xét gì về tập thơ "Khúc hát trái tim" của thần đồng thơ Mỹ Mattie Stepanek do nhà thơ Hữu Việt dịch và được Hội Nhà văn trao giải năm nay? Có ý kiến cho rằng, nếu bỏ qua phần nhân thân của tác giả (Mattie Stepanek mất năm 14 tuổi, tập thơ được tác giả hoàn thành khi còn rất ít tuổi - PV) thì chất lượng thơ cũng không có nhiều điểm đáng bàn?

+ Về tập thơ ấy, phải khẳng định công trước nhất của anh Hữu Việt là đã chọn được một tác giả tiêu biểu để dịch. Và trong số 240 bài mà tác giả nhỏ tuổi này để lại, anh cũng đã chọn được những bài tiêu biểu. Tôi chưa biết trình độ người dịch như thế nào.

Ban Chung khảo chưa có điều kiện đối chiếu với nguyên bản, song đọc bản dịch, ta thấy tập thơ có nhiều ý tưởng sâu sắc, đụng vào những vấn đề rất "triết gia", phải là người bạc đầu mới nghĩ được, mà giọng điệu thì vẫn ra giọng điệu trẻ con. Tôi nghĩ cái thành công của tập thơ là ở đấy.

- Trở lại với vấn đề giải thưởng dành cho các tập thơ trong nước. Ông nghĩ thế nào khi có ý kiến cho rằng, giải thưởng hằng năm của Hội Nhà văn Việt Nam nên được xét theo kiểu "bó đũa chọn cột cờ", tức là kiểu gì cũng phải có giải, chứ đừng so sánh năm nay với năm trước. Bởi thực tế, tác phẩm của mỗi giai đoạn có thể được xét thưởng bởi những Hội đồng khác nhau, vì thế mà tiêu chí nghệ thuật được đặt ra cũng không hẳn đã giống nhau?

+ Nếu thế thì cách chọn phải là chọn tác phẩm có phiếu cao nhất dành cho mỗi thể loại chứ không phải chọn tác phẩm có số phiếu quá bán. Tôi thì tôi nghĩ thế này: Dân tộc ta là một dân tộc rất yêu thơ. Hầu như ai cũng có thể làm được thơ. Song thực tế cũng có năm thơ “được mùa”, có năm "thất bát". Như trường hợp thơ của các cụ ở các câu lạc bộ, làm sao trao giải được.

Bởi vậy, nếu cứ nhất nhất phải có mới được, thì trước phản ứng của dư luận, chúng tôi biết giải thích thế nào. Chẳng lẽ lại phải gắn thêm ở đằng sau mỗi tập thơ được giải dòng chú thích: "Đây là thơ của năm… mất mùa, mong mọi người thông cảm" à?

- Theo như cách ông nói thì có thể suy ra năm nay là một năm "mất mùa" thơ. Vậy xin được hỏi, số lượng tác phẩm mà ông và các thành viên trong Hội đồng Thơ phải đọc để xét thưởng có thực sự nhiều lắm không?

+ Rất nhiều. Chủ yếu là thơ ở các câu lạc bộ. Có tới 3/4 tác phẩm gửi đến Hội để dự xét thưởng là của những người chưa đăng báo lần nào. Thêm nữa là thơ được giới thiệu bởi các công ty sách. Trường hợp các nhà thơ hội viên tự tiến cử mình rất ít. Có thể do họ ngại. Ngay như những tập đưa vào chung khảo cũng là do anh em trong Hội đồng Thơ giới thiệu, chứ không phải do Ban Sáng tác tập hợp. Tiến tới, việc làm này ngày càng phải được nhấn mạnh, bởi đó cũng chính là trách nhiệm của Hội đồng Thơ.

Còn việc thơ ồ ạt đăng ký dự giải, có lẽ cũng phải tính tới nộp lệ phí thế nào. Nhiều nước đều làm thế cả. Chứ không, các "bác" cứ gửi tới xối xả thế này, "chúng em" đọc mất công lắm. Tất nhiên, có những cuốn chỉ cần đọc dăm bài là có thể "loại" được ngay, song vì theo qui định phải có hai người đồng ý mới loại được, và nếu trong Hội đồng chỉ cần một người yêu cầu giữ lại, là phải giữ lại - thủ tục chặt chẽ thế nên cũng…mệt! 

- Ở ta,  mặc dù theo thông lệ thì việc bình xét giải thưởng bao giờ cũng được thực hiện bằng phương thức bỏ phiếu kín, song trong thực tế, các thành viên giám khảo khi trả lời đây đó trên báo chí lại hay nói toạc quan điểm của mình, khiến cho việc kín - hở của lá phiếu không còn mấy ý nghĩa. Vậy theo ông, tiến tới Hội Nhà văn có nên xét trao giải bằng biểu quyết công khai để tất cả các thành viên phải tự chịu trách nhiệm về ý kiến của mình không? 

+ Thật ra, đây là luật chơi theo kiểu tú lơ khơ. Bỏ phăng teo hay để phăng teo đều được. Tuy nhiên, do ở ta, đa phần người viết vẫn mang nặng tâm lý "văn mình vợ người", thành thử nếu công khai ý kiến dễ gây hằn thù. Với tôi, việc công khai lá phiếu tôi không ngại. Khó người khó ta. Nó làm cho các thành viên thêm trách nhiệm với lá phiếu của mình.

Còn một khi đã quy ước với nhau là bỏ phiếu kín, thì khi phát biểu, cần phải giữ chừng mực. Ví dụ, anh chỉ nên nói kết quả số phiếu, chứ đừng nên nói tôi bỏ, dù là nói thật. Nói vậy dễ khiến người ta suy ra người khác. Làm như thế là "phản thùng" nhau.

- Xin cảm ơn nhà thơ Vũ Quần Phương

.
.