Diễn viên hài:

Không có khái niệm “đào tạo diễn viên hài”

Chủ Nhật, 02/10/2005, 07:19

“Trường dạy hài kịch ở nước ta không có và theo tôi cũng không quá cần thiết. Bởi vì tôi nghĩ không có khái niệm đào tạo diễn viên hài. Cái duyên khi bước lên sân khấu và làm cho khán giả cười là cái duyên trời cho, dù anh có học ở trường lớp mười đến hai mươi năm cũng không thể có được. “, nghệ sĩ hài Vân Dung nói.

- Nhưng chúng ta cũng không thể phủ nhận vai trò của kiến thức. Một diễn viên tài năng đến đâu thì cũng cần phải được trang bị kiến thức về nghề. Trường đạo tạo các diễn viên hài nếu có, thì theo chị, vai trò của nó sẽ là gì?

- Như bạn đã nói, đối với diễn viên hài thì trường học chỉ là nơi trang bị kiến thức làm cho diễn viên tự tin hơn và biết gây ấn tượng với công chúng khi bước chân lên sàn diễn. Đó là nơi các nghệ sĩ tên tuổi có thể đến và truyền dạy kinh nghiệm cho các thế hệ kế cận, chứ không phải cứ vào đó học là khi ra trường anh sẽ trở thành một diễn viên hài.

- Có thể hiểu chương trình “Gặp nhau cuối tuần” là mảnh đất tốt cho chị và nhiều diễn viên khác trở thành các diễn viên hài chuyên nghiệp?

- Đúng là chương trình “Gặp nhau cuối tuần” đã làm nên tên tuổi của tôi. Một chương trình truyền hình có thế mạnh ở chỗ nó có lượng khán giả đông đảo, vì thế nghệ sĩ cũng nhanh chóng được công chúng thuộc tên, quen mặt. Khi mình tham gia vào chương trình của một nhà hát, khán giả chọn lọc hơn nhưng số lượng thì có hạn. Và không phải lúc nào nhà hát cũng có vở diễn hài cho mình tham gia. Các nghệ sĩ chúng tôi phải nói cảm ơn “Gặp nhau cuối tuần” vì nhờ chương trình chúng tôi có dịp được học hỏi lẫn nhau nhiều hơn, có nhiều hơn cơ hội được xuất hiện trước khán giả. Luôn luôn được làm nghề, đó là hạnh phúc của một diễn viên như tôi.

- Xin hỏi, đã bao giờ nghệ sĩ Vân Dung gặp phải hoàn cảnh là mình cố gắng chọc cười khán giả trên sân khấu, nhưng khi nhìn xuống thì...chẳng thấy khán giả nào cười chưa? Cảm giác của chị lúc đó thế nào?

- Tôi đã từng gặp phải tình huống đó rồi. Là khi Nhà hát Tuổi trẻ mang hài kịch đi lưu diễn ở miền Tây Nam Bộ. Các diễn viên miền Bắc thường nói nhanh và khán giả thì không quen với giọng Bắc. Thành ra, người ta nghe tên các nghệ sĩ thì mua vé đến xem rất nhiều nhưng khi mình diễn xuất trên sân khấu với tất cả nhiệt tình để mong muốn mang lại cho khán giả những tiếng cười thoải mái thì lúc nhìn xuống dưới... thấy khán giả im phăng phắc. Không có ai cười cả. Tôi toát cả mồ hôi, tự hỏi sao mình hôm nay lại vô duyên thế nhỉ? Hóa ra là khán giả chưa kịp hiểu ra giọng Bắc của diễn viên để mà cười. Anh em diễn viên chúng tôi mỗi lần về các vùng sông nước Nam Bộ biểu diễn phục vụ bà con thường đùa nhau: mình sắp đi diễn cho “Tây” xem. Thường là chúng tôi phải điều chỉnh lại vở diễn, nhả chữ sao cho phù hợp, để bà con xem có thể hiểu được giọng Bắc, để còn cười vui chứ. Diễn hài mà khán giả không cười thì còn gì chán bằng.

- Là diễn viên được nhiều khán giả yêu mến, nhưng tự đánh giá về bản thân thì  Vân Dung thấy nhược điểm lớn nhất của mình trong diễn xuất là gì?

- Nhược điểm lớn nhất của tôi trong diễn xuất là hay nói nhịu, nói lắp. Có lẽ là tôi nói quá nhanh. Cũng có khi ở trên sân khấu mình không điều chỉnh được lời nói vì đang chú tâm vào động tác nên thỉnh thoảng buột mồm nói nhịu, nói ngược một vài chữ. Nhiều khi tôi cũng bị khán giả hiểu lầm, báo chí hiểu lầm, cho rằng mình cố ý nói lái điều này sang điều kia. Trước khi lên sân khấu bao giờ tôi cũng cố gắng kiểm soát bản thân mình, để tránh những sai sót đáng tiếc trong lúc mình diễn xuất. Tôi cũng có tật đãng trí, hay quên lời thoại. Có lần tôi ra đứng giữa sân khấu rồi mà không nhớ mình phải bắt đầu những nói gì. Càng cố nhớ tôi càng quên. May mà tôi nhanh trí quay sang hỏi bạn diễn một câu như đang diễn: “Mình ơi tôi định nói gì ấy nhỉ?”.

- Chị thấy mình diễn hài cùng với diễn viên nam nào thì hợp nhất?

- Tôi thích diễn chung với nghệ sĩ Quang Thắng. Vì anh ấy là người rất thông minh, hóm hỉnh, chăm chỉ, và hiểu ý tôi rất nhanh.

- Xin cảm ơn chị Vân Dung

Phạm Trần Tuấn Anh
.
.