Không thể mượn danh nghệ thuật để vượt qua giới hạn đạo đức

Thứ Năm, 13/08/2015, 08:00
Mấy bữa rồi, trên mạng xã hội ồn ào xoay quanh những bức ảnh chụp một cô bé thuộc diện "hot girl" trong trang phục thổ dân bán nude khá phản cảm. Những bức ảnh đó thực chất là ảnh hậu trường một buổi chụp hình nude nghệ thuật của một nhiếp ảnh gia cũng có tên tuổi đã bị một thành viên trong ê kíp tổ chức thực hiện tung lên mạng.

Khi sự việc còn chưa rõ ràng, đã có khá nhiều ý kiến cho rằng có thể cô bé kia, trong trào lưu thèm khát sự nổi tiếng, đã tự tung hình ảnh của mình lên để mưu cầu thu hút sự chú ý của cộng đồng. Nhưng sau đó, khi chính một nhiếp ảnh gia thừa nhận đó là sơ suất thuộc ê kíp của mình, dư luận đã phần nào giảm nhẹ sức ép lên cô bé, được biết là mới chuẩn bị bước vào tuổi 16.

Theo như nhiếp ảnh gia kia lên tiếng, ê kíp chụp gồm 5 nhiếp ảnh gia chính và hai cá nhân khác nữa. Và người tung các tấm ảnh hậu trường ngực trần lên mạng chính là một trong 5 nhiếp ảnh gia chính đã tham gia buổi chụp hình kể trên.

Thực chất, mục đích ban đầu của những tay máy kia là thực hiện một bộ ảnh bán nude nghệ thuật. Song, khi nghệ thuật đã bị che mờ con mắt bởi sự dung tục, nó đã biến tướng thành một thứ rẻ tiền mà kéo theo đó là nhiều bình luận rất xác đáng của cộng đồng mạng như "khiêu dâm"; "trần tục"; "phản cảm"…

Từ xưa tới nay, những tranh cãi về ảnh nude nghệ thuật ở Việt Nam đã diễn ra khá thường xuyên bởi lằn ranh mong manh giữa nghệ thuật và dung tục. Chuyện những nhiếp ảnh gia đam mê chụp nude tổ chức các buổi chụp cũng không phải là chuyện hiếm. Và thậm chí cả việc chụp xong rồi, ảnh hậu trường bị rò rỉ ra ngoài cũng là việc đã từng diễn ra nhiều lần. Ở thời kỹ thuật số này, chỉ cần một cú nhấp chuột thôi, ta có thể cho cả thế giới biết mình đã làm gì, đang có gì trong tay.

Song, chuyện của cô bé “hot girl” kể trên lại là một sự việc có tính chất khác hẳn. Đơn giản, nó liên quan đến trẻ vị thành niên, điều cấm kỵ trong nghệ thuật nhiếp ảnh nude trên thế giới.

Nói về đạo đức nghề nghiệp, không một xứ sở văn minh nào trên trái đất này chấp nhận chuyện chụp ảnh nude trẻ em. Còn nói về quy định của pháp luật, việc ê kíp 7 người kể trên mời một cô bé chưa qua tuổi 15 chụp hình nude mà không có sự đồng ý của cha mẹ cô ấy chắc chắn là hành vi vi phạm mang tính hình sự.

Đó là còn chưa kể tới việc tự ý phát tán hình ảnh mà không được sự đồng ý của đối tượng cũng là hành vi vi phạm nghiêm trọng quyền nhân thân của đối tượng ấy. Vậy mà ở trong trường hợp này, gần như không có một tiếng nói nào của pháp luật để bảo vệ cô bé 15 tuổi nọ.

Đã đến lúc chúng ta phải nhìn thẳng vào sự thật rằng không thể mượn danh nghệ thuật để làm những điều vượt qua giới hạn của đạo đức và pháp luật. Có một nhà thơ lớn đã từng nói "Nghệ sỹ là người được cộng đồng "cấp" cho một cái quyền ưu tiên trong các giới hạn đạo đức của đời sống. Song nghệ sỹ chân chính không thể lợi dụng cái quyền ưu tiên mang đầy tính ưu ái đó được".

Và điều nực cười nhất của câu chuyện các "nhiếp ảnh gia" đi "săn bắt con nghệ thuật giả hiệu" bằng việc gạ cô bé 15 tuổi kia chụp ảnh bán nude chính là toàn bộ ý tưởng của bộ ảnh ấy đã được phát hiện là nhái lại một bộ ảnh tương tự của Mỹ…
Đan Anh
.
.