Ca nương Kiều Anh:

Không ngại ‘đường xa vạn dặm’

Thứ Năm, 14/05/2015, 08:00
Năm 2010, khi bộ phim "Long Thành cầm giả ca" của đạo diễn, NSND Đào Bá Sơn ra mắt, không ít khán giả bất ngờ khi biết giọng hát trong vắt thể hiện bài ca trù "Đò đưa" là ca nương Kiều Anh, khi ấy mới 16 tuổi. 

Năm 2012, trong đêm nhạc world music "Khởi nguồn", sự xuất hiện của cô gái bé nhỏ ấy bên cạnh những nghệ sĩ tên tuổi trong nước và quốc tế như Thanh Lam, Nguyên Lê, Dhafer Youssef (Tunisia)và Rhani Krijia (nghệ sĩ người Đức gốc Marocco) thêm một lần nữa khiến những người yêu nhạc phải ngỡ ngàng. Và gần đây, liên tục tại các sân khấu lớn, ca nương tài năng này đã góp phần không nhỏ đưa ca trù từ không gian biểu diễn sân đình đến với nhiều đối tượng công chúng trong và ngoài nước.

Chúng tôi ngồi trò chuyện cùng Kiều Anh tại phòng khách của gia đình, nơi có treo bức chân dung khá lớn của ông nội cô, nghệ nhân ca trù Nguyễn Văn Mùi, cũng là nơi mà Kiều Anh cùng nhiều chị em trong gia đình đã được ông dạy cho những nhịp phách đầu tiên.

Là thế hệ thứ 7 của gia tộc và là "hạt giống" của giáo phường ca trù Thái Hà nổi tiếng, ngay từ năm 9 tuổi, Kiều Anh đã là một ca nương thực thụ, được chọn biểu diễn trong khóa đào tạo về ca trù đầu tiên của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch.

Cuộc trò chuyện này của chúng tôi diễn ra chỉ trước chuyến đi Pháp của cô mấy ngày. Lần này, Kiều Anh cùng với nghệ sĩ sáo trúc Nguyễn Hoàng Anh và nghệ sĩ biểu diễn nhạc cụ dân tộc Ngô Hồng Quang tham gia biểu diễn trong chương trình của nghệ sĩ Nguyên Lê (nghệ sĩ người Pháp gốc Việt). Đây là lần thứ 2 ca nương Kiều Anh hợp tác cùng người nghệ sĩ nổi tiếng này sau đêm nhạc "Khởi nguồn", đêm nhạc đầu tiên của dự án âm nhạc quốc tế "Nguồn cội" mà nhạc sĩ Quốc Trung thực hiện cùng nhóm nghệ sĩ "Đường xa vạn dặm".

Tại đêm nhạc ấy, dù biểu diễn cạnh những nghệ sĩ tên tuổi nhưng ca nương Kiều Anh đã hoàn toàn chinh phục được những khán giả khó tính nhất bằng giọng hát ngọt ngào, bản lĩnh sân khấu qua những tác phẩm âm nhạc dân gian như "Lý mười thương", "Lý qua đèo", "Vọng nguyệt", "Huyền thoại".

Không chỉ có vậy, lần đầu tiên, Kiều Anh mạnh dạn làm mới những bài hát này qua phong cách world music với hòa âm hiện đại và phức tạp của Nguyên Lê, Quốc Trung. Kiều Anh chia sẻ: "World music là một thể loại còn rất mới mẻ đối với thị trường âm nhạc Việt Nam, ở đó có sự hòa trộn tinh tế của âm nhạc dân gian với tiết tấu và hòa âm đương đại. Tôi rất muốn thông qua loại hình âm nhạc này để mang ca trù tới cho nhiều đối tượng khán giả trẻ, để thêm nhiều người hiểu và yêu ca trù".

Xuất hiện liên tục trên các sân khấu lớn, được ví là "của hiếm" của sân khấu ca nhạc, nhưng khi hỏi Kiều Anh rằng cô muốn khán giả nhớ tới mình và gọi mình là "ca sĩ" hay "ca nương"? Kiều Anh khẳng định lúc nào cũng muốn khán giả hãy nhớ đến cô là một ca nương: "Không hiểu sao, dù đã rất quen thuộc nhưng khi nghe từ ca nương tôi luôn thấy nó rất đẹp. Hơn nữa, tôi được mọi người biết đến và yêu thương là nhờ ca trù.

Nếu bạn để ý sẽ thấy dù hát nhạc dân gian hay truyền thống nhưng tôi đều gửi gắm chất ca trù trong đó". Sinh ra trong gia đình đã có 7 đời theo nghề truyền thống nên ngay từ khi còn nằm trong bụng mẹ, tiếng trống, tiếng phách và những giai điệu ngân nga dường như đã ngấm vào hồn Kiều Anh. 6 tuổi, Kiều Anh chính thức được ông nội và cô bác dạy hát ca trù.

"Ban đầu, cả nhà bảo tập hát thì tập thôi chứ tôi không thích lắm. Nhất là khi thấy các bạn bằng tuổi đi tập văn nghệ thì được mặc váy áo đẹp, đứng biểu diễn trên những sân khấu rực rỡ ánh đèn. Rồi bị các bạn chê là "già" tôi cũng có chút tủi thân. Nhưng rồi, tình yêu với ca trù ngấm vào máu thịt mình từ lúc nào không rõ. Cứ nghe thấy tiếng đàn, tiếng trống là tôi như một con người khác hẳn" - Kiều Anh chia sẻ.

Với ca nương Kiều Anh, người có ảnh hưởng nhất tới sự nghiệp của cô, người thầy đầu tiên dạy cô câu hát đầu tiên chính là ông nội, nghệ nhân Nguyễn Văn Mùi. Cô bé Kiều Anh luôn được ông nội ở bên kèm cặp, đầu tiên là những nhịp phách. Lên sáu tuổi, Kiều Anh vừa tập đánh vần, vừa tập hát. Ca trù chứa nhiều lời cổ nên không hề dễ dàng với một cô bé mới chỉ đang nhận mặt chữ. Nhưng rồi, nhịp phách và lời ca vẫn cứ hòa quyện ngân vang bởi chất giọng trong trẻo của cô bé dường như sinh ra là để cho ca trù. Kiều Anh tâm sự, ông nội cô là người rất nghiêm khắc trong việc hướng dẫn các cháu học hát. Nhưng cụ cũng là người tận tình chỉ bảo các cháu từng chút một từ việc làm quen từ hát câu ngắn chưa đòi hỏi gì về kỹ thuật sau đến người học phải thuộc 5 khổ đàn và 5 khổ phách trong một buổi để tiến đến ca nương phải vừa hát, vừa gõ phách trong lúc biểu diễn. Và quan trọng nhất, cũng khó nhất khi học ca trù, đó là nảy hạt - ngân tiếng hát không liên tục mà ngân ngắt quãng như nói.

Đây là cách hát - nói như Giáo sư Trần Văn Khê - là "nảy hạt ca trù giống như hạt trân châu rơi xuống mâm vàng". Tài năng và sự khổ luyện đã giúp cho giờ đây Kiều Anh là một trong những ca nương có giọng hát sáng, vang chắc và nảy hạt. NSND Thanh Ngoan từng thừa nhận: "Không phải nghệ sĩ lâu năm nào cũng hát nảy hạt được như Kiều Anh".

Ca trù đã giúp Kiều Anh may mắn gặp được những người thầy quý trong con đường làm nghệ thuật của mình. Và không thể không kể tới Quốc Trung. Nổi tiếng là nhạc sĩ kỹ tính, nghiêm túc trong công việc, không phải ai cũng có cơ hội hợp tác với người nhạc sĩ này.

Kiều Anh biểu diễn ca trù cùng các thành viên trong gia đình.

Khi nhạc sĩ Quốc Trung đảm nhiệm phần âm nhạc trong bộ phim cổ trang "Long Thành cầm giả ca", anh đã quyết định chọn Kiều Anh lồng tiếng hát cho vai ca nương trong phim sau khi được Học viện Âm nhạc Quốc gia giới thiệu và nghe kỹ tiếng hát của cô. Lần cộng tác đầu tiên đó đã mở ra cơ hội cộng tác tiếp theo giữa cô và nhạc sĩ này bằng đêm nhạc "Khởi nguồn" cùng nhiều cơ hội làm việc với các nghệ sĩ quốc tế khác.

Cá tính âm nhạc riêng biệt, nhưng trên tất cả là tình yêu ca trù mãnh liệt ở một người trẻ đã thuyết phục những nghệ sĩ yêu âm nhạc dân gian mời ca nương bé nhỏ này cộng tác. Và đây cũng chính là một bước ngoặt quan trọng trong sự nghiệp của Kiều Anh.

"Trong công việc, nhạc sĩ Quốc Trung thực sự là người rất khó tính. Khi tập luyện, chỉ cần có một nốt phô, vênh là nhạc sĩ kiên quyết yêu cầu hát đến khi nào được mới thôi. Nhưng không chỉ tận tình về mặt chuyên môn, chú còn thường xuyên nhắc nhở, chỉ bảo cho tôi những cách ứng xử trong cuộc sống. Ngày xưa, mỗi lần tập xong tiết mục của mình là tôi về ngay. Sau, chú Trung nhắc tôi nên ngồi lại để xem, quan sát, học hỏi các nghệ sĩ khác".

Giờ đây, ngoài biểu diễn ca trù truyền thống cùng gia đình, theo học đàn tranh, Kiều Anh còn miệt mài theo đuổi thể loại world music: "Tôi còn trẻ và nhiều mơ ước nên sẽ cố gắng hết sức để nhiều người biết tới ca trù hơn". Kiều Anh suy nghĩ, nhiều bạn trẻ hiện nay không thích âm nhạc truyền thống. Cùng với sự giúp đỡ của các nhạc sĩ nổi tiếng, cô là người đầu tiên quyết định phá cách, mạnh dạn mang ca trù kết hợp với nền nhạc hiện đại.

Trước những lo ngại rằng sự kết hợp này sẽ làm sai lệch đi nguyên bản ca trù, Kiều Anh tự tin chính truyền thống gia đình, định hướng từ các nghệ nhân là người thân trong gia đình đã giúp cô dù làm gì cũng chỉ với mục đích bảo vệ và phát huy những nét đẹp văn hóa truyền thống, mang ca trù tới nhiều đối tượng công chúng hơn.

Trò chuyện cùng ca nương tài năng này mới thấy ở trong cô gái trẻ đầy nhiệt huyết này là những sự đối lập rất thú vị. Bên trong một cô gái với gương mặt đậm chất Á Đông, mái tóc đen dài chưa bao giờ cắt, nhuộm là đầy đủ sở thích hiện đại của một người trẻ. Ăn, ngủ cùng tiếng cách cách của nhịp phách, âm điệu du dương của đàn đáy nhưng Kiều Anh vẫn yêu thích những thể loại âm nhạc hiện đại như jazz, R & B… Thế nhưng, cũng chỉ cần khoác lên mình trang phục của bộ môn ca trù thì dường như Kiều Anh trở thành một con người khác hẳn: yểu điệu, đoan trang, thâm trầm cùng những lời ca, giai điệu cổ.

Nhiều lần đi biểu diễn nước ngoài, Kiều Anh thấy khán giả nước ngoài rất mê ca trù, đặc biệt khán giả Pháp. Họ có thể xem biểu diễn ca trù 2 tiếng liền. Kiều Anh chia sẻ, có lần, vừa đặt chân tới Pháp thì bị ốm. Đau đầu, nhức mỏi toàn thân nhưng không hiểu sao ở cánh gà thì nằm bẹp nhưng cứ lên sân khấu là Kiều Anh lại hát như nhập đồng.

Kiều Anh tâm niệm, ca trù cho mình quá nhiều. Từ những giải thưởng, những phần thưởng danh giá từ khi còn rất nhỏ đến sự yêu quý của khán giả. Chính vì thế, dù còn muôn vàn khó khăn nhưng tiếp nối truyền thống gia đình, giữ gìn nghiệp Tổ là sứ mệnh tự nhiên, là tình yêu máu thịt đối với ca nương tài năng và xinh đẹp này.

Thảo Duyên
.
.