Không có chuyện được mùa hay mất mùa thơ

Thứ Bảy, 05/04/2008, 10:00
Đã có quá nhiều người định nghĩa thơ, trong đó có những nhà thơ nổi tiếng và các nhà phê bình lớn. Nhưng thơ cũng như cuộc sống, phần nhiều tự nó vận động. Chưa nói, nhiều khi tổ chức tác động, kết quả lại trái ngược.

Tôi rất ngờ những cuộc vận động, những phong trào sáng tác thơ. Nó có thể tác dụng trước mắt cho xã hội, nhưng lại rất ít tác dụng cho thơ. Vì thế, tôi không vui mà cũng không buồn về thơ hiện nay. Thơ có đúng như nó vốn có. Không thể có chuyện được mùa thơ hay mất mùa thơ.

Thật khó mà khuyên một người làm thơ, kể cả các nhà phê bình lớn. Nhà thơ giống như người đầu bếp giỏi và người tạo mốt tài năng sáng tạo ra những món ăn ngon độc đáo và kiểu quần áo đẹp độc đáo. Giống như Lang Liêu sáng tạo ra bánh chưng bánh dày và người tạo ra chiếc áo dài Việt Nam mãi mãi còn được thể hiện trong cuộc sống. Nhà thơ luôn coi mình là thứ nhất, luôn luôn tin vào khả năng sáng tạo của mình, đó là điều quan trọng cho sự thành công của thơ.

Sáng tác thơ là một nghệ thuật đặc biệt, tuy không huyền bí. Ibutalíp (Đaghextan - Nga) chỉ làm được những bài thơ hay ở trong căn nhà hầm cũ kỹ của mình; Lý Bạch (đời Đường -Trung Quốc) càng uống rượu cảm hứng thi ca càng nồng. Nhà thơ sáng tạo giống như những cặp tình nhân đẹp, phải biết yêu, thông minh đến mức say đắm. Tôi thấy không có sự đối lập giữa đắm say và trí tuệ. Đắm say đến đỉnh cao sẽ thành trí tuệ, trí tuệ đến tận cùng sẽ thành đắm say.

Sự tác động của phê bình thơ hiện nay với các nhà thơ rất ít, bởi phần lớn là sự tác động không có nghệ thuật. Các nhà thơ thường cười khi đọc các nhà phê bình. Họ cho rằng các nhà phê bình chẳng hiểu mấy về thơ.

Do đâu mà có sự bất cập này. Sự thật là có rất nhiều người làm thơ nhưng không phải nhà thơ, và cũng có nhiều người viết phê bình thơ nhưng không phải là nhà phê bình. Bởi phê bình nghệ thuật không phải chỉ là một lĩnh vực khoa học mà còn đòi hỏi các nhà phê bình phải là những nghệ sĩ. Nhà phê bình Hoài Thanh nghệ sĩ hơn rất nhiều một số nhà thơ lãng mạn cùng thời. Những tác phẩm nghệ thuật chỉ được hiểu đúng bằng trí tuệ và trái tim nghệ sĩ. Nó giống như máy thu và máy phát phải cùng kênh. Không có tâm hồn nghệ sĩ không thể phê bình văn chương được, đặc biệt là phê bình thơ.

Còn làm thế nào để có thơ hay? Đó là câu hỏi không thể trả lời được. Thơ hay giống như người đẹp, ở đời đâu có nhiều. Không ai có thể phấn đấu để đẻ ra được những đứa con đẹp. Cùng lắm là chỉ phấn đấu để đẻ ra được những đứa con khỏe. Mà trong nghệ thuật thì con khỏe chưa phải là con. Thậm chí, con khỏe mà xấu thì lại thật là tai hại.  

Nhiều người nói đến cái phi lý và sự khó hiểu của thơ. Nếu thơ thật sự phi lý và thật sự khó hiểu thì dứt khoát không phải là thơ hay. Cái phi lý của nghệ thuật là phi lý hình thức chứa đựng sự hợp lý ở vô cùng. Ví dụ, hai câu ca dao: Ra đường mắt mải nhìn anh - Để chân em đá đổ thành nhà vua. Đó là sự hợp lý đến tự nhiên mà không ai thấy là phi lý.

Có thơ hay dễ hiểu và cũng có thơ hay không dễ hiểu ngay, nhưng đến mức khó hiểu, đến mức ngay cả các nhà thơ và các nhà phê bình thơ cũng không hiểu nổi thì dứt khoát có sự nhiễu loạn hoặc… chập mạch. Thơ hay giống như người con gái đẹp, mỗi người mỗi vẻ, dẫu mộc mạc hay hiện đại thì mọi người cũng phải thấy là đẹp.

Trước hết, nguyên thủy phải đẹp, khác nhau ở áo quần và trang điểm. Có thể mới nhìn chưa thấy thật đẹp, nhưng càng nhìn lâu càng thấy đẹp chứ không có vẻ đẹp nào mà nhìn mãi cũng không ai thấy đẹp, dẫu ta chấp nhận cả vẻ đẹp đơn sơ và vẻ đẹp phức tạp. Câu thơ của Nguyễn Trãi tả cây chuối: Đầy buồng lạ màu thâu đêm mỗi người hiểu một khác, nhưng đều thấy là câu thơ hay.

Cha ông ta để lại cho con cháu nhiều truyền thống tốt đẹp, trong đó có hai truyền thống nổi bật có thể tự hào cùng nhân loại là đánh giặc và làm thơ. Mong sao truyền thống đánh giặc chúng ta không bao giờ phải phát huy nữa mà chỉ để ngợi ca và chiêm ngưỡng. Còn truyền thống làm thơ hãy phát triển không ngừng để hội nhập cùng nhân loại, chứ đừng xếp nó vào viện bảo tàng, rồi đi học các nền thơ khác mà bảo rằng nó mới, nó lạ, nó hiện đại.

Tất nhiên không thể học mãi cha ông một điệu thơ lục bát hay song thất lục bát cổ... Thời đại mới cần những thể loại mới, nội dung mới và cách diễn đạt mới. Đi tìm, vật vã và trăn trở để xây dựng một nền thơ hiện đại của dân tộc, theo tôi đó là nội dung chủ yếu của nền thơ chúng ta trong hơn hai thập kỷ đổi mới.

Trong sự vật vã và trăn trở ấy đã đẻ ra nhiều nghìn tập thơ vô cùng đa dạng, không phải chỉ trăm hoa đua nở trăm nhà nhà đua tiếng mà sự "đua thơ" đã ở cấp số nhân. Nếu tất cả 86 triệu người Việt Nam đều làm thơ cũng không sao, thậm chí còn tốt nữa, vì người làm thơ muốn hay không cũng phải có một tâm hồn văn hóa, và thời gian làm thơ cũng bớt đi thời gian làm những điều xấu khác. Mỗi người tự tạo nên niềm vui để sống yêu đời thì cũng tốt.

Có điều, nếu các phương tiện thông tin, các nhà xuất bản, gần nửa nghìn tờ báo lại đem công bố tất cả những bài thơ ấy thì quả là đại họa. Thơ những năm đổi mới bên cạnh những thành tựu không ai có thể phủ nhận, rõ ràng cũng có một phần tai họa do sự lan tràn quá nhiều thơ dở, thơ xoàng.

Hơn hai chục năm đổi mới là những năm đi tìm vật vã và trăn trở. Sự thể nghiệm diễn ra trong nền thơ và ngay trong từng nhà thơ. Bao nhiêu cuộc hội thảo, bao nhiêu cuộc trao đổi và tranh luận. Có hai quan niệm khá nổi bật qua các cuộc thảo luận là Chữ bầu lên nhà thơ (Chữ dùng của nhà thơ Lê Đạt) và Thơ hiện đại...

Sự ám ảnh của siêu ngôn ngữ (Chữ dùng của nhà thơ Đỗ Minh Tuấn). Thực ra hai nhà thơ này không hề trực tiếp tranh luận với nhau, và họ cũng không hề đứng ra cầm đầu các quan niệm đó, nhưng hai quan niệm ấy lại phản ánh hai mặt của cuộc đấu tranh âm thầm, liên tục suốt những năm qua của nền thơ.

Tôi cho rằng cả hai quan niệm đó đều cực đoan. Một đằng thì quá cổ, một đằng thì thái quá, xa lạ với truyền thống thơ ca. Cả hai quan niệm này đều chỉ nổi ở những tuyên ngôn mà không có thực tế sáng tác đảm bảo, hay nói cách khác ở hai quan niệm này đều có một lực lượng sáng tác nhưng chưa có thành tựu nổi bật có sức thuyết phục. Bởi vì Phu chữ hay Siêu ngôn  ngữ đều là sự cố gắng dụng công. Mà trong nghệ thuật thì mọi sự cố gắng không tự nhiên đều đi liền với của giả. Còn đại bộ phận các nhà thơ thể nghiệm mình ở giữa hai quan niệm đó tuy không kém phần vật vã trăn trở, họ coi trọng nhất hồn thơ, nhưng cũng coi trọng chữ và những ám ảnh toát ra từ ngôn ngữ.

Bây giờ phân định rạch ròi thơ yêu nước và cách mạng, thơ chống Mỹ cứu nước... theo đề tài hay đội ngũ là không khoa học. Chẳng lẽ tập thơ "Điêu tàn" của Chế Lan Viên không phải là thơ văn yêu nước thời kỳ 1930 - 1945? Chẳng lẽ thơ tình Xuân Diệu sáng tác từ 1964 - 1975 không phải là thơ chống Mỹ cứu nước? Có một cái gì đấy rất khó lý giải theo cách hiểu thông thường. Thời kỳ thối nát nhất của chế độ phong kiến Việt Nam lại đâm hoa kết trái một nền văn học nghệ thuật rực rỡ nhất của dân tộc là thế kỷ XVIII - XIX.

Chúng ta tự hào bốn nghìn năm lịch sử chống ngoại xâm oanh liệt, nhưng trong kho tàng ca dao vô cùng phong phú của quần chúng nhân dân, số câu viết về đánh giặc chỉ đếm trên đầu ngón tay. Và tác phẩm văn học viết nổi tiếng nhất về chiến tranh lại là "Chinh phụ ngâm" oán thán chiến tranh phi nghĩa…

Chúng ta hãy chấp nhận những gì lịch sử đi qua và để lại và rút ra bài học cho mình, chứ đừng áp đặt suy nghĩ của mình cho tương lai. Hiện tại là thơ Việt Nam đang vận động, đang thay đổi. Nhưng muốn thay đổi thế nào thì thơ vẫn phải là thơ. Các mốt phải làm cho người phụ nữ đẹp hơn, chứ không được làm mất tính phụ nữ của họ.

Với tinh thần đó, theo tôi là chúng ta nên chờ đợi. Còn các nhà thơ thì nên thể hiện hết mình, những điều mình cho là đẹp. Các nhà phê bình thơ thật sự thấy đẹp thì hãy khen và phải khen chê đến nơi đến chốn. Cách phê bình bốc thơm nhau hay hạ thấp mạt sát nhau đều là kiểu cách của kẻ bất tài, thời nào cũng không được mọi người kính trọng.

Làm sao để ai đã bước vào nghề văn thì phải coi đây là cái nghiệp của mình. Đã là nghiệp thì phải sống thể hiện hết mình một cách trung thực. Những tác phẩm hay sẽ từ đó, không cần hạ quyết tâm phấn đấu, không cần bàn lụân nhiều về phương pháp, mà nó sẽ tự đến, làm chúng ta ngỡ ngàng một cách bất ngờ

.
.